Từ những năm 2000, Tp. Hồ Chí Minh bắt đầu quan tâm đến việc phát triển cảnh quan và đô thị ven sông. Theo đó, Thành phố đã triển khai các chương trình cải tạo sông và kênh rạch, tổ chức các cuộc thi quốc tế nhằm tìm kiếm ý tưởng về quy hoạch đô thị, mời các chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu khoa học về quy hoạch kiến trúc đô thị của Thành phố.
Cùng với đó là các hoạt động cải tạo lòng sông Sài Gòn, xây dựng bờ kè, cải tạo các trục đường dọc sông, xây những cây cầu hiện đại bắc qua sông, phát triển tuyến bus sông, quy hoạch kiến trúc nhà hai bên bờ sông, xây dựng công viên, cảnh quan cây xanh, các khu vực giải trí, văn hóa công cộng…
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh, Đề án quy hoạch và quản lí hành lang sông Sài Gòn đã cơ bản hoàn chỉnh. Trong đó, quy hoạch sông Sài Gòn đặt ra mục tiêu gắn kết cộng đồng, kết nối vùng và hướng ra thế giới, để đến năm 2030 phát triển ven sông Sài Gòn thành điểm đến văn hóa của châu Á với mức tăng trưởng 8% - 8,5%/năm. Đề án này cũng chú ý đến việc khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử sông nước lâu đời của vùng đất này để quy hoạch phát triển thành phố trong tương lai.
Năm 2024 lễ hội mang chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại” được tổ chức trên khu vực mặt sông Sài Gòn thuộc Bến Nhà Rồng (quận 4) đã mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm thú vị và độc đáo với việc tái hiện lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Tp. Hồ Chí Minh qua hơn 300 năm hình thành và phát triển bằng sự kết hợp các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, từ âm nhạc, điện ảnh, vũ kịch đến công nghệ ánh sáng cùng với các công nghệ trình diễn 3D hiện đại.
Lễ hội Sông Nước Tp. Hồ Chí Minh lan tỏa niềm tự hào về một thành phố đáng sống, cũng như truyền cảm hứng du lịch và khám phá đến du khách. Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh việt Nam
Tại lễ hội sông nước nhiều địa điểm du lịch gắn liền với con sông Sài Gòn như khu vực Nhà Rồng - Khánh Hội (quận 4), Công viên Bạch Đằng, khu vực cầu Ba Son (quận 1), khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận 3), Bến du thuyền Lan Anh (TP.Thủ Đức), Bến Ngôi Sao Việt (quận 7), Bến Bình Đông (quận 8)… tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao kéo dài trong một tuần mang lại cho người dân và du khách nhiều thời gian trải nghiệm vui chơi giải trí.
Lễ hội sông nước góp phần phát huy tiềm năng vốn có và khai thác tối đa giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch của sông Sài Gòn thông qua chuỗi hoạt động du lịch, văn hóa, giải trí, nghệ thuật, thể thao, ẩm thực, mua sắm, định hướng trở thành một sự kiện thương hiệu, góp phần định vị Tp. Hồ Chí Minh , một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hoá.
Biểu diễn âm nhạc trên sông nước trong khuôn khổ Lễ hội Sông nước Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh việt Nam
Trong những năm gần đây, một số loại hình du lịch sông nước đã được thành phố triển khai mang lại hiệu quả và có sức lan tỏa như: du lịch tuyến bus đường sông, du thuyền trên sông Sài Gòn, hoạt động văn hóa du lịch trên bến - dưới thuyền (quận 1, 4, 8 vào dịp Tết cổ truyền), tour khám phá sông Sài Gòn - kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thưởng thức cà phê ngắm sông Sài Gòn…
Người dân vui chơi tại khuôn viên khu đô thị bên sông Sài Gòn. Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh việt Nam
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (Hội Kiến trúc sư Tp. Hồ Chí Minh), Tp. Hồ Chí Minh có thể chỉnh trang và phát triển không gian sông nước liên hoàn cho khu vực nội thành, đặc biệt là cho khu vực hai bên sông Sài Gòn từ bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đến bán đảo Tân Thuận (quận 7). Cụ thể, xây dựng và phát triển khu vực Thanh Đa - Bình Quới với bản sắc đô thị sinh thái, du lịch giáo dục, làng nghệ thuật ven sông; chỉnh trang và phát triển khu vực Trường Thọ và Thảo Điền (Tp. Thủ Đức) với bản sắc khu đô thị hiện đại, sáng tạo, giao lưu quốc tế, đóng vai trò trung tâm ven sông của Tp. Thủ Đức.
Việc phát triển các hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao và nghệ thuật gắn liền với sự phát triển đô thị ven sông sẽ mang đến cho Tp. Hồ Chí Minh một bức tranh đời sống phố thị vùng sông nước hài hòa, trong lành và bền vững, đáng sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét