Trà Phú Hội chính gốc khi pha ra có nước màu đỏ bầm rất đẹp và có hương vị thơm ngon riêng không lẫn với các trà khác được. Có lẽ suy diễn từ câu ca dao phổ biến lâu năm ở Đồng Nai: "Nước Mạch Bà, trà Phú Hội" nhiều người cho rằng trà Phú Hội phải được pha bằng nước Mạch Bà mới ngon. Thực ra Mạch Bà là một hệ thống mạch nước ngầm chảy qua địa bàn xã Phú Hội đã góp phần hình thành xã miệt vườn nổi tiếng về các loại cây ăn trái, cây trà. Suối Mạch Bà chảy qua Phú Hội còn có những đoạn lộ thiên được dùng làm nơi tắm rửa, sinh hoạt cho người dân miệt vườn. Nhiều nhà còn đóng giếng khai thác nguồn nước tự phun chảy này làm nước uống, tưới cây. Nước Mạch Bà trong mát và sạch sẽ, nấu sôi pha trà Phú Hội uống rất ngon miệng. Nhưng cùng giống trà ở Phú Hội mà đem trồng ở các vùng đất bị nhiễm phèn thì trà này pha chế ra dù có lấy nước ở Mạch Bà vẫn cho ra màu đen, uống rất dở. Vì vậy, chính vùng đất trồng trà có mạch nước ngầm bên dưới này mới thực sự tạo ra hương vị thơm ngon của trà Phú Hội.
Nói về trà Phú Hội, Địa chí Đồng Nai ghi là "Không rõ, trà ở xứ Đồng Nai xuất hiện từ khi nào" nên viện dẫn từ Gia Định thành thông chí: "Cây trà mọc cao từ ngang đầu người đến hàng chục mét, được trồng ở các vùng gò đồi, lá và thân đều có thể dùng nấu nước. Lá trà được hái về, vò, ủ kín, hạ thổ, nấu bằng siêu. Khi rót, siêu nước trà được giơ cao, dòng trà rót mạnh xuống tô nổi bọt trắng đục. Thế là trà ngon...". Trong Địa chí Đồng Nai cũng nêu rõ: "Nước Mạch Bà, trà Phú Hội" là thức uống nổi tiếng xưa nay".
Ông Bảy Tiến (Lê Văn Bảy) năm nay đã 83 tuổi, từng có thời gian dài làm Phó chủ tịch UBND phụ trách nông nghiệp xã Phú Hội nói: Hồi nhỏ xíu, còn đi học là tôi đã biết cây trà rồi. Nhà ông ngoại tôi là ông Lý Văn Lành - người Tàu lai ở ấp Đất Mới trồng trà nhiều lắm. Những vườn trà gần đó cũng đều là do người Tàu lai trồng, nên tôi nghĩ cây trà ở Phú Hội chắc là do người Tàu sang định cư lập vườn mang theo rồi khuếch trương ra.
Ông Bảy Tiến đang hái đọt trà.
Ông Nguyễn Văn Dội, 89 tuổi và bà Phạm Thị Bờ, 84 tuổi ở đường bờ Xóm Hố là những bô lão kỳ cựu ở Phú Hội cũng đồng tình với ý kiến như vậy, và cho rằng: Trà Phú Hội là các nơi họ gọi, chớ bà con mình ở đây hái đọt rồi vò, ủ chế biến ra trà gọi là trà Tàu. Hồi đó trà ở Phú Hội nhiều lắm, nhà vườn nào cũng trồng trà. Diện tích trà tính ra lên đến hàng trăm hécta. Đoạn suối cạnh Mạch Bà còn có lò trà cũng do ông Tám Yến - một người gốc Hoa làm chủ. Đây là lò trà duy nhất trong xã có sử dụng máy vò sấy trà, còn tất cả nhà vườn đều vò, sấy trà theo phương pháp thủ công là phơi khô rồi dùng chân đạp. Trà Phú Hội loại ngon được đem bán lên Chợ Lớn, Biên Hòa. Những hãng trà này lấy trà nguyên liệu Phú Hội rồi tẩm ướp thêm hương liệu riêng như bông lài, phật thủ... rồi đóng gói dán thương hiệu trà gia riêng. Ở trước đầu chợ Biên Hòa cũng có hai tiệm trà gia "ăn hàng" từ Phú Hội.
Được biết vào những năm 1960, do giá trị kinh tế của những loại cây ăn trái lên cao nên vườn trồng trà được xen vào sầu riêng, mít tố nữ, chôm chôm... cây trà bị thu hẹp diện tích dần. Những vườn trà lớn và lâu đời ở Phú Hội như của ông Lý Văn Triều, bà Hai Tứ, ông Tám Nhưỡng, bà Sáu Đối, bà Tám Mén... bắt đầu suy kiệt phải thu hẹp diện tích và trồng mới nhưng năng suất cũng xuống thấp do nguồn nước Mạch Bà cũng cạn dần vì bị khai thác bừa bãi quá mức. Trong đó, nhiều vườn trồng thuận trà ngoài trảng có thể hái 3 lứa/tháng với người hái trà giỏi (hái 2 tay) được 20kg/ngày, bây giờ phải 13 đến 15 ngày mới hái một lứa trà với năng suất chỉ khoảng 10kg trà đọt, chỉ đủ chế biến thành 2 kg trà khô.
Nước Mạch Bà đã cạn, cây trà Phú Hội giờ đây vẫn còn, nhưng mỗi vườn chỉ còn khoảng chục bụi vừa đủ để hái uống trong nhà và thỉnh thoảng vào ngày lễ, Tết gởi tặng người quen để nhắc nhớ hương vị quê nhà.
Bùi Thuận
Đậm đà hương vị Đồng Nai. - Bài đã đăng trên báo Đồng Nai 20/02/20016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét