30 thg 5, 2014

Dưới chân Hòn Đền

Có một miền tâm linh phía sau những khu đền tháp Mỹ Sơn, nơi cánh rừng nở đầy hoa sim và tiếng suối dội vào vách đá ầm ào như một bản nhạc kéo dài bất tận.

Đỉnh núi Hòn Đền mây trắng bao phủ quanh năm. 

Mỹ Sơn cuối ngày, khi những tia nắng vàng xuyên qua tán lá, phủ mờ trên những cổ tháp rêu phong cũng là lúc các vũ nữ Apsara bước ra từ thần thoại uốn mình nhịp nhàng theo vũ điệu đất trời, giữa tiếng chim ríu rít và gà rừng lảnh lót. Cách đó không xa, sau những hoang vu là không gian của màu xanh với bạt ngàn cây rừng, hoa lá, chim muông những địa lan, cau rừng, sim tím… hồn nhiên khoe sắc.

Xanh mát Cồn Doi

Nằm bên luồng Cửa Đại, rìa đất cuối cùng của TP.Hội An, Cồn Doi (phường Cửa Đại) trở thành điểm nghỉ ngơi, dã ngoại lý tưởng của du khách và người dân trong những ngày hè nắng nóng.
Theo giải thích của người dân quanh vùng, Cồn Doi nghĩa là doi cát nổi lên nơi cửa biển. Ngày trước, muốn đến cồn chỉ có cách duy nhất là đi ghe ra vì nơi đây bốn bề giáp nước. Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây việc đi lại dễ dàng hơn khi con đường đất nối với Cồn Doi đã được đắp để phục vụ cho việc vận chuyển nuôi tôm. Từ bến cảng Cửa Đại nhìn sang, Cồn Doi nổi bật lên với màu xanh của những vạt rừng dương in hình trên sóng nước. Vào ngày nắng nóng, cồn trở thành nơi không thể thiếu của người dân và du khách đến vui chơi, sinh hoạt trên những bãi cát mịn màng hay cắm trại dưới tán lá rừng dương vi vu gió thổi. Theo vợ chồng ông Mai Văn Trúc - gia đình duy nhất sống trên cồn cát này cho biết, vợ chồng ông vẫn thường đón tiếp những nhóm khách từ Hà Nội, Sài Gòn đến đây dã ngoại, tắm biển ăn uống vui chơi cả buổi chiều. Nhiều khách còn thức cùng ông làm chài, kéo rớ để tận hưởng không khí trong lành về đêm nơi cửa biển, có khi đến tận hôm sau mới trở về. 

Du khách nước ngoài trải nghiệm làm ngư dân tại Cồn Doi. 

Vào hang Thoát Y Vũ

Hang Thoát Y Vũ vừa được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Di tích hang động này còn gọi là hang Dơi (vì rất nhiều dơi) thuộc địa phận thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên. 

Từ trung tâm huyện Cát Tiên vào hang Thoát Y Vũ chỉ không đến 50km nhưng nếu là mùa mưa thì không thể nào có cơ hội tiếp cận được di tích danh lam thắng cảnh vừa được công nhận này. Nhưng điều quan trọng và rất hấp dẫn là: Theo tục lệ của người Mạ ở Cát Tiên, đây là hang động khi muốn vào bên trong, con người trần tục phải cởi bỏ mọi thứ đang mặc (áo, quần...) và đang mang trên người (nhẫn, vòng tay...), và đồng thời còn phải gột rửa mọi “tham, sân, si...” trong đầu. Nếu không, con người đó sẽ bị những con vật của thần linh trong hang trị tội. Nếu vào hang và trở ra an toàn, con người ấy sẽ được hạnh phúc mãi mãi!

“Trong tương lai, hang Thoát Y Vũ sẽ trở thành một điểm tham quan du lịch hấp dẫn của huyện Cát Tiên” - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu khẳng định. 


Lội qua một con suối dài khoảng hơn 3km mới tới được hang Thoát Y Vũ 

29 thg 5, 2014

Gành Hào ơi...!

Tôi không phải dân Bạc Liêu hay Cà Mau nên không gắn bó gì với tên sông Gành Hào hay huyện Gành Hào, nhưng tôi thích nghe bài Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang của Vũ Đức Sao Biển nên nhập tâm hai tiếng Gành Hào. Gành Hào ơi, nửa đêm ai hát lên câu hoài lang

Bạc Liêu ơi có nhớ chăng ai? 

Thuở ấy thanh xuân, trăng Gành Hào tròn như chiếc gương
Giờ tóc pha sương qua Gành Hào tiếc một vầng trăng

Và rồi khi đi qua Cà Mau, Bạc Liêu, được giới thiệu rằng mình đang đi trên sông Gành Hào thì nghe lòng xao xuyến lạ: đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang...



Cổ kính chùa Chuông phố Hiến

Với bề dày lịch sử cùng hệ thống các pho tượng cổ độc đáo, chùa Chuông, Hưng Yên được mệnh danh là "Phố Hiến đệ nhất danh lam".

Chùa Chuông nằm trên địa phận phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên (xưa thuộc tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Chùa được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XV), qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII).

Không chỉ nổi tiếng là một địa chỉ tâm linh trong quần thể di tích lịch sử Phố Hiến, chùa Chuông còn là một cảnh quan của Hưng Yên luôn làm nao lòng du khách. Cuốn sách “Hưng Yên tỉnh nhất thống chí” của Trịnh Như Tấu, thời Nguyễn đã khẳng định điều này: “Chùa Chuông – phố Hiến đệ nhất danh lam”. 

Khu du lịch Kỳ Vân

Nằm dưới chân dãy núi Minh Đạm, Khu du lịch Kỳ Vân (Kỳ Vân) như đang giấu mình trong một vịnh biển êm đềm được xem là một trong những vịnh biển đẹp nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vịnh Long Hải. Vùng đất sơn thủy hữu tình này xưa kia từng được vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ ngơi, thưởng ngoạn.

Tưởng như bị lãng quên theo năm tháng, dù vẫn đẹp như một bức tranh thủy mặc thơ mộng trong sự hài hòa của mây trời, hương núi và gió biển, bỗng nhiên vào một ngày, “nàng công chúa Kỳ Vân” trở mình khi được đánh thức bởi sự tôn tạo, tô điểm của bàn tay con người.

Đó là năm 1997, khi công ty du lịch Long Hải được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép liên doanh với công ty TNHH Hoàng Cung (Tp. Hồ Chí Minh) cải tạo nơi đây thành khu du lịch sinh thái. Cuối năm 1998, Kỳ Vân chuyển thành công ty cổ phần với sự liên doanh của công ty du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty TNHH Hoàng Dung, bà Anoa Dussol Perran (Việt kiều Pháp) và được gắn thêm tên giao dịch quốc tế: Anoasis Beach Resort.

Du khách bị cuốn hút bởi một không gian thoáng đãng rộng mở ngay từ ngoài cổng vào khuôn viên Khu du lịch Kỳ Vân.

28 thg 5, 2014

Mì Quảng Phan Thiết

Một trong những món đặc sản được nhắc nhở khi tới Phan Thiết là mì Quảng Phan Thiết. Lưu ý là có 2 loại: mì Quảng Phan Thiết và mì Quảng ở Phan Thiết. Loại thứ nhất là mì Quảng đã được chế biến lại theo kiểu Phan Thiết, loại thứ hai là mì Quảng chánh hiệu được ăn tại Phan Thiết.

Mì Quảng chánh hiệu xuất phát từ Quảng Nam và giờ đã được bán khắp nơi trong cả nước rồi, nay mình tới Phan Thiết thì phải ăn mì Quảng Phan Thiết, tức là mì Quảng cải biên theo kiểu Phan Thiết cho nó đúng điệu!

Người ta giới thiệu rằng Phan Thiết có món mì Quảng vịt rất độc đáo. Độc đáo vì mì Quảng thứ thiệt thì hổng có vịt. Tô mì Quảng vịt đây:

Muốn ăn "cá chốt trên bờ Triều Châu"

"Bạc Liêu nước chảy lờ đờ/ Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu". Nhắc đến Bạc Liêu là dân sành điệu nghĩ ngay đến cá chốt, cũng như người đồng bằng nhớ công tử Bạc Liêu, nhớ Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. 

Cá chốt vừa đánh bắt - Ảnh: H.Vũ

Nói về hai câu ca dao xưa, người dân đồng bằng sông Cửu Long giải thích bởi cá chốt ở Bạc Liêu ngày xưa nhiều vô số kể, nhiều đến nổi vào những đêm trăng sáng, người ta chỉ cần rải một nắm cám xuống sông lập tức chúng sẽ quơ râu đầy trên mặt nước.

Về Phong Điền ăn bánh hỏi Út Dzách

Trong ngày Hội bánh dân gian Nam bộ lần 3-2014 tại TP Cần Thơ, nhiều người đã tò mò nếm thử món ăn dân dã có cái tên là lạ "bánh hỏi mặt võng Út Dzách" để rồi tìm đến tận Phong Điền để khám phá thêm một nghề truyền thống.

Bánh hỏi mặt võng - Ảnh: T.Tâm

Nằm cách TP Cần Thơ chừng 15km, vào Phong Điền đi qua phà Vàm Xáng rồi tới bến đò Mương Ngang, quẹo phải chừng 30m là bạn đã đến lò bánh hỏi mặt võng Út Dzách.

Ông Trần Thiện Cảnh (47 tuổi, con thứ tư của gia đình, trước là giáo viên, sau xin nghỉ việc), cho biết bánh hỏi mặt võng của gia đình ông là nghề truyền thống lâu đời, đã có cách nay hơn 50 năm.

27 thg 5, 2014

Bánh căn Phan Thiết

Tui từng được bạn hiền Lâm văn Lẫy chiêu đãi món bánh căn Phan Rang và rất kết món ăn nhà quê nhưng ăn bắt ghiền này. Vì thế, có người bạn từ nước ngoài về, đi Phan Thiết, tôi liền dẫn đi ăn bánh căn (Phan Thiết hay Phan Rang thì cũng là... Phan, ở gần nhau ấy mà!). Món ăn dân dã mà độc đáo này, ở nước ngoài đố mà có được!

Tự hào là mình đã biết ăn bánh căn, tui chuẩn bị giải thích cho anh bạn về món ăn. Thế nhưng quán bưng ra lần lượt hết tô này đến tô khác: một tô nước dùng trong đó có xíu mại và trứng luộc, một dĩa da heo, một tô cá nục kho, một tô nước mắm, một tô hành phi và tóp mỡ, một dĩa xoài sống xắt mỏng... Không thấy cái bánh căn nào cả! Tui lúng túng hỏi chủ quán: Ăn làm sao? Bánh căn đâu?