23 thg 1, 2013

Bánh răng bừa Phụng Công



Bánh răng bừa được ưa chuộng ở Hưng Yên và vùng lân cận. Ảnh: Thoa Nguyễn

Xã Phụng Công ở thị trấn Văn Giang, tỉnh Hưng Yên với cây hoa trà đã trở thành một trong những cái nôi trồng cây bonsai của miền Bắc. Chẳng những vậy, nhiều người còn biết đến Phụng Công bởi món bánh răng bừa nổi tiếng của nơi đây.

Bánh răng bừa là tên do người dân ở thôn Bến, xã Phụng Công thường gọi bởi hình dáng thon dài trông giống những chiếc răng bừa của nhà nông. Bánh này còn gọi là bánh tẻ vì được làm từ gạo tám xoan Hải Hậu.


Gạo ngâm mục rồi xay bằng nước vôi trong. Nhân bánh gồm thịt, hành khô, mộc nhĩ. Bánh được gói trong lá dong rồi hấp hoặc luộc. Đây là loại bánh truyền thống để cúng vào ngày rằm, mồng một, các ngày giỗ, tết v.v... Ngày nay, bánh răng bừa còn trở thành món ăn trong những bữa tiệc cưới hỏi và xuất hiện trên thực đơn của một số nhà hàng.

Để làm bánh răng bừa Phụng Công, bột cho vào nồi quấy chín 50% rồi lại cho vào máy đánh nhuyễn thêm cho mẻ bột vừa sánh, vừa dẻo lại dai tấm bánh. Khâu làm bột này quyết định chất lượng bánh có ngon hay không. Người ta bảo rằng cách pha chế và đánh bột được coi là bí quyết riêng của từng nhà.

Nhân bánh từ hành khô phi thơm lừng, thả thịt ba chỉ xắt hạt lựu rồi nước mắm ngon, hạt tiêu, mộc nhĩ thái mịn đảo đều tay, khi thịt hơi săn, tỏa mùi thơm là được.

Gói bánh hay còn gọi là lấy bột cũng là khâu quan trọng, đòi hỏi phải khéo tay, bột phết đều, gọn trong lòng lá, nhân đặt chính giữa. Bánh gói xong giống hệt cái răng bừa, ở giữa phình ra, hai đầu nhỏ lại. Lá gói bánh là lá dong trồng ở vườn tại các tỉnh thuộc lưu vực sông Hồng, mềm, dai và có mầu xanh rất riêng. Bánh gói xong rồi là bánh sống, muốn ăn phải nấu chín bằng cách đồ giống như đồ xôi hoặc luộc chín.

Trước đây, khi vùng bãi ven sông Hồng còn trồng nhiều cây đay, cây chuối thì bánh được buộc bằng sợi đay hay dây chuối khô tước nhỏ. Nhưng nay các nhà làm bánh thường buộc bằng dây ny-lon cho nhanh và tiện.

Bánh răng bừa Phụng Công khi bóc ra rất ráo, không dính tay, khi ăn có thể chấm với tương ớt, nước mắm ngon hay tương... tùy ý thích và khẩu vị từng người. Cắn miếng bánh thấy giòn nhưng lại dai, cái đặc biệt mà các loại bánh tẻ khác không có được. Mùi gạo tẻ đưa lên thơm mùi cơm mới, cái thơm của hành, ngọt của thịt, giòn của mộc nhĩ lan rất nhanh.

Cảm giác thòm thèm không cưỡng lại được khi chỉ vài ba miếng đã hết cái bánh buộc thực khách phải bóc tiếp mà ăn. Vả lại, có thể ăn no nhưng không chán loại bánh này cũng là điều níu kéo thực khách muốn thưởng thức những món quà quê.

Du khách từ xa đến thăm Hà Nội, muốn thưởng thức bánh răng bừa, chỉ cần xuôi dọc theo đê sông Hồng chừng 15 km là đến làng gốm cổ Bát Tràng - một điểm tham quan nổi tiếng, dấn thêm một đoạn là đến xã Phụng Công.

Thoa Nguyễn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét