21 thg 1, 2013

Ngạc nhiên ở vườn tượng sông Hàn



Vườn tượng bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng. Ảnh: TMB

Như một thói quen từ hơn 40 năm rồi, mỗi lần đến Đà Nẵng, dù bận cách mấy tôi cũng phải đi một vòng dọc đường Bạch Đằng, con phố ven tả ngạn sông Hàn lộng gió. Lần này, nghe nói có vườn tượng đá Non Nước trưng bày tô điểm thêm cho dòng sông Hàn thơ mộng trong dịp diễn ra cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế 2012 (DIFC), chúng tôi càng háo hức...

Qua báo chí, được biết đã qua 4 mùa lễ hội pháo hoa, năm nào thành phố Đà Nẵng cũng dành một mặt bằng ở vị trí đẹp nhất thành phố bên bờ tây sông Hàn để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (Ngũ Hành Sơn). Năm nay, hai cơ sở lớn của làng nghề nổi tiếng này là Tiến Hiếu và Nguyễn Hùng được chọn để trưng bày tác phẩm với quy mô hoành tráng hơn những năm trước.


Thật tiếc bởi mấy năm qua, chúng tôi chưa có dịp thưởng lãm vườn tượng này. Rõ ràng, ngoài việc làm đẹp cho thành phố vào dịp có nhiều du khách, nhất là khách quốc tế đến tham quan và dự lễ hội pháo hoa; đây còn là cơ hội quảng bá thương hiệu của nghề điêu khắc đá mỹ nghệ của địa phương. Hơn thế nữa là qua đó, du khách nước ngoài có cơ hội hiểu thêm về văn hóa nghệ thuật đất Quảng. 


Khoảng 200 pho tượng tạc bằng sa thạch, cẩm thạch trắng, cẩm thạch đỏ… được đặt dọc bờ sông Hàn, trong công viên cũng là lề đường Bạch Đằng. Vị trí đặt tượng có vẻ tùy tiện theo cảm tính, không theo chủ đề nội dung nào cả. Ảnh: TMB 

Khoảng 200 pho tượng tạc bằng sa thạch, cẩm thạch trắng, cẩm thạch đỏ… được đặt trên nền lót gạch đỏ trải dọc bờ sông, về phía nam cầu Sông Hàn (cầu quay). Dù mặt bằng rộng và thoáng, nhưng với số lượng tác phẩm được trưng bày khá lớn, lại không được sắp đặt theo chủ đề nên ít nhiều gây rối rắm cho người thưởng ngoạn trong mạch cảm thụ nghệ thuật của vườn tượng.

Nếu xem đây chỉ là một cuộc trưng bày sản phẩm điêu khắc thương mại để chào bán cho những khách hàng cần trang trí nhà cửa, sân vườn thì chẳng có gì để nói. Nhưng qua các kênh truyền thông, vườn tượng sông Hàn được xác định là một hoạt động trong chuỗi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng nhân dịp DIFC hàng năm nên chúng tôi thực sự thất vọng khi đến thăm vườn tượng này. Đi một lượt rồi quay lại, chúng tôi không hiểu được cuộc triển lãm này muốn gửi đến người xem thông điệp về điều gì? Chúng tôi muốn nói đến ý tưởng của người tổng đạo diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong sự kiện lớn là lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng.

Chúng tôi rất tôn trọng giá trị lao động và khâm phục tay nghề của các nghệ nhân, thợ điêu khắc đá đã làm ra những sản phẩm trưng bày ở vườn tượng này. Nhưng cần phân biệt một không gian triển lãm tác phẩm điêu khắc nghệ thuật với một mặt bằng giới thiệu sản phẩm điêu khắc thương mại để thể hiện đúng tầm vóc của thành phố Đà Nẵng trong con mắt du khách, bạn bè bốn phương. 

Có nhiều pho tượng được thực hiện rất công phu và sẽ có giá trị cao khi được đặt đúng chỗ, ở một không gian phù hợp, thay vì nằm chung với những tượng khác - cũng rất đẹp - nhưng khác hẳn về phong cách thể hiện và không tạo được cảm xúc nghệ thuật cho người thưởng ngoạn biến vườn tượng thành một "show room" ngoài trời hơn là triển lãm nghệ thuật. Theo chúng tôi, đó là điều đáng tiếc ở vườn tượng sông Hàn.


Nhưng ngạc nhiên hơn cả là những tượng mô tả hình ảnh những cặp đôi nam nữ âu yếm, yêu đương khá trần trụi (sex) cũng được đặt lẫn trong một vườn tượng có cả tượng Phật Di Lặc, bộ tứ linh (long, lân, quy, phụng) và cả những tác phẩm trừu tượng... tạo thành một quần thể hổ lốn; thậm chí không được bố trí thành từng khu vực nhỏ theo phong cách thể hiện hoặc nội dung tác phẩm.

Về những tượng sex, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng được đặt trong một không gian mở như vườn tượng này. Đây là bờ sông, nằm sát bên đường Bạch Đằng, nơi hàng ngày du khách và người địa phương vẫn thường đưa con em dạo chơi. Các cháu thiếu nhi sẽ thưởng thức các tượng sex của các nhà điêu khắc và nhìn nhận ý tưởng làm đẹp đô thị của các nhà quản lý văn hóa địa phương ra sao?

Có lẽ đây là bức tượng thô thiển nhất về mặt tạo hình trong vườn tượng này; từ tư thế cho đến chi tiết chạm khắc, nhưng lại được đặt sát mặt đường Bạch Đằng, gây phản cảm đối với nhiều người. Ảnh: TMB 

Ở Hàn Quốc, hòn đảo du lịch Jeju nổi tiếng với nhiều sản phẩm du lịch, trong đó nổi tiếng nhất chính là Công viên Tình Yêu (Love Land). Công viên này là một khu vườn có đến 140 tác phẩm điêu khắc tập trung về chủ đề quan hệ giới tính với những hình ảnh rất nóng bỏng. Các pho tượng minh họa các tư thế ân ái và còn có những bộ phim giới thiệu về các cách quan hệ nam nữ.

Thực tình, so với các pho tượng ở Love Land trên đảo Jeju thì những tượng sex ở vườn tượng sông Hàn còn "hiền lành" lắm. Nhưng điều cơ bản rất khác nhau ở chỗ, Love Land là chốn dành riêng cho người lớn, chỉ những người trên 18 tuổi mới được phép vào công viên này; trong khi vườn tượng sông Hàn của thành phố Đà Nẵng là một không gian mở, nơi dạo chơi thoải mái của mọi người.

Xin nhấn mạnh là trong bài này, chúng tôi không bàn về chất lượng mỹ thuật và nghệ thuật của các pho tượng trưng bày ở đây, mặc dù yếu tố cơ bản của mỗi tác phẩm nghệ thuật là tính sáng tạo cũng khá hiếm hoi ở phần lớn trong số tượng được trưng bày. Điều chúng tôi muốn nói là cần có ý tưởng chủ đạo cho một vườn tượng nghệ thuật xứng tầm với thành phố Đà Nẵng.

Mai Lĩnh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét