29 thg 2, 2020

Tìm về chợ Két

Nằm ở thôn Xuân Phổ Tây, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), chợ Két hình thành và tồn tại hơn một thế kỷ qua. Tại đây, các mẹ, các chị bày bán những mặt hàng dân dã, cây nhà lá vườn hoặc chính tay "nhà làm". Bởi thế, dù là chợ nhỏ, nhưng nơi này đã tồn tại qua nhiều biến cố và cái tên chợ được người dân đặt từ loài chim két trú ngụ khá nhiều ở nơi đây.

Xuân Phổ Tây là một thôn nằm dọc theo ven sông Trà Khúc. Mỗi năm, sau khi kết thúc mùa mưa, lượng phù sa đổ về đây khá lớn, do đó những bãi bắp, ruộng mía phát triển xanh mướt. Theo nhiều người dân sống ở đây, trước kia, mảnh đất Xuân Phổ được mệnh danh là đất của những loại cây trồng như bắp, đậu, mía, khoai, sắn. Vì thế, hằng năm cứ tới ngày mùa, chim két lại kéo về đây sinh sản, làm tổ khiến mùa màng trở nên vui tươi hơn. Từ đó, người dân đặt tên cho chợ cóc của thôn là chợ Két. 

Hình thành và tồn tại hơn một thế kỷ qua, chợ Két là nơi giao thương buôn bán đầu tiên của người dân thôn Xuân Phổ Tây, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). 

Tết Hoa của người Cống

Tết Hoa mào gà hay còn gọi là Tết Hoa, theo tiếng của đồng bào Cống là Mền Loóng Phạt Ái. Đây là Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Cống ở tỉnh Điện Biên, thường được tổ chức vào tháng 10 âm lịch hàng năm, là dịp tri ân công đức tổ tiên, những người đầu tiên lập bản, thần linh thổ địa đã phù hộ cho dân bản một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và cùng cầu xin cho một năm mới an lành, no ấm. 

Sở dĩ được gọi là Tết Hoa mào gà là bởi trong những ngày này người Cống chọn hoa mào gà để trang trí nhà cửa và làm lễ vật dâng cúng. Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp. Loại hoa này được coi là cây cầu nối hai thế giới âm dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng.

Trước Tết một ngày, nhà nào nhà nấy đều lên nương hái những bông mào gà đẹp nhất mang về trang hoàng nhà cửa, đặc biệt đây là loài hoa duy nhất được cắm trên cây hoa dâng cúng thần linh, tổ tiên. Cây hoa được làm từ một cây tre hoặc nứa, trên có buộc những bông hoa mào gà, dưới gốc buộc hai ống rượu cần.

Người Cống lên nương chọn những bông hòa mào gà đẹp nhất dâng lên tổ tiêng trong dịp Tết.

Phố Hàng Chiếu: Con phố xưa chuyên bán súng ống đạn dược

Vào thời thuộc địa, ở đầu phố Hàng Chiếu có các cửa hàng chuyên buôn súng ống đạn dược cho quân đội Pháp nên khu vực này được chính quyền thực dân bảo vệ rất nghiêm ngặt...

Phố Hàng Chiếu là một con phố dài 280 mét, kéo dài từ cửa ô Quan Chưởng đến ngã tư phố Đồng Xuân - Hàng Mã - Hàng Đường ở phố cổ Hà Nội. Lịch sử con phố này có nhiều điều đặc biệt mà không phải ai cũng tường tận

Phố Hàng Thùng: Nơi ngày xưa bán thùng gánh nước

Tên gọi phố Hàng Thùng ở Hà Nội gắn với một nghề độc đáo, liên quan mật thiết đến đời sống của hàng vạn người dân thủ đô vào thời buổi nước máy còn chưa thịnh hành...

Phố Hàng Thùng là con phố dài khoảng 220 mét, kéo dài từ đường Trần Quang Khải đến phố Cầu Gỗ ở mạn Đông Nam khu phố cổ Hà Nội. Xưa kia đây là đất các thôn Sơ Trang và Đông Yên, thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phía đông kinh thành Thăng Long cũ

28 thg 2, 2020

Bên mộ cụ Đồ Chiểu

Tui viếng mộ cụ Đồ Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) lần trước cách đây cả ngàn năm, chính xác là năm 1999 thuộc thiên niên kỷ trước. Ngàn năm trước, nơi đây chỉ có ngôi mộ ông và mộ bà đơn sơ nằm bên nhau, cạnh đó là mộ của cô con gái Sương Nguyệt Anh. Cạnh mộ là nhà thờ nhỏ để người người thắp nhang tưởng niệm ông bà và con gái.

Ngàn năm sau, vào một ngày đầu năm 2020, tui lại có dịp viếng mộ cụ Đồ Chiểu. Bây giờ bên cạnh mộ người ta đã bày tỏ lòng tôn kính bằng cách xây một ngôi đền thờ thật trang trọng. Đền thờ và khu mộ có tổng diện tích là 13.000 m2, được khánh thành ngày 1/7/2002 nhân dịp kỷ niệm 180 năm ngày sinh của cụ Đồ Chiểu (1/7/1822). Nơi đây đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1993 và nâng lên thành Di tích quốc gia đặc biệt năm 2017.

Cổng vào khu đền thờ.

Chợ hoa Hàng Lược – chợ hoa lâu đời nhất thủ đô

Hằng năm, chợ hoa Hàng Lược họp tử khoảng Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp) cho tới tận chiều tối ngày 30 Tết. Trong hàng trăm năm tồn tại, chỉ có duy nhất một năm chợ hoa Hàng Lược không họp...

Nói về ngày Tết ở Hà Nội, sẽ là thiếu sót nều không nhắc đến chợ hoa Hàng Lược – chợ hoa lâu đời nhất thủ đô

Rực rỡ sắc màu thổ cẩm Mỹ Nghiệp

Trong những câu chuyện kể của đồng bào Chăm, làng Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận), trong tiếng Chăm là Ca Klaing là một trong những làng nghề dệt đầu tiên của kinh đô Panduranga - Vương quốc Chăm Pa xưa và được xem là một trong những làng nghề cổ nhất Đông Nam Á còn giữ gìn di sản này tới ngày hôm nay.

Cái nôi nghề dệt của người Chăm
Trải qua nhiều thế kỷ với bao biến thiên của thời cuộc, nhưng ở làng Mỹ Nghiệp, khung cảnh và những công việc của những người phụ nữ cần mẫn dệt vải hầu như chẳng có gì thay đổi. Theo thống kê, có khoảng hơn 90% hộ dân làng Mỹ Nghiệp vẫn giữ nghề dệt để phục vụ nhu cầu của gia đình hoặc mở rộng sản xuất hàng hóa, kinh doanh. Khác chăng, thay vì sản xuất trong từng gia đình, đến nay, nhiều bà con đã tập hợp nhau về Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, có một gian nhà rộng rãi thoáng mát để sản xuất, trưng bày và giới thiệu cho du khách.

Để hoàn thiện một tấm vải phải mất nhiều công sức. 

Động Thiên Hà – “Chốn thần tiên” trong lòng di sản Tràng An

Bước đến động Thiên Hà (xã Sơn Hà, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), du khách như được chu du miền tiên cảnh, cả hang động toát lên sự ảo diệu đẹp tuyệt.

Động Thiên Hà được thiên nhiên khéo léo chia thành hai khu vực riêng biệt gồm động khô và động ướt có chiều dài tổng thể 700 m. Tới đây, du khách được chiêm ngưỡng những vòm hang rủ nhũ xuống tạo thành những hình thù vô cùng kỳ thú, nơi có cảnh đẹp hữu tình, mê đắm lòng người mỗi khi ghé thăm. 

Vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ của động Thiên Hà kết hợp với ánh sáng nhân tạo đủ màu sắc phản chiếu lên các nhũ đá tạo nên một khung cảnh kỳ ảo mê hoặc lòng người. 

27 thg 2, 2020

Khám phá núi Mộc đẹp hoang sơ, kỳ bí giữa lòng Mộc Châu

Núi Mộc mang vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Nơi đây không chỉ có núi đá, thác nước mà còn có hàng trăm loài động thực vật bản địa được bảo tồn nguyên trạng. 

Được ví như nàng thơ của núi rừng Tây Bắc, Mộc Châu đẹp mơ màng với những cánh đồng dâu tây đỏ rực, những vườn hoa cải, hoa mận trắng muốt và cũng đầy kỳ bí với những bản làng, núi rừng còn hoang sơ như Núi Mộc. Núi Mộc nằm ngay trung tâm thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, là điểm đến lý tưởng cho du khách. 

Nhà thờ Phủ Cam – dấu ấn kiến trúc hiện đại ở thành phố Huế

Nhà thờ Phủ Cam là một điểm đến quen thuộc với nhiều du khách khi tới Huế. Đó là một công trình tôn giáo mang đậm dấu ấn kiến trúc hiện đại. 

Nhà thờ Phủ Cam ngự trên một ngọn đồi nhỏ có tên là Phước Quả, thuộc phường Phước Vĩnh, thành phố Huế; nằm ở bờ nam sông Hương. Công trình có một vị trí đẹp, chế ngự một không gian rộng lớn, xung quanh có nhiều công trình khác của Giáo hội. Nhà thờ Phủ Cam là một trong những giáo đường lớn nhất, nổi tiếng nhất xứ Huế và có lịch sử khá lâu đời. 

26 thg 2, 2020

Thổ canh hốc đá

Một phương pháp canh tác nông nghiệp đặc trưng đang được đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá thuộc tỉnh Hà Giang áp dụng hàng nghìn năm qua đã thực sự khiến nhiều người phải khâm phục. Đó là hình thức thổ canh hốc đá với biết bao nhọc nhằn, gian truân trong cuộc chinh phục thiên nhiên, vươn lên chống chọi cái đói, cái nghèo ở miền biên cương cực Bắc của Tổ quốc.

Nhọc nhằn trên đá
Nếu ai chưa đến cao nguyên đá, chưa được tận mắt chứng kiến người dân canh tác trên đá thì thật khó có thể tưởng tượng nổi người nông dân nơi đây phải làm nông nghiệp vất vả và tốn nhiều mô hôi công sức đến mức nào. Đó là một cuộc mưu sinh không giống bất cứ nơi đâu. Bao đời nay, đồng bào có câu nói “Sống trên đá, chết vùi trong đá”. Dân ca Mông lại có câu “Loài cá sống ở nước/ Loài chim bay trên trời/ Người Mông sống ở núi”. Với 3/4 diện tích là núi đá, quanh năm hạn hán, sản xuất đều trông vào nước trời, cộng thêm do ở trên cao, xa khu dân cư nên việc chăm bón, thu hoạch không mấy dễ dàng. 

Cha cõng con đi cày trên đá. 

Bê chao Mộc Châu

Du khách khi đặt chân đến du lịch Mộc Châu, Sơn La chắc hẳn đều ít nhất một lần nếm thử món Bê chao. Từ vùng đất Mộc Châu này, món Bê chao nức tiếng đã lan tỏa khắp Việt Nam làm thành món ăn phổ biến, mới nghe tên đã cảm nhận được hương vị thơm ngọt của nó. 

Theo người dân Mộc Châu kể lại, đây vốn là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu trong lành có những đồng cỏ xanh mướt và là thế mạnh phát triển nghề chăn nuôi bò sữa. Những chú bò con khi mới sinh ra (gọi là bê) sau khi xác định giới tính, nếu là bê cái sẽ giữ lại nuôi để lấy sữa, còn bê đực không cho sinh sản sẽ bị loại. Khi bê đực bị loại, người dân đã chế biến nó thành một món bê chao ngon hấp dẫn và giàu chất dinh dưỡng.

Còn nói về cách chế biến Bê chao thì tương đối đơn giản, dễ thực hiện với sự đi kèm của một số nguyên liệu tạo hương vị như sả, gừng, ớt. Thịt Bê sữa được thái miếng tẩm ướp với gia vị sau đó được chao trong dầu nóng. Người đầu bếp sẽ phi thơm gừng, sả rồi thả thịt bê vào chảo dầu đang sôi. Mùi thơm của hương vị từ gừng, sả và thịt sẽ hòa vào nhau tạo nên độ giòn cho món bê chao. Thịt bê vàng, phần bì giòn tan khiến người ăn chỉ nhìn đã muốn ăn ngay.

Đà Lạt - những cuốc xe du hí

Đến với Đà Lạt mộng mơ, bạn hãy thử một lần ngồi lên những cỗ xe ngựa đẹp như trong truyện cổ tích hoặc lên những chiếc xe điện chạy êm ru, không mùi xăng, không mùi khói dạo chơi loanh quanh nơi phố núi thì mới cảm nhận được hết cái sự sung sướng của kẻ lãng du trên miền hoa, sương, khói, nắng và gió… 

Đà Lạt là xứ ngàn hoa, là thành phố của tình yêu, của mộng mơ và lãng mạn. Phố núi Đà Lạt đồi núi trập trùng, nhà cửa nhấp nhô theo triền núi, đường sá quanh co lúc lên cao lúc xuống thấp, lúc ẩn lúc hiện trong những cánh rừng thông xanh mướt, thảng hoặc những trại rau, trại hoa chợt hiện lên ngút ngát sắc màu bên những sườn đồi hoặc dưới các thung lũng nhỏ.

Đà Lạt còn được ví như một “tiểu Paris” nhờ có khí hậu trong lành, quanh năm se lạnh cùng với những hồ nước xanh nên thơ và những tòa dinh thự, tu viện, nhà thờ, trường học cổ mang màu sắc kiến trúc thuộc địa do người Pháp xây nên từ hồi đầu thế kỉ 20.

Khám phá Đà Lạt người ta có thể đi bộ, xe đạp, xe máy, ô tô, thậm chí bằng cả xe lửa cổ, nhưng thú vị nhất có lẽ là bằng xe ngựa hoặc xe điện, một loại xe mang dáng dấp của thời trung cổ và một loại xe điển hình cho thời đại 4.0, nhưng cả hai đều có nét chung đó là sự lãng mạn và sang trọng, rất thích hợp với những người có tâm hồn lãng du ưa thả hồn mình với cảnh quan nên thơ miền sơn cước.

Sắc màu phố núi Đà Lạt. Ảnh: Thanh Hòa

Đẹp ngất ngây hoa anh đào trên cao nguyên Măng Đen, Kontum

Những ngày đầu năm mới, rất nhiều người dân và du khách đã đến cao nguyên Măng Đen (tỉnh Kon Tum) để thưởng lãm hoa anh đào nở. 

Năm nay thời tiết phù hợp nên hàng nghìn cây hoa anh đào trên cao nguyên Măng Đen nở rộ khoe sắc như muốn chào đón và giữ chân du khách.

Độc đáo chợ phiên của người Tày - Nùng ở Thông Huề, Cao Bằng

Giống như nhiều nơi ở Cao Bằng, chợ Thông Huề họp 5 ngày một phiên, vào các ngày 2, 7 theo lịch dương, chợ bán chủ yếu là sản vật tại địa phương... 

Thông Huề (còn viết là Thông Hoè) là một xã nằm ở phía Nam huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), có tỉnh lộ 206 từ thành phố Cao Bằng đi thác Bản Giốc chạy qua theo hướng Đông Bắc-Tây Nam. Chợ Thông Huề trên đường đi đến Thác Bản Giốc. 

Phố Đầm - vùng giao thương sầm uất trên bến dưới thuyền xưa

Phố Đầm, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa từng là nơi trên bến, dưới thuyền buôn bán sầm uất. 

Phố Đầm nằm sát bên bờ sông Chu xưa kia là nơi trên bến, dưới thuyền buôn bán sầm uất 

Phố Hàng Nón: Thiên đường mũ nón Hà Nội xưa

Vào đầu thế kỷ 20 trở về trước, người Hà Nội hầu như ai cũng đội nón khi ra đường. Đó là thời hoàng kim của phố Hàng Nón...

Phố Hàng Nón là con phố dài khoảng 220 mét, kéo dài từ phố Hàng Quạt đến phố Đường Thành ở phía Nam khu phố cổ Hà Nội. Đây nguyên là đất thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ

Thành An Thổ - nơi sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Nguyên quán của cố Tổng Bí thư Trần Phú là làng Tùng Sinh, nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tuy vậy, nơi sinh của ông lại là thành An Thổ, một tòa thành cổ nằm ở mảnh đất Phú Yên.

Nằm khu vực hạ lưu Sông Cái thuộc địa phận thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, thành An Thổ là một di tích lịch sử quan trọng của triều Nguyễn. Tòa thành này cũng chính là nơi sinh đồng chí Trần Phú - Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Sông Cái ở địa phận thôn An Thổ.

Những chuyện huyền bí ở chùa Bà Đanh

Theo thời gian, những câu chuyện huyền bí tiếp tục xuất hiện ở chùa Bà Đanh. Người dân trong vùng thường bảo nhau rằng, khi đi ngang qua chùa thì chớ có cười cợt hoặc nói những điều bất kính...

Chùa Bà Đanh (làng Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đã đi vào tâm thức của người Việt Nam qua câu nói cửa miệng "Vắng như chùa Bà Đanh". Lịch sử của ngôi chùa này gắn với một câu chuyện huyền bí được lưu truyền qua nhiều thế hệ

16 thg 2, 2020

Phố Hàng Đậu: Những câu chuyện lịch sử

Xưa kia, ở đầu phố Hàng Đậu giáp bến sông Hồng (bến Chùa Bà Móc) từng có một cửa ô, tên là cửa ô Phúc Lâm, dân gian gọi là cửa ô Hàng Đậu, dáng dấp tương tự như cửa ô Quan Chưởng...

Phố Hàng Đậu là con phố dài khoảng 270 mét, kéo dài từ đường Trần Nhật Duật đến phố Phan Đình Phùng, phía Bắc khu phố cổ Hà Nội. Đây nguyên là đất thôn Phúc Lâm thuộc tổng Tả Túc (sau đổi là tổng Phúc Lâm) và thôn Nghĩa Lập thuộc tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ

Chùa Liên Phái, ngôi chùa nổi tiếng với chuyện trùng tang ở Hà Nội

Khi có người thân mất, một số gia đình Hà Nội sẽ đến ngôi chùa nổi tiếng này để xem ngày giờ mất có trùng tang không và xin ngày giờ liệm, ngày giờ hạ huyệt cùng bùa hóa giải trùng tang...

Hình thành từ đầu thế kỷ 18, chùa Liên Phái (ngõ Liên Phái, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) không chỉ nổi tiếng vì những giá trị lịch sử và kiến trúc mà còn được xa gần biết đến nhờ việc hóa giải trùng tang. Điều này liên quan đến một truyền thuyết có từ thời chùa mới được lập

Ngọa Vân, nẻo về nguồn cội

Nếu Yên Tử là nơi Phật hoàng hành pháp thì Ngọa Vân là nơi Ngài kết thúc hành trình tu đạo của vị Tổ sáng lập Thiền phái Trúc lâm Yên Tử. 

Yên Tử và Ngọa Vân là 2 địa danh cùng nằm trên cánh cung Đông Triều (Quảng Ninh) và đều có ý nghĩa đặc biệt trong hành trình tu tập, nhập diệt của Phật hoàng Trần Nhân Tông - Vị vua đã sớm rời bỏ tột đỉnh quyền lực để chăm lo cho phần hồn văn hóa của dân tộc Việt. 

Am Ngọa Vân là 1 trong 14 di tích thuộc cụm Di tích đặc biệt Quốc gia nhà Trần tại Đông Triều. 

Về Yên Bái thưởng thức đặc sản Vịt bầu Lục Yên

Chất đất và nguồn nước vùng Ngọc Lục Yên, Yên Bái đã tạo nên nhiều sản vật ngon, được cả nước biết đến trong đó phải kể đến vịt bầu Lâm Thượng. 

Những con vịt bầu ở đây có nguồn gen quý, được chăn thả ngoài tự nhiên, ăn thóc gạo sạch và ốc suối, rêu đá, nên rất thơm ngon.

Vịt chủ yếu được thả ngoài tự nhiên. 

Lâm Thượng nằm bên dòng suối Khuổi Luông trong vắt chảy dọc theo chiều dài của xã. Hai bên suối là những ruộng lúa, nhà sàn, nhà đất của bà con người Tày, người Dao san sát nhau. Dòng suối ấy ngoài nước trong thì các loại thủy sinh cũng rất phát triển, như rêu đá, các loại ốc, ếch, ngóe… đây là thức ăn phổ biến cho vịt ngoài tự nhiên.

Bến cũ Bình Đông

Bến Bình Đông là địa chỉ mang dấu ấn sông nước của Sài Gòn xưa với cảnh vật đặc trưng trên bến dưới thuyền. 

Bến Bình Đông là một bến thuyền cổ ở Sài Gòn. Bến Bình Đông nằm bên kênh Tàu Hủ, song song với đại lộ Võ Văn Kiệt, nay thuộc quận 8 – thành phố Hồ Chí Minh. 

15 thg 2, 2020

Nhà rông đẹp bậc nhất Tây Nguyên

Kon Jơ Dri là một trong những nhà rông mang vẻ bề thế, nên thơ nhất vùng Tây Nguyên, gắn liền với tuổi thơ của trẻ em trong làng. 

Kon Jơ Dri (hay Kon Jo Dri, Kon Jơ Ri) là buôn làng của người Ba Na nằm phía bên sông Đăk Bla, thuộc xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum. Bản có căn nhà rông xây từ năm 1977, được coi là bề thế nhất vùng với chiều cao 16 m và chiều ngang 12 m. Đây là nơi diễn ra các lễ hội, họp mặt, tổ chức lễ Tết, giao lưu cồng chiêng... của người Ba Na. Nhìn từ xa, nhà như lưỡi rìu vươn lên bầu trời. 

Chiêm ngưỡng 'mắt thần' núi

Núi Mắt Thần còn được gọi là Phja Piót, theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa núi Thủng, còn dân thích vi vu thì gọi đây là "tuyệt tình cốc".

Cảnh quan núi Mắt Thần mùa thu - Ảnh: Phạm Ngọc Khoa - Hoàng Khuyến

Mùa mưa, dãy núi Mắt Thần nổi lên giữa hồ nước trong xanh, đẹp khó tả. Sang mùa khô, nước rút làm lộ ra bãi đất nhấp nhô để khách dạo chơi hoặc cắt rừng, vượt dốc đặt chân tới hang Thủng - công trình thiên tạo độc nhất vô nhị ở Công viên địa chất non nước Cao Bằng.

Khám phá vùng trồng chè lớn nhất Đà Lạt

Đồi chè Cầu Đất nằm ở thôn Trường Thọ, xã Luân Trường (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) là một trong bốn xã ngoại thành Đà Lạt có diện tích trồng chè chất lượng cao lớn nhất hiện nay.

Người dân hái lá chè non vào buổi sáng. 

Đồi chè Cầu Đất có diện tích trải dài 230ha, với độ cao 1650m so với mực nước biển. Đồi chè Cầu Đất không chỉ là điểm đến trong lành bình yên của thành phố Đà Lạt, nơi đây còn chính là “văn hóa” Đà Lạt, nơi mưu sinh của biết bao nhiêu thế hệ người dân Đà Lạt đi qua.

Ngắm vẻ đẹp độc đáo của hai nhà thờ lớn nhất Huế

Bên cạnh các công trình kiến trúc cung đình, lăng tẩm, Huế còn được biết đến bởi những nhà thờ Công giáo có kiến trúc độc đáo và lâu đời. Trong đó, phải kể đến 2 công trình nhà thờ nổi bật là Nhà thờ Dòng chúa cứu thế và Nhà thờ Phủ Cam.

Nằm ngay giữa trung tâm thành phố Huế, ngôi giáo đường Dòng chúa cứu thế được xây dựng dưới thời vua Khải Định, khánh thành vào tháng 8 năm 1962 do kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc thiết kế.

13 thg 2, 2020

Dân dã món cá mối

Cá mối là loại cá biển có quanh năm, nhưng rộ nhất là vào khoảng tháng 9 âm lịch cho đến Tết âm lịch. Nhớ những mùa biển trúng mẻ, cá mối tràn chợ; nhà nhà lại tha hồ mua về chế biến thành nhiều món ăn đậm đà, hao cơm...

Là loại cá có giá bình dân lại thơm ngon, hấp dẫn, nên cá mối rất “được lòng” các bà nội trợ quê tôi. Từ cá mối làm chả, đến cá mối kho sả, cá mối nấu canh chua... món nào cũng đơn giản mà ngon. 

Khô cá mối rim là món ăn dân dã nhưng cũng không kém phần lạ miệng. 

Đậm đà thịt heo ngâm mắm

Thịt heo ngâm mắm là món ăn đặc trưng trong mâm cỗ, bữa cơm ngày Tết của người dân miền Trung. Ngày trước, tủ lạnh chưa có nên thịt heo được dự trữ bằng cách ngâm mắm để ăn dần. Giờ đây, dù có nhiều món ăn ngon nhưng thịt heo ngâm mắm vẫn là món ăn được yêu thích của người dân trong những ngày Tết. 

Ở quê tôi, cứ tầm giữa tháng Chạp, khi các gia đình rục rịch chuẩn bị cho ngày tất niên, thì cũng là lúc vài ba hộ gia đình gần nhà cùng rủ nhau xẻ heo để chia nhau ăn Tết. Thịt heo là một trong những thực phẩm chủ đạo trong mâm cúng, bữa cơm ngày Tết của các gia đình. 

Mâm cơm ngày Tết sẽ càng thêm hấp dẫn, khi có món thịt heo ngâm mắm. 

Cù Lao Ré xa xăm thời mở đất

Đã hàng trăm lần đến với Cù Lao Ré, nhưng trong tôi luôn có một câu hỏi cứ đặt ra cho mình: Người Việt đến khai phá xứ cù lao này từ bao giờ? Phải chăng như người Lý Sơn đã nói: Đã hơn 400 năm và công lao trước tiên thuộc về 7 vị tiền hiền ở Lý Sơn có gốc gác từ hai làng An Hải, An Vĩnh trong vùng cửa biển Sa Kỳ?

TỪ VÀI DÒNG GHI CHÉP 


Có lẽ nhiều người Quảng Ngãi đã từng đọc "Non nước xứ Quảng" của nhà biên khảo Phạm Trung Việt và từng xem đây là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ yêu mến mảnh đất này. 

Cánh đồng hành ở xã An Hải (Lý Sơn). Ảnh: NGUYễN ĐĂNG LÂM 

Bảo vật nghìn năm

Từ xa xưa, Quảng Ngãi ngày nay đã là một vùng đất đặc biệt. Các nhà nghiên cứu văn hóa nhận định, đây là mảnh đất giàu có vì lẽ di sản của người xưa dày đặc từ trên rừng xuống biển, hiếm nơi nào có được. Dẫu là hữu duyên hoặc cơ duyên chăng nữa, mảnh đất này đã ôm vào lòng bảo vật qua nghìn năm.

Đi qua ba nghìn năm 


Một sự ngỡ ngàng từ trong lịch sử cho đến hiện tại khi đề cập đến văn hóa Sa Huỳnh mà Quảng Ngãi là chiếc nôi của nền văn hóa tiêu biểu này. Trải qua hàng nghìn năm, chuyện về người Sa Huỳnh cổ vẫn luôn mới mẻ bởi sự hiện hữu của những di sản cho đến ngày nay. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hiện đang lưu giữ bảo vật quốc gia là 28 bình gốm hình lọ hoa Long Thạnh, trong đó có 18 bình gốm còn nguyên vẹn. 

Bộ sưu tập bình gốm, bình lọ hoa Long Thạnh. Ảnh: P.Lý 

12 thg 2, 2020

Đường nào về La Mã?

Đường nào về La Mã?

Đó là tỉnh lộ 887, đi từ Bến Tre đến xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm. Tới ngã ba Sơn Đốc thì quẹo phải, đi khoảng 300 met thì thấy bên trái có con đường nhỏ mang tên Lộ La Mã. Đi hết con Lộ La Mã này (khoảng hơn 2 km) thì ta thấy một ngôi nhà thờ, đó là Nhà thở họ đạo La Mã, hay còn được gọi là Nhà thờ Đức Mẹ La Mã. Bạn đã tới La Mã!

Thác Mây - chín bậc tình yêu đẹp mê mẩn giữa Trường Sơn đại ngàn

Giữa núi rừng trùng điệp của dãy Trường Sơn, thác Mây hiện ra như đám mây trắng tinh khôi. Vẻ đẹp của thác, theo truyền thuyết, còn lôi cuốn được 9 nàng tiên xuống tắm... 

Thác Mây - thác Chín bậc tình yêu. M.H 

Thác Mây nằm ở thôn Đăng Thượng, xã Thạch Lâm (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa), cách thành phố Thanh Hóa khoảng 100 km và cách đường mòn Hồ Chí Minh chỉ khoảng 10 km đường ô tô. Dù chưa được nhiều người biết đến, nhưng thác Mây được đánh giá là đẹp nhất ở xứ Thanh. 

Lễ leo gươm lên cửa lầu của dân tộc Tày

Tỉnh Quảng Ninh là vùng đất ẩn chứa kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú, đặc sắc của cộng đồng các dân tộc anh em như Tày, Dao... Trong lễ hội truyền thống của dân tộc Tày, bà con còn giữ lại nhiều nghi lễ mang những giá trị nhân văn, tiêu biểu là nghi lễ leo gươm lên cửa lầu” (Khẩn tu làu, tu đáp). 

Đây là một nghi thức trong đại lễ lẩu then - một nghi thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của tộc người Tày tỉnh Quảng Ninh, tổ chức cấp sắc cho người làm then đạt đến cấp cao nhất, được quyền nhận đệ tử để truyền nghề, được đứng ra tổ chức đại lễ then cho các then khác. 

Thầy cúng rải cuốn vải tơ làm đường lên cửa Ngọc Hoàng. 

Ban sơ tiếng chiêng buôn làng

Cồng chiêng là một trong những loại tài sản quí giá nhất của dân tộc Tây Nguyên. Nó được đồng bào mua sắm, tích lũy và xem như là một dấu hiệu thể hiện sự giàu có của gia chủ. Mỗi lần lễ hội, đồng bào thường thực hiện nghi lễ cúng thần chiêng trước khi mang ra sử dụng trong sinh hoạt vui chơi hay phục vụ đời sống tâm linh.

Linh hồn của di sản Tây Nguyên


Xưa kia, chiêng Lào (còn gọi là chiêng Lao), chiêng Campuchia (còn gọi là chiêng Cur) không thiếu, nhưng đồng bào sống trên dọc dải Trường Sơn và vùng Tây Nguyên vẫn tín nhiệm, ưa thích loại chiêng do chính người Kinh sản xuất ra gọi là chiêng Doanh. Những năm mùa màng bội thu, đời sống khá giả, đồng bào miền núi luôn có nhu cầu mua sắm cồng chiêng để sử dụng trong các lễ hội và làm tài sản lâu dài cho gia đình. Lý do đồng bào Tây Nguyên thích chọn lựa loại cồng chiêng của người Kinh làm ra vì những bộ chiêng đồng bào mua về có thanh âm đúng theo cảm âm của từng dân tộc. 

Nghệ nhân so chiêng, chỉnh tiếng trước khi diễn tấu. 

Bí ẩn truyền đời về phép lạ của thiền sư Minh Không

Lịch sử chùa Cổ Lễ ở Nam Định gắn liền với những truyền thuyết có từ xa xưa về phép thần thông của thiền sư Minh Không - người sáng lập chùa.

Nằm ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, chùa Cổ Lễ là một ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo nổi tiếng của tỉnh Nam Định. Chùa được xây dựng từ thời Lý Thần Tông (thế kỷ 12).

Những giai thoại huyền bí về chùa Mía xứ Đoài

Trong tâm thức của người dân xứ Đoài, chùa Mía là một ngôi chùa đặc biệt linh thiêng. Xung quanh ngôi chùa này, có những giai thoại thẩm đẫm màu sắc huyền bí được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Nằm ở làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, Hà Nội), chùa Mía hình thành từ thế kỷ 17, là ngôi chùa danh tiếng bậc nhất xứ Đoài – vùng đất ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.

10 thg 2, 2020

Cửa Bắc thành Hà Nội

Không chỉ là một di tích còn sót lại của thành cổ Hà Nội, Cửa Bắc còn là minh chứng cho những cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Hà Nội trong những ngày đầu chống lại sự xâm lăng của Pháp.

Nằm trên phố Phan Đình Phùng, Chính Bắc Môn hay Cửa Bắc được xây dựng năm 1805, là cổng thành duy nhất còn lại của thành Hà Nội thời nhà Nguyễn.

Tượng đài Quyết tử bên bờ hồ Gươm

Tượng đài Quyết tử là một công trình mang tính tượng trưng cao, thể hiện tinh thần bất khuất, ý chí dũng cảm của quân và dân thủ đô trong những tháng ngày hào hùng của cuộc Toàn quốc kháng chiến.

Nằm bên bờ hồ Gươm, cạnh đền Bà Kiệu và cổng đền Ngọc Sơn, tượng đài Quyết tử để tổ quốc quyết sinh hay tượng đài Quyết tử là một địa danh ghi dấu trong ký ức của nhiều người Hà Nội.

Giải mã chim uyên ương nghìn tuổi của thành Thăng Long

Vì sao hình tượng uyên ương lại được đưa lên mái các cung điện của vua nhà Lý? Để hiểu điều này, cần nhắc lại những sắc thái văn hóa, xã hội, tôn giáo thời Lý cách đây một thiên niên kỷ.

Trong quá trình khai quật khu vực Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một dạng hiện vật rất độc đáo, đó là ngói úp bờ dải, bên trên gắn tượng uyên ương, được gọi là ngói uyên ương. (Ảnh trong bài chụp tại Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

Ăn bún bắp Phú Yên, Tây ta đều ngả nghiêng

Khi đã quá ngán giò chả nem hay các món cao lương mỹ vị, chỉ cần bát bún bắp (ngô) với khúc cá nấu chua hay nước cốt xương bình thường cùng ít rau sống cũng đắm say lòng người.

Bún chế biến thành rất nhiều món 

Đơn giản nhất là món bún bắp xào mỡ hành (hoặc hẹ), chấm với nước mắm ớt ăn kèm rau sống cũng thấy "đã đời".

Tháng giêng ăn bún cá Châu Đốc, ghiền như dính bùa dính ngải

Chỉ có đặc sản từ căn bếp của chị, trên cái hàng ba nhà sàn lồng lộng gió đồng, sau những bữa cơm tết ê hề thịt mỡ, mới có thể làm mình nhớ lâu và thòm thèm suốt cả năm đến vậy. 


Trưa mùng 5 tết năm nào, chị dâu cũng nhắn vào nhà anh chị ăn bún cá. Cả đám em cháu lóc nhóc hơn chục đứa tụ tập ở cái nhà sàn cạnh con rạch Tầm Bót của anh chị, trải chiếu trên hàng ba, hì hụp chan húp tô bún cá Châu Đốc của chị, như nuốt trọn hương vị quê hương trước khi quay lại Sài thành, hối hả với cuộc mưu sinh.

Tép rang nước cốt dừa - món ngon nhất Bến Tre mùa Tết

Năm nào qua ngày mùng 4 Tết, bà xã tôi cũng ra chợ tìm mua cho được một một mớ tép bạc về rang nước cốt dừa để, đổi vị sau mấy ngày ăn toàn thịt cá, nem bì phát ngán.

Tép rang nước cốt dừa dọn lên mâm

Bà xã nói, Tết nhứt, ngoài các món cao lương mỹ vị, mình cần phải đổi món cho ngon miệng và dễ kích thích tiêu hóa.

Chúng ta từng thưởng thức qua nhiều món tép như tép rang, tép luộc, tép chiên bột, tép xào mỡ hành, tép kho mắm, tép hấp bia … nhưng có lẽ chưa thứ nào độc đáo bằng tép rang nước cốt dừa. Đây là món ăn truyền thống của cư dân miền sông nước, đặc biệt phổ biến ở xứ dừa Bến Tre.

9 thg 2, 2020

Về Xuân Lộc thăm núi Chứa Chan

1.
Tuổi nhỏ của tui ở Xuân Lộc, Long Khánh, tỉnh Long Khánh chớ không phải thành phố Long Khánh như bây giờ. Và quận Xuân Lộc bao gồm cả Long Khánh và Xuân Lộc của ngày nay. Quê hương trong tui ngày thơ ấu như vậy đó.

Hồi nhỏ ham đọc sách, thấy người ta tả cảnh núi non hùng vĩ, dòng sông uốn quanh mà thích. Nhìn lại quê mình, không có con sông nào hết. Sông La Ngà ở Định Quán ngày đó cũng thuộc tỉnh Long Khánh nhưng đối với đứa nhỏ không được đi đâu xa như tui thì sông chỉ có trong tưởng tượng.

May thay, Xuân Lộc còn có núi, núi Chứa Chan. Núi Chứa Chan là thứ duy nhất trong sông núi hữu tình để tui tự hào và... làm thơ về quê hương của mình.

Hồi đó, trên đường tui đi học về mỗi ngày, núi Chứa Chan lững lờ mây trắng ở trước mặt. Đường về nhà là hướng từ bịnh viện (quốc lộ 1) về phía Tòa Hành chánh tỉnh. Thấy núi trước mắt thôi, chớ cũng cách xa tới 20 cây số. Nhưng nhiêu đó dủ để thằng nhóc mơ mộng làm thơ.


Xuân về trên bến Bình Đông

Chợ hoa trên bến Bình Đông (Tp.Hồ Chí Minh) cứ mỗi dịp xuân về lại nhộn nhịp hẳn lên, khung cảnh “trên bến dưới thuyền” cùng không khí người mua kẻ bán tấp nập như mang lại một bức tranh sinh hoạt sống động cũng như nét văn hóa đặc thù của một vùng đất xưa. 

Khu vực bến Bình Đông thuộc quận 8 có vị trí thuận lợi giao thương bằng đường sông với các tỉnh miền Tây. Thế nên hoạt động buôn bán tại khu vực bến Bình Đông đã có từ rất lâu, đặc biệt là vào dịp Tết, đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của nơi đây. Theo nhà văn Sơn Nam, bến Bình Đông xưa chạy dài từ cầu Chà Và tới gần đình Bình An. Ngày nay, bến Bình Đông kéo dài từ cầu Nguyễn Tri Phương tới nơi giao nhau giữa rạch Lò Gốm và kênh Tàu Hũ.

Theo quan sát, năm nay có hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ nối đuôi nhau cập bến Bình Đông, kéo dài khoảng 1km từ cầu Chà Và đến cầu Kênh Ngang số 1. Các ghe thuyền chủ yếu của thương lái hoặc các nông dân trồng hoa từ các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre… mang về đây hàng chục các loại hoa, chủ yếu nhất là hoa cúc, vạn thọ, mồng gà, hoa mai, hoa giấy, tắc kiểng, dừa kiểng… Đặc biệt, chợ hoa bến Bình Đông năm nay có trưng bày thêm nhiều giống hoa lan, các loại tiểu cảnh được trang trí đẹp mắt. Nhiều loại mai quý có giá trị cao được tiểu thương bán hoặc cho thuê để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn cho trang trí hoa cảnh trong ngày Tết phù hợp với túi tiền của mình.

Khung cảnh nhộn nhịp chợ hoa trên bến Bình Đông. Ảnh: Mạnh Linh

Nước non Cao Bằng

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, địa chất độc đáo, Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng đang mang lại một sức sống mới cho tỉnh miền biên viễn này phát triển du lịch cũng như quảng bá văn hóa, tạo sinh kế cho 9 dân tộc người bản địa. 

Kỳ thú nước non miền biên viễn 


Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.000 km2, trải dài trên 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Nơi này có 130 điểm di sản địa chất độc đáo mang giá trị quốc tế, trong đó có 1 khu bảo tồn quốc gia, 5 khu bảo tồn loài sinh cảnh, 5 khu bảo vệ cảnh quan và 2 hành lang đa dạng sinh học, nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng là miền đất mà du khách có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái đất qua các dấu tích còn lại ở đây.


“Khu du lịch Thác Bản Giốc được SUN GROUP đầu tư hạ tầng góp phần phát triển du lịch Cao Bằng và cả vùng xung quanh và huyện Trùng Khánh xứng tầm khu du lịch kiểu mẫu quốc gia”


Bí thư huyện Trùng Khánh Phạm Văn Cao
Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, quần thể hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao… và đặc biệt thác Bản Giốc, từng được bình chọn là một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới.


Nồng nàn rượu nếp Cút

Hương rượu nếp Cút nồng nàn, ngọt lịm vị quê hương đã được tạo nên theo cách rất riêng để trở thành thức uống đặc sản mà không phải ai cũng một lần được thưởng thức.aBên chén rượu nếp đầu xuân với vị thơm nồng đặc trưng, ông Nguyễn Văn Sơn - người đã giữ nghề ủ rượu nếp Cút “Hạ thổ bách nhựt” của gia đình được lưu truyền suốt hơn 100 năm qua, chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện thú vị của loại rượu quý này.

Nếp quý làm nên rượu ngon 


Rượu nếp Cút được làm từ loại gạo đúng như tên gọi của rượu. Không giống như lúa và các loại nếp khác, nếp Cút rất khó trồng, thời gian trồng kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch. Năng suất đạt thấp, nhưng bù lại nếp Cút rất thơm ngon mà không có loại nếp nào sánh được. Lạ ở chỗ, giống nếp Cút được trồng ở vùng đất dưới nguồn suối khoáng nóng Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) thì chất lượng mới đạt ngưỡng tuyệt hảo. 

Ông Nguyễn Văn Sơn bên sản phẩm rượu nếp Cút "Hạ thổ bách nhựt" được gia đình ông lưu truyền hơn 100 năm nay. ẢNH: THIÊN VƯƠNG 

Tuần vũ Quảng Ngãi Nguyễn Cư Trinh: Danh thần trẻ tuổi

Cách đây đúng 270 năm, vào mùa xuân năm Canh Ngọ 1750, Nguyễn Cư Trinh được cử vào làm Tuần vũ phủ Quảng Ngãi - vị quan đứng đầu phủ Quảng Ngãi- khi đó ông mới vừa 34 tuổi.

Nguyễn Cư Trinh, tên thật là Nguyễn Đăng Nghi, vốn gốc họ Trịnh, sinh năm Bính Thân - 1716, tại làng An Hòa, huyện Hương Trà, trấn Thuận Hóa, nay thuộc Thừa Thiên - Huế, trong một gia đình có nhiều người đỗ đạt cao, có nhiều công lao lớn với non sông, đất nước. Khi 18 tuổi ông đỗ Sinh đồ, được bổ chức Huấn đạo; 7 năm sau đỗ Hương tiến, được bổ chức Tri phủ. Ông luôn được Võ vương Nguyễn Phúc Khoát tin cậy và đình thần kiêng nể vì luôn tận tụy với công việc, ngay thẳng, trung thực, thông minh, có tài thao lược.

Vỗ yên dân chúng 


Đọc lại những trang ghi chép về Nguyễn Cư Trinh trong Đại Nam chính biên liệt truyện, Đại Nam thực lục (tiền biên) của Quốc sử quán Triều Nguyễn, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và một số tài liệu khác, mới thấy, không phải bỗng dưng Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát lại cử Nguyễn Cư Trinh vào trấn nhận phủ Quảng Ngãi. Hơn ai hết, chúa Nguyễn hiểu rõ đức tính thanh liêm và tài thao lược của vị quan trẻ tuổi này, cũng như tình hình bất ổn nghiêm trọng ở vùng đất Quảng Ngãi lúc bấy giờ. 

Một đồn bảo ở vùng núi Đá Vách (Thạch Bích). Ảnh: Đăng Vũ 

Thú vị món canh chua kiến vàng của người Ê đê

Người Ê đê xã Tâm Thắng (Cư Jút) cư trú tập trung ở 4 buôn: Nui, Buôr, Trum và Êa Pô. Từ lâu, người Ê đê nơi đây dùng kiến vàng chế biến thành nhiều món ăn dân dã nhưng rất độc đáo, ngon miệng. Trong đó phải kể đến món canh chua kiến vàng, được xem là món ăn truyền thống, đặc sản của người Ê đê.

Kiến vàng sinh sống trên các cành cây, làm tổ ở những nơi cao. Những ổ kiến vàng có trứng được xem là “lộc rừng”. Đặc biệt vào mùa mưa từ tháng 5 trở đi, người Ê đê thường chọn thời điểm này đi "săn" kiến vàng vì đa phần chúng sẽ làm tổ và đẻ trứng nhiều. Nhắc đến các món ăn ngon truyền thống từ kiến vàng, người Ê đê mê mẩn món canh chua kiến vàng nấu với hoa “djam tang”. Để làm được món canh này phải có các nguyên liệu chính gồm kiến vàng, các loại tôm, cá, cua sông, hoa “djam tang”, ngò gai, nén, gia vị. 

Hoa “djam tang" 

Lên với “cổng trời” An Lão

Ðường xa gập ghềnh, núi thẳm rừng xanh không ngăn được bước chân của những người thích khám phá thiên nhiên tìm lên xã An Toàn - nơi có “cổng trời” của huyện An Lão.

Một năm qua, tôi lên An Toàn hơn 10 lần. Xếp ba lô với vài vật dụng, đón chuyến xe từ Quy Nhơn ra ngã 3 Xuân Phong (xã An Hòa, huyện An Lão), gọi cuốc xe thồ là lên thẳng An Toàn. Đi An Toàn, ruổi rong xe máy là thích nhất.

An Toàn, một chỗ riêng trong ký ức

Ngắm những cánh đồng lúa bậc thang lùi dần sau lưng, thấy núi trên cao, thấy sương luồn qua những tán rừng xanh… những lần đến với An Toàn của tôi đều bắt đầu như thế. Sắc màu của An Toàn là sắc màu của thiên nhiên. Tháng 4 - An Toàn tím những đồi hoa sim; tháng 6 An Toàn vàng những sóng lúa bậc thang… Và tháng Giêng là tháng mỗi thứ có một chút, chỉ có điều nó được trộn đều và pha loãng ra. Người bạn đồng nghiệp cùng đi tấm tắc, chỉ riêng chuyện được hít thở một bầu không khí trong lành, mát lạnh như thế này đã đáng để lên với An Toàn.

Vẻ đẹp của An Toàn là quà tặng quý giá mà thiên nhiên ban tặng. Tour trekking An Toàn của anh Nguyễn Văn Bé với lịch trình lên đồi sim, thăm sông Mia, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thác K50.