24 thg 1, 2013

Ăn thắng dền trên Đồng Văn

Ai lên Đồng Văn (Hà Giang) cũng muốn một lần thưởng thức thắng cố. Thắng cố chỉ ăn trong những phiên chợ. Còn thắng dền, giữa thị trấn hun hút gió mùa đông mà được ngồi bên bếp lửa ăn bát thắng dền, thật không có gì ấm áp và thú vị bằng.



Tối ở Đồng Văn, chúng tôi hay hẹn nhau: “lát đi ăn thắng dền nhé!”. Đây là một món ăn chơi của người Hà Giang nói chung và là món ăn “gọi bạn” quây quầy bên nhau nói riêng ở thị trấn Đồng Văn những đêm đông giá rét. Sau bữa tối với nhiều đặc sản Đồng Văn từ thịt gác bếp đến xúc xích lợn, thưởng thức một bát thắng dền ấm bụng quả là một lựa chọn thanh tao, hợp lý.

Thắng dền trông giống bánh trôi tàu ở Hà Nội, giống bánh cống phù ở Lạng Sơn, được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ. Mỗi viên bột được nặn to hơn đầu ngón tay cái chút xíu, cho vào nồi nước dùng luộc, đến khi nổi lên chủ quán sẽ dùng muôi vớt ra. Thắng dền thơm ngon hay không là ở bát nước dùng, được pha bởi hỗn hợp ngọt ngào của đường, béo ngậy của nước cốt dừa và cay cay của gừng đun nóng. Có thể rắc thêm vừng hoặc lạc cho món ăn thêm bùi. Khách ăn thường bỏ một hai viên thắng dền vào ngậm trong miệng một lúc, ngấm cái vị ngọt béo của nước đường, vị cay se se của gừng tươi, vị bùi ngậy của vừng lạc.

Ngồi chuyện phiếm bên bát thắng dền cùng bạn bè, hỏi chuyện vợ chồng chủ quán và cánh thanh niên đi chơi tối, để hiểu thêm cuộc sống đồng bào nơi địa đầu cực bắc. Bạn tôi còn mang nước cốt táo mèo, rượu vodka ra pha với tabasco cay xè để thưởng thức cùng món quà dân dã. Đêm như dài ra với bao câu chuyện về Phó Bảng, Sủng Là, Mã Pì Lèng, Săm Pun vời vợi...

Nhẩn nha, nhẩn nha, vài chục viên thắng dền đã hết từ bao giờ. Lại chìa bát chờ chủ quán nặn mẻ thắng dền khác. Giá chỉ 5.000 đồng/bát, nhưng ăn đến đâu luộc đến đó, không phải vội vàng. Ấy thế mà có tối đông khách, cũng làm hết vài cân bột gạo. Đám khách ngồi khuya không làm chủ quán nản lòng, hai vợ chồng lại tỉ mẩn nặn thêm hai bát thắng dền, luộc chín, chờ khách vừa ăn vừa rì rầm trò chuyện...

Gió hun hút trên con phố chính chạy qua lòng thị trấn... Ngày mai là ngày chợ phiên, chốn này ắt hẳn sẽ đông vui...

THỦY OCG.

Mật ong bạc hà trên cao nguyên đá


Đến Đồng Văn vào thời gian này, du khách đừng quên ghé thăm chợ và thưởng thức hương vị của mật ong bạc hà. Những cánh hoa bạc hà bắt đầu tỏa hương báo hiệu một mùa thu hoạch mật trên cao nguyên đá Đồng Văn lại đến.


Mật ong bạc hà - đặc sản cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh: Phạm Thảo

Đến với vùng cao núi đá Đồng Văn (Hà Giang) khi cái gió se se lạnh là lúc cây bạc hà tươi xanh và trổ bông tím ngắt. Hương thơm từ mùi hoa ấy quyến rũ và thu hút đàn ong làm mật. Loài cây bạc hà hiếm hoi mọc trên triền đá, trong cái giá lạnh của mùa đông cao nguyên cùng với cả sự cần cù của loài ong cho ta một sản phẩm mang tên mật ong bạc hà.

