4 thg 2, 2013

Cuối năm đi chợ đồ cổ

Chợ đồ cổ Hà Nội mỗi năm chỉ họp một lần từ 20 đến 30 tháng Chạp tại phố Hàng Mã. Chính trong thời khắc chuẩn bị đón Tết Nguyên đán nên tâm trạng của người đến chợ ai ai cũng đều háo hức lạ thường. 

Đến đây dường như ai cũng có cái cảm giác như đi trong một khu trưng bày triển lãm cổ vật, bởi thứ gì cũng có, từ những thứ như tượng, tiền cổ, đèn dầu, máy nghe hát, chum, bình, chậu, chóe... cho đến những thứ bình dị trong cuộc sống hàng ngày như bát, đũa, dao, nĩa... đều được người ta đem ra bày bán. 

Phiên chợ đồ cổ là điểm đến thích thú của những cụ già để tìm lại kỉ niệm xưa.


Chợ đồ cổ còn là nơi thu hút cả du khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm.

Càng gần đến ngày Tết, chợ lại càng nhộn nhịp kẻ bán, người mua.

Người đi chợ đồ cổ ngoài việc tìm mua một món đồ để lấy may đầu năm mới còn nhằm thỏa thú vui được tìm lại những điều xưa cũ đã qua. 

Chợ đồ cổ ngày giáp Tết có nét đặc trưng riêng khá thú vị. Đó là, người đi chợ thì chọn mua cho mình một thứ đồ yêu thích để chơi Tết nhằm lấy cái may mắn đầu năm; còn người bán thì ngoài chuyện bán hàng còn có cơ hội được khoe với bạn bè về một món đồ lạ mới kiếm được.

Thậm chí có người bày hàng chẳng phải để bán mà cốt chỉ để được giao lưu với bạn bè, du khách bốn phương trong những ngày Tết đến, xuân về. Anh Hiền, chủ một gian hàng đồ cổ gốm sứ cho biết, những ngày giáp Tết đem hàng ra bày bán ở chợ đồ cổ có cái thú rất lạ, vui nhất là tìm được người có cùng niềm đam mê và sở thích với mình. Vì vậy, hàng bày ra nếu gặp khách bán được cũng tốt, còn không thì đến chợ nhìn du khách qua lại ngắm hàng của mình cũng cảm thấy vui.

Còn chị Thư, một du khách thường ghé chợ đồ cổ vào mỗi dịp Tết thì chia sẻ: “Đến chợ như thấy không khí Tết đang ùa về từng góc phố, cảnh người mua, người bán nhộn nhịp với nét mặt hân hoan trông vui lắm. Vì thế đi chợ đồ cổ cũng là một nét văn hoá của người Hà Nội”.

Chính vì như một sân chơi nên những người tham gia vào khu chợ này cũng thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Và những thứ đem bày ở chợ cũng rất khác nhau; có hàng bày bán đủ thứ trên trời dưới đất, có hàng chỉ bày một bộ sưu tập nhỏ mà chủ hàng đã dày công chắt chiu dành dụm sưu tập được trong năm vừa qua... 

Chiếc bát chứa đầy những đồng tiền cổ được bày bán ở chợ.

Hai bức tranh gỗ có hình khắc trông khá lạ mắt.

Những chiếc đèn dầu được bày bán với giá khoảng 400 nghìn đồng một chiếc.

Một chiếc đồng hồ cổ trông rất đẹp mắt.

Bức tượng đồng thiếu nữ Chăm.

Chiếc điếu bát làm bằng gốm.

Chiếc đài loa chạy bằng đĩa than. 

Tiếng là đổ cổ nhưng những món hàng đem bày bán ở chợ cũng chỉ có giá trị "thường thường bậc trung", ít có hàng "độc", bởi hàng "độc" thường chỉ bày bán ở các shop lớn. Tuy nhiên, giá trị của các món đồ dường như không phải là tiêu chí quan trọng của kẻ bán người mua ở phiên chợ đồ cổ này. 

Đi trong khu chợ bày bán đa dạng các loại đồ cổ, du khách có thể sà vào bất cứ gian hàng nào để ngắm nghía, hỏi han một cách thoải mái mà không sợ làm chủ hàng phật ý. Chính vì vậy, sau nhiều năm hoạt động, chợ đồ cổ Hà Nội đã trở thành một điểm hẹn thú vị trong những ngày giáp Tết để mọi người dừng chân ngắm nhìn hoặc chọn mua những món đồ xưa cũ với hi vọng sẽ có một năm mới tràn ngập niềm vui và thịnh vượng.

Bài: Bích Vân - Ảnh: Tất Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét