31 thg 8, 2018

Long An - Hướng đi nào cho nhà cổ?

Toàn tỉnh Long An có 69 nhà cổ, 2 trong số đó được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Mỗi công trình đều có giá trị to lớn về kiến trúc, nghệ thuật và là minh chứng cho một giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, việc giữ gìn và phát huy tối đa giá trị của các nhà cổ là điều không hề dễ! 

Tìm về thời vàng son

Nét uy nghiêm, bề thế một thời của các căn nhà cổ dường như chỉ còn trong ký ức! 

Nhà Trăm cột và cụm nhà cổ Thanh Phú Long là 2 khu nhà cổ được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Hai công trình này mang nhiều giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử và đang được gìn giữ từng ngày.


Mang đậm giá trị nghệ thuật, kiến trúc

Hơn 100 năm trôi qua, Nhà Trăm cột (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) vẫn lặng lẽ nép mình trong khu vườn rộng cạnh một dòng sông. Được tạo nên bởi bàn tay tài hoa của nhóm thợ miền Trung, xây dựng bằng các loại gỗ tốt (cẩm lai, gõ đỏ) và ngói mua tận vùng Sông Bé lúc bấy giờ nên Nhà Trăm cột là công trình có giá trị rất lớn về kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ. Nhà Trăm cột có kết cấu kiểu nhà rường xuyên trính và mang đậm dấu ấn phong cách Huế.

Bà Trần Thị Ngõ - người trông coi ngôi nhà, cho biết: Nhà Trăm cột được ông cố của bà là ông Hội đồng Trần Văn Hoa xây dựng vào năm 1901 để ở và thờ cúng tổ tiên. Thời điểm đó, trong khi đa số người dân còn ở nhà lá thì Nhà Trăm cột trở nên nổi bật với vẻ đẹp sang trọng, bề thế. Không chỉ rộng lớn, được xây dựng bằng gỗ tốt, Nhà Trăm cột còn được trang trí bằng những đường nét chạm trổ cầu kỳ. Các kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi,... được thể hiện một cách điêu luyện và hài hòa. Nhà Trăm cột được xem là tư liệu phong phú, sinh động cho việc nghiên cứu loại hình nghệ thuật điêu khắc. Từ kỹ thuật chạm đến đề tài, cách trình bày cũng như bố cục chạm trổ đều hết sức phong phú và sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách Huế, Nam bộ và mỹ thuật phương Tây. 

Nhà Trăm cột mang đậm giá trị nghệ thuật điêu khắc 

Cũng như Nhà Trăm cột, cụm nhà cổ Thanh Phú Long lưu giữ nhiều giá trị lớn về kiến trúc và điêu khắc. Được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cụm nhà cổ Thanh Phú Long thuộc sở hữu của dòng họ Nguyễn (một dòng họ nổi danh lúc bấy giờ) và được mệnh danh là Xóm nhà giàu! Cụm nhà cổ Thanh Phú Long là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Việt Nam và kiến trúc Pháp. Cụm nhà cổ Thanh Phú Long còn là nơi lưu dấu ấn của các nghệ nhân điêu khắc thuộc dòng họ Đinh, huyện Cần Đước. Các kỹ thuật chạm độc, chạm ém mí, chạm tỉa tách,... được thể hiện một cách điêu luyện và chắc tay.

Giờ đây, giữa rất nhiều kiến trúc hiện đại thì cụm nhà cổ Thanh Phú Long không còn nổi bật, nhưng địa danh Xóm nhà giàu vẫn tồn tại như sự khẳng định vị trí thượng lưu của gia chủ một thời.

Nét uy nghiêm chỉ còn trong ký ức


Những căn nhà cổ của xóm nhà giàu nằm giữa vườn thanh long xanh mướt. Cụm nhà cổ được công nhận là di tích gồm 3 nhà, trong đó có 1 nhà đã được trùng tu, tôn tạo. Bà Nguyễn Thị Phượng - chủ nhân đời thứ tư của căn nhà cổ do ông Nguyễn Hữu Hoanh xây dựng, cho biết: “Hồi trước, nhà này xuống cấp nhất trong 3 ngôi nhà cổ ở đây nhưng sau này được Nhà nước đầu tư trùng tu nên mới giữ được như vầy”.

Bà Phượng chỉ sang căn nhà cổ bên cạnh nhà bà. Những biểu trưng của một thời vàng son, sung túc dường như không còn đọng lại trong căn nhà cổ đó. Căn nhà nằm giữa khu vườn um tùm, mặt tiền nhà xuống cấp trầm trọng và trở thành vựa chứa củi khô; tường loang lổ, cột bị vỡ từng mảng, mái ngói chuyển màu đen. Bà Phượng cho biết, dù căn nhà đó đã xuống cấp nhưng vẫn có người ở và chủ yếu sinh hoạt ở khu vực phía sau nhà. Bà kể thêm: “Sống trong căn nhà xuống cấp như vậy, ai chẳng lo sợ! Nhưng bỏ hàng tỉ đồng trùng tu, tôn tạo như cũ thì không có khả năng,...”.

Đó cũng là “cái khó” nêu trong Báo cáo về kết quả điều tra nhà cổ Long An thực hiện năm 2006. Theo báo cáo đánh giá, chủ nhân các ngôi nhà cổ trong tỉnh đang đứng trước lựa chọn sửa chữa nhà cổ chi phí cao với xây dựng nhà khang trang cấp 3, cấp 4 với chi phí thấp hơn. Từ đó, khiến việc giữ gìn và bảo tồn nhà cổ trở nên khó khăn. 

Theo chủ nhân các ngôi nhà cổ hiện nay, việc trùng tu, bảo quản vượt quá khả năng của các gia đình. Các gia đình chỉ có thể nỗ lực giữ cho nhà không bị mối mọt tấn công 

Bà Trần Thị Ngõ cũng đồng tình với đánh giá trên: “Nhà Trăm cột từng được Nhà nước đầu tư sửa chữa, tu bổ, kinh phí hàng tỉ đồng. Số tiền đó vượt quá khả năng của gia đình. Giờ đây, tôi chủ yếu bảo quản gỗ trong nhà, tránh mối mọt”. 

Nhà Trăm cột được đánh giá là kiến trúc nhà cổ duy nhất trong tỉnh gần như còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, qua thời gian, công trình không tránh khỏi xuống cấp mặc dù đã được quan tâm trùng tu. Nét uy nghiêm, bề thế một thời dường như chỉ còn trong ký ức!

Còn nhiều trăn trở

Có những nét đặc trưng rất riêng cùng nhiều vật dụng, nội thất có tuổi thọ hàng trăm năm nhưng Nhà Trăm cột vẫn chưa phát triển du lịch 

Dù mang những giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo, được xây dựng bằng những loại vật liệu tốt thì theo thời gian, các ngôi nhà cổ cũng bị xuống cấp. Giữ gìn những công trình này đòi hỏi nhiều nỗ lực và còn nhiều trăn trở.

Từng được trùng tu

Ngôi nhà do bà Nguyễn Thị Phượng trông coi (thuộc cụm nhà cổ Thanh Phú Long) nằm giữa vườn thanh long xanh mướt. Năm 2012, ngôi nhà được Nhà nước đầu tư trùng tu, trở nên nổi bật với màu sơn vàng - trắng. Ngôi nhà được trùng tu theo nguyên mẫu nên vẫn giữ vẻ uy nghiêm, cổ kính. Bà Phượng cho biết, trước đây, ngôi nhà này xuống cấp nhất trong số 3 ngôi nhà cổ Thanh Phú Long. Việc trùng tu nằm ngoài khả năng của gia đình, nhờ được Nhà nước đầu tư kinh phí trùng tu nên ngôi nhà còn giữ lại được những nét kiến trúc độc đáo. Những mảng tường vỡ, những chỗ ngói mục nát, đổ sụp được sửa chữa, thay mới,...

Bước vào ngôi nhà, chúng tôi cảm thấy thú vị trước một không gian hoài cổ. Cứ nghĩ, những ngôi nhà cổ sơn vàng, có khoảng giếng trời cùng hàng lu nước da bò chỉ còn trong phim ảnh và trên trang sách, nhưng đó là thực tế cuộc sống tại xóm nhà giàu! Bà Phượng kể, thỉnh thoảng, nhà bà có khách đến tham quan, nghiên cứu. Nhờ vậy, tiếng tăm xóm nhà giàu vẫn được nhiều người biết đến.

Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh - Nguyễn Văn Thiện cho biết, kinh phí trùng tu ngôi nhà cổ trong cụm nhà cổ Thanh Phú Long và Nhà Trăm cột từ nguồn vốn Trung ương. Nhờ đó, 2 công trình này còn lưu giữ những giá trị quý báu.

Cả 2 công trình đều trên 100 tuổi nên việc bị xuống cấp, hư hỏng là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, nếu không từng được trùng tu thì chắc gì, những giá trị đó còn được giữ đến ngày nay!

Muốn phát huy giá trị, cần phát triển du lịch
Cũng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia nhưng ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Hữu Huyền trong cụm nhà cổ Thanh Phú Long do bà Nguyễn Thị Ngà trông coi đang đối mặt với nguy cơ đổ sập. Nhưng, kinh phí trùng tu hiện nay lại là một bài toán khó! Theo ông Nguyễn Văn Thiện, hiện tại, kinh phí trùng tu nhà cổ chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Nhà nước muốn lưu giữ những giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo nhưng lại không có kinh phí trùng tu, còn gia đình thì không có khả năng tự tu bổ.

Ông Thiện cho biết thêm: “Muốn phát huy hết giá trị nhà cổ thì cần tạo điều kiện phát triển du lịch. Muốn vậy, phải có tour, tuyến du lịch phù hợp cùng các dịch vụ phụ trợ nhằm thu hút khách tham quan. Từ đó, phần nào giải quyết bài toán về kinh phí trùng tu nhà cổ”. Hiện tại, 2 di tích nhà cổ: Nhà Trăm cột và cụm nhà cổ Thanh Phú Long đều chưa phát triển du lịch. 

Ngôi nhà thuộc cụm nhà cổ Thanh Phú Long được Nhà nước trùng tu, trở nên nổi bật với màu sơn vàng - trắng, mang nét cổ kính 

Nhà Trăm cột tuy có mở cửa phục vụ và nhận phí hỗ trợ (không bắt buộc) từ khách tham quan nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều du khách. So với những ngôi nhà cổ ở một số địa phương khác: Nhà cổ Bình Thủy (TP.Cần Thơ), nhà cổ Đông Hòa Hiệp (tỉnh Tiền Giang),... đang phát triển du lịch khá tốt thì Nhà Trăm cột còn nhiều hạn chế. Nằm trong khu vườn rộng, mặt tiền hướng về phía bờ sông thoáng mát nhưng Nhà Trăm cột lại không phát huy được lợi thế này. Cũng có những nét đặc trưng riêng cùng nhiều vật dụng, nội thất có tuổi thọ hàng trăm năm nhưng do thiếu sự chăm chút nên Nhà Trăm cột chưa thực sự gây ấn tượng với người đến thăm.

Theo Chương trình số 13-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Nhà Trăm cột được xác định là một trong số các sản phẩm du lịch bổ trợ và có kế hoạch định hướng xã hội hóa đầu tư các dịch vụ, sản phẩm hàng hóa quà lưu niệm phục vụ du khách. Nếu các tour, tuyến du lịch qua Cần Đước, Cần Giuộc được mở thì Nhà Trăm cột sẽ là một điểm đến không thể bỏ qua! Và có lẽ, đó là hướng đi khả quan nhất giúp tạo ra nguồn kinh phí để trùng tu các công trình kiến trúc cổ trên địa bàn tỉnh nói chung và Nhà Trăm cột, xóm nhà giàu nói riêng.

Phương Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét