8 thg 3, 2020

Cây gòn

Hồi đó, trên đường vô nhà tui ở Long Khánh có một hàng cây gòn. Một đoạn không dài lắm đâu, chừng vài ba chục mét thôi. Những cây gòn thật cao, to, khi tới mùa thì trái gòn xanh treo lủng lẳng đầy cây nhìn thật vui mắt. Rồi khi trái khô, nó ngả màu nâu vàng, vỏ trái nứt ra, ruột gòn trắng trong đó bung ra bay theo gió, gọi là bông gòn. Nghĩ cũng ngộ, bông gòn không phải là bông (hoa) của cây gòn mà là ruột của trái gòn. 


Cây gòn với trái còn xanh

Hồi xưa lâu lắm rồi, người trong xóm có hái trái gòn khô hoặc lượm trái khô rớt xuống đất, về tách ruột gòn ra khỏi vỏ, đánh cho rớt hột gòn ra để làm bông gòn độn ruột gối. Sau này không thấy ai làm vậy nữa, bông gòn chì để bay trong gió cho mấy đứa con nít nghịch. Có lẽ vì mua gối đã có sẵn ruột rồi chẳng bao nhiêu tiền, trong khi đi hái gòn, tách bông gòn quá mất thời giờ.

Thác nước cao 35 m ở tây Trường Sơn

Thác Trăng Tà Puồng giữ nguyên vẻ hoang sơ nhờ ít người biết đến. 

Thác Trăng Tà Puồng nằm ở thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hoá, cách TP Đông Hà khoảng 120 km. Từ trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị, du khách đi theo quốc lộ 9 về phía Tây khoảng 60 km, rẽ vào đường Hồ Chí Minh nhánh tây thêm 60 km, rồi đi bộ khoảng 20 phút đường rừng. Theo khảo sát của đoàn Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh, thác thứ nhất cao khoảng 30-35 m. 

“Săn” cua đá ở hòn Đá Bạc

Ở ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, có gần chục hộ dân làm nghề "săn" cua đá cặp theo tuyến bờ kè hoặc vách đá. Mùa trở chướng, công việc của họ dường như "nhộn" hơn. 

Ông Hai Sồi (Phan Văn Sồi), ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây được xem là người tiên phong làm nghề đặt cua đá ở đây. Ông Hai tâm sự: “Cũng nhờ nghề này mà tôi nuôi các con ăn học, cất nhà cửa… Giờ ổn định lắm rồi”.

Khoảng 15 giờ chiều, vợ chồng ông Hai Sồi bắt đầu "hành quân" ra bến để đặt cua đá, dụng cụ là cái lờ, mồi là cá lù đù. Kiểm tra lờ xem có rách chỗ nào, ông Hai Sồi vá lại, móc mồi xong ông tìm chỗ đặt. Ông Hai cho biết, mồi nhỏ thì để nguyên con, còn lớn thì cắt ra. Bởi mồi dài thì cua kẹp, không vô, mồi nhỏ quá cua ăn xong, xé lờ đi, nên mồi phải vừa tầm con cua.

Hơn 5 giờ sáng hôm sau, vợ chồng ông Hai Sồi thu chiến lợi phẩm. Ông Hai Sồi có 40 cái lờ, mỗi ngày ông thu hoạch khoảng 4-5 kg cua đá, bán với giá 120 ngàn đồng/kg. “Con nào thấy bán được thì mình bắt, con nào nhỏ thả lại, để có thể thu hoạch xuyên suốt”, bà Huỳnh Thu Hà, vợ ông Hai Sồi, chia sẻ.

Mồi để đánh bắt cua đá là cá nhỏ, cá tạp… 

Cá diếc chiên giòn chấm mắm ớt, món bình dân biến thành 'hàng hiệu'

Không cao lương mỹ vị, cũng không "sang chảnh" như các đặc sản thường thấy, chỉ cần bỏ ra 30.000 - 40.000 đồng là có ngay ký cá diếc đồng về chế biến, ngon tới vấn vương.

Cá diếc rửa sạch trước khi chế biến

Bún nước lèo thơm mùi mắm pròhốc, ăn sao cho khỏi 'trớt quớt'?

Gắp bún vào tô, rau ghém bên trên, chan một vá nước lèo nóng hổi có đủ thịt cá, huyết heo, nấm, sả ớt… phủ mặt, vắt thêm chút nước dấm ớt.

Bún nước lèo bắt mắt, thơm ngát

Tôi sinh ra ở Trà Cú, một huyện có đông đồng bào Khmer của tỉnh Trà Vinh. Trà Cú cũng là vùng đất cộng cư lâu đời của cả ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, nhưng số lượng người Khmer là đông đảo hơn cả.

Tết Nguyên đán của người Kinh cũng là niềm vui chung của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Do quá trình cộng cư lâu dài, giao lưu văn hóa nói chung cũng như văn hóa ẩm thực nói riêng đã diễn ra mạnh mẽ. Bún nước lèo chính là món ăn thể hiện đậm nét đặc tính giao thoa văn hóa này của ba dân tộc, một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên đán ở Trà Cú.

Hai món ngon 'ăn hoài không chán' ở xứ Huế

Vào những ngày Tết Canh Tý 2020, khi những món ăn như bánh chưng bánh tét, thịt heo ngâm nước mắm, khô gà lá chanh, mực nướng, dưa món, nem chả, mứt… đã chán ngán, tôi thường tìm đến với những món ăn mang tính cân bằng dinh dưỡng hơn.

Bún bò giò heo xứ Huế - Ảnh: GIA TIẾN 

Sáng mồng Một Tết, tôi thưởng thức món bún bò giò heo tại một gánh bún đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Huế), đoạn gần UBND phường Phú Hiệp.

Lẩu cá lau kiếng khiến tôi thèm hoài, nhớ mãi

Cá lau kiếng giờ đây đã không còn xa lại với người dân miền Tây nữa. Từ một sinh vật ngoại lai có nguy cơ làm ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái, giờ đây cá lau kiếng thường xuyên xuất hiện trên bàn ăn.

Lẩu cá lau kiếng là món tết miền Tây tôi luôn nhớ 

Miền Tây sông nước từ lâu đã trứ danh với sự phong phú của sản vật cùng sự hào phóng của con người. Sự hào sản ấy thể hiện qua các món ăn - không chỉ độc đáo về hương vị mà nguyên liệu chế biến lạ lẫm có khi lại làm cho người ăn ngỡ ngàng.

'Biến' tre thành 'tôm hùm' y như thật, mỗi tháng xuất ngoại hàng trăm tôm tre

Từ những thanh tre thô kệch nhưng qua bàn tay tài hoa, nông dân Bình Định đã cho ra đời những con tôm hùm tre giống y như thật được khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

Bình quân, mỗi tháng gia đình cụ Châu bán được khoảng 200 - 300 con tôm tre, ngày tết thì số lượng có thể tăng gấp 2-3 lần - Ảnh: THÁI THỊNH

Từ nhiều năm nay, căn nhà cụ Nguyễn Minh Châu (91 tuổi) nằm trên đường Ngô Gia Tự, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định luôn được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến mua những con tôm "khổng lồ" làm bằng tre đem về trang trí.

6 thg 3, 2020

Khám phá nét xưa ở Cửa Lò

Về với Cửa Lò, du khách không chỉ bị thu hút bởi bãi biển đẹp, hải sản tươi ngon, hệ thống nhà hàng khách sạn chất lượng… nơi đây còn có nhiều di tích, danh thắng, những không gian tâm linh gần gũi, thiêng liêng. 

Với quá trình phát triển lâu đời, Cửa Lò là vùng đất có bề dày văn hóa trầm tích. Theo Ban quản lý Di tích Danh thắng tỉnh, trên địa bàn TX Cửa Lò có 35 di tích lịch sử, văn hóa đã được phân cấp quản lý, trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, gồm: Đền Vạn Lộc, đền Mai Bảng, nhà thờ Họ Hoàng Văn, nhiều di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, như chùa Lô Sơn, chùa Song Ngư, đền Diên Nhất, đền Yên Lương, đền Bàu Lối, đền Làng Hiếu, nhà thờ họ Hoàng Thế, nhà thờ Phùng Phúc Kiều... Trong ảnh: Đền Bàu Lối ở phường Nghi Thu. 

Sa Thầy, mảnh đất giàu nét đẹp văn hóa truyền thống

Không chỉ nổi tiếng với Di chỉ khảo cổ Lung Leng ghi dấu người tiền sử ở Tây Nguyên, huyện Sa Thầy còn được biết đến là một trong những chiếc nôi văn hóa dân gian của tỉnh. Hơn 40 năm sau ngày được thành lập, bản sắc dân tộc, nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS sinh sống lâu đời trên địa bàn vẫn được quan tâm gìn giữ và phát huy.

Điều đó không chỉ thể hiện qua lối kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nét đẹp cồng chiêng - xoang, các điệu dân ca, dân vũ; mà còn được khẳng định nhờ các nghề truyền thống, từ dân dã, phổ biến như đan lát mây tre, dệt thổ cẩm đến riêng biệt và đặc sắc với tạc tượng gỗ, đẽo thuyền độc mộc.

Là làng tái định cư lòng hồ thủy điện Plei Krông, Đăk Wơk đã trở thành điểm sáng trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nhờ gây dựng được nhiều thế hệ tiếp nối nặng lòng với tình yêu văn hóa dân gian. Đây cũng là làng DTTS duy nhất của tỉnh vinh dự tham gia nhiều sự kiện văn hóa dân tộc ở nước ngoài. Trong đó, có Lễ hội Smith Sonian tại Washington D.C, Hoa Kỳ vào năm 2007, Liên hoan Ganat lần thứ 14 tại Pháp năm 2014. Nghệ nhân trẻ A Đan ở làng Đăk Wơk cho hay: Em từng có vinh dự được cùng các nghệ nhân lão luyện đi biểu diễn ở Hàn Quốc, Mỹ, Pháp… Ai cũng sung sướng, tự hào, vì cái hay cái đẹp cồng chiêng, sử thi, đan lát, đẽo thuyền độc mộc… của đồng bào Ba Na nhánh Rơ Ngao được giới thiệu ra nước ngoài.