Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Thuận. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Thuận. Hiển thị tất cả bài đăng

5 thg 5, 2016

Rượu đế Bến Gỗ

Vào nửa sau thế kỷ XVII, các thế hệ di dân tự do người Việt với phương tiện chủ yếu là thuyền, ghe, xuồng... theo thủy triều ngược dòng Đồng Nai vào định cư ở các giồng đất hai bên bờ. Do đây là những nơi sẵn nước ngọt dùng cho sinh hoạt, trồng tỉa nên người Việt đến khai khẩn sớm nhất (theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức). Theo đó, Bến Gỗ (nay thuộc xã An Hòa - huyện Long Thành) là một trong những vùng định cư sớm nhất của số cư dân này ở xứ Đồng Nai. Và không biết tự lúc nào rượu đế Bến Gỗ đã vang tiếng khắp miền Nam. Trong Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển thì cho rằng: "... Thức uống có men phải nói đến rượu đế. Cùng với rượu Gò Đen (Long An), Hòa Long (Bà Rịa), rượu gạo Bến Gỗ (Long Thành) cũng nổi tiếng xứ Đồng Nai. Rượu đế chưng cất từ gạo nếp kết tinh chất bổ dưỡng từ bột nên dùng đúng liều lượng rất dễ tiêu hóa. Rượu đế còn dùng để ngâm thuốc gồm nhiều loại động, thực vật để tăng lực hoặc chữa bệnh". Rõ ràng là chi tiết "cùng với" không được đúng lắm vì Bến Gỗ hình thành địa bàn dân cư sớm hơn Long An, Long Đất thì rượu đế Bến Gỗ không thể xuất hiện cùng thời với rượu đế Gò Đen, rượu đế Hòa Long mà là phải có trước. Nhưng trước là lúc nào thì chưa có tài liệu nào nói rõ.

Một lò rượu ở An Hòa

4 thg 5, 2016

Nước Mạch Bà, trà Phú Hội

Với giọng khẽ khàng, bà Nguyễn Thị Tơn - cán bộ phụ nữ xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) cho biết: "Trước Tết, nhiều người ở tỉnh về tìm mua trà Phú Hội dữ lắm. Giá 1 kg trà lên đến 60.000 đồng mà kiếm cũng không ra!".

Trà Phú Hội chính gốc khi pha ra có nước màu đỏ bầm rất đẹp và có hương vị thơm ngon riêng không lẫn với các trà khác được. Có lẽ suy diễn từ câu ca dao phổ biến lâu năm ở Đồng Nai: "Nước Mạch Bà, trà Phú Hội" nhiều người cho rằng trà Phú Hội phải được pha bằng nước Mạch Bà mới ngon. Thực ra Mạch Bà là một hệ thống mạch nước ngầm chảy qua địa bàn xã Phú Hội đã góp phần hình thành xã miệt vườn nổi tiếng về các loại cây ăn trái, cây trà. Suối Mạch Bà chảy qua Phú Hội còn có những đoạn lộ thiên được dùng làm nơi tắm rửa, sinh hoạt cho người dân miệt vườn. Nhiều nhà còn đóng giếng khai thác nguồn nước tự phun chảy này làm nước uống, tưới cây. Nước Mạch Bà trong mát và sạch sẽ, nấu sôi pha trà Phú Hội uống rất ngon miệng. Nhưng cùng giống trà ở Phú Hội mà đem trồng ở các vùng đất bị nhiễm phèn thì trà này pha chế ra dù có lấy nước ở Mạch Bà vẫn cho ra màu đen, uống rất dở. Vì vậy, chính vùng đất trồng trà có mạch nước ngầm bên dưới này mới thực sự tạo ra hương vị thơm ngon của trà Phú Hội.