1 thg 8, 2023

Tản mạn địa danh Hố, Trảng ở Đồng Nai

Tính đến tháng 4-2023, tỉnh Đồng Nai có 170 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn của 11 đơn vị hành chính (2 thành phố, 9 huyện). Các đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn (gọi tắt cơ sở) cũng có nhiều thay đổi về tên gọi, địa giới qua những lần điều chỉnh của các cấp quản lý theo luật.

Công viên 30-4 giáp tuyến quốc lộ 1 - đường Nguyễn Ái Quốc, TP.Biên Hòa, thuộc vùng Hố Nai. Ảnh: Vĩnh Huy

Điều thú vị, tên gọi của các đơn vị hành chính cấp cơ sở này phản ánh những chiều kích lịch sử, văn hóa của vùng đất trải qua nhiều thời kỳ. Trong số những địa danh hành chính cơ sở này, một số tên gọi đã chỉ rõ những đặc điểm về địa hình tự nhiên: Hố (P. Hố Nai, xã Hố Nai 3), trảng (P. Trảng Dài, TT. Trảng Bom, H. Trảng Bom), suối (P. Suối Tre, xã Suối Cao, xã Suối Cát), bàu (P. Bàu Sen, xã Bàu Hàm, xã Bàu Hàm II, xã Bàu Trâm), sông (xã Sông Trầu, xã Sông Thao, xã Sông Ray).

Vùng đất Nam bộ có những địa danh gắn với đặc điểm tự nhiên về địa hình khá phổ biến. Tỉnh Biên Hòa không phải là ngoại lệ khi các cư dân Việt, Hoa đến khai khẩn, có sự kế thừa của các tộc người sinh sống trước đó. Tuy nhiên, tùy theo tính chất của mỗi vùng và liên quan đến thể chế quản lý, nên có những địa danh được dùng làm đơn vị hành chính (thôn, làng, ấp, xã…). Nhiều địa điểm, địa bàn hay khu vực có đặc điểm địa hình được dùng theo cách gọi của cư dân như: đồng, bãi, bàu, bưng, đầm, vũng, xẻo, mương, rạch, cồn, giồng, hố, lạch, láng, động, gành, mũi, bến, cù lao, đảo…

Địa danh là “tấm gương phản ánh ” nhiều chiều của lịch sử, văn hóa. Nhiều địa danh mang đặc điểm tự nhiên ở Đồng Nai đã dần mất đi trong sự biến thiên của cuộc sống, đặc biệt với bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay. Cái còn lại và được lưu truyền của địa danh nói chung mang dấu ấn mạnh mẽ, đáng trân trọng trong dòng chảy của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Hố Nai là địa bàn khá rộng, được tách ra thành nhiều đơn vị hành chính cấp xã. Từ năm 1955 trở về sau, cư dân tập trung nhiều khi chính quyền Việt Nam cộng hòa thành lập những cụm cư dân, đẩy mạnh khai phá theo trục lộ và vùng phụ cận. Tên gọi Hố Nai trở thành đơn vị hành chính chính thức từ năm 1957, thuộc tổng Phước Vĩnh Thượng, Q. Châu Thành (sau thuộc Q. Đức Tu), tỉnh Biên Hòa. Một số người dân cho rằng Hố Nai trước 1975 là vùng đất rộng, với ranh giới theo trục lộ từ Suối Đĩa (Trảng Bom) đến Suối Săn Máu (Biên Hòa). Sau năm 1975, Hố Nai được chia thành nhiều đơn vị hành chính: P.Hố Nai 1 (TP. Biên Hòa) và xã Hố Nai 1, 2, 3, 4 thuộc H. Thống Nhất. Hiện nay, có P. Hố Nai thuộc TP. Biên Hòa và xã Hố Nai 3 thuộc H. Trảng Bom. Một số nhà nghiên cứu hay sử dụng tên gọi Hố Nai cùng với Đồng Nai để giải thích về một khu vực có nhiều nai sinh sống: cánh đồng có nhiều nai (Đồng Nai), Hố có nhiều nai (Hố). Hố được cho là chỗ đất trũng, mùa nắng khô ráo nhưng mùa mưa có nơi có nước lấp xấp. Chỗ có nước và cỏ nên nai thường tìm đến. Như vậy, có thể nói, Hố Nai là một khu vực rộng lớn, nơi có nhiều hố chứ không chỉ là số ít. Đây là khu vực rừng núi thấp trước đây, được khai phá sớm nhưng cư dân rải rác. Trịnh Hoài Đức là vị quan của các đầu triều Nguyễn, cũng là nhà thơ có nhiều bài vịnh về cảnh đẹp của xứ Đồng Nai - Gia Định. Trong 30 bài nói về cảnh đẹp của trấn Gia Định, Trịnh Hoài Đức có những cảm tác với tình cảm dạt dào, đằm thắm trước những chùa chiền, đền miếu, cảnh đẹp và cuộc sống con người ở Biên Hòa xưa, trong đó có Hố Nai. Bài Lộc Động tiều ca (Tiếng hát ông tiều ở Hố Nai) phản ánh góc nhìn về hình ảnh người đốn củi giữa núi rừng với tâm thế tự tại giữa cảnh núi bạt ngàn, trên trời mây bay gió thổi, tiếng róc rách của dòng suốt trong mát và mái nhà đầm ấm khi trở về có người thân chờ đợi.

Phong phi tiều phát bạch bà bà,
Lộc động sơn trung suất tính ca.
Dã điệu thanh tòng khảm thụ chấn,
Thôn xong vận dự lưu tuyền hòa.
Vân phi hữu ý liên lưu cửu,
Hạc thị tri âm quyến luyến đa.
Nhật mộ quy lai lão phụ vấn,
Vi ngôn tằng kiến Tấn đồng đà.

Dịch thơ (Hoài Anh):

Gió đùa mái tóc trắng phau phau
Tiều hát hồn nhiên trong núi sâu
Điệu mộc theo tiếng cây theo đẵn gục,
Lời quê vần họa suối tuôn mau.
Mây không có ý lưu liên mãi
Hạc ấy tri âm quyến luyến nhiều
Trời tối trở về bà lão hỏi
Đà đồng đời Tấn dấu lần theo.

Trên Đồng Nai có nhiều địa danh bắt đầu từ chữ trảng: Trảng Táo, Trảng Bom, Trảng Dài… Trảng là địa hình trống trải không có cây mọc, ở giữa một khu rừng hay bên cạnh một khu rừng. Hiện nay, tên gọi Trảng Dài là đơn vị cấp phường của TP. Biên Hòa và TT. Trảng Bom thuộc huyện cùng tên.

Phường Trảng Dài thành lập năm 1994 trên cơ sở tách ra từ P.Tân Phong. Tân Phong là làng được khai phá sớm, diện tích rộng, rừng đồi khá nhiều thuộc tổng Phước Vinh (sau này là Phước Vĩnh Trung), H. Phước Chánh, trấn Biên Hòa. Về phía chính quyền cánh mạng, từ năm 1948 đến năm 1954, địa bàn Trảng Dài thuộc H. Vĩnh Cửu. Vùng rừng núi Trảng Dài - Hố Cạn trước đây là hành lang chiến lược nối Chiến khu Đ với Chiến khu Bình Đa. Về sau, vùng đất này là lâm phần thuộc xã Tân Phong (Q. Châu Thành, Q. Đức Tu). Địa bàn Trảng Dài là nơi đứng chân của nhiều đơn vị vũ trang cách mạng thời chống Mỹ. Từ bàn đạp này, lực lượng cách mạng đã tổ chức những trận tấn công vào căn cứ, kho tàng của của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở Biên Hòa. Trước đây, khu vực Trảng Dài là đất sản xuất, chủ yếu là trồng cây (tràm, điều), chăn nuôi nhưng hiện nay cư dân cư đông đảo từ các vùng miền đến sinh sống. Cảnh quan xưa với rừng núi, gò đồi đã thay đổi nhiều với nhiều đường phố, khu dân cư sầm uất.

Ngã tư đường Trần Văn Xã - Nguyễn Khuyến thuộc vùng đất Trảng Dài hôm nay

Huyện Trảng Bom thành lập từ tháng 1-2004 trên cơ sở tách ra từ H. Thống Nhất. TT. Trảng Bom được thành lập năm 1994 (trước thuộc H. Thống Nhất, sau H. Trảng Bom). Thời Nguyễn, TT. Trảng Bom là xã Đông Thành, tổng Phước Thành, H. Phước Bình. Từ năm 1897 được sáp nhập vào xã Bình Trước, tổng Phước Vĩnh Thượng, tỉnh Biên Hòa và thuộc lâm phần được người Pháp khai thác nhiều với các cơ sở, đồn điền. Tại TT. Trảng Bom hiện nay còn lưu dấu khu thực vật do người Pháp thiết lập cơ sở nghiên cứu về lâm nghiệp. Trảng Bom là đơn vị cấp xã từ năm 1957 thuộc tổng Phước Vĩnh Thượng, Q. Châu Thành (sau là Q. Đức Tu), tỉnh Biên Hòa. Sau năm 1975, Trảng Bom có một giai đoạn chia làm 2 đơn vị: xã Trảng Bom 1 và 2 nhưng sau đó sáp nhập lại. Hiện nay, có 3 ý kiến về tên gọi Trảng Bom: đọc trại từ tiếng Pháp “transport” (vận chuyển) do người Pháp xây dựng tuyến đường sắt để khai thác lâm sản; do địa hình có nhiều chảng lớn bị máy bay ném bom gây ra thời kỳ chiến tranh, người dân gọi là chảng bom, sau trản bom; khu vực này có nhiều cây bom - loài thực vật được mô tả có ở những nơi khác cận (Thủ Dầu Một, Thủ Đức…). Tên gọi Trảng Bom còn được đặt tên cho nông trường cao su và yếu khu quân sự của người Pháp nhằm ngăn chặn, đánh phá phong trào cách mạng. Trong thời kỳ chống Pháp, Yếu khu Trảng Bom bị lực lượng vũ trang cách mạng cải trang tập kích, làm nên chiến thắng lớn vào đầu năm 1951...

Phan Đình Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét