26 thg 9, 2017

Làng rèn Đa Sỹ

Nằm bên dòng sông Nhuệ thuộc quận Hà Đông (Hà Nội), làng cổ Đa Sỹ từ lâu được biết đến với nghề rèn truyền thống. Những năm gần đây, với việc đa dạng các sản phẩm dao, kéo đã tăng thu nhập cho các hộ dân nơi đây. 

Chạy dọc từ Đình Đa Sỹ đi sâu vào trong làng, đã nghe thấy những âm thanh rộn vang của tiếng búa, tiếng xè xè của máy mài vang lên từ các xưởng rèn.
Các sản phẩm rèn của làng Đa Sĩ hiện diện từ Bắc vào Nam và xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới như Đức, Pháp, Úc… 

Theo ông Hoàng Quốc Chính - Chủ tịch Hiệp hội làng Rèn truyền thống Đa Sỹ cho biết, làng có khoảng 900 hộ làm nghề rèn với số lượng lao động địa phương và lân cận khoảng 5000 người. Sản phẩm rèn tập trung vào hai mặt hàng chính là dao, kéo đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, kích thước.

Để làm được những sản phẩm tưởng chừng đơn giản ấy, những người thợ rèn Đa Sỹ đã phải trải qua rất nhiều công đoạn gia công. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm nhưng nguyên liệu làm rèn phổ biến là gỗ để làm cán và thép làm sản phẩm.

Theo cô Lê Thị Tâm - một thợ rèn có 40 năm làm nghề thì nguyên liệu tốt nhất là những chiếc nhíp xe đã hết thời hạn sử dụng.

Người thợ rèn làng Đa Sỹ lấy sắt về duỗi, cắt để rèn ra những mẻ dao mới.Trước đây nguyên liệu được người dân tận dụng từ những chiếc nhíp xe ô tô bỏ đi, sau này là tôn, thiếc, phần lớn được nhập từ Thạch Thất (Hà Nội)và Nam Định.


Công đoạn quan trọng nhất trong nghề rèn ở Đa Sỹ là nung thép.

Những thanh sắt đã được cắt, chặt theo ý muốn của người thợ, được nung trong lò với nhiệt độ cao.

Việc rèn dao kéo bắt buộc phải có hai người thay nhau quai búa, nhịp nhàng cho đến khi thành hình theo ý muốn.

Trung bình, cứ 2 tiếng đồng hồ, người thợ sẽ làm xong một con dao.

Sau đó nhúng phần lưỡi dao đang đỏ rực qua dầu hỏa nhằm giảm bớt nhiệt độ để khi nhúng nước dao không bị giòn và vỡ.

Đối với nghề rèn dao kéo thủ công, mỗi người làm một công đoạn, đôi khi đan xen nhau, có lúc công đoạn sau lại thực hiện trước, không hoàn toàn làm đúng theo trình tự.

Khi lưỡi dao đã hoàn thiện, người thợ chuyển qua công đoạn đóng chuôi dao.

Chuôi dao cũng do người thợ rèn đặt gỗ rồi tự tay vót, mài.

Công đoạn cuối cùng là đóng lưỡi dao vào cán.

Hiện tại làng Đa Sỹ có hơn 700 lò rèn, trong đó 70% sống ổn với nghề. Trước đây ngoài làm nông nghiệp, Đa Sỹ còn có nghề phụ như làm vali, đậu phụ và rèn. Sau này, nghề rèn phát triển và trở thành thương hiệu của làng.

Bằng bàn tay khéo léo, sự tâm huyết gửi gắm trong từng sản phẩm, người dân làng rèn Đa Sỹ vẫn từng ngày hăng say với nghề truyền thống của cha ông truyền lại. 

Giữ nghề cha truyền con nối, gia đình cô Tâm vẫn làm các sản phẩm dao bằng phương pháp thủ công. Sắt được xẻ thành các thanh nhỏ cho vào lò nung ở nhiệt độ 10000C. Sau khi phôi thép được nung từ 10-15 phút có màu đỏ sẽ được bỏ ra quai búa.

Việc quai búa đòi hỏi phải nhanh, mạnh và dứt khoát để tạo dáng sản phẩm. Cuối cùng là công đoạn gọt cánh theo chiều lưỡi dao nghiêng 45 độ để lưỡi dao hay lưỡi kéo có độ mỏng đều nhau, như thế sản phẩm mới có độ sắc. Những khâu cuối cùng như mài mài nước, đánh phớt, bôi dầu, tra cán đều được hầu hết đều được các chị em phụ nữ làng nghề làm rất nhanh chóng.

Theo xu thế phát triển công nghiệp hóa, nhiều gia đình đã đầu tư máy móc để thay thế sức lao động. Cũng nhờ có máy móc, rất nhiều gia đình ở Đa Sỹ đã mở rộng sản xuất với quy mô lớn như cơ sở sản xuất Hà Cung, Kiên Hoa… mỗi ngày làm đến hàng trăm sản phẩm.

Hiện nay ở làng Đa Sỹ, ngoài một số ít hộ dân còn giữ nghề rèn thủ công, còn lại hầu hết đều chuyển sang rèn dao công nghiệp, số lượng lớn với sự hỗ trợ rất nhiều của máy móc.

Lưỡi dao được mài qua máy để làm sáng và loại bỏ những mạt sắt bám vào dao trong quá trình nung.

Đóng tán cán dao bằng máy.

Dán tem của cơ sở sản xuất để chuẩn bị tiêu thụ ra thị trường.

Các sản phẩm làng rèn Đa Sỹ không quá cầu kỳ, chủ yếu là dao, kéo và các loại đồ gia dụng kim khí phục vụ sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. 

Bài: Ngân Hà - Ảnh: Công Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét