Hiển thị các bài đăng có nhãn Thái Bình. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thái Bình. Hiển thị tất cả bài đăng

18 thg 2, 2024

Du xuân Cồn Đen

Trong tâm niệm của mỗi du khách, du lịch khám phá biển thường vào mùa hè nóng bỏng, tuy nhiên Xuân về ngắm biển Vô Cực, khám phá hệ sinh thái biển Cồn Đen là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Cồn Đen là một cồn biển đẹp nhất miền Bắc Việt Nam đã mang lại cho mỗi người một ấn tượng cảm xúc trong những ngày Xuân này.

Nằm cách thị trấn Diêm Điền 10 km, Cồn Đen thuộc xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Khu du lịch sinh thái Cồn Đen có diện tích gần 200 ha và hiếm có ở Thái Bình, nơi có Biển Vô Cực, Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn đã được UNESCO công nhận là di sản, những bãi nuôi ngao trải dài vô tận, những rừng thông ngút ngàn trong sự hoang sơ quý hiếm của thiên nhiên. Cồn Đen không chỉ đẹp tựa như viên ngọc ẩn mình dưới lớp cát biển mà còn là minh chứng cho sự kiên trì và bền bỉ của con người gắn với biển và bảo tồn di sản sinh thái biển.

Toàn cảnh quần thể Cồn Đen nhìn từ trên cao xuống. ảnh: Tư liệu KDLST Cồn Đen cung cấp

6 thg 10, 2023

Tiếng chèo làng Khuốc

Làng Khuốc là là cái nôi của nghệ thuật Chèo đồng bằng Bắc Bộ đến nay vẫn giữ được những làn điệu chèo truyền thống. Ảnh: Khánh Long/ Báo ảnh Việt Nam

Theo giới thiệu của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, chúng tôi tìm đến làng Khuốc để tìm hiểu về nghệ thuật Chèo truyền thống. Ngay từ đầu làng đã nghe tiếng hát chèo đã vọng ra, tôi ngạc nhiên hỏi thì bà Cao Hồng Bấc- thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Chèo làng Khuốc cười bảo: “Hát chèo là đặc sản làng Khuốc mà, lúc nào có thời gian từ trẻ con đến người lớn đều nghe và hát chèo cả. Các cô chú mà về vào ngày hội làng thì cả làng tưng bừng trống phách, các gánh chèo thi nhau trổ tài vui lắm.”.

Bà Bấc cho biết, làng Khuốc là một trong bảy nôi chèo nổi tiếng đất Bắc có từ thế kỷ 19. Các thế hệ nghệ nhân đã mang gánh chèo làng đến nhiều vùng miền đất nước trình diễn ở các đình đám, hội hè. Câu lạc bộ Chèo truyền thống làng Khuốc đến nay có 64 thành viên, hàng ngày thắp lửa tập luyện giữ nghề chèo truyền thống của cha ông để lại.




Vào những ngày cuối tuần, bà Cao Thị Bấc- phó chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo làng Khuốc thường dạy chèo cho những em nhỏ yêu thích những làn điệu chèo để xây dựng đội ngũ kế cận. Ảnh: Khánh Long/ Báo ảnh Việt Nam

Hôm chúng tôi đến, các diễn viên không chuyên của làng chèo Khuốc đang tập ở không gian nhà thờ tổ nghề chèo của làng. Không gian tập luyện đúng như những gì mà người ta vẫn thường nói về làng Khuốc là nơi lưu giữ chiếu hình thức biểu diễn truyền thống chèo sân đình. Những diễn viên không chuyên ở đây tự hóa trang thành Thị Mầu, Thị Kính mặc trang phục tứ thân rồi trải chiếu ngoài sân cùng những nhạc công ngồi 2 bên mép chiếu đề hòa tấu phục vụ cho những lời ca, điệu múa của diễn viên. Lắng nghe và nhìn cách những thành viên của câu lạc bộ thể hiện chúng tôi có thể thấy rõ được chèo là loại hình nghệ thuật tổng hợp các yếu tố dân ca, dân vũ, diễn xướng, tuồng tích.

Theo ông Bùi Văn Ro- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chèo truyền thống làng Khuốc cho biết: “Chèo làng Khuốc có tới 12 làn điệu độc đáo mà không ở đâu có được như: Ván cờ tiên, Ðường trường thu không, Tình thư hà vị, Hề đơm đó… Cứ hát được 12 làn điệu ấy thì ai cũng có thể hát được tất cả những làn điệu chèo ở các nơi khác. Những làn điệu độc đáo ở chèo Khuốc không thấy ở nơi đâu bởi ca từ và lối hát rất riêng. Có những làn điệu dù giống nhau nhưng cách ngắt nhịp, đánh trống đế của nghệ nhân chèo Khuốc lại hoàn toàn khác bởi học hát đã khó nhưng gõ trống đế lại càng khó hơn”.





Ông Quách Thành Lập- thành viên của Câu lạc bộ chèo làng Khuốc còn là người chế tạo líu để sử dụng biểu diễn chèo. Ảnh: Khánh Long/ Báo ảnh Việt Nam

Một vở chèo khoảng thời gian khoảng 2 tiếng đồng hồ. Nội dung các vở chèo thường miêu tả cuộc sống bình dị của người nông dân, ca ngợi những phẩm chất cao quý của con người, phê phán những thói hư, tật xấu, chống lại bất công, thể hiện tình yêu thương, lòng bao dung, sự tha thứ. Ngoài việc trình diễn các vở chèo truyền thống còn có những vở chèo mang hơi thở thời đại với nội dung phản ánh bối cảnh của đất nước cũng như những mối quan hệ xã hội.

Đến nay làng Khuốc vẫn giữ đúng nguyên bản để diễn các vở như: "Từ Thức gặp tiên, "Trương Viên", "Lưu Bình-Dương Lễ, "Quan Âm Thị Kính", "Súy Vân", "Tống Chân-Cúc Hoa" thường vẫn có đủ hệ thống nhân vật Sinh, Đào, Hề, Lão, Mụ. Trong một vở chèo, các diễn viên sẽ nhập vai diễn để thể hiện nội dung thông điệp muốn đưa đến khán giả. Khi diễn chèo đòi hỏi diễn viên phải thể hiện đủ các kỹ năng hát, múa, diễn trên nền nhạc do các nhạc công hòa tấu bằng các nhạc cụ như trống, mõ, sáo, nhị, tam thập lục, líu, thanh la…tạo hiệu ứng lan tỏa của câu hát, lời hát.

Giờ đây về làng Khuốc, 4 thôn Khuốc Bắc, Khuốc Tây, Khuốc Ðông, Khuốc Nam đều có câu lạc bộ hát chèo quy tụ nhiều thế hệ tham gia sinh hoạt. Vào những tháng hè hay ngày cuối tuần, các nghệ nhân thành danh của chiếng chèo Khuốc vẫn bền bỉ truyền dạy các kỹ năng cơ bản của nghệ thuật hát chèo truyền thống cho những đứa trẻ từ 6 tuổi đến 15 tuổi.

Em Phạm Thị Hằng (14 tuổi) là một trong những diễn viên chèo nhí đã từng đạt giải ở những cuộc thi diễn chèo của tỉnh Thái Bình. Ảnh: Khánh Long/ Báo ảnh Việt Nam

Em Phạm Thị Hằng (14 tuổi): “Từ hồi 5 tuổi được nghe ông nội và bố hát nên em yêu chèo luôn bởi làn điệu nghe rất truyền cảm. Em theo học được các bác truyền dạy các làn điệu chèo cổ và em mong rằng thế hệ trẻ chúng em có thể đưa chèo làng Khuốc vươn xa hơn.”

Bài: Ngân Hà - Ảnh: Khánh Long

19 thg 9, 2023

Huyền bí bức tượng thần thú cổ xưa ngự ở lăng Trần Thủ Độ

Theo các nhà nghiên cứu, bức tượng chim ở lăng Trần Thủ Độ có thể là chim Chu Tước, nằm trong bộ tượng bốn thần thú cổ xưa.

Thái sư Trần Thủ Độ (1194 – 1264) là một nhân vật có vai trò quan trọng trong sử Việt. Lăng mộ của ông nằm ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tại đây, các chuyên gia đã tìm thấy một bức tượng chim kỳ lạ.

9 thg 7, 2023

Mùa sen Thái Bình

Vào hè, những đầm sen ở Thái Bình nở rộ, tạo thành những mảng màu rực rỡ, thu hút du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.


Nhắc đến những đầm sen đẹp tại Việt Nam, nhiều người sẽ nghĩ đến đầm sen Đồng Tháp Mười, Ninh Bình hay loài sen vương giả tại đầm Tịnh Tâm (TP Huế). Tuy nhiên, nằm cách TP Hà Nội khoảng 110 km, Thái Bình cũng có những đầm sen rộng, nhiều loài sen như đầm sen Vân Đài ở huyện Hưng Hà, đầm sen An Vũ ở huyện Quỳnh Phụ, đầm sen Vũ Tây ở huyện Kiến Xương.

6 thg 1, 2023

Long Hưng - Điểm tựa Chu Diên

Sử cũ ghi Chu Diên thời Lương là địa giới phía Nam sông Thiên Đức, trải từ tả ngạn sông Hồng đến hữu ngạn sông Thái Bình. Chu Diên là kho người, kho của và căn cứ dấy binh của Lý Bí lập nước Vạn Xuân. Sử cũ không chép giặc theo các sông Bạch Đằng, Kinh Thầy, Văn Úc hay sông Thái Bình để vào Long Biên. Đường tiến quân của chúng có thể là sông Luộc hoặc cửa sông Thái Bình rồi ngược sông Tràng Thưa đánh thẳng vào giữa Chu Diên, nên khi bất lợi ở Chu Diên đại quân ta mới ngược lên cửa Tô Lịch mà không bị chặn đường. Vậy là trong trận quyết tử này, quân dân Bắc Chu Diên (Hải Dương, Hưng Yên) và Nam Chu Diên (Thái Bình ngày nay) đều chạm trán địch, quyết sống chết cùng địch.

Làng Hạ Phán, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, địa danh cổ nằm trong dải Nam Chu Diên, căn cứ kháng chiến nhà Tiền Lý thế kỷ thứ VI.

Phật đài chứng tấm lòng son

Theo các nguồn khảo luận, trong muôn vàn lý do người tụ cư về miền đất Long Hưng (Thái Bình nay) có người tìm nơi cư trú mới, khai khẩn đất hoang, quật thổ bồi cơ hoặc chỉ là muốn “xa rừng, nhạt biển”, thèm ăn cơm cá mà tìm về nơi sông biển nhưng cũng không ít người tìm về chốn này để tránh sự truy sát của thế lực đàn áp hoặc lập căn cứ chống ách xâm lược, cai trị hà khắc... Có nhiều người là hoàng thân, quốc thích của các vương triều Lý, Trần, Lê... được phân phong đất đai làm thực ấp.

Đền Trần làng Trung Liệt, xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, di tích lịch sử văn hóa quốc gia, nơi thờ Bảo Hoa công chúa có công khai khẩn đất đai, lập ấp, dựng làng, xây chùa hoằng dương Phật pháp.

16 thg 12, 2022

Cứ địa thủy chiến

Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, thiên tài quân sự thời nhà Trần (1226 - 1400) từng chỉ huy quân đội nhà Trần 3 lần đánh tan đế quốc Nguyên Mông bạo tàn. Ông chỉ rõ: “Mới rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi, bốn mặt vây đánh, vì vua tôi cùng lòng, anh em hòa mục, nước nhà góp sức nên quân giặc phải chịu bị bắt”. Thời nhà Trần, các vua Trần và Hưng Đạo vương đều nhận thấy rõ vai trò to lớn của hậu phương, chủ động chọn vùng hạ lưu sông Hồng, trong đó có 3 lộ: Kiến Xương, An Tiêm, Long Hưng (ngày nay là các huyện Hưng Hà, Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Kiến Xương) là vùng đất rất thuận lợi về giao thông, đất đai màu mỡ, cư dân đông đúc, nông nghiệp phát triển giúp nhà Trần dấy nghiệp và được nhà Trần hậu đãi...

Đền Hệ, xã Thụy Ninh (Thái Thụy), địa bàn chiến lược của nhà Trần thế kỷ XIII trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.

Tuệ thông trang tĩnh

Theo sử cũ, cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai nổ ra vào tháng Chạp năm Giáp Thân (1284). Lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành, vua Nguyên Hốt Tất Liệt cử Thái tử Thoát Hoan làm Trấn Nam vương cùng Bình Chương A Lý Hải Nha dẫn 50 vạn quân chia đường vào Đại Việt.

Cụm di tích đền, đình, chùa Bồng Lai, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, nơi thờ tướng Yết Kiêu cùng quân tướng nhà Trần thế kỷ XIII.

Nam bang đệ nhất

Tương truyền, xưa lắm, có một đoàn quân qua làng Sơn Cao (còn có tên gọi khác là Sơn Đường, nay thuộc xã Hòa An, huyện Thái Thụy) đã đào giếng để lấy nước ngọt nấu ăn. Vì xung quanh toàn là bãi ngập nước và là nước lợ nên họ đã chọn làng Sơn Cao, nơi cao nhất vùng để đào giếng. Có truyền ngôn rằng, những giếng cổ còn sót lại ở làng Sơn Cao có từ thời tiền Lý (Lý Bí thế kỷ thứ VI), lúc đó Lý Bí đóng quân ở vùng này. Để cho cát không lở xuống lòng giếng, quân lính dùng vại sành ghép thành giếng, vì vậy có tên giếng Vại, gần đó có “ngã ba hàng hầu” chính là nơi họp chợ bán sò và hầu biển... Xưa làng Sơn Cao nằm sát biển, nay biển đã lùi xa vài ki-lô-mét...

Tục thờ cá Ông, linh vật trong tín ngưỡng dân gian được thờ trong đình làng Sơn Thọ, xã Thái Thượng, địa danh cổ trước khi chia tách của làng Sơn Cao, nay thuộc xã Hòa An, huyện Thái Thụy.

Danh điềm dụng xỉ

Các tài liệu khảo cứu khẳng định, thời Lý - Trần (từ năm 1010 đến năm 1400), chế độ ruộng đất phân hạng thành 4 tầng lớp: Hoàng tộc, quan lại triều đình, thứ dân và nô tỳ. Đứng đầu là “đẳng cấp” hoàng tộc (tôn thất) có vị trí đặc quyền, đặc lợi, xuất hiện thời nhà Lý (1010 - 1225), hưởng thuế các lộ, có thang mộc ấp (ruộng đất canh tác như trang trại) và có gia nô (người ở làm thuê không công). Thời nhà Trần (1226 - 1400), đẳng cấp này vẫn duy trì nhưng có điền trang đại sở hữu tư hữu đồng thời hưởng lộc triều đình...

Cùng với sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý..., dòng Diêm Hộ cũng là nguồn nước ngọt dồi dào không chỉ cung cấp nước cho canh tác nông nghiệp mà còn là phòng tuyến quân sự của các triều đại phong kiến.

Giang môn yếu hải

Dân gian vùng Nam sông Luộc vẫn còn truyền tụng câu ca: “Nhất cao là núi Tản Viên/Nhất sâu là nước Thủy Tiên, Phú Hà”. Phú Hà là làng cổ nằm cạnh ngã ba sông Hồng và chi lưu sông Luộc, nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà. Lại có câu: “Trăm cửa bể phải nể cửa Vường, cửa Vường phải nhường cửa Luộc” (cửa Tuần Vường, nay thuộc khu vực giáp ranh xã Hồng Lý (Vũ Thư) và xã Hồng Minh (Hưng Hà), điều đó cho thấy từ ngàn xưa Thái Bình là vùng đất trù mật được bao bọc bởi các con sông, phù sa bồi đắp nên bờ bãi xanh tươi, cũng là “giao lộ” của những dòng sông tiềm ẩn thế mạnh quân sự, tạo nên phòng tuyến bảo vệ giang sơn...

Chi lưu sông Hồng và sông Luộc, một trong những “giang môn” trọng yếu thời Lý - Trần và các triều đại về sau trong sự nghiệp bảo vệ giang sơn Đại Việt.

Nhân thần tiên thánh

Vào thời nhà Lý (1010 - 1225), trang Đào Động được triều đình liệt vào hạng “Tứ cố cảnh”. Đây cũng là một trong những phòng tuyến quan trọng của quốc gia Đại Việt thế kỷ XIII ghi dấu son chói lọi trong ba cuộc chiến chống quân Nguyên Mông mà hào khí liệt oanh vẫn vang vọng đến hôm nay trong tứ thơ của tướng quân Điện súy Phạm Ngũ Lão được khắc treo trong đền Đồng Bằng (còn gọi là đền đức vua cha Bát Hải Động Đình, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ) khi ông bái yết cửa đền trước khi sát cánh cùng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn xuất trận đánh tan quân giặc bạo tàn Nguyên Mông.

Đền vua Rộc, xã Vũ An, huyện Kiến Xương, địa danh cổ được xác định là “ngưỡng kiều biên” triều đại An Dương Vương.

21 thg 11, 2022

Biển vô cực ở Thái Bình

Mặt nước ở biển Quang Lang như một tấm gương lớn phản chiếu bầu trời tạo nên một không gian vô cực độc đáo.

Biển vô cực có một không hai tại xã Thụy Xuân và xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy đang được UBND tỉnh Thái Bình xây dựng thành điểm du lịch với kỳ vọng đây sẽ là điểm đến mới lạ, độc đáo và thu hút du khách trong và ngoài nước tới trải nghiệm.

Cả hai bãi biển này không sở hữu bờ cát trắng, không có mặt biển trong xanh hay những con sóng lớn mà mang nét đẹp bình yên, hoang sơ với bãi cát bồi màu nâu sậm, phẳng và trải dài bất tận. Vào sớm bình minh, khi nước cạn làm mặt bãi biển tráng một lớp nước mỏng xấp xỉ mắt cá chân, trông như một tấm gương khổng lồ phản chiếu bầu trời, cảnh vật.

21 thg 10, 2022

Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tọa lạc tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, nơi đây ghi lại nấu ấn sâu đậm về Nguyễn Đức Cảnh, một trong 7 đảng viên đầu tiên sáng lập ra Đảng Cộng sản, một cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Công đoàn Việt Nam.

Đến thăm khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh, du khách có cơ hội được biết thêm về mảnh đất quê hương Diêm Điền, nơi đã sinh ra người chiến sỹ cộng sản kiên trung của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông không chỉ là cán bộ cách mạng lỗi lạc mà còn là nhà lý luận với những tác phẩm báo chí đầy tính chiến đấu. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Nguyễn Đức Cảnh mãi mãi là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng để lại cho mỗi thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau.

Khu lưu niệm được xây dựng trên chính mảnh đất hương hoả của 8 gia đình trong thân tộc cùng sinh sống, có diện tích rộng 1.600 m². Khung cảnh nếp nhà xưa của gia đình đồng chí Nguyễn Đức Cảnh lúc sinh thời gồm: Ngôi nhà thờ Tổ (vốn là trường dạy học của ông thân sinh ra đồng chí Nguyễn Đức Cảnh), nhà ở, nhà bếp được dựng lại nguyên vẹn trên nền đất cũ. Không gian giản dị, khiêm nhường, gợi lại hình ảnh nền nếp, gia phong của một gia đình nho giáo thời xưa.

Khu tưởng niệm cũng được xây dựng trên đúng mảnh đất nơi đồng chí sinh ra và lớn lên.

4 thg 9, 2022

Bình minh trên 'biển vô cực’

Mặt biển Quang Lang phẳng lặng tạo hiệu ứng gương khổng lồ phản chiếu ánh bình minh tạo nên khung cảnh mãn nhãn.

Ray bình minh trên bãi "biển vô cực" Quang Lang (huyện Thái Thụy, Thái Bình). Bức ảnh nằm trong bộ ảnh của anh Nguyễn Minh Tiến (38 tuổi, Hà Nội), một người đam mê du lịch và nhiếp ảnh, thực hiện ngay trước kỳ nghỉ lễ 2/9.

8 thg 6, 2022

Hương vị quê hương: Bún ốc ngon nức tiếng Thái Bình

Sự hòa quyện giữa nước xương hầm, mắm tôm và giấm bỗng tạo nên nồi bún ốc độc đáo thu hút 300 - 400 thực khách đến ăn mỗi ngày.

Nói đến đặc sản Thái Bình, người ta thường nhắc đến bún bung, canh cá; nhưng ở đó có một gia đình tự tạo nên thương hiệu riêng của mình trong món bún ốc.


Hơn 20 năm qua, món bún ốc đã giữ chân bao thực khách. Có người sinh ra từ quê lúa Thái Bình, sau này xa quê, mỗi dịp trở về lại ghé quán. Cũng có người là khách thập phương về công tác, định bụng chỉ lấp dạ dày; đâu ngờ rằng sau lần ấy, mỗi khi có dịp đến Thái Bình lại ghé quán bún ốc ăn cho đỡ nhớ hương vị xưa.

5 thg 2, 2022

Ẩn số về bức tượng hổ thời Trần đẹp nhất Việt Nam

Trong triều đình, dù không phải vua, Trần Thủ Độ vẫn được tất cả nể sợ như sợ hổ. Có phải bức tượng hổ ở lăng mộ ông ngầm phản ánh điều này?

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là nơi đang lưu giữ một bức tượng hổ cổ xưa có giá trị lịch sử đặc biệt. Bức tượng này có niên đại từ thế kỷ 13-14, được đưa về từ lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ ở xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

22 thg 4, 2021

Vẻ đẹp của "cánh đồng" nuôi ngao trên bãi biển Thái Bình

Dù là khi nước cạn hay khi thủy triều lên, bãi biển Đồng Châu (Thái Bình) vẫn thu hút nhiều tay "săn" ảnh bởi vẻ đẹp bình dị, hoang sơ trên những "cánh đồng" nuôi ngao.

Bãi biển Đồng Châu thuộc xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 30km là nơi có những cánh đồng nuôi ngao rộng bát ngát, trải dài như ôm ra biển lớn.

Dù không phải bãi biển đẹp để khai thác du lịch nhưng Đồng Châu lại là nơi tuyệt vời để canh tác và nuôi trồng ngao. Mỗi bãi ngao được nuôi trong vòng 15 tháng là có thể thu hoạch.

Trung bình mỗi "vựa" ngao sẽ cho thu hoạch khoảng 50 tấn từ 10 tấn ngao giống được thả xuống ban đầu. Đến mùa vụ, từng tốp vài chục người cùng nhau làm liên tục suốt cả ngày thì mới có thể thu hoạch xong một ruộng ngao.

15 thg 3, 2020

Cây sanh tạo dáng mái đình ở Thái Bình

Tác phẩm cây sanh cổ thụ của anh Trần Văn Khởi (thôn Trà Khê, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, Thái Bình) là tâm điểm thu hút giới chơi cây cảnh Việt Nam.

Cây sanh cổ thụ cao 6m, đường kính gốc một người ôm được tạo dáng mái đình làng cổ vùng quê Bắc Bộ.

Cây sanh độc đáo là niềm ao ước của những người chơi cây

Toàn bộ phần tán cây được nghệ nhân cây cảnh quê lúa tạo dáng hình mái đình có chiều dài 7m, rộng 5m. Phần mái lên đến ngọn có độ dốc thoải, được chia đều cân đối.

13 thg 7, 2019

Vi vu Sáo Đền

Với ý nghĩa thư khoan sức dân sau những cuộc kháng chiến, sau mỗi mùa màng cực nhọc, cuộc thi sáo diều Sáo Đền ở thôn Quý Sơn, xã Song An, huyện Vũ Thư (Thái Bình) là địa điểm hội tụ hàng nghìn diều thủ khắp mọi miền tổ quốc về thi tài.

Tục thả diều nhằm tưởng nhớ Quốc công Ðinh Lễ, vị tướng lĩnh tài ba trong khởi nghĩa Lam Sơn. Trong những năm chiến đấu, ông chỉ huy nghĩa quân đóng quân ở núi Tùng Lĩnh (Hà Tĩnh) kết hợp khai khẩn, trồng cấy ở bờ sông La Giang để tự cấp lương thực. Ðinh Lễ chỉ dẫn binh sĩ làm cánh diều cong như vành trăng khuyết, đục các bộ sáo với kích cỡ khác nhau rồi cùng binh sĩ thả diều.
Sử chép, Đền Sáo hay còn gọi là Sáo Đền thờ Quang Thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao (1460 - 1496) và Tam vị quốc công Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt là người có công lớn trong việc lập nên nhà Lê. Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao là cháu ngoại Quốc công Đinh Lễ, bà là vợ vua Lê Thái Tông và là mẹ của Vua Thánh Tông, một ông vua có thể nói là anh minh sáng suốt nhất trong tất cả các vị vua của triều đại nhà Lê.

Sau khi Quốc công Đinh Lễ qua đời, con cháu ông thường cho thả sáo diều tưởng nhớ đến ngày xưa ông vẫn thường cho quân binh thả diều để quên đi mệt nhọc khi vừa đánh giặc, vừa làm ruộng. Những ngày ấy, quanh vùng, ở xa hàng chục dặm, dân vẫn trông thấy, nghe thấy hàng trăm chiếc diều sáo đại bay tít trên trời cao.