3 thg 2, 2014

Bảo vật quốc gia - Ba pho tượng đá chùa Linh Ứng

Nếu như bệ đá tam thế thời Trần còn lại nhiều, thì tượng tam thế thời này còn lại rất ít. Ba pho tượng đá chùa Linh Ứng nằm trong số ít ỏi đó.

Ba pho tượng tam thế chùa Linh Ứng - Ảnh: Tư liệu 

Hồ sơ bảo vật quốc gia của tỉnh Bắc Ninh cho biết tượng tam thế chùa Linh Ứng ra đời đầu đời Trần, thế kỷ thứ 13. Chùa đã bị phá hủy nhiều lần, nhưng 3 pho tượng tam thế tạc bằng đá này vẫn còn. Đây là những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ.

Từ bi và phật tính

Cũng theo hồ sơ, cả 3 pho tượng đều có nhiều nét giống nhau là từ bi và phật tính. Các pho tượng bằng đá xanh, cấu tạo thành 3 phần: bệ tượng, tòa sen, thân tượng, đều ở trong tư thế, sắc tướng của tượng tam thế trong tòa tam bảo. Chúng cũng giống nhau về trang phục. Tuy nhiên mỗi pho tượng đều có những chi tiết, họa tiết riêng, thể hiện cá tính, hình thức và sắc thái tư duy khác nhau. Cụ thể là khác nhau cách ngồi thiền.

2 thg 2, 2014

Men say xứ Huế

Khách phương xa về thăm Huế, thường được mời nếm rượu làng Chuồn – xưa nay được xếp vào loại “đệ nhất danh tửu” của đất thần kinh.

Tên chữ của làng Chuồn là làng An Truyền, một làng cổ có lịch sử hơn 600 năm, cách Huế chừng 10km, gần với Phá Tam Giang. Ngôi đình làng đã có tuổi mấy trăm năm, sau này được tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét trang nghiêm bề thế với lối kiến trúc triều Nguyễn, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Hằng năm lễ hội làng An Truyền được tổ chức thu hút nhiều du khách tham dự. Làng còn nổi tiếng với hai nghề truyền thống là nấu rượu và gói bánh tét.

Đặc biệt rượu làng Chuồn có hương vị đặc trưng, không lẫn vào đâu được giữa bao loại rượu dân gian khắp Huế. Làng An Truyền có hàng trăm lò rượu gia đình suốt ngày đêm đỏ lửa nên mùi rượu thoang thoảng khắp nơi.

Lễ hội làng An Truyền

Bảo vật quốc gia - Ba khẩu thần công dưới đáy biển

Được phát hiện và trục vớt lên sau gần 200 năm chìm dưới đáy biển, ba khẩu thần công triều Nguyễn còn nguyên vẹn với những hoa văn tinh xảo đúc nổi trên thân súng.

Một trong ba khẩu thần công sau khi được phục chế - Ảnh: K.Hoan 

Giữa tháng 8.2003, trong khi đang lặn sò ngoài khơi vùng biển Hà Tĩnh, cách đất liền 36 hải lý, một nhóm thợ lặn người xã Cẩm Lĩnh, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh phát hiện một con tàu cổ chìm dưới đáy biển. Nhóm thợ lặn này đã đào bới để tìm kiếm cổ vật và phát hiện một số cổ vật quý, trong đó có 3 khẩu thần công. Sau 10 ngày tìm cách trục vớt 3 khẩu súng này nhưng không thành vì súng có trọng lượng quá nặng, những thợ lặn đã hợp tác với một chủ tàu có cần cẩu ở xã Thạch Kim, H.Thạch Hà ra trục vớt súng với phương thức ăn chia cổ vật. Khi khẩu thần công thuộc phần chủ tàu được mang đi bán thì bị công an phát hiện, thu giữ. Từ đó, Bảo tàng Hà Tĩnh biết tin và đến vận động người dân giao nộp hai khẩu còn lại.

Bảo vật quốc gia - Mộ thuyền Việt Khê

Mộ thuyền Việt Khê là minh chứng điển hình cho táng thức và táng tục Đông Sơn.

Mộ thuyền Việt Khê - Ảnh: Ngọc Thắng 

Năm 1961, cuộc khai quật ở xã Phù Ninh, H.Thủy Nguyên, Hải Phòng phát hiện 5 chiếc quan tài hình thuyền. Quan tài là những thân cây khoét rỗng, dài hơn 4 m, có nắp. Tìm được 5 nhưng chỉ một chiếc còn các vật chôn theo. Đầu to của thuyền có đồ đồng lớn như trống, thạp, đỉnh, bình. Đầu nhỏ có rìu, đục, dao găm. Chiếc quan tài duy nhất có chứa hiện vật giờ đây đã trở thành bảo vật quốc gia - mộ thuyền Việt Khê, đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Theo các chuyên gia lịch sử, tục chôn cất người chết xưa hết sức phong phú. Mộ táng thời Đông Sơn có loại mộ huyệt đất, mộ có quan tài hình thuyền, mộ nồi vò... Người Đông Sơn cho rằng cái chết chấm dứt cuộc sống ở thế giới bên này, mở ra cuộc sống ở thế giới bên kia. Sang bên đó, họ vẫn tiếp tục lao động, sinh hoạt và chiến đấu. Vì thế, người Đông Sơn khi chết đều thực hiện táng tục giống nhau. Người chết được chôn cùng đủ ba loại đồ vật: sinh hoạt, công cụ sản xuất và vũ khí.

Bảo vật quốc gia - Bia Vĩnh Lăng - bản hùng ca trên đá

Bia Vĩnh Lăng tại Lam Kinh (Thanh Hóa) do Nguyễn Trãi phụng thảo ghi lại thân thế, sự nghiệp của Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi không những có giá trị tài liệu lịch sử gốc, mà còn là tài liệu quý cho các nhà khoa học khi nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc thời Lê.

Bia Vĩnh Lăng tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh (xã Xuân Lam, H.Thọ Xuân, Thanh Hóa) - Ảnh: Ngọc Minh 

Vùng đất Lam Sơn (xã Xuân Lam, H.Thọ Xuân, Thanh Hóa) là quê hương của anh hùng dân tộc Lê Lợi - vua Lê Thái Tổ. Cũng chính nơi đây, Lê Lợi đã mang cả sản nghiệp của gia đình để chiêu hiền đãi sĩ, hội tụ nhân tâm làm nên cuộc khởi nghĩa 10 năm đánh đuổi giặc Minh ở thế kỷ 15, lập ra vương triều nhà Lê kéo dài tới 360 năm. Năm 1430, vua Lê Thái Tổ cho đổi vùng đất Lam Sơn thành Tây Kinh (hay Lam Kinh).

1 thg 2, 2014

Bảo vật quốc gia - Kiếm ngắn núi Nưa

Được phát hiện vào năm 1961 ở căn cứ khởi nghĩa của Bà Triệu tại chân núi Nưa, xã Tân Ninh, H.Triệu Sơn (Thanh Hóa), kiếm ngắn núi Nưa được dân gian liên tưởng đây là thanh kiếm lệnh của Bà Triệu trong cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của phương Bắc.

Kiếm ngắn núi Nưa đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa - Ảnh: N.M 

Tại Bảo tàng Thanh Hóa hiện nay đang lưu giữ và trưng bày những bộ sưu tập binh khí thuộc thời đại văn hóa Đông Sơn hết sức đa dạng và phong phú. Độc đáo và nổi bật nhất là thanh kiếm ngắn núi Nưa có cán là khối tượng hình người phụ nữ. Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu thì kiếm ngắn núi Nưa có cấu trúc, kiểu dáng, tiêu chí thẩm mỹ nghệ thuật rất đẹp; là kiếm ngắn đẹp nhất trong các kiếm ngắn có khối tượng người ở Việt Nam.