Một thoáng Lào Cai


Chị Thanh Tâm, Giám đốc công ty Linh Dương, trên đồi chè ở Bát Xát. Ảnh: Lê Hữu Huy.

Nếu so với cách đây hơn 10 năm thì trải nghiệm đi xe lửa của tôi trong chuyến công tác Việt Nam lần này không có gì khác biệt. Vẫn đó cái sân ga ồn ào với tiếng í ới chèo kéo mời gọi hành khách sử dụng các dịch vụ mà nhà ga không cung cấp.

Tinh thần cảnh giác được hun đúc từ những kinh nghiệm đau thương trong những chuyến đi “bụi” trước đây giúp tôi phát hiện một số đối tượng khả nghi muốn móc túi hay lấy trộm đồ của hành khách ngồi trong phòng chờ trước lúc lên tàu.

Say lòng với món nướng Sa Pa

Sa Pa mùa đông, sương quyện trong mây, lạnh trong từng hơi thở. Du khách say cái lạnh của Sa Pa, say cái mù sương phố núi, nức lòng dạo quanh con phố nhỏ nơi trung tâm thị trấn. Và không ai bảo ai, bước chân người cứ tấp dần vào những quán nướng bên đường.


Ấm áp ngày đông

Gọi là phố, thật ra phố ẩm thực chỉ là một quãng đường chưa đầy 200m bên hông nhà thờ Đá. Hàng quán san sát nhau mà thành. Vậy mà chỉ trong phạm vi vài trăm mét ấy, người ta có thể thưởng thức đủ các món nướng. Dân dã và quen thuộc như khoai nướng, sắn nướng, ngô nướng hay mía nướng. Lạ hơn là trứng nướng, bánh giầy nướng, đậu phụ nướng. Thịt nướng cũng rất nhiều loại: thịt xiên, chả cá hồi, thịt bò cuốn rau cải… Mỗi món một sắc, một vị, món nào cũng thơm ngon, độc đáo làm thực khách phải nức lòng.


Lên xứ Mường uống rượu hang đá

Nếu đến xứ Mường, bạn hãy một lần ghé thăm, uống rượu ngô Cốc Ngù được “luyện” trong hang đá Mã Tuyển. Thật khó quên! 



Rượu “luyện” sâu trong lòng hang - Ảnh: H.THẢO

Từ thành phố Lào Cai, theo quốc lộ 4E trải nhựa, qua 50km trập trùng nương dứa, đồi chè, những triền ruộng bậc thang thấp thoáng dưới tán samu xanh ngắt và những bản làng người Mông, người Dao nằm trong bảng lảng sương mù, chúng tôi đến thị trấn cổ Mường Khương. Nằm trên độ cao 1.500m so với mực nước biển, thị trấn cổ gọi theo tiếng địa phương là “Mưng Khảng”, có nghĩa “cột thép chống trời”, nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi nhọn như răng cưa bao quanh như thành lũy. Vẫn còn khá nhiều những ngôi nhà đá lợp ngói máng rêu mọc xanh rì. Nhịp sống cư dân trầm lặng pha chút u tịch miền sơn cước, in rõ dấu tích miền đất cổ xưa có tên gọi xứ Mường.


Hội xuân Say Sán ở Sín Chéng

Có một lễ hội mùa xuân ở rất sâu sau những dãy núi cao, nơi đầu nguồn sông Chảy, nơi sa mộc reo vi vu trên những đỉnh đồi gió lộng, nắng lấp lánh trên những chiếc ô màu và chân váy căng phồng của người Mông ở Simacai. Xuân về, bạn hãy cùng chúng tôi đi “say sán” ở Sín Chéng (Simacai, Lào Cai).


Hội xuân Say Sán đông vui và đầy màu sắc - Ảnh: Việt Nguyễn

Người dân tộc thiểu số ở các vùng đất khác nhau có nhiều cách gọi tên cho lễ hội đón xuân: người Tày ở Tây Bắc xuống đồng vui hội Lồng Tồng, người Mông ở Pha Long, Sa Pa chơi hội gầu tào thì người Mông, Tày, Nùng ở Sín Chéng vui hội Say Sán, theo tiếng địa phương có nghĩa giản đơn là “đi chơi núi”.