2 thg 7, 2014

Tại sao dân Biên Hòa không ăn tân gia?

Nếu bạn là một người dân cố cựu ở Biên Hòa, chắc chắn bạn đã được ông bà, cha mẹ dạy rằng: Đã là dân Biên Hòa, thì khi có nhà mới không được ăn tân gia. Còn nếu bạn là người từ nơi khác đến đây lập nghiệp, chắt chiu xây được một căn nhà, thì trước khi xây xong bạn sẽ được người quen can ngăn: Cất nhà thì cất, nhưng chớ có ăn tân gia!

Nếu ăn tân gia thì sao?

Người lớn bảo rằng: Nếu ăn tân gia thì cơ ngơi sẽ lụi tàn, sẽ phá sản, sẽ... đủ thứ xui xẻo...

Hic, tin hay không tin thì bạn cũng chả dám tổ chức ăn tân gia, vì... cũng sợ chứ!

Khổ nỗi, cất được cái nhà mới thì mừng lắm, muốn mời người thân, bạn bè tới để khao và khoe. Vậy phải làm sao?

Dân Biên Hòa lách luật bằng cách khi xây nhà xong, cố chọn một ngày kỷ niệm nào đó như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, hoặc mừng thọ chẳng hạn, tổ chức buổi tiệc mời mọi người tới chung vui. Mọi người cũng đều biết tỏng là hắn mời mình tới để ăn tân gia, mừng nhà mới nên đến chung vui, trầm trồ khen nhà đẹp... nhưng cứ giả vờ như là ăn sinh nhật vậy! Hi hi!


Xá Lợi Phật là gì?

Tui thỉnh thoảng đi chùa - nhưng vốn không phải phật tử nên kiến thức về Phật pháp phải gọi là mỏng tang - đi chụp hình và thưởng thức cảnh đẹp là chính.

Hôm qua, tui viếng chùa Hoàng Ân bên Cù lao Phố, đang say sưa chụp hình ngoài khuôn viên chùa thì sư cô bắt gặp. Sư cô niềm nở mời vào chùa để... đàm đạo.

Khổ thân tui, đâu biết nói gì ngoài câu: Thưa sư cô, tôi vốn không theo đạo, nay vào chùa để vãn cảnh và thắp nén nhang lạy Phật cho tâm bình an.

Sư cô giới thiệu những báu vật vô giá của chùa, đó là các xá lợi Phật. Nhiều lắm, nhiều và quý đến mức phật tử các nơi thường xuyên đến để chiêm bái.


Có một nhà văn bút danh Đồng Nai

Ông là một nhà văn lớn của Việt Nam. Trước 1975, trong chương trình Tiểu học (cấp 1) đã có học các tác phẩm của ông ở môn Quốc văn (tức môn Văn bây giờ).

Theo Nguiễn Ngu Í, ông là một trong "tam kiệt" sáng tác nhiều nhất của Việt Nam (cùng với Lê văn Trương và Hồ Biểu Chánh).

Bút danh của ông là Bình-Nguyên Lộc - ông nhắc: chữ Bình và Nguyên có gạch nối, chữ Lộc thì không - bình nguyên là đồng, còn lộc là nai. Bình-Nguyên Lộc là Đồng Nai.

Ông sinh ra ở Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (hiện nay thì Tân Uyên thuộc Bình Dương). Nơi ông sinh ra cách bờ sông Đồng Nai chừng hơn 100 met, con sông Đồng Nai và vùng đất Đồng Nai đã là chất liệu để ông viết nên phần lớn các tác phẩm của mình (tiểu thuyết, truyện ngắn, biên khảo).

Buổi sáng lên chùa

Từ nhà tui nhìn ra phía xa có một ngọn núi nhỏ như thế này

 

Đó là núi Châu Thới, thuộc địa phận tỉnh Bình Dương. Trên núi có một ngôi chùa, gọi là Châu Thới Sơn Tự.

Sáng nay, uống cà phê xong, tui đi mua báo, và đi thẳng lên chùa núi Châu Thới... đọc báo.


Người chinh phu về đâu?

Ngay đoạn đầu nhạc phẩm Hòn vọng phu 3 (Người chinh phu về), Lê Thương đã viết:

Nơi phía Nam
Giữa núi mờ
Ai bế con
mãi đứng chờ


Vậy là người vọng phu chờ ở phương Nam. Chờ ở đâu nơi phương Nam?

Còn chàng đang đi về từ phương Bắc xa xôi:




Đò vạn lý, đò ải quan,
Đò rừng lá nước trong bao cá lội từng đàn
Thành Cổ Loa, Đền Vạn Kiếp,
Bao tháng năm dấu chưa xóa nhòa


Chàng đi qua Cổ Loa (Hà Nội), đến Vạn Kiếp (Hải Dương) của miền Bắc, qua miền Trung:

Vượt Hoành Sơn
Vòng thành Huế
Mong tới nơi cô thôn ước thề.


Chàng sẽ về đến miền Nam, vì đó là nơi nàng đang ôm con đứng đợi mà. Và đây là nơi nàng đang chờ chàng ở phương Nam:

Từ dạ đất miền Đồng Nai
Lời hẹn ước tương lai
đang chúc mừng chàng về
Chờ nhìn con, chờ người đón,
bao nét xưa ước mong sẽ còn


A, vậy là người chinh phu về Đồng Nai.

Hic, ta biết rồi, chàng về chẳng còn gặp lại nàng mà chỉ thấy

Núi đá thu rêu đã lấp mờ bao nghìn xưa

bởi vì

Thời gian đã thắm biết bao suy tàn
Người xưa đâu còn hình đá bơ vơ đứng đợi chồng đi đã không hứa về


Lòng son lụn chí trước cơn hư thề
Đà xuôi tan tành đời đá nên mưa gió đổ quạnh hiu xuống ai mới về


Đồng Nai có hòn vọng phu ở đâu? Chắc chắn là đèo Mẹ Bồng Con ở Long Khánh rồi!

Đèo Mẹ Bồng Con - Ảnh: Phạm Tường Nhân

Vậy là người chinh phu trong nhạc phẩm bất hủ của Lê Thương đi về là về... Long Khánh!


Nhảm chơi vậy thôi, chuyện chàng chinh phu về Đồng Nai hay về đâu có gì là quan trọng. Chỉ là buồn buồn, nghe nhạc thấy nhớ cố hương xao xuyến tấc lòng, vậy thôi!

Phạm Hoài Nhân

1 thg 7, 2014

Chùa Đại Tòng Lâm

Xưa kia chưa có các trạm dừng chân, các xe khách du lịch tuyến Sài Gòn - Vũng Tàu (hoặc Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Khánh - Vũng Tàu...) thường cho khách xuống xe nghỉ giải lao ở một nơi mà họ gọi là Đại Tòng Lâm.

Tôi cũng không biết xưa ấy là đến bao giờ, chỉ biết là những khi đi Vũng Tàu và dừng chân ở Đại Tòng Lâm thì mình còn nhỏ lắm. Hồi đó, tôi chỉ biết mang máng rằng Đại Tòng Lâm là tên một ngôi chùa nhưng khi dừng chân thì không hề bước vào ngôi chùa nào, và thật tình cũng không thấy ngôi chùa nào hết. Nơi xe dừng là bên trái quốc lộ 51 đường đi Vũng Tàu, nơi đó có nhiều cây cao, bóng mát, phong cảnh hữu tình. Tôi tự "dịch nghĩa" chữ đại tòng lâm là rừng cây tùng lớn, có điều cây ở đó... không phải cây tùng!

Tam quan chùa Đại Tòng Lâm, quay mặt ra quốc lộ 51