16 thg 1, 2023

Đền Cửa Nam

Đền Cửa Nam nằm ở phía nam Thành cổ Lạng Sơn, nay thuộc phố Cửa Nam, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, cách cổng thành phía nam khoảng 100 m.

Đền Cửa Nam được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, có kiến trúc kiểu chữ Đinh chuôi vồ, cửa chính của Đền quay về hướng bắc. Đền thờ Mẫu (hệ tứ phủ) và thờ vọng Đức Thánh Trần (Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn).


Đền Cửa Nam là nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân địa phương cũng như du khách thập phương.

Đền Cửa Bắc

Đền Cửa Bắc nằm ở phía bắc Thành cổ Lạng Sơn, nay nằm ở ngã tư đường Trần Hưng Đạo và Trần Nhật Duật thuộc phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn.

Đền Cửa Bắc được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII. Đền thờ Đức Thánh Trần (Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) và thờ Mẫu (Mẫu Liễu), Phật (Thiên Thủ Thiên Nhãn).

Kiến trúc của Đền hình chữ Nhị, gian Đại Bái (Chính Điện) ở bên ngoài, gian Hậu Cung ở phía trong. Theo tư liệu “Xã chí Lạng Sơn”: Trước đây, Đền có nhiều hiện vật quý gồm: 1 tấm bia đá ghi công đức thời Khải Định (1924), 06 tượng thánh bằng gỗ sơn son thếp vàng, 2 nhang án, lỗ bộ, 1 bát nhang cổ bằng sứ, 1 bát nhang đỏ. Hiện nay, tại Đền vẫn còn lưu giữ tấm bia ghi công đức (năm 1924) và có thêm các tượng, đồ thờ tự, ngai (thờ bóng), điện thờ…


Đền Cửa Bắc là nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Đền Mẫu Đồng Đăng

Đền Mẫu Đồng Đăng nằm ở khu Lò Rèn, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, cách thành phố Lạng Sơn 15 km.


Đền Mẫu Đồng Đăng trước đây nằm trong một mái đá sát chân núi (cách vị trí đền ngày nay khoảng hơn 300m về phía đông bắc), hiện tại ở vị trí này còn có một bia ma nhai, kích thước: 53cm x 80cm, cạnh đó có một nghiêm mực đá được chạm khắc vào tháng sáu năm Kỷ Tỵ, triều Gia Long thứ 8 (1809). Sau này, thấy nơi đây chật hẹp không mấy thuận tiện cho việc thờ cúng, nhân dân địa phương đã di chuyển nơi thờ tự đến vị trí hiện nay. Đây là nơi thờ tự tín ngưỡng thánh Mẫu và Phật theo kiểu “Tiền Thánh – Hậu Phật”.

Chùa Bắc Nga

Chùa Bắc Nga thuộc thôn Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, nằm trên trục đường 4B (Lạng Sơn – Lộc Bình) và bên dòng sông Kỳ Cùng (đoạn xã Gia Cát), cách thành phố Lạng Sơn 12 km về hướng đông nam.


Qua tích chuyện lưu truyền trong dân gian, rằng nơi đây cảnh đẹp, thường có bầy tiên nữ bay về hái hoa, bắt bướm và tắm ở khúc sông Kỳ Cùng này. Sau đó, nhân dân trong vùng đã góp công, góp của xây dựng Miếu thờ Tiên tại đây với mong muốn các tiên nữ phù hộ cho dân làng một cuộc sống bình an hạnh phúc và lấy ngày 15 tháng Giêng hàng năm để làm Lễ hội Chùa, mời Tiên, mời Phật về phù hộ cho dân làng được bình an, hạnh phúc. Sau này cũng có nhiều tiền nhân, công thần văn sĩ ngưỡng mộ cảnh đẹp đã phát tâm, bỏ tiền trùng tu, tôn tạo miếu thờ Tiên, sau thành chùa thờ Tiên, rồi thờ Phật, gọi là Chùa Bắc Nga (Tiên Nga Tự).

Chùa Tà Lài

Chùa Tà Lài (chùa Thanh Hương) nằm ở lưng chừng núi Phia Chàu thuộc thôn Tà Lài, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, cách thành phố Lạng Sơn 20 km.


Chùa Tà Lài do một nữ đô đốc thuộc dòng họ Nguyễn Đình hưng công xây dựng từ thế kỷ XVIII (thờ Phật) khi bà theo quận công Nguyễn Đình Lộc lên trấn ải Lạng Sơn. Chùa gồm có cung Tiền Đường (ở ngoài), cung Tam Bảo ở trong hang núi (Chùa Hang). Trải qua một thời gian dài tồn tại, Chùa bị hư hỏng và xuống cấp. Từ đó đến nay, Chùa đã được trùng tu nhiều lần, gần đây nhất vào năm 2006 Chùa được tu bổ, tôn tạo với quy mô lớn, hệ thống cung thờ và tượng thờ được bổ sung phong phú hơn (cung Mẫu, cung Sơn Trang, các tượng Mẫu…) thể hiện sự phối thờ: “Tiền Thánh – Hậu Phật” tại chùa Tà Lài.

14 thg 1, 2023

Thơ mộng hồ Nguyễn Du

Sự tĩnh lặng yên ả của mặt nước, sự bình yên của các tuyến đường tạo nên khung cảnh thơ mộng cho hồ Nguyễn Du (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang)...


Hồ Nguyễn Du ra đời vào những năm 1920. Bắt nguồn từ một phần nhỏ của dòng sông Hậu hiền hòa, hồ Nguyễn Du là địa danh nổi tiếng của TP. Long Xuyên. Hồ thuộc công viên Nguyễn Du, phường Mỹ Bình, dài 350 m, rộng 50 m, cùng diện tích mặt nước khoảng 1.750 m², độ sâu hơn 10 m. Hồ được bao bọc giữa 2 con đường mang tên Nguyễn Du và Lê Lợi, cùng hàng cây cổ thụ xanh rợp bóng.