26 thg 8, 2018

Người Tày ở Đồng Nai

Người Tày là dân tộc có dân số đông sau người Kinh, người Hoa và người Nùng ở Đồng Nai. Tụ cư ở những vùng có đồng ruộng hay đất rẫy để làm nông nghiệp, người Tày sống tập trung tại huyện Tân Phú, Định Quán.


Năm 1954, người Tày di cư từ vùng núi phía Bắc vào Đồng Nai lập nghiệp. Tới sau giải phóng 1975, số lượng di cư đông đúc hơn tạo thành các bản làng, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, làm ruộng, rẫy và chăn nuôi… Mặc dù sinh sống hàng chục năm nay trên đất mới Ðồng Nai, thế nhưng họ vẫn giữ giữ nét sinh hoạt của cộng đồng trong tập quán sinh sống, phương thức canh tác, sinh hoạt văn nghệ và xây dựng cơ sở tín ngưỡng nơi cư trú.


Đối với đồng bào Tày ở xã Thanh Sơn (huyện Ðịnh Quán), xã Tà Lài (huyện Tân Phú), hát Then là một trong những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu. Bà con nơi đây hát Then vào những dịp trọng đại như: lễ hội Lồng Tồng vào dịp năm mới, sinh con đầu lòng hay giải trừ tà ma, chữa bệnh..., thường hát Then luôn đi cùng đàn tính, chuông, lắc… trong khi hát có múa Then. Ngoài ra, múa nhảy sạp, múa xòe là những điệu múa dân gian đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, trong các ngày lễ hội đầu xuân. 


Hai năm trở lại đây, người Tày tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) và một số xã lân cận đã khôi phục tổ chức lễ hội Lồng Tồng (còn gọi là lễ hội xuống đồng). Đồng thời các trò chơi dân gian như ném còn, đánh đu, đánh cầu… cũng được phục dựng để đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, văn nghệ, cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Tày trên đất Đồng Nai.

Mai Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét