13 thg 2, 2013

Buôn Đôn vào hội

Từ ngày 24 đến 26/3/2012, tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đaklak, cách Buôn Ma Thuột 40 km về phía Bắc đã diễn ra Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2012.

Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức 2 năm một lần. Mặc dù chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 3 ngày, nhưng nội dung hết sức phong phú, độc đáo, đậm đà bản sắc Tây Nguyên. Trong đó có những chương trình đặc sắc như: Lễ cúng bến nước, Lễ cúng sức khỏe cho voi, Lễ đâm trâu, Lễ đua voi, Voi đá bóng… Bên cạnh đó còn có nhiều hoạt động khác như văn nghệ, trò chơi dân gian, ẩm thực, biểu diễn trang phục truyền thống.

Tối 24/3/2012, Lễ khai mạc Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2012 đã diễn ra tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đaklak.


Hàng nghìn người vui mừng nhảy múa quanh ánh lửa bập bùng.

Thanh niên trai tráng các dân tộc trong vùng nô nức đi dự hội.

Theo sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đaklak, lễ cúng bến nước thường được đồng bào Êđê tổ chức vào tháng 3 hàng năm với ý nghĩa cầu cho nước sạch, nước trong, mang lại sức khỏe cho buôn làng. Theo phong tục, lễ vật dâng cúng là 3 con heo (lớn, nhỏ tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi năm), bao gồm cả đầu, mình, đuôi và nội tạng được nấu chín, một con cúng tổ tiên, một con cúng bến nước và một con cúng chủ nhà.

Còn trong lễ cúng sức khỏe cho voi, thầy cúng được mời phải là thầy cúng giỏi, có uy tín và am hiểu tập tục của đồng bào. Lễ cúng được coi là sang trọng và tươm tất khi gia chủ làm trâu ăn mừng, bình thường là heo, nếu không cũng phải là gà… tùy thuộc vào gia cảnh của chủ voi. Các lễ vật bắt buộc đi kèm là rượu cần ít nhất 3 ché, 1 chén gạo có gắn đèn sáp ong, 1 chén cơm, 1 bầu nước, một vài đĩa lòng lợn… Lễ cúng sức khỏe cho voi mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện lòng yêu thương quý trọng của con người đối với vật nuôi có giá trị và qua đó nhắn nhủ mọi người hãy chăm sóc và bảo vệ đàn voi.

Đàn voi của Buôn Đôn tập trung về Buôn Trí A, xã Krông Na để làm lễ cúng sức khỏe.

Thầy cúng tiến hành nghi lễ cúng sức khỏe cho voi.

Hùng tráng hội đua voi Buôn Đôn.

Những chú voi khổng lồ nhưng tỏ ra vô cùng nhanh nhẹn trong cuộc đua.

Những chú voi Buôn Đôn khéo léo và khôn ngoan trong cuộc thi đá bóng.

Đặc biệt nhất trong đêm khai mạc là lễ đâm trâu theo đúng nghi lễ và nghi thức của đồng bào Tây Nguyên. Lễ đâm trâu năm nay được chuẩn bị chu đáo hơn so với mọi năm cả về nghi lễ và nghi thức. Khởi đầu là phần múa xoang của các nghệ nhân xã Krông Na. Trong tiếng cồng chiêng rộn rã và ánh lửa bập bùng, đêm lễ đâm trâu càng thêm phần huyền ảo và linh thiêng. Nhóm tráng sĩ đâm trâu trong trang phục truyền thống với những điệu múa đao, múa giáo điêu luyện gây ấn tượng mạnh cho khán giả và du khách.

Ngày hội đua voi thường diễn ra vào tháng 3, tháng của những con ong rừng đi lấy mật và cũng là thời điểm bắt đầu phát rẫy trồng nương. Đây là mùa khô ráo, nắng đẹp, đường sá đi lại dễ dàng. Đồng bào Buôn Đôn mở hội đua voi cùng với các lễ hội khác như đâm trâu, cồng chiêng... là để chuẩn bị và cầu mong cho một mùa vụ mới tốt tươi.

Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn tuy tổ chức chỉ ở phạm vi cấp huyện, nhưng có nhiều nét tương đồng với các lễ hội truyền thống các dân tộc Tây Nguyên nên đã thu hút khá nhiều du khách trong và ngoài nước

Dân làng náo nức tham dự lễ cúng bến nước. 

Thầy cúng và các tráng sĩ Êđê theo sau hộ tống mâm lễ vật dâng lên cúng thần bến nước.

Lễ vật được bày cúng bên bờ sông Serepok.

Sau lễ cúng trên bờ mọi người tiếp tục đưa lễ vật xuống bến nước để cúng.

Thầy cúng tiến hành nghi lễ cúng bến nước theo nghi thức truyền thống của người Êđê.


Bài và ảnh: Trần Minh Ngọc

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét