4 thg 5, 2016

Về nơi có Nước mạch Bà, trà Phú Hội

Thấy tôi đăng ảnh kèm câu phương ngôn: “Nước giếng Nghè, chè đồi Ninh” (ở thôn Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) lên facebook, một người bạn để lại lời nhắn: “Ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cũng có câu “Nước mạch Bà, trà Phú Hội” đấy”. Thế là tôi gói ghém trà cụ, tức tốc lên đường.

Rỉ rả luồn lách khắp vùng

Đến Phú Hội, nghe người dân kể rằng có một mạch nước ngọt rất lớn mà từ mạch ấy sinh ra không biết bao nhiêu mạch con, cháu nên mạch nước ấy gọi là mạch Bà. Mạch nước lộ thiên hoặc chạy ngầm nhằng nhịt, rả rích khắp vùng, góp phần hình thành xã miệt vườn nổi tiếng về các loại cây ăn trái (sầu riêng, măng cụt, bòn bon, mít…) và trà. Anh Lê Hà Sơn, chủ một nhà vườn, tổng kết: “Mạch chạy qua vườn nhà nào thì chỉ cần đào xuống đất nửa thước là nước cứ tuôn trào một dòng trong vắt, mát lạnh, rất thơm và ngọt”.


Lần ngược theo một mạch nước, từ ven đường lớn, tôi đi dần dần vào giữa một vùng miệt vườn xum xuê cây trái, những mái nhà yên ả nép bên mương nước trong vắt, bao bọc bởi những hàng rào ô rô, chè tàu, dâm bụt, hoàng anh… Gặp mấy bé gái đang vùng vẫy trong làn nước mát phủ bóng dưới những tàng cây, tôi hỏi mạch Bà, một em chừng hơn chục tuổi nhảy phắt lên xe, đạp nhoay nhoáy dẫn đường. Luồn lách qua một thôi đường ngoắt ngoéo, cô bé dừng xe, chỉ một hố nước ngay bên đường bảo: “Đây chú này!” rồi vội vã quay về với chúng bạn.

Mạch Bà là miệng giếng trào lên từ lòng đất, nhìn thấy cả cái kim dưới đáy vì nó chỉ sâu chừng một mét. Ấy thế mà nước lại sạch, trong veo. Nước mạch Bà cứ nhẹ rướn mình lên khỏi lòng đất rồi rỉ rả luồn lách đến khắp vùng. Bà Châu Thị Ngọc Thanh, 61 tuổi, ở tổ 10, ấp Đất Mới, nhà cách mạch Bà mấy chục bước chân, bảo trước kia người dân vẫn lấy nước mạch Bà (còn gọi là mạch Trào) về ăn, uống. Nay gia đình nào cũng đóng giếng tại nhà nên nước mạch Bà (lộ thiên) chỉ còn dùng để tắm, giặt. Chiều chiều, dạo khắp Phú Hội, ta thấy già trẻ lớn bé tụ tập ở những bến nước tắm, giặt, trò chuyện rôm rả. Bình yên và nên thơ quá đỗi!


Mạch Bà là miệng giếng trào lên từ lòng đất, nhìn thấy cả cái kim dưới đáy vì nó chỉ sâu chừng một mét

Nước mạch Bà cứ nhẹ rướn mình lên khỏi lòng đất rồi rỉ rả luồn lách đến khắp vùng


Thô ráp, đằm thắm

Hỏi nhà có trà Phú Hội không, bà Thanh khoe vừa phơi được hơn một cân. Mừng húm, tôi đưa cái bầu nậm đựng nước vừa lấy ở miệng giếng trào nhờ bà đun giúp rồi giở dầm, bàn, ấm, chén, quân, chén tống, thìa xúc… ra ngay hàng hiên rợp mát bóng cây đu đưa trong gió nhà bà để chờ nếm thêm một thứ trà.

Nếu trà Thái Nguyên mong manh, thanh cảnh, e ấp như thiếu nữ thị thành thì trà Phú Hội mộc mạc, thô ráp, đằm thắm kiểu phụ nữ thôn quê. Nhúm một nhúm lá trà đen, nham nhám cho vào ấm, tráng đổ bỏ nước đầu rồi rót nước vào ủ chừng dăm phút. Nghiêng ấm, tôi có chén nước đỏ bầm, mùi thơm thoang thoảng, uống một chén đã thấy người thư thái.

Bà Thanh dẫn tôi ra vườn xem hai, ba chục cây trà đã chừng năm mươi tuổi. Theo lời bà, mẹ bà là Nguyễn Thị Chín, mất năm 1993 lúc 64 tuổi, xưa trồng một vườn trà bạt ngàn, lút đầu người ở cạnh lộ, chỗ nay là trụ sở Ủy ban nhân dân xã. Rồi người sinh sôi, hộ chia tách mà đất không đẻ, đất sang tên đổi chủ, trà teo tóp dần. Quy trình làm trà của người Phú Hội rất khác biệt so với những người đồng nghiệp ở nơi khác. Bà Thanh hướng dẫn: “Hái lá hoặc bẻ, cắt cả cành trà về, trải ra nong, sàng trong bóng râm chừng một giờ cho héo. Rồi ít thì lấy tay vò, nhiều thì lấy chân đạp cho chín (nhừ) trà rồi mang phơi nắng ba ngày. Nắng càng to trà càng xoăn, càng giữ được lâu, pha càng được nước, màu nước càng đỏ. Mang trà vào lọc riêng phần cành, lá xoăn, vụn rồi cho vào túi cất uống dần. Mùa mưa không phơi được thì mới phải cho vào chảo sao, tất nhiên là trà sẽ không ngon bằng phơi”. Cứ nửa tháng, bà Thanh thu hoạch trà một lần, được một cân trà khô, chỉ đủ uống hoặc cho người quen. Vừa rồi có người em làm việc ở Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch, những người đồng nghiệp của chị nghe tiếng trà Phú Hội, nhờ mua giúp một ít để thưởng thức. Chị gọi điện nhờ bà Thanh. nhà hết, bà phải đi vòng vòng quanh ấp, gom của mỗi người một ít mới được dăm cân. “Đầu mùa mơi tới (đầu tháng tư, P.V.) tôi phải mua thêm ít cây giống về trồng thêm. Chứ bỏ uổng!”, bà cho biết.

Với một công trà, anh Nguyễn Văn Cải, ở tổ 12, ấp Đất Mới, mỗi năm thu được từ 30 đến 40 triệu đồng

Anh Nguyễn Văn Cải, ở tổ 12, ấp Đất Mới, có một công (1.000 mét vuông) trà trồng xen nhãn, sầu riêng, mít… từ hơn 20 năm nay. Nửa tháng một lần, anh hái một lá hai dẹo (một đọt hai lá) được hơn 120 cân trà tươi, làm được chừng 18 cân trà khô, bán 150.000 đồng/kg. Phần cành và lá bánh tẻ còn lại, mỗi tuần anh cắt một lần, bán 8.000 đồng/kg để người ta hãm nước trà xanh. Vì vườn rộng, nước mạch thiên nhiên không đủ tưới nên anh phải đóng giếng, lắp máy bơm, bơm nước kéo vòi đi tưới khắp vườn. Lâu lâu anh lại lấy dao phạt ngang thân để cây trà đâm nhiều cành, lên tốt lá. Trồng và làm trà không mất nhiều công sức, tiền của đầu tư mà mỗi năm anh cũng thu được chừng 30 đến 40 triệu đồng. Theo anh, xã Phú Hội có bốn ấp là Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, Xóm Hố và Đất Mới thì trà trồng ở Đất Mới tốt, cho sản lượng nhiều và ngon nhất. Trà trồng ba năm thì cho thu hái. Nhà nhà trồng trà nên hầu hết người dân biết chế biến trà để bán. Hàng năm cứ vào dịp gần tết, bà con mua trà nhiều để uống, biếu, tặng. Bà chủ quán tạp hóa ở đầu ấp khoe với tôi tháng tết vừa rồi bà bán được hơn 10 cân trà.

Vị ngọt của trà Phú Hội không đậm gắt mà nhẹ nhàng, dịu mát. Lá trà tươi, khi hãm cho ra màu vàng xanh rất đẹp, uống ngọt hậu. Trà Phú Hội mà dùng nước mạch Bà để hãm, pha thì mới đúng điệu. Thiếu nước mạch Bà, trà Phú Hội như thiếu một nửa vị ngon. Người ta cũng đồn rằng, mang giống trà Phú Hội trồng ở các vùng đất khác thì khi pha nước, trà có màu sậm đen, uống rất nhạt. Vì vậy, chính vùng đất trồng trà có mạch nước ngầm bên dưới này mới thực sự tạo ra hương vị thơm ngon của trà Phú Hội. Nếu may mắn thì cũng phải ba năm sau tôi mới được kiểm chứng điều này.
Đến xã Phú Hội, ta sẽ gặp hình ảnh thân thuộc: Trên bàn nước ở sân, hiên nhà nào cũng có một quả dừa khô, bốn mặt được trang trí bằng những hình vẽ đẹp mắt như rồng vờn mây, chim đậu cành mai, nai ngơ ngác giữa rừng già… Nhẹ tay mở nắp quả dừa ra, ta sẽ thấy bên trong là chiếc ấm tích, nhấc ấm, nhẹ nghiêng vòi, một dòng nước đỏ au chảy ra ly, hương thơm lừng lan tỏa, nhấp một ngụm, cổ họng ngọt thanh, người nhẹ nhõm. Bà Châu Thị Khuể, 82 tuổi, ở tổ 12, ấp Đất Mới, cười đôn hậu vừa tiếp nước tôi, vừa vui vẻ trò chuyện. Bà bảo: “Ngoài trà mộc, người Phú Hội còn lấy bông, lá phật, lá dứa, lá ba ren thái nhỏ, phơi khô rồi trộn với trà. Có người kỳ công thì mang sao qua cả trà cả lá ướp trên chảo gang một lượt, không thì cứ thế mang pha”. Rồi bà rót mời tôi ly trà ướp màu đỏ nâu. Chà! Mùi thơm của trà, của lá quện với nhau, thoang thoảng như hương đồng cỏ nội. Thật đặc biệt! Thật lưu luyến! 

Theo lời bà Khuể, bà Phạm Thị Bờ, ông Lê Văn Bảy, ông Nguyễn Văn Dội… và những bô lão trên dưới 90 năm hưởng tuổi trời, thì trà Phú Hội là các nơi họ gọi, chứ bà con nơi đây gọi là trà Tàu. Từ thuở khai hoang lập ấp đã có cây trà rồi. Cách đây gần 200 năm, diện tích trà tính ra lên đến hàng trăm héc ta. Xưa nhiều vườn chuyên canh trà có thể hái ba lứa mỗi tháng. Thợ giỏi hái bằng cả hai tay, có thể được 20 cân trà mỗi ngày. Nổi tiếng nhất là lò trà của ông Tám Yến - một người Việt gốc Hoa. Đây là lò duy nhất trong xã có sử dụng máy vò, sấy trà. Trà loại ngon được đem lên bán trên Biên Hòa, Chợ Lớn. Những hãng trà ở nơi này cũng lấy trà nguyên liệu Phú Hội rồi chế biến theo công thức riêng để bán khắp nơi.

Người dân Phú Hội hái, vò rồi phơi chứ không sao trà

Nhưng rồi vào những năm 1960, do giá trị kinh tế của những loại cây ăn trái tăng cao nên vườn trồng trà bị xen vào sầu riêng, mít tố nữ, chôm chôm... Anh Lý Văn Trọng, cán bộ nông nghiệp của Ủy ban nhân dân xã Phú Hội, cho biết: “Do bị lấy đất xây nhà cửa, khu công nghiệp nên hiện nay diện tích trà ở xã chỉ còn trên dưới 10 héc ta, nằm rải rác trong các vườn nhà dân. Sản lượng hàng năm vào khoảng 10 tấn trà khô. Cây trà cho thu nhập ổn định, quanh năm nên xã sẽ hỗ trợ nhân dân bảo tồn, phát triển, xây dựng thương hiệu để tăng giá trị trà Phú Hội”.

Quả dừa khô làm giành ủ tích trà, hình ảnh quen thuộc trong các gia đình người dân Phú Hội

Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy - Trích lại từ VietnamAndYou.net - 22/03/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét