27 thg 8, 2018

Đình làng kỳ sự: Ngôi đình 4 xe tăng kéo không đổ

Nhiều đình làng xứ Quảng đang lưu giữ nhiều câu chuyện văn hóa thú vị về những lễ hội, nghi thức độc đáo… Trong khi đó, một số đình khác lại mang những câu chuyện tâm linh kỳ bí.

Đình làng Thạch Tân từng bị 4 xe tăng kéo nhưng không sập. ẢNH: HOÀNG SƠN 

Khá hoảng sợ trước việc 4 chiếc xe tăng rồ ga, nhả khói nhưng ngôi đình được dựng bằng gỗ không suy suyển, quân địch đành phải bỏ ý định giật sập ngôi đình và “lui binh”.

Bí ẩn “vết thương” trên cột đình
Nằm giữa vùng quê thanh bình, đình làng Thạch Tân (thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) là một di tích quan trọng gắn liền với di tích quốc gia địa đạo Kỳ Anh (tên cũ của xã Tam Thăng).

Kiến trúc ngôi đình 3 gian 2 chái, kết cấu chồng rường giả thủ cực kỳ tinh xảo do chính những người thợ mộc Văn Hà trứ danh (thuộc H.Phú Ninh, Quảng Nam) thi công.

“Điểm đặc biệt của ngôi đình không nằm ở vẻ bề ngoài của nó mà chính là những câu chuyện gắn liền với cuộc chiến chống đế quốc Mỹ hào hùng mà vết tích còn lại trên những cây cột chính là một minh chứng”, ông Huỳnh Kim Ta, Trưởng thôn Thạch Tân kiêm hướng dẫn viên khu di tích mở đầu câu chuyện. “Nhiều người khi tham quan ngôi đình luôn đặt câu hỏi về những vết hằn này. Tôi gọi đó là những vết thương linh thiêng…”, ông Huỳnh Kim Ta nói thêm. 

Ông Huỳnh Kim Ta, Trưởng thôn Thạch Tân mô tả cách quân giặc buộc dây xích để giật sập ngôi đình. ẢNH: HOÀNG SƠN 

Tháng 7.1968, Mỹ xua quân càn quét vùng đông Quảng Nam. Khi đưa quân đến Thạch Tân, họ nghi ngờ người dân sử dụng ngôi đình làm nơi hoạt động cách mạng nên rắp tâm triệt hạ.

Thời điểm đó, sau khi cho khoảng 6 đại đội bộ binh bố ráp quanh ngôi đình, Mỹ cho 2 xe bọc thép cảnh giới, 4 chiếc xe tăng còn lại nổ máy tông sập tường bao.

Với loại cơ giới hạng này, quân địch cố ý tông vào cột hòng làm đình sập thế nhưng ngôi đình vẫn đứng sừng sững. Sau một hồi bàn bạc, đám lính đã cho xe tăng lùi ra rồi dùng dây xích cỡ lớn buộc vào 2 cây cột ở gian giữa. Họ tiếp tục nổ máy, rồ ga để giật sập nhưng kỳ lạ thay ngôi đình vẫn không chút xê dịch. 

Vết xích còn hằn lại trên cột đình làng Thạch Tân. ẢNH: HOÀNG SƠN 

Nhiều lần kéo giật ngôi đình không đổ, dây xích cứa vào thân cột để lại những “vết thương” rất sâu. “Trước sự uy nghi của đình cũng như tâm linh hóa thân bởi sức mạnh của nhân dân nên địch tỉnh ngộ, sợ hãi không dám phá đình”, Trung tâm VH-TT TP.Tam Kỳ ghi lại. 

Ông Huỳnh Kim Ta nhận xét với cách buộc xích và bố trí vào các cây cột, cho thấy quân địch đã tính toán rất kỹ. Bởi nếu giật đổ 2 cây cột này thì chắc chắn ngôi đình sẽ tan hoang.
“Nhìn vào những vết thương này khó ai có thể nghĩ ngôi đình còn đứng vững đến ngày hôm nay. Chỉ có thể là điều linh thiêng gì đó mới có thể giữ được đình”, ông Ta kể, đứng trước áp lực tâm linh cũng như sự đấu tranh, phản đối của người dân địa phương, quân địch đã tháo dây xích và rời đi. 

Sợi xích được buộc vào cột để người tham quan có thể dễ hình dung. ẢNH: HOÀNG SƠN 

Chỉ tay vào những vết hằn trên cột, ông Ta cho biết thêm, để tái hiện cho khách tham quan có thể hình dung, ngành chức năng đã sưu tầm đoạn dây xích có kích cỡ tương tự bỏ vào thân cột ở gian thờ.

Cây cột còn lại do bị mảnh bom cắt đứt ngang nên vào năm 2001, khi đình được trùng tu đã cho thay thế.

Hai căn hầm bí mật dưới nền đình
Du khách khi đến tham quan đình Thạch Tân ngoài được nghe kể về việc thờ thần Đại Càn quốc gia Nam Hải, thờ tiền hiền và hàng trăm liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng còn được hiểu thêm về kỳ tích đào 32km địa đạo. Trong chiến tranh, ngay dưới nền ngôi đình này, nhân dân địa phương đã đào 2 căn hầm, bí mật nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. 

Miệng dẫn vào căn hầm phía dưới nền ngôi đình. ẢNH: HOÀNG SƠN 

Ông Ta tiếp lời, năm 1964, thực hiện nghị quyết giải phóng vùng ven đô và vùng đồng bằng, Tam Kỳ được chia thành 2 vùng chiến lược, vùng đông là xã Kỳ Anh và vùng tây là xã Kỳ Thịnh (nay là thuộc H.Phú Ninh).

Tại vùng đông có căn cứ địa đạo Kỳ Anh. Để giữ được địa bàn, Đảng bộ xã Kỳ Anh lúc bấy giờ đã chủ trương đào hầm bí mật để bảo toàn lực lượng nhằm đánh địch và giữ vùng giải phóng.

Lực lượng du kích, nhân dân tại 3 xóm của thôn Thạch Tân đã không quản ngày đêm miệt mài đào địa đạo. 

Căn hầm phía dưới ngôi đình khá rộng rãi. ẢNH: HOÀNG SƠN 

Trong chiến tranh, từ căn hầm phía dưới đình Thạch Tân có thể dẫn ra các hướng với chiều dài 32km. 
“Các xóm đào xong thì nối lại thành thôn, thôn đào xong thì nối lại thành xã. Nhờ vậy mà chỉ trong 2 năm (từ 1965 - 1967) đã đào được 32 km địa đạo”, ông Ta nói. Với chiều rộng từ 0,5 - 0,8m, chiều cao khoảng 0,8 - 1m, tuyến địa đạo trở thành thành trì vững chắc giúp quân dân Kỳ Anh tổ chức phản công, tập kích địch bất ngờ khi chúng càn quét. ẢNH: HOÀNG SƠN 

Đặc biệt, địa đạo hình ô bàn cờ, quanh co uốn khúc, nhiều ngõ ngách nên có lần bị phát hiện nhưng địch vẫn không dám xuống. Trong làng Thạch Tân men theo các bụi tre, lùm bụi, cây rơm… đều có miệng hầm để tránh trú dễ dàng. 

Căn hầm chính "đại bản doanh" dưới nền đình sẽ dẫn ra các hướng. ẢNH: HOÀNG SƠN 

Riêng tại đình Thạch Tân, tận dụng đình có vị trí thuận lợi cùng yếu tố tâm linh có thể tránh sự dòm ngó của địch, nhân dân địa phương đã đào 2 căn hầm rộng rãi ngay dưới nền đình để làm nơi cứu thương và chứa lương thực tiếp tế cho vùng tây bắc Tam Kỳ chống Mỹ.

Nhìn bên ngoài không ai có thể phát hiện miệng hầm ở vị trí nào nhờ cách ngụy trang tinh vi. Khi có việc phải xuống hầm, quân du kích chỉ việc cạy nắp hầm ngay dưới nền đình để chui vào.

Tại ngôi đình này còn có cửa địa đạo được làm ngay sau đình kết nối với 32km địa đạo còn lại. Ngày trước, để ngụy trang, bên ngoài miệng hầm được phủ bằng đá ong. Sau này khi đình được trùng tu, tôn tạo người dân địa phương đã thiết kế miệng hầm khá rộng để phục vụ khách tham quan. 

Hiện trong làng vẫn còn nhiều miệng hầm bí mật nằm rải rác ở các bụi tre, gốc cây rơm... ẢNH: HOÀNG SƠN 

Cây rỏi di sản biết… “né” bom đạn?
Những bậc cao niên làng Thạch Tân cho biết cạnh đình làng có một cây rỏi được trồng từ khi lập làng, đến nay có tuổi đời khoảng 400 năm. Đến hiện tại, cây rỏi này là cây cao, to nhất làng.

Ngày xưa, người làng thường tụ tập sinh hoạt cộng đồng dưới cây rỏi này. Trong chiến tranh, dân quân du kích dùng thang dây để trèo lên ngọn cây quan sát, cảnh giới địch đi càn. 

Cây rỏi cổ thụ nằm cạnh đình làng có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. ẢNH: HOÀNG SƠN 

Trong khi đó, địch thường chọn cây rỏi làm điểm tọa độ vì cao nhất để nã pháo, đánh bom vào khu vực này. Địch thường chừa cây này ra để lấy làm điểm tọa độ. Chính nguyên nhân này mà người dân thường truyền miệng cây rỏi di sản biết “né” bom đạn.

Hoàng Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét