26 thg 11, 2020

Nhộn nhịp mùa "vàng" trên rẻo cao Tả Lèn

Trong tiết trời thu tháng 8 âm lịch, khắp các triền núi, những thửa ruộng bậc thang phủ kín sắc vàng, nhộn nhịp vào mùa thu hoạch. 

Cánh đồng Tả Lèng nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 5km, có diện tích rộng hàng trăm ha và nơi đây từng là vựa cây thuốc phiện ở Tây Bắc

Những trải nghiệm hấp dẫn chỉ có ở TP HCM

Làm phi công, du ngoạn trên sông, tour Biệt động thành hay ngắm thành phố từ Landmark 81 SkyView là những trải nghiệm khác biệt của thành phố phía Nam.

Từ tháng 11, khách du lịch khi đến TP HCM có thể trải nghiệm dịch vụ lái máy bay từ buồng lái giả định. Với mức phí khoảng 4,3 triệu đồng, khách sẽ được "điều khiển" máy bay Airbus A320 qua các địa hình trong điều kiện thời tiết khác nhau, cảm giác thật hứa hẹn đến 96%. Ảnh: Phi Nhất

25 thg 11, 2020

Rối nước 300 năm ở làng Đào Thục

Múa rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) có từ 300 năm nay. Ông tổ của nghề là cụ Nguyễn Đăng Vinh (tự Phúc Khiêm - Đào tướng công) đỗ tiến sĩ và làm quan Tổng nội giám. 

Nghệ nhân Ngô Minh Phong tận tâm truyền nghề cho thế hệ trẻ nhất của làng rối nước Đào Thục

Nơi du hành về Đà Lạt thời quá khứ

Bảo tàng Lâm Đồng lưu giữ trên 15.000 hiện vật, tái hiện sinh động thiên nhiên, lịch sử và con người ở thành phố ngàn hoa.

Bảo tàng Lâm Đồng tọa lạc tại khu đồi “Biệt thự mùa đông” (phường 10, TP. Đà Lạt) rộng 3ha, trong khuôn viên dinh thự của ông Nguyễn Hữu Hào xây tặng con gái là Nam Phương Hoàng hậu. Nơi đây đang lưu giữ hơn 15.000 hiện vật về thiên nhiên, khảo cổ học, con người và lịch sử phát triển của địa phương.

Để hình dung về thành phố ngàn hoa hơn 100 năm trước, du khách hãy đến gian trưng bày "Đà Lạt xưa và nay". Các hình nộm mô phỏng một số hoạt động đời thường của cư dân địa phương, trong thời gian người Pháp đang quy hoạch Đà Lạt thành đô thị từ những năm 1890. Điểm nhấn khu này là cỗ xe ngựa được sưu tầm và phục dựng theo mẫu phương tiện giao thông phổ biến hồi đó.

Các hình nhân với trang phục khác nhau đại diện cho tầng lớp bình dân từ mọi miền di cư vào sinh sống ở TP. Đà Lạt vào thế kỷ trước, sống bằng nhiều nghề như bán hàng chợ, đánh xe, trồng và bán hoa màu... Phía ngoài cùng bên phải là đồng phục nữ sinh với áo len mặc ngoài bộ áo dài, đến giờ vẫn được nhiều trường học ở Đà Lạt duy trì.

Đà Lạt được biết đến là điểm nghỉ dưỡng, định cư của nhiều người Pháp và tầng lớp thượng lưu Việt Nam. Đa số những hiện vật trưng bày trong không gian "Đà Lạt xưa và nay" đều có xuất xứ phương Tây hoặc có thiết kế tinh xảo, chức năng hiện đại, thường được dùng trong các gia đình giàu có.

Cơi đựng trầu, kim chỉ bằng gỗ khảm trai và ống đựng vôi bằng đồng là vật dụng của tầng lớp quý tộc thời Nguyễn, được sử dụng ở Đà Lạt đến những năm 1950. Ảnh: @koganei_kr

Tủ thờ của một gia đình quý tộc người Việt tại Đà Lạt trong những năm 1930 - 1950 được bảo tàng sưu tầm, phần nào phản ánh bối cảnh sống giao thoa giữa truyền thống và hiện đại ở Đà Lạt thế kỷ trước.

Du khách Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (TP HCM) cho biết con gái chị rất thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa, và hai mẹ con đã tham quan các bảo tàng ở thành phố ngàn hoa. "Để tìm hiểu về quá khứ của Đà Lạt, Bảo tàng Lâm Đồng là nơi tái hiện rõ nét nhất", chị Ánh Nguyệt nhận xét.

Bên cạnh hiện vật, bảo tàng cũng trưng bày nhiều ảnh chụp các địa điểm xưa cũ còn tồn tại ở địa phương như quảng trường Hòa Bình, chợ Đà Lạt, ga xe lửa, đồi chè Cầu Đất hay những con đường, tư dinh rải rác trong thành phố.

Đi hết bảo tàng, du khách cũng có thể tham quan những hiện vật và hình ảnh đặc thù của Đà Lạt trong những năm kháng chiến và đổi mới, cho đến ngày nay. Bảo tàng Lâm Đồng mở cửa các ngày trong tuần vào 7h30 - 11h30 và 13h30 - 16h30. Phí tham quan 22.000 đồng/ người.

Tâm Linh

Tiệm sách lâu đời nhất ở "phố sách Đinh Lễ" Hà Nội

 Nằm ở gác 2 trong ngõ nhỏ số 5 phố Đinh Lễ, “Nhà sách Mão” là nhà sách lâu đời nhất ở Hà Nội gắn bó với ký ức của bao thế hệ người Hà Thành. 


Người ta ví von ông bà chủ “Nhà sách Mão” tư nhân nổi tiếng nhất Hà Nội này chính là thành hoàng khởi nghiệp cho nghề bán sách khu phố Đinh Lễ. Bởi sau khi nhà sách được bà Mão và ông Luy khởi dựng lên thì khu phố Đinh Lễ bắt đầu có thêm nhiều nhà sách khác được mở để trở thành phố sách như ngày nay.

Ông Luy vẫn nhớ như in vào những năm 90, khi cuộc sống vẫn khó khăn nhưng hai vợ chồng những vẫn quyết tâm vay lãi ngân hàng để mua mặt bằng mở tiệm sách. “Nhà sách Mão” ban đầu vốn chỉ là một chiếc bàn sách nhỏ của vợ chồng ông bày bán trên vỉa hè phố Đinh Lễ, phía ngoài Bưu điện Hà Nội. Sau nhiều năm tích góp, ông bà đã tìm mua được căn nhà nhỏ trên gác 2 khu tập thể số 5 Đinh Lễ để kinh doanh và cho tới bây giờ, hiệu sách lâu năm của ông bà vẫn thu hút đông đảo người yêu sách ghé thăm mỗi ngày. Trải qua hơn 20 năm, “Nhà Sách Mão” vẫn luôn là "thánh địa" cho các độc giả yêu sách gần xa, luôn là nơi giữ lửa cho văn hóa đọc sách. 

Không gian “Nhà sách Mão” luôn yên bình, cổ kính, bước chân vào nhà sách, bạn sẽ có cảm giác như đang lạc vào xứ sở cổ tích với muôn vàn câu chuyện, sắc màu khác nhau khi xung quanh chỉ toàn sách là sách. Sách nằm trên bàn, để trên những chiếc kệ cao đến ngất ngưởng đủ sức thu hút níu kéo bạn đọc ở đây cả ngày dài mà không chán.

Hoành thánh chiên phố Hội

Hoành thánh chiên là món ăn mang theo hơi thở, phong cách đặc trưng của phố Hội An, Quảng Nam. Đây là món ăn có sự hội tụ của vị ngọt của tôm biển, vị chua của dứa, cà chua, vị thơm của hành tây, giá đỗ cùng độ giòn tan của bột khi được chiên giòn. 

Không biết tự bao giờ, hoành thánh chiên đã trở thành một món ăn quen thuộc, gắn liền với vùng đất Hội An cổ kính. Ngày nay, không chỉ người dân Phố Hội mà cả khách du lịch Hội An cũng rất yêu thích và mê mẩn món ăn này. 

Trong các món ăn đặc sắc của Hội An, hoành thánh chiên là món rất dễ làm và chế biến nhanh, không cầu kỳ. Hoành thánh sau khi chiên giòn sẽ bày lên đĩa. Cà chua, hành tây, dứa, giá, tôm được sốt nóng sau đó chan lên trên hoành thánh tạo thành tạo một đĩa hòanh thánh vàng ươm, vuông vức, ở giữa là viên nhân tôm tròn trĩnh, thơm phức trông rất ngon miệng. 

Bánh đậu xanh Rồng vàng

Mỗi vùng đất của Việt Nam không chỉ sản sinh ra các món ăn đặc sản thơm ngon tượng trưng cho từng miền mà đi liền với nó là những câu chuyện lịch sử nổi bật của vùng đất đó. Bánh đậu xanh ở Hải Dương từ lâu đã là một loại bánh nổi tiếng trong và ngoài nước bởi sau nó là một câu chuyện tự hào của vùng đất Hải Dương. 

Tương truyền rằng, khi vua Bảo Đại (1913-1997) kinh lý qua Trấn Hải Dương, dân chúng nơi đây đã dâng lên ngài một thứ bánh được làm từ đỗ xanh. Sau khi thưởng thức thứ bánh đặc sản này, vua Bảo Đại đã cảm nhận được hương vị cũng như tình cảm của người dân nơi đây. Sau khi về cung ông đã ban Sắc lệnh khen bánh đậu xanh Hải Dương. Trên Sắc có in hình “Rồng vàng”, một biểu tượng uy quyền của nhà vua. Kể từ đó bánh đậu xanh Hải Dương có tên mới là: “Bánh đậu xanh Rồng vàng”. Cái tên đó cho đến nay vẫn là thương hiệu riêng để phân biệt với các loại bánh đậu xanh ở các tỉnh khác của Việt Nam. Một chiếc bánh đậu xanh Rồng vàng được làm ra có thể coi là một kì công, kết quả của một nghệ thuật điêu luyện.

Đường, đậu xanh là một nguyên liệu cần thiết để làm ra Bánh đậu xanh Rồng vàng.

5 thg 11, 2020

“Thiên đường huyền ảo” trong Hang Tiên

Tôi đã có mặt ở Quảng Bình để trải nghiệm những cung đường ước mơ: khám phá Hang Tiên. 

Hang Tiên (xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa) là hang khô lớn nhất của hệ thống hang động Tú Làn, dài khoảng 3km và sâu 100m. Mùa mưa, toàn bộ nước từ các con sông đều đổ về tạo nên một dòng sông ngầm trong hang, đến khi nước rút, các hồ nước tự nhiên được hình thành, đồng thời tạo ra các tầng lớp thạch nhũ giống như đường nét của ruộng bậc thang. Những dòng nước thẩm thấu từ bên ngoài núi đá vôi cũng góp phần không nhỏ trong quá trình hình thành của hang, qua thời gian dài đã tạo những nên những vòng xoáy hết sức ấn tượng trên mái vòm. 

Thảm thực vật trong hang rất đa dạng với các loại rêu và nấm, tạo nên một hệ sinh thái phong phú và khác biệt so với các hang động khác, chúng sinh trưởng nhanh chóng và bám lên cả những thạch nhũ đã hình thành lâu đời, tạo nên những măng đá sắc xanh ấn tượng.

Những khối thạch nhũ ần tượng hấp dẫn du khách. Ảnh: Lý Hoàng Long

Giữ cổ thụ 100 năm cho bến Người tình

'Cây da cổ thụ thân thương đã trở thành một phần ký ức của người Sa Đéc rồi. Chúng tôi quyết bảo tồn dù có người muốn đốn bỏ' - ông Võ Thanh Tùng, nguyên chủ tịch UBND TP Sa Đéc (Đồng Tháp), chia sẻ. 

Cây da trước khi chưa bị nghiêng - Ảnh: THANH NGHĨA

Về Sa Đéc, du khách hỏi thăm cây da trăm tuổi hay quán cơm Cây Da tại phường 1, chắc hẳn dân địa phương nào cũng có thể hướng dẫn chính xác. 

Cùng với đình thần Vĩnh Phước gần đó và rạch Cái Sơn, hình ảnh "cây đa, bến nước, sân đình" thân thuộc của làng quê Việt Nam tái hiện ngay tại mảnh đất bên dòng sông Tiền.

Khám phá hòn Ông Căn - mốc đánh dấu lãnh hải Việt Nam

Hòn Ông Căn là điểm A9 - một trong 11 điểm trên đường cơ sở thẳng ven bờ lục địa Việt Nam.


Ngô Trần Hải An (Quỷ Cốc Tử), blogger du lịch, từng chinh phục những hành trình dọc Việt Nam hay qua nhiều quốc gia trên thế giới. Dưới đây là chia sẻ của Hải An về hành trình chinh phục cột mốc A9 trên đường cơ sở xác định lãnh hải Việt Nam. Trước đó anh đã chinh phục mốc A3, A4 và A5 tại Côn Đảo.

"Ngoài đam mê chinh phục tôi thật sự muốn những hình ảnh câu chuyện của mình sẽ góp phần nào lan tỏa đến mọi người sự tự hào về quê hương, đất nước, tự hào về biên cương lãnh thổ, biên giới hải đảo của Việt Nam chúng ta", blogger Hải An chia sẻ.


Bình Định vốn được biết đến với những cái tên như Ghềnh Ráng, Kỳ Co, Eo Gió… nhưng ít người nghe đến hòn Ông Căn. Ngoài vẻ đẹp hoang sơ, đây còn là nơi có cột mốc tọa độ A9 - điểm cơ sở trên đường định vị lãnh hải của Việt Nam.

Qua giới thiệu của một người bạn thân, tôi tìm đến anh Tính, người sống tại Nhơn Lý và làm nghề du lịch để bày tỏ ước muốn đến hòn Ông Căn của mình. Biết mong mỏi của tôi, anh Tính băn khoăn vì mùa này thời tiết thất thường, gió mạnh, xung quanh hòn Ông Căn rất nhiều đá ngầm nên tàu ghe cano khó có thể cập bờ.


Cuối cùng, tôi cùng những người bạn mới quen ở Bình Định cũng quyết định lên đường. Chúng tôi xem xét thời tiết và tính toán kỹ rồi quyết định xuất phát lúc 13h. Trong đoàn có nhiều người dân địa phương chưa từng đặt chân đến đây, ai cũng háo hức.


Đúng 13h cano rời bến, trời xanh biếc, nhưng gió mạnh, cano lao trên mặt biển và xé những con sóng tạt cao đến 2 - 3 m. Từ mũi Eo Gió, chúng tôi bắt đầu vượt qua Hòn Cỏ. Càng ra xa gió càng mạnh, một con sóng lớn cuốn đến đẩy cano lên cao và rơi tự do xuống biển, ai cũng giật mình và cẩn thận hơn.

Chừng 15 phút sau, hòn Ông Căn xuất hiện ở phía trước, đập vào mắt tôi là 3 hòn đảo nối tiếp, cách nhau khoảng hơn 200 m, cột mốc được cắm trên hòn đảo xa nhất.


Khi cano tiến lại gần, mọi người đều sững sờ. Giữa biển khơi mênh mông bao la sừng sững một khối đá khổng lồ cao hơn 20 m, khối đá nứt đôi tạo nên khe sâu thẳm với những con sóng đập ầm ào liên hồi.

Gió càng lúc càng mạnh, cano rất khó cập đảo, anh Tư cho thuyền vòng quanh đảo nhiều lần vẫn chưa tìm vị trí an toàn vào bờ. Nếu không, chỉ còn phương án chúng tôi mặc áo phao và bơi vào đảo - khá nguy hiểm do sóng có thể cuốn người đập vào đá nhọn xung quanh, chi chít vỏ hàu rất sắc bén.

Bằng kinh nghiệm dạn dày, anh Tư tìm được khu vực sóng khá nhẹ. Nhưng chúng tôi vẫn phải nhảy qua ghềnh đá, không khí lúc này khá căng thẳng. Khi cano tiến gần sát bờ đá, anh Tư cho nổ máy giật lại tránh sóng đập vào bờ, một người nhảy lên bờ tìm điểm neo kéo. Cứ mỗi một đợt sóng đến, cano được đẩy vào bờ, chúng tôi theo từng đợt sóng đó cũng lần lượt nhảy lên hòn Ông Căn.


Đi hết 20 bậc thang, tôi đến được cột mốc A9. Theo các tài liệu lưu trữ, hòn Ông Căn được hình thành do núi lửa phun trào từ triệu năm trước, dòng dung nham gặp phải nước biển nên đột ngột đông cứng.

Hòn nằm ở tọa độ 13°53’57″ Bắc 109°21’08″ Đông, cách bờ khoảng 7 km theo hướng đông, cách điểm A8 khoảng 140 km về phía nam, cách điểm A10 khoảng 170 km về phía bắc. Hòn thuộc cụm đảo Nghiêm Kinh Chiểu xã đảo Nhơn Lý, có chiều dài khoảng 200 m, chỗ rộng nhất khoảng 95 m.


Trên hòn đặt cột mốc A9. Cách cột mốc không xa là điểm tọa độ quốc gia do Bộ Tài nguyên Môi trường, Cục Đo đạc & Bản đồ dựng tháng 6/2017 mang số hiệu DH09. Hòn Ông Căn có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định chiều rộng lãnh hải Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS).


Sau 30 phút chụp hình kỷ niệm, chúng tôi nhanh chóng trở về cano do gió đã mạnh hơn, sóng càng cao sẽ càng khó khăn để chúng tôi rời đi.


Tôi tự hào khi chinh phục điểm thứ 10/11 trên đường cơ sở định vị lãnh hải của Việt Nam, và hy vọng sẽ chinh phục được nơi cuối cùng là điểm A11 trên đảo Cồn Cỏ.


Cano chạy một vòng quanh cả ba hòn đảo và một lần nữa tôi có cơ hội ngắm nhìn trọn vẹn khu vực này, trên đảo lớn nhất là một lòng chảo mơn mởn cỏ xanh. Thời gian không còn nhiều, chúng tôi vội vàng trở lại bờ, tránh những cơn giông sắp đến.

Tọa độ 11 điểm chuẩn đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam. Đồ họa: Ngô Trần Hải An

Ngô Trần Hải An

Con đường hoa ven biển ở Nhơn Lý

Giữa khung cảnh biển trời xanh biếc, đường hoa càng thêm rực rỡ sắc màu, khiến ai đi ngang qua cũng muốn dừng lại check-in.

Khi Eo Gió, Kỳ Co đã trở thành điểm check-in "quốc dân" quen thuộc, các tín đồ mê du lịch lại vừa phát hiện thêm một con đường hoa đẹp khác ở Quy Nhơn. Không chỉ có nhiều loại hoa bung nở rực rỡ, cung đường này còn thu trọn khung cảnh biển trời phía xa.