5 thg 11, 2013

Chùa Khải Minh nơi cửa biển Sầm Sơn

Nếu theo các cụ trong làng kể lại, trên nền cũ thì chùa cũng có niên đại tới 1.000 năm, còn giữ lại được một chiếc Khánh cổ từ đời vua Tự Đức, nay cũng hơn 500 tuổi 

Ngôi chùa làng nơi cửa biển, thuộc làng nghề truyền thống, với nghề xẻ gỗ lâu đời, mới thực sự bình yên đúng nghĩa hơn 20 năm nay, kể từ khi Thầy trụ trì Thích Tâm Định về với nhà chùa… 

Cây Bồ đề tán rộng phủ dầy bóng mát trước lối vào cổng chính chùa Khải Minh

Đó là chùa Khải Minh, ở phố Bình Sơn, phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn, thành phố Thanh Hóa. Ghé thăm nhà chùa một buổi sáng cuối tuần yên tĩnh, có sư chú ở nhà, khi trò chuyện, tôi được sư chú cho biết: Nếu theo các cụ trong làng kể lại, trên nền cũ thì chùa cũng có niên đại tới 1.000 năm, còn giữ lại được một chiếc Khánh cổ từ đời vua Tự Đức, nay cũng hơn 500 tuổi rồi. Có hai chiếc khánh cổ bằng đá nhưng một chiếc đã bị vỡ. Nhà chùa cũng còn giữ được 3 pho tượng cổ nữa, trong đó có tôn tượng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, tôi không nắm rõ niên đại chú ạ.

Chiếc Khánh cổ bằng đá còn lại, nay đã hơn 500 tuổi

Chùa mới xây cất lại hơn 20 năm nay, nhưng sư Thầy bận việc nhiều, khó bề chăm nom nên cũng đang dần xuống cấp. Theo lời kể từ sư chú, chùa Khải Minh có từ lâu đời, và thời thuộc Pháp, dân làng trong vùng không muốn chùa bị chiếm phá bởi tay quân giặc, cả làng kéo nhau đến trấn giữ nơi nhà chùa, rồi lần lượt bị quân Pháp giết hại. Có lẽ vậy, ngay nơi ngôi chùa còn rõ nét cổ kính, tôn nghiêm, nhiều năm không yên tĩnh, vì có… quá nhiều oan hồn?

Trải qua hao mòn lịch sử, đồng hành cùng những thăng trầm của đất nước, của dân tộc, rồi ngôi chùa cũng có chủ. Và được tôn tạo, gây dựng lại, đó là khi thầy trụ trì Thích Tâm Định về với nhà chùa hơn 20 năm trước. Dường như, máu thịt của dân làng, của những người con Phật đã góp phần gìn giữ nền móng ngôi chùa cổ, rồi hoàn thiện chùa Khải Minh ngày hôm nay. Dù sau đổi mới, dân quanh vùng cũng lấn chiếm nhiều, diện tích khuôn viên có phần bị thu hẹp, nhưng những chính yếu nơi nền móng cũ thì không hề suy chuyển…

Cổng chào từ ven đường nội thị mới mở, và một phần khuôn viên chùa được xây gạch tường bao. Đối diện bát ngát đồng ruộng, xa đưa gió biển mát rượi, trong lành. Qua cổng chào chừng vài chục mét, thấy ngay chùa Khải Minh phía tay phải. 

Được sự cho phép của nhà chùa, tôi thỏa sức chụp ảnh,… Khi hòm hòm công việc, lễ tạ Tam Bảo rồi xin phép nhà chùa ra về. Còn vương vấn trước vẻ đẹp nghiêm tịnh khó diễn tả của chùa Khải Minh, tôi dạo ngắm khuôn viên vòng ngoài nhà chùa. May mắn, gặp cụ bà Văn Thị Hợi, năm nay 80 tuổi, tôi tranh thủ hỏi chuyện cụ, được cụ cho biết: Khi sư ông mới về, chùa nghèo lắm cháu ạ, không có manh chiếu, cũng chẳng có tấm chăn. Bà con trong vùng mỗi người cung tiến một ít. Từ khi có sư ông về với chùa làng, dân làng phấn khởi lắm. Mọi việc nhỏ to đều nhờ sư ông giúp. 

Trước kia, nhà nào có người ốm, hay người mất đều sợ lắm, vì nơi đây được cho là đất dữ, lắm oan hồn. Nhưng từ khi có sư ông về, có chư Phật cứu độ, phù hộ; sư ông thường ngày chăm lo Kinh kệ, tiếng chuông, nhịp mõ như góp phần thanh bình hơn, nơi mảnh đất làng nghề xẻ gỗ truyền thống từng rất bình yên cháu ạ… 

Những hình ảnh về chùa Khải Minh: 


Cây Bồ đề ngay trước cổng chùa 

Lầu Quán Âm 

Phía sau tháp chuông nhìn từ lầu Quán Âm 

Chuông đồng 

Lầu Quán Âm nhìn chếch xuống từ tháp chuông 

Khoảng sân trước lối vào cổng chính, gian chính điện Tam Bảo bên tay trái, gian thờ Tổ ở giữa rồi đến gian thờ Mẫu 

Một góc gian thờ Tổ 

Toàn bộ tháp chuông nhìn từ trước sân 

Tôn tượng nơi chính điện Ban Tam Bảo 


Nhị vị Hộ Pháp 

Ban thờ Tả Thập Điện 

Ban thờ đức Thánh Hiền 

Ban thờ đức Chúa Ông 

Ban thờ Hữu Thập Điện 

Thường Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét