Hiển thị các bài đăng có nhãn Đắk Nông. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đắk Nông. Hiển thị tất cả bài đăng

2 thg 5, 2023

Ngắm đầm sen nhuộm hồng chân núi ở Đắk Nông

Đầm sen rộng khoảng 10ha nằm tại thôn Nam Ninh, xã Nâm N'đir (Krông Nô) mỗi năm sẽ có 3 lần nở hoa. Đây là điểm đến lý tưởng của người dân trên hành trình khám phá Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.


Nẳm trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, đầm sen tự nhiên nằm cạnh quốc lộ 28, đoạn qua thôn Nam Ninh, xã Nâm N’đir mang một vẻ đẹp thơ mộng và quyến rũ.

26 thg 2, 2023

Những ngọn đồi được "mặc chiếc áo trắng" trong mùa hoa cà phê Tây nguyên

Những ngày tháng 2, nhiều ngọn đồi trồng cà phê ở Tây nguyên như được "mặc chiếc áo trắng" bởi hoa cà phê bung nở.

Sau Tết Nguyên đán 2023, những ngọn đồi canh tác cà phê của người dân Tây nguyên đã bắt đầu nở hoa. Thời điểm bung hoa phụ thuộc nhiều vào lượng mưa và lượng nước tưới tiêu của bà con nông dân.

Đi giữa những ngọn đồi hoa cà phê mùa này, hương thơm ngào ngạt, đặc trưng xộc thẳng vào mũi. Nhiều người ví đây là mùa con ong đi hút mật (ý nói ong đi hút mật hoa cà phê -PV).

Những ngọn đồi được 'mặc chiếc áo trắng' bởi hoa cà phê bung nở. Ảnh: XUÂN LÂM

2 thg 8, 2022

Cuốn hút cụm thác Gia Long - thác Lụa

Cụm thác Gia Long – thác Lụa nằm trên sông Sêrêpốk thuộc địa phận xã Đắk Sôr (Krông Nô) và một phần thuộc xã Ð'ray Sáp, huyện Krông Ana (Ðắk Lắk).

Thác Gia Long được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, thuần khiết với câu chuyện kể vua Bảo Đại cưỡi voi đến nơi đây, vì quá cảm kích trước vẻ đẹp của thác nên đã lấy tên vị vua đầu tiên của triều Nguyễn (Gia Long) đặt cho nơi này…

Còn thác Lụa cách thác Gia Long khoảng 200m, có dòng chảy bắt nguồn từ các khe đá, rừng cây (dài khoảng 20m, cao khoảng 3m xếp thành các tầng) thuộc rừng đặc dụng cảnh quan Ð'ray Sáp. Thác có nước trong, chảy tựa dải lụa, dịu êm. Ðến với thác Lụa, du khách như được đi vào một không gian thiên nhiên mênh mông, hoang sơ, cảm nhận bản thân như là người đầu tiên đặt chân đến nơi đây...

Thác Gia Long có chiều rộng đến 100m và cao khoảng 10m với khung cảnh thiên nhiên nên thơ, hùng vĩ

8 thg 6, 2022

Khai thác du lịch thám hiểm "Hang khổng lồ" ở Đắk Nông

"Hang khổng lồ" ở Đắk Nông là hang núi lửa dài nhất Đông Nam Á, từng khiến nhiều du khách trầm trồ, thích thú bởi những bức ảnh tuyệt đẹp được chụp ở đây. 


"Hang khổng lồ" nằm trong loạt các hang động núi lửa thuộc Công viên địa chất Đắk Nông, có diện tích 4.760 km vuông, trải dài trên địa phận 6 huyện, thị xã của tỉnh. Cho đến nay, các hang động núi lửa này được xác định là chỉ liên quan đến núi lửa Nâm Blang tại xã Buôn Choah (với gần 50 hang động có chiều dài gần 10.000 mét).

21 thg 1, 2022

Khám phá những núi lửa ở Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông

Cách đây hơn 140 triệu năm, do vận động kiến tạo của vỏ trái đất đã hình thành nên nhiều miệng núi lửa được các nhà nghiên cứu địa chất đánh giá có nét đẹp hoang sơ với kết cấu độc đáo trên địa bàn Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Núi lửa Chư B'Luk

Núi lửa Chư B'Luk, nằm ở huyện Krông Nô, có hình nón cụt đặc trưng, đẹp ngoạn mục và có thể chiêm ngưỡng được từ một khoảng cách rất xa với các hướng khác nhau.

Đáng chú ý, đây là núi lửa duy nhất trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông tạo ra hệ thống 50 hang động dung nham, có quy mô và độc đáo bậc nhất Đông Á, ẩn chứa nhiều điều thú vị đang cần được nghiên cứu và giải mã.

Ngoài ra, việc phát hiện ra di chỉ khảo cổ của người tiền sử sinh sống trong hệ thống hang động núi lửa này đã làm nổi bật thêm giá trị khoa học, giáo dục của điểm địa chất độc đáo này.

Núi lửa Chư B'Luk là điển hình của kiểu phun trào trung tâm, có niên đại từ 200.000-600.000 năm. Ảnh: Công Đạt/VNP

4 thg 10, 2021

"Báu vật" của Đắk Ngo

Đối với đồng bào M’nông, cồng chiêng là vật linh thiêng, không chỉ thể hiện sự giàu có của gia đình, cộng đồng mà còn là niềm tự hào của dân tộc.

Bởi vậy, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng nhiều hộ đồng bào M'nông ở xã Đắk Ngo (Tuy Đức) vẫn giữ gìn những bộ chiêng quý, xem như là "báu vật" mà tổ tiên để lại.

Qua thống kê, đồng bào M'nông ở xã Đắk Ngo hiện đang lưu giữ 15 bộ cồng chiêng

Gia đình ông Điểu Khôn ở bon Phi Lơ Te hiện đang lưu giữ 2 bộ chiêng gồm 12 chiếc. Hai bộ chiêng này vẫn đang được sử dụng tốt, mỗi lần trong bon hay địa phương có tổ chức sự kiện gì quan trọng, ông đều mang ra cùng diễn tấu.

4 thg 7, 2021

Khèn bầu 6 ống của người Mạ

Trong số các nhạc cụ của người Mạ trên địa bàn tỉnh, M'buốt (còn gọi là khèn bầu 6 ống) là nhạc cụ có cấu tạo phức tạp và khả năng diễn tấu phong phú.

Loại nhạc cụ này có thể dùng để đệm hát, múa, hòa tấu cùng các nhạc cụ khác trong các dịp lễ hội. Trai tráng trong bon làng dùng khèn bầu để thổ lộ tình cảm với người yêu…

Nghệ nhân người Mạ trình diễn khèn bầu 6 ống

16 thg 6, 2021

Chiếc túi đựng cơm của đồng bào Mạ

Trong những sản phẩm đan lát của người Mạ, giỏ đựng cơm là dụng cụ được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài chức năng là vật dụng thuần túy, giỏ đựng cơm còn thể hiện tính thẩm mỹ, sự sáng tạo, khéo léo của người làm ra nó.

Người Mạ chế tạo túi đựng cơm có hình thức nhỏ nhắn, tiện dụng, gọn gàng, dễ dàng mang theo khi lên nương rẫy. Túi có đặc điểm giữ cho cơm được thoát nước, thông thoáng, không bị hư hỏng trong thời gian khá lâu.

Chiếc túi đựng cơm của đồng bào Mạ

3 thg 5, 2021

Cá trê nướng cuốn rau rừng

Đồng bào Ê đê hay M’nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nướng cá trê cùng với các loại gia vị tự nhiên ăn kèm rau rừng khiến món cá trở nên độc đáo, đậm đà, thơm lừng và kích thích vị giác vô cùng…

Đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông làm gia vị muối ớt đặc biệt để ướp cá

Những con cá trê bắt được ở sông suối đem về làm sạch, bỏ ruột. Cá rửa sạch với muối hoặc một nắm tro bếp chà xát lên khắp mình cá để loại bỏ chất nhờn nhớt ở da cá. Để không bị tanh, cần phải rửa sạch phần tiết cá ở bụng và 2 cục máu tanh 2 bên ngạnh cá. Người ta dùng dao khứa nhẹ những đường chéo trên thân cá để khi nướng gia vị thấm vào thịt cá cũng như chín nhanh, đều và thịt bên trong khô hơn. Sau khi sơ chế, cá được để cho ráo nước, sau đó cho gia vị ướp cá.

Độc đáo lá Rnhao của người M’nông

Người M’nông gọi là lá Rnhao, còn người Ê đê gọi là lá Yao. Với người M’nông trên địa bàn tỉnh, để nấu canh bồi thơm ngon truyền thống thì lá Rnhao phải bắt buộc có.

Lá Rnhao được người M'nông hái từ rừng về chế biến món ăn

Canh bồi của người M’nông thường được nấu trong những chiếc nồi đồng hay nồi gang to cho cả đại gia đình cùng ăn. Món ăn này có nhiều nguyên liệu, gia vị kết hợp, phù hợp cho người lớn lẫn trẻ nhỏ. Các nguyên liệu nấu món ăn có thể thay đổi theo sở thích hoặc khẩu vị của người nấu, tận dụng những nguyên liệu có sẵn theo mùa. Ví dụ rau thì có thể là lá bép, đọt mây hay đọt mướp, đọt bí, bông mướp…

Đậm đà các món ăn từ cà bơi

Đồng bào các dân tộc thiểu số M’nông, Mạ, Ê đê trên địa bàn Đắk Nông đều biết sử dụng các loại cà mọc hoang dại trên núi đồi chế biến thành nhiều món ăn ngon, độc lạ. Trong đó, cà bơi thường được dùng để kết hợp với các nguyên liệu khác nấu thành những món ăn hấp dẫn như canh cá suối, cà đắng giã, đu đủ giã…

Cà bơi còn được gọi là cà trời, cà lông. Cây thường mọc tự nhiên, rải rác ở các bãi đất hoang vùng rừng núi. Cây thảo cao đến 1,5m; nhiều lông mịn và gai nhọn. Lá có gai đứng, màu vàng, cao 1cm. Quả non có màu xanh, nhiều lông; khi chín đổi màu vàng, có vị chua.

Cà bơi được xem là "cà chua đặc sản" của đồng bào dân tộc tại chỗ trên địa bàn tỉnh

17 thg 4, 2021

Hoang sơ thác Liêng Nung

Nằm bên Quốc lộ 28, chỉ cách Tp. Gia Nghĩa khoảng 8km, thác Liêng Nung nằm ẩn mình giữa thung lũng núi rừng hoang sơ, trên địa bàn buôn N’riêng, xã Đăk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đăk Nông) thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá.

Truyền thuyết kể rằng, Liêng Nung là thác nước duy nhất của dòng suối Đăk Nia, bắt nguồn từ những khu rừng thiêng nên nước trong vắt, ăm ắp đổ trắng xóa quanh năm. Theo tiếng địa phương thì Liêng là thác, còn Nung là nơi nghỉ ngơi.

Vào thời xa xưa, khi xảy ra hạn hán thì toàn bộ cây rừng và vật nuôi chết vô kể, tuy nhiên chỉ có động vật, cây cối ở dòng suối Đăk Nia thì sống được, từ đó người người kéo đến đây để uống nước. Sau này, nơi đây trở thành một biểu tượng mà người Đắk Nông vô cùng coi trọng, bảo tồn cho đến ngày nay, trở thành một điểm đến mà nhiều du khách quan tâm.

Thác Liêng Nung gồm ba cụm, cụm thác chính lớn nhất cao khoảng 30m, đổ xuống suối Đăk Nia bên dưới. Nhìn từ xa, con thác hiện ra đầy ấn tượng với hình dáng của một dải lụa trắng vắt dọc trên vách đá cheo leo. Thác đổ qua trần hang là những khối đá lục giác xếp liền kề nhau như một tổ ong đặc khổng lồ, trong hang thảm thực vật xanh mướt.

Thác Liêng Nung nằm ẩn mình giữa núi rừng hoang sơ khu vực xã Đăk Nia.

29 thg 3, 2021

Đăk Nông – bản trường ca của Đá và Nước

Trải qua hàng triệu năm, những đợt phun trào dữ dội của núi lửa cùng với sự kiến tạo đặc biệt của vỏ trái đất đã tạo nên một Công viên Địa chất toàn cầu Đăk Nông có hệ thống hang động, những cánh đồng dung nham, thác nước hoang sơ, kì vĩ… với vẻ đẹp nguyên sơ, huyền hoặc như những cảnh quay ấn tượng trong phim “Công viên kỉ Jura” của đạo diễn Steven Spielberg.

Krông Nô – “vương quốc” hang động núi lửa

Krông Nô là huyện nằm ở phía Đông Bắc, cách thành phố Gia Nghĩa, thủ phủ tỉnh Đăk Nông khoảng 100km. Đây được xem là vùng lõi của Công viên Địa chất toàn cầu Đăk Nông, là “vương quốc” núi lửa và khoảng 50 hang động núi lửa có một không hai trên thế giới.

Lịch sử phát triển địa chất của Đắk Nông có từ kỉ Jura cách đây khoảng 200 triệu năm về trước và vùng đất này vốn từng là một phần của đáy đại dương mênh mông. Mãi đến kỉ Paleogene (cách đây khoảng 60 triệu năm), nước biển rút đi, mặt đất nâng cao và bắt đầu xuất hiện các ngọn núi lửa để rồi từ đó nhiều đợt phun trào bazan kéo dài cho đến cách nay khoảng 10.000 năm thì mới kết thúc.

23 thg 3, 2021

Món cà đắng của người Ê đê

Đối với người Ê đê, món cà đắng giã cùng cá hấp tuy dân dã nhưng vô cùng độc đáo. Đây là một trong những món ăn truyền thống trong bữa cơm hằng ngày của người Ê đê. Món ăn chế biến khá đơn giản nhưng đã trở thành đặc sản gây “thương nhớ”, đặc biệt là những người con Ê đê xa quê hương…

Nguyên liệu chế biến món ăn này khá quen thuộc trong đời sống người Ê đê, gồm có cà đắng, cá hấp, sả, ngò gai, ớt, củ nén ngắn, người Ê đê đã có món cà đắng giã cá hấp dân dã.

Các nguyên liệu chế biến món ăn gần gũi với đời sống thường ngày của người Ê đê

18 thg 2, 2021

Món thịt giã của người Mạ

Thịt giã là món ăn khá đặc biệt của người Mạ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Từ kinh nghiệm thực tiễn, chắt lọc qua thời gian, đồng bào Mạ tạo ra món thịt giã độc đáo, làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của dân tộc mình. Với đặc điểm thơm, ngon, dễ tiêu hóa, món ăn còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Các loại thịt dùng để chế biến món ăn như gà, heo, chim, cheo, thỏ… Các con vật này được nuôi trong điều kiện tự nhiên, chăn thả trong rừng hay vườn nhà, chỉ ăn cây cỏ, không ăn các loại thức ăn công nghiệp nên thịt chắc, nhiều nạc, ít mỡ, thơm ngon sau khi chế biến.

Thịt được đem nướng trên than hồng trước khi giã

14 thg 2, 2021

Cách làm đẹp của người M’nông xưa

Xưa kia, chiếc lược làm bằng sừng trâu là vật dụng không thể thiếu của các cô gái M’nông để chăm chút nét đẹp nữ tính. Vẻ đẹp hoang sơ, hồn nhiên với da nâu, mắt sáng, mái tóc ửng vàng như hòa điệu với sắc màu đất đỏ bazan và màu nắng cháy của cao nguyên đại ngàn.

Các cô gái chải tóc bằng chiếc lược sừng trâu hay lược làm bằng tre để tóc không rối sau khi tắm gội ở sông suối. Sau khi mái tóc gọn gàng, các thiếu nữ dùng dây buộc tóc bằng thổ cẩm, hạt cườm, dây cỏ tranh hay vòng tre để giữ tóc khỏi bị buông xõa khi tham gia nhảy múa trong lễ hội bon làng.

Lược sừng trâu của người M’nông

Củ mài trong đời sống ẩm thực của đồng bào M’nông

Từ bao đời nay người M'nông luôn sống trong sự đùm bọc, che chở của rừng. Rừng ban tặng nhiều nguồn thực phẩm quý báu như rau tươi, đọt măng, đọt mây, trái cà đắng, chim thú… trong đó phải kể đến củ mài. Không những giúp cứu đói, củ mài chứa nhiều dinh dưỡng, trở thành món ăn ngon cải thiện bữa ăn gia đình. Nhiều lớp người M’nông lớn lên từ vị bùi ngọt của củ mài.

Cây củ mài thuộc họ dây leo quấn, cùng họ với khoai mỡ, thân nhẵn, hơi có góc cạnh, màu đỏ hồng, thường mang những củ nhỏ ở nách lá. Rễ củ đơn độc hoặc từng đôi, ăn sâu vào đất đến hàng mét. Lớp vỏ mỏng bên ngoài màu xám nâu, xung quanh tua ra những rễ mành, dày theo thân củ như lông bám…

Đồng bào M'nông ưa thích luộc củ mài chín, ăn dẻo ngon

Canh cá lăng nấu jam tang của người Ê đê

Người Ê đê đã kết hợp các loại đặc sản tạo nên món canh cá lăng nấu hoa và lá jam tang vô cùng độc đáo.

Cá lăng là loại cá da trơn nước ngọt, được xem như đặc sản nổi tiếng vùng sông Sêrêpốk. Trên dòng sông hùng vĩ, cá lăng sinh tồn, phát triển với thân mình săn chắc. Thịt cá lăng mềm nhưng dai, không bở, vị ngọt, thơm ngon, ít xương lại rất giàu chất dinh dưỡng. Ngoài cá lăng nướng muối ớt nổi tiếng, người Ê đê còn dùng cá lăng nấu canh rất thơm ngon. Người Ê đê nấu canh cá lăng theo nhiều kiểu ứng với các nguyên liệu theo mùa như canh chua cá lăng, canh cá lăng nấu măng, canh cá lăng nấu hoa chuối... Món canh cá lăng nấu hoa jam tang cũng chỉ thường được nấu vào mùa cây jam tang đâm chồi nở hoa. Vào khoảng tháng 11 đến tháng 3 dương lịch, người Ê đê đi dọc sông Sêrêpốk tìm hái hoa, đọt và lá non của cây jam tang.

Hoa jam tang khi chín vị bùi, đắng nhẫn lẫn ngọt

Cá suối giã đinh lăng của người M’nông

Người M’nông dùng lá đinh lăng giã cùng cá suối tạo ra món ăn ngon miệng, hấp dẫn, độc đáo. Người M’nông còn xem đây là một món ăn tốt cho sức khỏe.

Cách chế biến món cá suối giã lá đinh lăng tương đối đơn giản. Chính vì vậy, món ăn này cũng thường xuyên được chế biến trong bữa cơm đời thường của nhiều gia đình. Người M’nông thường dùng các loại cá nước ngọt bắt được ở suối, sông, đồng ruộng để chế biến như cá lăng, cá trê, cá chép, cá trắng, cá vượt, cá mè dinh, cá rô phi… Cá được sơ chế bỏ ruột và mang cá, phần vẩy, bóng cá được giữ nguyên. Những con cá tươi rói được rửa sạch sẽ, để ráo nước rồi đem chiên trên dầu nóng. Khi chiên để lửa nhỏ và vừa, trở đều hai mặt cá đến độ chín vàng ươm, lớp da cá bên ngoài giòn ruộm. Cá chiên xong đem bóc tách lấy phần thịt, bỏ xương.

Cá sau khi chiên chín vàng ươm được bóc tách phần thịt cá

3 thg 2, 2021

Non nước Tà Đùng

Trong hành trình khám phá Nam Tây Nguyên, đến với Đắk Nông, điểm đến hồ Tà Đùng đang được du khách yêu thích vì cảnh quan hùng vĩ, thiên nhiên còn giữ nét hoang sơ và vẫn lưu truyền những chuyện xưa tích cũ về vùng non nước hữu tình...

Hồ Tà Đùng thuộc tại 2 xã Đắk P’lao và Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông (cách TP Gia Nghĩa thủ phủ của tỉnh Đắk Nông 48km), là hồ nước ngọt có diện tích khoảng 22.103ha. Trong quá trình xây dựng Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, người ta đã chặn, ngăn dòng chảy của một nhánh sông Đồng Nai để tạo nên hồ Tà Đùng mênh mông, kỳ vĩ. Hồ có độ sâu trung bình trên 20m, trong lòng hồ rải rác hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, cây cối xanh tốt, rậm rạp. Từ cảnh quan đó mà người ta còn ví von hồ Tà Đùng giống như một vịnh Hạ Long thu nhỏ trên cao nguyên.

Du khách thường đến Tà Đùng vào khoảng từ tháng 11 năm trước đến tháng 1, tháng 2 năm sau. Vào cuối mùa mưa, nước hồ dâng cao, cây cối trên các đảo xanh mướt, khiến hồ Tà Đùng lúc này như một bức tranh thiên nhiên hoang sơ non nước hữu tình.

Hồ Tà Đùng gần đây trở thành điểm du lịch sinh thái mới mẻ và hấp dẫn khách du lịch gần xa ví von là biển hồ trên núi, vì hồ nằm ở vùng cao nguyên giao thoa giữa 2 hệ sinh thái Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đoạn cuối của dãy Trường Sơn về phía Nam. Ảnh: Công Đạt