13 thg 3, 2022

Lên bản Mông ngắm hoa sơn tra nở trắng núi rừng

Ngay khi vừa đặt chân đến đầu bản Nậm Nghiệp, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những hàng cây sơn tra cổ thụ đang độ ra hoa đẹp nhất.

Sơn tra bung nở dọc hai bên đường dẫn vào bản - Ảnh: QUANG KIÊN

Sơn tra còn có tên gọi quen thuộc là táo mèo, đây là một loài cây đặc trưng, mang lại giá trị kinh tế cho bà con ở các tỉnh Tây Bắc. Trước đây, cây thường mọc tự nhiên ở rừng, sau được người dân đưa về trồng khắp nơi trong bản.

Cứ mỗi độ tháng 3 về, cả bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La lại được phủ trắng bởi thảm hoa sơn tra nở khắp núi rừng. Hiện, diện tích trồng sơn tra ở Nậm Nghiệp lên đến gần 13.000 ha, cây sơn tra không chỉ giúp người dân ở đây cải thiện kinh tế mà còn giàu tiềm năng du lịch.

12 thg 3, 2022

Ngôi đình thờ Nguyên phi Ỷ Lan giữa phố cổ Hà Nội

Đình Yên Thái còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật giá trị, trong đó có nhiều đạo sắc phong quý. Sắc phong có niên đại sớm nhất là năm 1753.

Nằm ở số 8 ngõ Tạm Thương, khu phố cổ Hà Nội, đình Yên Thái là một ngôi đình cổ có lịch sử gắn với sự nghiệp của bà Nguyên phi Ỷ Lan ở thành Thăng Long thời Lý.

Cây đa cổ thụ giữa phố phường Hà Nội

Cây đa này mọc ở khoảng sân phía sau đình Đại Yên, cạnh gò đất được người đời cho là mộ của công chúa Ngọc Hoa, vị Thành hoàng được thờ trong đình.

Nằm trong khuôn viên đình Đại Yên, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, cây đa cổ thụ đình Đại Yên là một trong số cây cổ thụ ở nội đô Hà Nội được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

Hàng cây trồng lâu đời nhất Việt Nam, có cây trên 700 tuổi

Khu vực đường tùng Yên Tử hiện có khoảng 230 cây xích tùng còn sống, nhiều cây có tuổi thọ trên 700 năm tuổi. Đây được coi là hàng cây trồng cổ nhất Việt Nam.

Cây tùng được coi là loài cây đặc trưng của vùng đất Phật Yên Tử (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Khu danh thắng nổi tiếng cả nước có một khu rừng tùng rộng lớn và một con đường mòn độc đáo đi xuyên qua rừng, được gọi là đường tùng.

Bảo vật quốc gia mới: Mặt nạ vàng trong ngôi mộ quý

Những chiếc mặt nạ vàng Giồng Lớn, bảo vật quốc gia, đã được tìm thấy trong một ngôi mộ ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Náu mình trong mộ táng

Bộ ba chiếc mặt nạ vàng Giồng Lớn được đặt tên bằng chính địa danh nơi đã tìm ra chúng. Giồng Lớn là địa điểm thuộc xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ba chiếc mặt nạ được phát hiện tại ba ngôi mộ trong các đợt khai quật khảo cổ học năm 2003, 2005 do Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN chủ trì phối hợp với Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong mộ, bên cạnh mặt nạ vàng còn có các đồ tùy táng khác như đồ gốm, đồ trang sức, tiền Ngũ Thù, công cụ, vũ khí…

Hồ sơ Bảo vật quốc gia cho biết trên cơ sở so sánh với các di tích khác trong khu vực Trung bộ, Đông Nam bộ và các di tích khác ở Đông Nam Á hải đảo, các nhà khảo cổ nhận định rằng, ba ngôi mộ này nằm trong khung niên đại từ thế kỷ 1 trước Công nguyên đến thế kỷ 2. Đây cũng là niên đại của ba chiếc mặt nạ. Thời kỳ này chính là giai đoạn bản lề ở Nam bộ, khi văn hóa tiền Óc Eo tiếp thu các yếu tố mới từ bên ngoài và chuyển tiếp lên văn hóa Óc Eo.

Mô tả kỹ thuật chạm nổi, được cho là cách làm các mặt nạ vàng Giồng Lớn. Ảnh chụp màn hình Bảo tàng Anh

Bảo vật quốc gia mới: Qua đồng Long Giao - món quà của các thủ lĩnh Đồng Nai

Qua đồng Long Giao cho thấy quyền lực của các thủ lĩnh Đồng Nai. Cùng với mộ Cự thạch Hàng Gòn, qua đồng cho thấy tổ chức lao động chặt chẽ, sáng tạo thời sơ sử.

Bảo vật bên miệng núi lửa

Năm 1982 trở thành mốc quan trọng của địa điểm khảo cổ học Long Giao (TT. Long Giao, H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai). Trong khi đào giếng làm rẫy tại một sườn đồi, bên miệng núi lửa cổ, một người dân là ông Nguyễn Đăng Khánh đã phát hiện cả một kho vũ khí đồng thau. Một năm sau, ông Khánh hiến tặng bộ sưu tập 15 tiêu bản qua đồng (một loại vũ khí giáp chiến với tác dụng chủ đạo là bổ, chém và móc) cho Bảo tàng Đồng Nai. “Đây là một bộ sưu tập qua đồng đồ sộ, chưa từng thấy ở bất cứ vùng nào ở VN về quy mô, sức nặng và họa tiết trang trí trên thân”, hồ sơ của Bảo tàng Đồng Nai cho biết.

Thời điểm phát hiện, sưu tập qua đồng Long Giao còn khá nguyên vẹn, chỉ một số tiêu bản bị gãy lưỡi nhưng không mất. Đa số bị phong hóa ngả màu xanh lục hoặc xám nâu. Hầu như toàn bộ rìa lưỡi đều bị mẻ dạng răng cưa. Họa tiết hoa văn trang trí trên qua đồng Long Giao phong phú và còn nhìn rõ. Các nhà nghiên cứu xác định bộ sưu tập có niên đại thế kỷ 1 đến thế kỷ 3.

Một vài hiện vật trong sưu tập qua đồng Long Giao. Bảo tàng Đồng Nai