1 thg 2, 2013

Ai về Lệ Thủy thong dong con người

Có lẽ, không đâu như ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, khi hầu hết tên các chợ không đặt theo tên địa danh ở đó mà được gọi bằng nhiều tên rất lạ, độc đáo. Và dĩ nhiên, những món hàng bày bán trong chợ cũng không giống những vùng miền khác.

Chợ vào vè

Lệ Thủy được mệnh danh là vựa lúa của tỉnh với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Vậy nên mới có câu: Lệ Thủy gạo trắng nước trong/Ai về Lệ Thủy thong dong con người. Trong nhiều cái thong dong mà người Lệ Thủy tự hào khi giới thiệu với bạn bè phương xa, không thể thiếu cái sự vô tư, thoải mái của con người và sản vật ở đấy. Cứ quảy gánh ra chợ rồi sẽ thấy…thong dong. 


Bánh tráng - mặt hàng không thể thiếu tại các chợ ở Lệ Thủy - Ảnh: T.Q.Nam 


Nhiều người Lệ Thủy bây giờ vẫn còn nhớ bài vè về các ngôi chợ: Trâu, chè, thơm, mít chợ Động/Tôm, cua, cá bống chợ Chè/Cam, quýt, đậu, mè chợ Trạm/Chim, ốc, hến, rạm chợ Thùi/Bún, thịt heo, tràn đầy chợ Tréo/Cá biển khắp nẻo chợ Tuy/Thu, Ngừ, Mực, Nuốt chi chi chợ Cưởi/Sắn, khoai, mật ong, thị, ổi chợ Mỹ Đức/Ai về Lệ Thủy mặc sức tiêu tiền.

Đọc bài vè có thể hiểu được những đặc trưng, đặc sản của từng ngôi chợ. Thế nhưng, cần phải giới thiệu về cái tên thì người thập phương mới thấy nó khác như thế nào. Chợ Động (người địa phương gọi nặng hơn, chợ Đôộng) ở xã Mai Thủy, chợ Chè xã Hồng Thủy, chợ Trạm xã Mỹ Thủy, chợ Thùi xã An Thủy, chợ Tréo ở thị trấn Kiến Giang, chợ Tuy xã Lộc Thủy, chợ Cưởi ở xã Thanh Thủy. Tìm hiểu nhiều người lớn tuổi ở những vùng đó, ai cũng có thể kể vanh vách chợ bán buôn thứ gì, ngày nào đông ngày nào vắng, nhưng chẳng ai biết vì sao chợ lại được đặt tên như thế.

Ngày xưa, việc giao thương hạn chế, ai muốn mua thứ gì thì đến chợ đó. Cũng có người mang đặc sản của chợ này đến chợ kia trao đổi nhưng không phổ biến. Bây giờ, trong các đình chợ, gần như thứ gì cũng có, tất nhiên chỉ xét với cấp độ là chợ xã. Còn nếu muốn mua nhiều, đồ tốt, phong phú thì phải đến chợ Tréo ở trung tâm huyện, tất cả hàng hóa ở các vùng trong huyện và nhiều nơi khác ngoài huyện đều được thương lái đưa về đó.

Nhắc đến chợ Tréo thì nhiều người tò mò tên gì mà kỳ lạ, chữ “tréo” có phải trong “tréo ngoe” hay không, rồi có phải chợ này toàn bán những thứ, toàn có những chuyện tréo ngoe hay không? Bao nhiêu thắc mắc với người lạ nghe lần đầu. Vì thế, nhiều khách thập phương có dịp về Lệ Thủy công tác, thăm thú hay xem lễ hội đua thuyền truyền thống ngày Quốc khánh 2.9 hằng năm đều muốn ghé thăm chợ Tréo một lần. Và mọi lời giải sẽ đến với bạn khi đặt chân vào chợ. Riêng chúng tôi, đã từng đi chợ Tréo chỉ nói rằng đó là nơi buôn bán cực kỳ sầm uất, giá cả rẻ; đặc biệt bày bán rất nhiều món ăn đặc trưng của vùng quê chiêm trũng, ví như bánh ướt, bánh tráng, bánh đòn, bánh nếp, chè bột lọc, bún thịt lợn…

Đi chợ Tréo hãy khoan ăn sáng, cứ vào chợ, đến khu ẩm thực sẽ có quá nhiều lựa chọn cho bạn. Ăn bánh gạo, bánh ướt sẽ cảm nhận được vị bùi, béo của lúa gạo và ăn bún nước thịt mới biết người Lệ Thủy ăn cay, mặn mà thế nào. Và hãy nhớ món bánh tráng kẹp với bánh ướt chấm nước mắm nguyên chất làm bằng cá nục, khuyếc bắt ở biển Ngư Thủy, chỉ cần bỏ ớt bột. Món này đặc trưng của Lệ Thủy, rất rẻ nhưng ngon, nhất là chắc bụng; dân địa phương thường dùng làm món “nước lợ” (ăn giữa buổi) cho người lao động nặng như cắt lúa, đi cày, xây nhà. Cũng có vè nhắc người đi chợ: Ai lên Tuy đợi thì lên/Bún thịt chợ Tréo chớ quên mang về.

Chợ chiều hút khách

Ngày nay, nhu cầu lớn, ai cũng thích sự tiện lợi, không cần phải đi xa cũng có đồ để mua về ăn uống hằng ngày đơn giản. Thế nên một số chợ xép mọc lên. Trong nhiều cái chợ như thế ở Lệ Thủy, có một ngôi chợ đã phát triển lớn tương đương như chợ trung tâm xã và khi nhắc đến, gần như cả huyện ai cũng biết. Chợ này nằm ở Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang; chỉ họp vào buổi chiều nên có tên gọi là “chợ chiều”, đơn giản thế thôi.

Xuất phát từ việc chợ ở huyện Lệ Thủy chỉ họp vào buổi sáng, đến trưa là vãn nên khi cần mua thức ăn bổ sung, thức ăn chiều thì người tiêu dùng bó tay. Trong khi không phải hàng bán ở chợ Tréo lúc nào cũng hết sạch vào buổi sáng. Thế là những người buôn bán mới nghĩ ra việc đem số hàng hóa, đồ ăn còn mang sang kê bán ở ven đường bên kia sông Kiến Giang vào buổi chiều. Người bán kẻ mua ngày một đông dần, chợ bắt đầu họp từ năm 2003. Thời gian đầu, chợ chỉ bán thực phẩm ăn uống như thịt, cá, rau ráng; càng ngày chợ càng phong phú mặt hàng hơn, như bán thêm các đồ gia dụng. Năm 2008, chợ được đầu tư 1,1 tỉ đồng xây dựng đình và khuôn viên với diện tích hơn 1.700 m2. Mặc dù trên mặt đình đắp tên chợ Xuân Giang nhưng chẳng ai gọi tên đó bởi ký ức chợ chiều đã in hằn trong tâm thức mỗi người. Nó dân dã như người đến chợ và nhiều cái chợ khác ở Lệ Thủy.

Mang tiếng là chợ chiều nhưng mọi thứ đều tươi ngon, vì thế bây giờ chợ chiều là sự lựa chọn của không ít người; kể cả những gia đình sống ở các xã cách xa chợ đến 5 cây số, có việc cần họ chẳng ngại chạy xe đến mua. Chưa đi chưa biết chợ chiều, chúng tôi đến chợ tầm 17 giờ mà người bán mua vẫn tấp nập, rộn ràng. Có nhiều người mới đi làm về, áo quần nguyên đất đồng vào mua mớ cá, 2 quả dưa muối, thành ra đã có bữa tối ngọt lành. Chợ chiều cũng giải quyết được thu nhập cho thương lái, như lời kể của bà bán cá tên Thiết: “Từ khi có chợ chiều, buổi sáng tui bán ở chợ Tréo, đến chiều chạy sang đây bán, chẳng lo cá thừa ế lại có nhiều tiền lời hơn”.

Lệ Thủy còn rất nhiều chợ quê khác chờ đợi bước chân khám phá của lữ khách.


Trương Quang Nam - Dương Công Hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét