21 thg 1, 2013

Nam Ô - huyền sử sắp mất?

“Nhân sinh bách tuế vi kỳ, dã tử đắc táng nhi vinh” (Người sống trăm năm là chuyện diệu kỳ, nhưng cái vinh của con người ta là chết mà được chôn), cụ Sáu Hào, 86 tuổi, ở làng Nam Ô, dưới chân núi Hải Vân (Đà Nẵng), nói với chúng tôi về cái lẽ sống chết, vinh nhục ở đời khi nghe hỏi về chiếc quan tài cụ để sẵn cho mình bên giường.

Từ Nam Ô nhìn lên Hải Vân - Ảnh: Hồ Trung Tú

Huyền thoại trong tâm thức dân gian

Ngồi trước mặt tôi không chỉ là một người dường như của “muôn năm cũ” còn lại mà là nhân chứng, nếu có thể nói như vậy, của một thiên tình sử lắm vẻ vang mà cũng nhiều đau đớn từ tận 700 năm trước.


“Khi tôi lên năm hay sáu tuổi thì ông cố tôi đã bảy, tám chục tuổi gì đó. Ông bảo đã nghe ông bà của ông kể lại rằng ngôi mộ ngoài mé biển, nay ở gần đồn biên phòng Nam Ô, là ngôi mộ của vị tướng dưới quyền Trần Khắc Chung vào Nam cứu công chúa Huyền Trân năm 1307. Công chúa Huyền Trân được gả cho Chế Mân, Đại Việt được thêm châu Ô và châu Lý. Nhưng ngay năm sau thì Chế Mân chết. Theo tục của người Chăm, chồng chết thì vợ phải chết theo trên giàn hỏa. Vua Trần Anh Tông nghe vậy khóc thương con, Trần Khắc Chung mới xin đi cứu...”.
Cứ vậy, ông kể thật dài, chẳng biết đâu là hư là thực... Rằng Trần Khắc Chung nói với người Chiêm cho công chúa ra bờ biển để chiêu hồn chồng về rồi cùng lên giàn hỏa; rằng Trần Khắc Chung có hai vị tướng là “tiền quân oai” và “hậu quân oai” phục ở bờ biển. Trong cuộc chạy bộ từ Đồ Bàn ra tới chân núi Hải Vân để xuống thuyền, nhiều người đã hi sinh để chặn sự truy đuổi của quân Chiêm, vị hậu quân oai chết ở sông Cẩm Lệ.

Trần Khắc Chung đưa Huyền Trân chạy ra đến Nam Ô, lúc này tháng 10, gió bấc thổi nên thuyền không thể ra khơi được, công chúa đã ở lại đất này cho đến mùa gió nam thổi. Khi cả đoàn lên thuyền thì một vị tướng đã ở lại. Ông là người đầu tiên ở lại đất Chiêm Thành và chết trên đất Chiêm Thành. Sau vào thời Chế Bồng Nga, người Chiêm lấy lại đất này, phá bia mộ ông nên ông thành người vô danh.

Người Việt đến sau tôn ông là tiền hiền của vùng đất này và hằng năm cúng giỗ vào ngày 24-6 âm lịch, suốt 700 năm qua không bỏ sót năm nào. Nếu thật vậy thì vị tiền hiền này không chỉ là tiền hiền của làng Nam Ô mà còn là tiền hiền của cả xứ Đàng Trong nữa.

Một câu chuyện nhuốm màu huyền thoại, vẫn “ám” trong tâm thức của mỗi người Việt một nỗi u hoài bi tráng của lịch sử, nhưng lại không có một mảy may làm bằng. Đến như Thánh Gióng còn dấu vết vó ngựa là những chiếc ao, đến như Lê Lợi còn có hồ Gươm để làm bằng về thanh gươm thần Kim Quy trao để giữ nước, vậy mà những bước chân Huyền Trân ngàn dặm, rất thật, in đậm trong tâm trí người Việt “cái tình chi” (*) mà 700 năm rồi vẫn không nguôi một nỗi bâng khuâng, lại không còn một chút dấu vết để làm tin.

Vì thế chuyện xưa như thật như hư, nhỡ như ai vui mà chép lại, chuyện nhỏ hóa to, chuyện không hóa có thì sao?

Một trong gần 20 giếng vuông tương truyền của người Chăm xưa ở Nam Ô - Ảnh: Hồ Trung Tú


Nam Ô - một trạm dịch quốc gia

Vì thế câu chuyện của cụ Sáu Hào và ngôi mộ bằng ximăng thật to cứ hư hư thực thực mà án ngữ vào cái doi đất nhoài ra phía biển này. Đây là điểm cuối cùng bằng đường bộ từ Nam ra Bắc trước khi vượt Hải Vân. Chừng trăm năm trước, khi phương tiện đi lại vẫn còn lấy đôi chân làm chính, thì Hải Vân là một chướng ngại lớn trên đường đi.

Ngoại trừ đường biển cần phải có thuyền to, đội chèo đông, đến mùa gió thuận mới có thể đi được thì chỉ còn cách đi đò dọc theo các đầm phá ven biển. Từ Cửa Việt (Quảng Trị) theo phá Tam Giang có thể vào đến Lăng Cô. Đi thuyền hoặc đi bộ qua Hải Vân lại lên đò dọc ở Nam Ô vào sông Hàn, theo sông Cổ Cò vào đến Hội An... Các trạm quốc gia mà Lê Quý Đôn mô tả trong Phủ biên tạp lục đều nằm dọc con đường thủy này.

Dù đi đường nào thì Hải Vân vẫn là một chướng ngại lớn trên hành trình ra Bắc hoặc vào Nam. Vậy mới có câu “Đi bộ thì sợ Hải Vân, đi thuyền thì sợ sóng thần Hang Dơi”. (Hang Dơi là một ghềnh đá dưới chân Hải Vân, nơi giao nhau của các dòng nước và gió bắc nam).
Dù đi vào hay đi ra, bằng đường biển hay đường bộ thì Bắc và Nam Hải Vân đều cần một trạm nghỉ, do vị trí yết hầu và độc đạo nên suốt hàng ngàn năm qua trạm nghỉ này không thay đổi. Ở Nam Hải Vân chính là Nam Ô. Như vậy, từ thời vùng đất này còn thuộc vương quốc Champa hay về sau thuộc Đại Việt, Nam Ô có đủ yếu tố địa lý để con người phải dừng lại và cư trú đông đúc ở đó.

Đi một vòng quanh Nam Ô, chúng tôi được người dân địa phương kể cho nghe bao chuyện lý thú và cổ xưa nhuốm màu huyền thoại, cũng như tận mắt chứng kiến bao di tích đang chìm dần vào hoang phế. Nhiều ngôi đình, miếu thờ xưa nằm lẫn dưới những tán cổ thụ của rú cấm, một khu núi thiêng không ai được xâm phạm của làng Nam Ô, nhờ vậy mà ở đây vẫn giữ được những cánh rừng cổ thụ tự nhiên, điều vô cùng hiếm với những cánh rừng gần khu dân cư sau nhiều năm dài thiếu chất đốt.

Những chiếc chum đựng xương cá ông ở miếu ông làng Nam Ô - Ảnh: Hồ Trung Tú


Vết tích Champa

Trước đồn biên phòng Nam Ô là một sân bóng đá, giữa sân vẫn còn dấu vết của một ngôi tháp Chăm cổ với những viên gạch vồ khổ lớn, đặc trưng của các công trình kiến trúc Champa. Trong hồ sơ của Bảo tàng điêu khắc Champa có nhiều bức tượng mà các nhà nghiên cứu Pháp đã đem từ Nam Ô về.

Từ Nam Ô lên Trường Định có ít nhất ba nơi được gọi là miếu Bà Giàng và đều còn dấu vết kiến trúc Champa cổ, rất nhiều mả vôi mà dân làng gọi là mả Hời. Ngay giữa làng Nam Ô, giữa những lối đi ngoằn ngoèo của một làng chài điển hình miền Trung là hàng chục cái giếng Chăm hình vuông nước quanh năm trong vắt. Những viên gạch Chăm vương vãi khắp nơi.
Đây hẳn là một điểm cư trú kéo dài của cả những người Sa Huỳnh cổ đại cho đến Champa và Sơ Việt rồi Việt hiện nay. Chỉ tiếc sự khảo sát, khảo cổ của giới nghiên cứu ở đây chưa nhiều.
Có nghĩa rằng Nam Ô thật sự là một làng Chăm. Năm 1471, khi Lê Thánh Tông đi bình Chiêm ngang đây bắt được tướng Chiêm là Bồng Nga Sa là viên lại giữ cửa sông Cu Đê, bên làng Nam Ô. Và đến năm 1793, khi John Barrow vẽ bức tranh Một buổi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân một làng bắc vịnh Touran, bắc vịnh Đà Nẵng chỉ có một làng là Nam Ô thì chúng ta hiểu người Chăm đã ở lại đây, đã uống nước giếng vuông của họ đến tận khi Gia Long lên ngôi.

So với giọng nói người Quảng Nam, Đà Nẵng thì người Nam Ô giữ âm sắc của cư dân miền biển đặc trưng bao đời của họ. Trong ngôi miếu thờ cá ông - một phong tục của người Chăm xưa - ở làng Nam Ô vẫn lưu giữ hàng chục bộ xương cá ông đựng trong những chiếc chum lớn. Đây có lẽ là một trong những nơi còn lưu giữ xương cá ông nhiều nhất.

Và thành khu du lịch Nam Ô

Ngôi mộ vị tiền hiền làng Nam Ô được người dân Nam Ô chăm sóc rất chu đáo, trải qua nhiều trăm năm đã hư hại nhiều nên gần đây được xây mới, bia ghi rõ bằng chữ quốc ngữ “Tiền hiền chi mộ”. Khó mà biết câu chuyện này hư thực thế nào, trừ khi các nhà khảo cổ vào cuộc để tìm câu trả lời. Ngôi mộ nếu cho con số 700 năm thì đó có lẽ là một sự kiện vô cùng lớn không chỉ của giới sử học mà còn là một món nợ được trả đối với cuộc “ngàn dặm ra đi” của một bóng hồng mờ ảo trong lịch sử.

Biết đâu những lời cụ Sáu Hào nói là thật. Vị trí của làng Nam Ô xứng đáng để các nhà khảo cổ bỏ công đào bới truy tìm dấu vết người xưa. Chắc chắn dưới lòng đất, dưới những đáy giếng vuông sẽ có rất nhiều lời đáp về những dòng người ra Bắc vào Nam suốt nhiều ngàn năm qua, sẽ có nhiều câu trả lời nằm trong các tầng văn hóa chồng lên nhau trong lòng đất Nam Ô.

Mọi chuyện trở nên cấp bách khi làng Nam Ô đã được quy hoạch thành một khu du lịch lớn, dự kiến đầu năm 2012 Tập đoàn Trung Thủy (nhà đầu tư tiền thân là doanh nghiệp mỹ nghệ Miss Áo Dài) sẽ khởi công khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Ô tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng). Khu du lịch có diện tích 36,5ha bao gồm 57 căn biệt thự hướng biển cao cấp, khách sạn 5 sao, khu hội nghị quốc tế và vui chơi giải trí... với số vốn đầu tư lên đến 3.300 tỉ đồng.

Theo bản vẽ của nhà đầu tư thì núi Nam Ô với rừng cây nguyên sinh mà người dân Nam Ô gọi là rú cấm sẽ phủ kín những căn biệt thự trên nền cỏ. Và nơi có ngôi mộ vị tiền hiền mà dân bản địa tương truyền 700 năm tuổi ấy sẽ là một nhà hàng, bar rượu nhìn ra biển khơi và ngọn Hải Vân hùng vĩ. Hình như chưa ai để ý đến ngôi mộ đặc biệt ấy và ngôi làng dưới chân núi Hải Vân in dấu chân người ra Bắc vào Nam hàng ngàn năm qua này!

__________
(*) Bài ca Huế điệu nam bình nói về cuộc ra đi của công chúa Huyền Trân về làm dâu đất Chiêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét