31 thg 8, 2023

Gánh cốm Mễ Trì gần Nhà thờ Lớn Hà Nội

Cứ đến tháng 8, chị Học lại lặn lội từ Mễ Trì lên khu phố gần Nhà thờ Lớn bán cốm, món ăn vặt đầy tao nhã của người Hà Nội.

Mỗi độ thu về, những gánh cốm rong lại xuất hiện trên những tuyến phố xung quanh khu vực phố cổ, Nhà thờ lớn, hồ Hoàn Kiếm. Gánh hàng đơn giản nhưng lại thu hút giới trẻ với những gói cốm dẻo thơm được bọc trong lớp lá xanh mướt.

Năm nào cũng thế, từ khoảng giữa tháng 8, chị Nguyễn Thị Học (45 tuổi) lại mang chiếc thúng tre đựng cốm đi bán dạo để kiếm thêm thu nhập. Hàng cốm rong không có bàn ghế phục vụ, khách thường mua cốm mang đến quán cà phê để thưởng thức. Ngồi ở vị trí đối diện Nhà thờ lớn, bên cạnh là một quán cà phê "hot" của giới trẻ nên gánh cốm của chị Học thu hút nhiều khách mua tuổi teen.

Cốm là thức quà đặc trưng của mùa thu Hà Nội.

Quán bánh cuốn cà cuống Thanh Trì gia truyền 4 thế hệ

Mở bán từ năm 1960, gia đình bà Lan đã duy trì nghề làm bánh cuốn qua 4 thế hệ và gìn giữ hương vị nguyên bản của bánh cuốn Thanh Trì.

Bánh cuốn là món cổ truyền nổi tiếng của làng Thanh Trì, là "thức quà chính tông của người Hà Nội" được nhà văn Thạch Lam viết trong cuốn "Hà Nội băm sáu phố phường". Bánh cuốn có mặt ở nhiều tỉnh thành nhưng chỉ có bánh cuốn Thanh Trì là ăn cùng cà cuống. Đây là loài côn trùng sống dưới nước, thường bắt gặp ở ao, hồ, đầm, ruộng.

Bánh cuốn Thanh Trì ăn với nước chấm chua ngọt và đặc biệt là cà cuống nướng.

30 thg 8, 2023

Có gì ở nhà thờ Thịnh An?

Giáo xứ Thịnh An là một giáo xứ mới được thành lập từ ngày 1/10/2016. Giáo xứ nằm trên địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Từ Ngã ba Trị An đi theo tỉnh lộ 767 khoảng 14 km thì bên phải là nhà thờ Thịnh An. Nơi đây có khoảng 3.100 giáo dân.

Giáo xứ mới thành lập, ở xa, lại thêm tui không phải người công giáo nên tui không hề biết gì về giáo xứ và nhà thờ Thịnh An. Thậm chí chưa nghe tên luôn.

Ấy vậy mà trên đường từ Trị An về Biên Hòa, Hùng Mypho quả quyết nói với tui: Em chở anh ghé vô đây, bảo đảm anh sẽ thích mê. Và hắn chở tui vô nhà thờ Thịnh An!

Khi xưa guốc gỗ, chân trần

Ngày xưa, do cuộc sống thiếu thốn, lạc hậu, nhiều người phải đi chân trần, nhưng cũng có một lớp người được đi guốc gỗ. Và hình ảnh guốc gỗ, chân trần ngày xưa ấy đã khơi gợi trong mỗi chúng ta rất nhiều ký ức của một thuở không thể nào quên.

Ký ức một thuở

Chân trần hay chân đất là không mang bất cứ thứ gì ở chân. Xem các hình ký họa và hình chụp thời Pháp thuộc, cho thấy phần lớn người Việt xưa đi chân trần, từ người lớn đến trẻ em, từ đàn ông đến đàn bà, từ người nông dân đến người kéo xe, phu chạy trạm (chạy đưa văn thư), thậm chí cả binh lính.

Đôi guốc mộc là một vật dụng bé nhỏ, đơn sơ mà cũng rất đỗi gần gũi đã in dấu trong hành trang văn hóa dân tộc. (Ảnh minh họa)

Cổ vật của 4 triều đại trưng bày ở Sài Gòn

Gần 200 hiện vật thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn trưng bày trong triển lãm ở Bảo tàng Lịch sử TP HCM, quận 1.


Triển lãm mang chủ đề "Di sản và ký ức - Bức tranh từ những mảnh ghép" giới thiệu 170 cổ vật của 27 nhà sưu tập trên cả nước. Hiện vật thuộc bốn triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê và Nguyễn, trải dài từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 20.

Các hiện vật này chủ yếu là gốm Việt Nam với nhiều loại đồ gia dụng, thờ cúng, trang trí, đồ dùng để uống trà, rượu. Ngoài ra còn có gốm sứ Việt Nam đặt hàng Trung Quốc, Pháp sản xuất.

29 thg 8, 2023

Người Mông xứ Thanh làm giấy dó đón Tết

Làm giấy dó từ cây rừng thờ cúng tổ tiên là một phong tục độc đáo của người Mông ở miền núi Thanh Hóa. Sản vật này được đồng bào xem là vật linh thiêng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình trong dịp Tết cổ truyền.

Bột giấy được phơi trên khung bằng vải. Trước khi phơi, khung được rửa sạch để bột giấy không bị dính bụi bẩn ảnh hưởng đến độ kết dính, chất lượng giấy.

Vẻ đẹp thác Mạ Héc

Từ trung tâm xã Phù Lưu (Hàm Yên) đi khoảng 7 km, chúng tôi đến thôn Thôm Tấu nơi có thác Mạ Héc hay còn gọi là thác Khiêng nổi tiếng một vùng.

Thác Mạ Héc nhìn từ trên cao, xung quanh là rừng nguyên sinh Cham Chu.

Dẫn chúng tôi đi tham quan anh Triệu Thanh Tùng, cán bộ văn phòng xã Phù Lưu chỉ tay về phía núi cho biết, thác Mạ Héc chảy từ độ cao hơn 100 m trên vách núi đá Cham Chu xuống, quanh năm tung bụi nước mù mịt, nhìn từ xa như một dải lụa trắng hay mái tóc dài đẹp của một thiếu nữ.

Quẩy tấu trong cuộc sống của người Mông

Trong nhịp sống hiện đại, chiếc quẩy tấu vẫn giữ một vai trò không thể thay thế, là “vật bất ly thân”, là người bạn gần gũi trong đời sống đồng bào Mông nơi vùng cao núi đá, cho dù đã xuất hiện những công cụ mới, phương tiện mới...

Ra mắt tổ liên kết dùng quẩy tấu đi chợ để bảo vệ môi trường tại Hà Giang

28 thg 8, 2023

Cồn Sơn - “Hòn ngọc xanh” của miền Tây

Cách đất liền không xa, Cồn Sơn (Cần Thơ) được thiên nhiên ưu đãi với cây trái xum xuê, cá tôm dồi dào, đến với nơi đây bạn có thể hòa mình với thiên nhiên, tìm hiểu cuộc sống giản dị của người dân Nam Bộ. Nét đẹp hoang sơ của Cồn Sơn được ví như viên ngọc quý giữa phố thị và với loại hình du lịch cộng đồng, tạo nên bản sắc độc đáo cho các du khách ưa khám phá vùng đất mới.

Cồn Sơn mùa trái ngọt

"Muốn ăn ổi, nhãn, chôm chôm/Cồn Sơn vẫy gọi, thảo thơm tình người…”. Trong đầu tôi nảy ra câu thơ khi tôi đang ngồi trên chiếc đò từ bến Cô Bắc xé sóng tiến về vùng đất nổi giữa dòng sông Hậu huyền thoại. Miền Tây đang vào mùa trái ngọt…

Ao cá ba sa trên Cồn Sơn

Thật ra thì mùa trái chín đã bắt đầu từ cuối tháng Ba, đầu tháng Tư, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rơi xuống mảnh đất dọc hai bên dòng sông Hậu, sông Tiền, nhưng khoảng tháng Sáu, tháng Bảy mới là lúc trái chín rộ. Mùa trái cây miền Tây được đánh dấu bằng những trái sầu riêng gai góc đủ loại, thơm nức mũi, chất chồng lên nhau trên chiếc bao tải xếp bên lề đường, trong tiếng rao mời xởi lởi của người bán hàng. Rồi đến dâu Hạ Châu miệt Phong Điền, Cái Răng sắc ngọt; măng cụt tím thẫm trong cần xé (giỏ đựng trái cây); chôm chôm, nhãn tiêu, nhãn da bò… sai trái tiếp nối mùa màng. Tất cả đã làm nên bức tranh miền Tây lung linh màu sắc.

Con đường hàng cau ven ao cá dẫn đến nhà vườn Tín Hoà

Trở lại với chuyện đi đò qua Cồn Sơn, thực ra đây chỉ là chuyến đi ngẫu hứng của tôi. Đã lâu rồi tôi không qua Cồn Sơn, dù từ chỗ tôi qua bên ấy chỉ cách một lần đò, kéo dài khoảng mười phút là đến. Sau đại dịch COVID-19, Cồn Sơn mở cửa phục hồi du lịch sinh thái cộng đồng, được sự quan tâm ủng hộ của du khách gần xa, trong nước lẫn quốc tế. Khoảnh khắc ngồi đò qua sông Hậu, tôi cảm nhận được sự mát lành của ngọn gió thổi vào khoang đò mang theo mùi sông nước Cửu Long thơm nồng, mùi phù sa quyện trong từng lớp sóng trùng trùng điệp điệp.

Thưởng thức nhãn Cồn Sơn

Buổi trưa tháng Bảy, phương Nam vẫn đang trong đợt nóng hầm hập nhất năm. Lang thang trên con đường nhỏ uốn lượn của mảnh đất Cồn Sơn, dưới màu xanh của tre trúc và những vườn tược xum xuê, mới thấy hết được sự trong lành, bình yên, thư thái. Cồn Sơn thuộc địa phận quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, cũng là nơi địa thế hiểm trở nhất của quận, bởi Cồn Sơn nổi lên giữa sông Hậu - một trong hai nhánh chính của sông mẹ Mekong khi chảy vào Tây Nam Bộ, Việt Nam. Nhưng đổi lại, Cồn Sơn được sông Hậu ưu ái ban tặng cho một lượng phù sa đáng kể, đất đai màu mỡ, vì thế mà những vườn trái cây quanh năm xanh tốt, đến mùa trái sai trĩu quả.

Men theo con đường đất đi về hướng tay trái, tôi rẽ vào một nhà vườn trồng nhiều nhãn, chôm chôm, mít. Băng qua vuông sân của căn nhà được cất theo dạng nhà Nam Bộ truyền thống, tôi được cô chủ vườn giới thiệu sơ lược và chỉ cho lối đi. Cúi rạp người đi dưới những tán nhãn đang độ chín ngọt, hái ngẫu nhiên một quả, nhãn ở đây vỏ mỏng, cơm dày, hạt nhỏ, vị ngọt thanh tao. Cạnh vườn nhãn là chôm chôm cũng đương độ đỏ vỏ.

Trái ngọt Cồn Sơn

Tôi đã được dịp thưởng thức trái cây của nhiều vùng miền trên đất nước ta, nhưng trái cây miền Tây không lẫn vào đâu được, từ lâu tiếng tăm đã lan xa. Các nhà vườn ở đây thường thu vé vào vườn, tính trên đầu người, cũng không đắt lắm. Du khách thoải mái hái trái ăn, mua về thì tính tiền theo giá ấn định. Có lẽ vì tính cách của người miền Tây rất phóng khoáng, nồng hậu nên luôn tạo tâm thế thoải mái, vui vẻ cho khách đến trải nghiệm sinh thái vùng đồng bằng sông nước.

Ngoài chôm chôm, nhãn thì bưởi da xanh, ổi nữ hoàng, mận hay mít nghệ, mít tố nữ… cũng là đặc sản của Cồn Sơn. Từ bến đò đi về phía về tay phải là con đường uốn lượn bên bờ những ao đầm không ngớt tiếng cá quẫy nước, là những vườn ổi, vườn mận.

"Cá lóc bay” Tín Hòa - “xiếc cá” độc đáo ở Cồn Sơn

Mấy lần trước, tôi dẫn vài người bạn từ xa đến thăm nhà vườn Tín Hòa, nơi có biểu diễn “cá lóc bay” rất thú vị. Cách gọi có vẻ như hoang đường, thần thánh ấy thực chất bắt nguồn từ tập tính ăn uống theo giờ giấc rõ ràng của bầy cá lóc do chủ vườn huấn luyện từ nhỏ. Khi chủ vườn phát ra tín hiệu âm thanh và vãi thức ăn, đàn cá phóng lên khỏi mặt nước đớp mồi, khiến mặt nước xao động. Trên bờ vang lên tiếng vỗ tay tán thưởng của khách du lịch. Nhà vườn này còn khéo léo tạo ra những tiểu cảnh như chòi lá, cầu khỉ, cầu tre… phục dựng lại cảnh sắc của miền Tây xa xưa.

Bè nuôi cá trên Sông Hậu

Ngày nay, trước thực trạng đô thị hóa, tự nhiên ít nhiều bị tác động bởi con người, việc ứng dụng và phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng được đặt lên hàng đầu. Người Cồn Sơn - với tình yêu thiên nhiên, yêu vườn tược, cây cối, yêu những thứ dân dã bình dị, yêu miền Tây trong dáng dấp truyền thống đã làm rất tốt hoạt động du lịch sinh thái, cộng đồng. Để từ đó, du khách có những trải nghiệm chân thật nhất về cuộc sống ở vùng sông nước Tây Nam Bộ, được tự tay hái trái cây trên cành, hái rau, câu cá, làm món bánh dân gian và thưởng thức. Miền Tây vì thế dễ dàng đi vào lòng người hơn. Cồn Sơn trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với Cần Thơ - đô thị miền sông nước.

Hoàng Khánh Duy

27 thg 8, 2023

Vương vấn Krông Pa

Không hiểu sao tôi lại thấy lòng mình vấn vương Krông Pa, tỉnh Gia Lai với cái nắng nóng như lửa đổ. Tôi yêu những con đường uốn lượn quanh chân đồi, dốc lên dốc xuống, như tấm lụa vắt ngang qua buôn làng. Trước những ngôi nhà của đồng bào với màu gỗ nâu trầm lúc nào cũng tấp nập bước chân trên sàn và râm ran tiếng nói cười, mặc dù đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi đặt chân đến miền đất ấy.

Cầu Ia Rmok bắc qua sông Ba nối liền 4 xã đặc biệt khó khăn phía Nam của huyện Krông Pa (Gia Lai)

Lên Khâu Vai trải nghiệm hẻm Phong Lưu

Nằm ở thượng lưu Thủy điện Bảo Lâm 3, thuộc địa bàn các xã Khâu Vai, Lũng Pù (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) và xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), hẻm Phong Lưu luôn nổi bật bởi vẻ đẹp lung linh, huyền ảo.

Du khách thưởng ngoạn vẻ đẹp của hẻm Phong Lưu bằng chèo thuyền Kayak

Hồ Ly - “Tuyệt tình cốc” của vùng đất Tổ

Từ Hà Nội, xuôi theo Quốc lộ 32 hướng qua cầu Trung Hà khoảng hơn 100km, hồ Thượng Long hay còn gọi là hồ Ly (xã Thượng Cửu, huyện Yên Lập) được ví von như “tuyệt tình cốc của Phú Thọ”, nổi tiếng bởi vẻ đẹp hoang sơ nhưng cũng không kém phần nên thơ, mê hoặc lòng người.


Hồ Ly được người dân bản địa đặt tên theo một trong hai khe nước tạo nên hồ là khe Ly và khe Chanh. Với diện tích mặt nước 40 ha, hồ Ly là một trong những hồ có trữ lượng nước lớn nhất tỉnh, có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân huyện Yên Lập.

Kỳ vĩ Động Ngườm Ngao

Tỉnh miền núi Cao Bằng có địa hình hiểm trở nhiều đồi núi, cảnh quan thiên nhiên vô cùng tươi đẹp. Cao Bằng đóng góp vào bản đồ du lịch rất nhiều điểm đến hấp dẫn như hang Pắc Bó, thác Bản Giốc, làng đá Khuổi Ky… Đặc biệt là động Ngườm Ngao- một kiệt tác thiên nhiên hiếm có.

Du khách thám hiểm động Ngườm Ngao - Ảnh Thanh Hà

Động Ngườm Ngao hay còn có tên gọi khác là động Ngao ẩn mình trong một ngọn núi hùng vỹ ở xã Đàm Thủy huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Động được phát hiện năm 1921 và được tỉnh Cao Bằng đưa vào khai thác du lịch năm 1996. Năm 1998, động Ngườm Ngao được công nhận là Danh thắng quốc gia.

26 thg 8, 2023

Quê ngoại tui, Đông Hòa Hiệp

Quê ngoại tui ở Cái Bè. Đó là tui nghe nói vậy chớ chưa hề sống ở đó, cũng không hề có dịp về quê ngoại. Đơn giản là vì cả gia đình ông bà ngoại đã rời Cái Bè từ khi má tui... chưa có chồng (và kéo theo là khi đó chưa có tui trên cõi đời này)!

Lâu, lâu thiệt lâu sau đó tui biết thêm một chi tiết rằng quê ngoại ở xã Đông Hòa Hiệp, thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Biết và nhớ cái tên hay hay đó thôi, chớ cũng không biết nó có gì đặc biệt.

Không lâu sau đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin và xu hướng du lịch, tui biết thêm một thông tin bất ngờ: Làng cổ Đông Hòa Hiệp ở Cái Bè là một trong bốn ngôi làng cổ nổi tiếng nhứt, đẹp nhứt Việt Nam!

Bản đồ Làng cổ Đông Hòa Hiệp ở lối vào làng

Cảnh quan mê hoặc của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng

Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là một miền đất hiếm có, nơi du khách vừa có thể tìm hiểu lịch sử của Trái Đất, vừa là nơi lý tưởng để khám phá vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam.

Nằm tại tỉnh địa đầu Cao Bằng, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào năm 2018, trở thành Công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam, sau Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang. Ảnh: Những dãy núi trùng điệp tại huyện Quảng Hòa, Cao Bằng

Công viên APEC mở rộng gần 9.000 m²

Diện tích công viên APEC bên sông Hàn được mở rộng thêm 8.668 m² sau khi hoán đổi đất ở trung tâm, quy mô đầu tư 759 tỷ đồng.


Công viên APEC mở rộng nằm tại ngã ba đường Bạch Đằng nối dài ven sông Hàn và đường 2 tháng 9 (quận Hải Châu), đưa vào sử dụng từ ngày 10/1. Lãnh đạo thành phố đã hoán đổi khu "đất vàng" ở ngã ba đường Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp (ven biển Mỹ Khê, quận Sơn Trà) để đổi lấy 6.000 m² liền kề vườn tượng APEC, phục vụ mở rộng công viên.

Hạng mục trước đây rộng 3.000 m² là vườn tượng của 21 nền kinh tế thành viên APEC, được khánh thành tháng 11/2017 khi Đà Nẵng đăng cai APEC. Phần mới xây dựng là khu vực bên cạnh, với công trình mái vòm bằng sắt.

Hàng nghìn kỷ vật và 600.000 mẫu tem tái hiện lịch sử ngành TT&TT

Bảo tàng Bưu điện Việt Nam đang lưu giữ hàng nghìn tài liệu, hiện vật, hình ảnh về ngành Bưu chính Viễn thông, Công nghệ thông tin và tem bưu chính tái hiện hình ảnh ngành thông tin và truyền thông trong các giai đoạn lịch sử.


Bảo tàng Bưu điện Việt Nam được thành lập tháng 12/1994, tổng diện tích hơn 500 m². Nơi đây đang lưu giữ, trưng bày hàng nghìn tài liệu, hiện vật, hình ảnh về Bưu chính Viễn thông, Công nghệ thông tin và tem Bưu chính. 

25 thg 8, 2023

Gìn giữ vẻ đẹp đại ngàn để phát triển du lịch Kon Plông

Tỉnh Kon Tum có trên 609.600 ha rừng, trong đó hơn 547.700 ha là rừng tự nhiên với độ che phủ trên 63% diện tích của tỉnh. Cùng với phát triển kinh tế rừng, những năm gần đây nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ, đơn vị, địa phương của tỉnh Kon Tum còn tập trung bảo vệ, giữ gìn, khai thác vẻ đẹp riêng có với hệ động, thực vật phong phú của núi rừng tạo thành sản phẩm du lịch.

Cách thành phố Kon Tum gần 100 km theo hướng Tây Bắc, làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông nằm tách biệt và yên bình giữa núi rừng. Đầu tháng 5 vừa qua 62 hộ dân với khoảng 300 khẩu, 100% là bà con dân tộc thiểu số Xơ Đăng vui mừng đón nhận Quyết định của UBND tỉnh Kon Tum công nhận Vi Rơ Ngheo là làng du lịch cộng đồng.

Người Xơ Đăng ở huyện Kon Plông giới thiệu văn hóa ẩm thực đậm hương vị núi rừng với du khách.

Về quê cụ Phan Châu Trinh

Làng Tây Lộc (nay là thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, Phú Ninh) - quê cụ Phan Châu Trinh hiện còn lưu nhiều dấu tích có liên quan đến thời trai trẻ của nhà chí sĩ yêu nước kiệt xuất với chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh ở thôn Tây Lộc.

Đến Tây Lộc, không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc hùng vĩ của núi non, thôn xóm, ruộng đồng… Phía tây thôn, đồi bà Bóng trải dài ôm gọn cả làng; hướng về đông, cánh đồng xứ Bồ Lúa tốt tươi từng được người làng tự hào là “Đồng Nai con” - một vựa lúa được ví như một phần của ruộng đồng phì nhiêu Nam Bộ.

Trên cánh đồng bên đường vào làng, nhô lên những tảng “đá trèo”, “đá bộng” rất sống động - từng là nơi nô đùa của cậu bé Phan Châu Trinh thời thơ ấu. Giữa đồng Bồ Lúa, từng có một hồ sen lớn, đến nay dấu tích vẫn còn.

Từ hồ sen ấy, hướng về phía mặt trời lặn, sát sườn đồi là ngôi nhà mà cụ Phan Châu Trinh từng sống những ngày thơ ấu, từng được thầy học kèm cặp tại nhà, từng bộc lộ khí phách lạ thường… trước khi trở thành nhà khoa bảng, nhà duy tân, nhà chí sĩ cách mạng nổi tiếng.

Làng Tây Lộc xưa

Tra trong danh sách làng xã vùng Nam Quảng Nam được ghi trong sách Phủ biên tạp lục (1776), chỉ tìm thấy một số tên làng lân cận nhưng không thấy tên Tây Lộc. Tra trong các nghiên cứu về địa bạ thời Gia Long, Minh Mệnh cũng không tìm thấy tên làng Tây Lộc.

Trong Đồng Khánh địa dư chí (1886 - 1887) có tên làng Tây Lộc thuộc tổng Vinh Quý huyện Hà Đông. Bản đồ của người Pháp lập khoảng trước năm 1938 thể hiện rất rõ vị trí làng Tây Lộc nằm giữa các làng Lộc Sơn (tây), Ngọc An/Yên (bắc), Tú Tràng, Đại Đồng (đông), Bình An/Yên, Tú Cẩm (nam). Bản đồ này cũng ghi chú rất rõ các núi Đá Ngựa, Lâm Cẩm, Long Cẩm nằm ở các vị trí bao bọc đồi Bà Bóng của làng.

Vị trí làng Tây Lộc được khái quát trong câu đối hiện được đặt trước nhà thờ tộc Phan như sau: “Càn triều tây bắc sơn tổ ngự/ Cấn chiếu đông nam thủy lộ bao” (hướng Càn - phía tây bắc có núi non hùng vĩ án ngữ/ hướng Cấn - phía đông nam bao bọc bởi các dòng nước chảy qua cánh đồng làng).

Tây Lộc là một trong những vùng cung cấp lương thực chủ yếu cho phong trào Nghĩa hội Cần vương ở Nam Quảng Nam (1886 - 1887), vì thế, sau khi phong trào này bị thất bại, thực dân Pháp và chính quyền Nam triều đã bố ráp dữ dội vùng này. Tiếp đến là nhiều lần khói lửa chiến tranh, toàn bộ tư liệu về làng xã, kể cả nhiều tư liệu của các gia tộc đều không còn.

Hiện còn rõ nhất là mộ của một số thân nhân chí sĩ Phan Châu Trinh an vị trong nghĩa trang gia tộc.

Có thể kể: mộ ông Phan Văn Cừ (anh ruột - người nuôi dưỡng Phan Châu Trinh sau khi cha cụ lâm nạn năm 1887), mộ ông bà Phan Văn Bình và Lê Thị Chung (thân phụ và thân mẫu cụ Phan), mộ bà Lê Thị Tỵ (1877 – 1915, vợ cụ Phan) và mộ người con trai đầu của cụ Phan là Phan Châu Dật (1897 - 1921).

Ông Dật từng theo cha sang Pháp học hành và là trợ thủ đắc lực cho hoạt động cách mạng của cha mình. Về sau, do bệnh, ông Dật hồi hương rồi qua đời tại Huế.

Nhà thờ cụ Phan Châu Trinh

Nhà thờ được xây mới trên nền nhà cũ vốn đã bị hủy hoại trong khói lửa chiến tranh. Sau khi hòa bình lập lại, hậu duệ cụ đã đóng góp kinh phí cùng với Nhà nước xây dựng lại. Nay nơi ấy là Nhà lưu niệm chí sĩ Phan Châu Trinh, có bằng công nhận “Di tích cấp quốc gia” được treo trang trọng trong nội điện.

Gian chính giữa đặt bàn thờ với bức tượng bán thân thể hiện rất sắc nét thần thái nhà chí sĩ. Bức hoành “Chính khí trường lưu” và câu đối “Thành bại anh hùng nan định luận/ Bách niên tâm sự tự chiêu chương” trước bàn thờ được trang trí rất uy nghiêm.

Hai gian bên, trên vách và trên các tủ tư liệu, treo rất nhiều hình ảnh và trình bày nhiều sách vở lưu dấu hành trình từ lúc tham gia khoa cử (đỗ Phó bảng triều Nguyễn) đến khi vận động Duy tân, sau đó bị bắt đày ra Côn Đảo.

Ra tù tìm cách sang Pháp tiếp tục con đường vận động cách mạng tư sản dân quyền, rồi lại tiếp tục vào tù ở chính thủ đô nước Pháp; ra tù, lại tiếp tục hành trình vận động cách mạng theo quan điểm của riêng mình.

Những bức ảnh sống động về lễ tang của nhà chí sĩ ở Sài Gòn năm 1926 đã khép lại khu trưng bày tạo nên một cảm giác bùi ngùi mà kính cẩn thiêng liêng trước anh linh người con xứ Quảng anh hùng đã từng làm chính quyền thực dân phong kiến kính sợ.

Mấy chuyện kể từ Tây Lộc

Ông Phan Cư (sinh năm 1947 ở thôn Tây Lộc) là hậu duệ trực hệ cụ Phan Văn Cừ - anh ruột của cụ Phan cho biết thuở nhỏ ông từng nghe bà nội và các bậc cao niên kể nhiều giai thoại về cụ Phan Châu Trinh. Đến nay, ông còn nhớ hai chi tiết đặc biệt.

Biệt hiệu Tây Hồ đã được cụ Phan dùng cho mình ngay từ thuở còn học trong làng. Tây Hồ nghĩa là “người ở phía tây của hồ sen”. Hồ ấy nguyên là một cái ao rộng giữa cánh đồng Bồ Lúa thuộc đất của ông Phan Văn Cừ.

Khi cụ Phan còn rất nhỏ, tự dưng ao ấy mọc đầy sen. Ông Cừ cho là điềm lạ bèn dâng đất ấy cho làng và mời thầy về nhà dạy cho con cháu và con em trong làng. Từ đó làng có nhiều người học hành, nổi trội nhất là Phan Châu Trinh.

Phan Châu Trinh rất ghét bọn tay sai thực dân. Thuở chưa rời làng, ông đã từng viết bài vè “Chó săn” nổi tiếng. Xin trích vài câu trong đó: “...Mày tự cậy rằng mình tài trí/ Tài trí mày ai kể ra chi!/ Chẳng qua mượn thế làm uy/ Tìm sâu vạch lá, soi tì vạch lông/ Không nghĩ tới tổ tông ngày trước/ Mày làm chi những điều nhơ nhuốc khó coi/ Đêm ngày rình bắt giống nòi/ Cho người làm thịt, cho người lột da/ Được công trạng chủ nhà ân thưởng/ Phần thưởng này đã sướng hay chưa?/ Chẳng qua xương vụn thịt thừa/ Món ngon vật lạ ai đưa cho mày?...”

PHÚ BÌNH

Lê Đình Kỵ - "Hối nhân bất quyện"

“Hối nhân bất quyện” là chữ của Khổng Tử, dùng để tôn vinh những người cả một đời dạy người không biết mệt mỏi. GS - Nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ là một trong những người như thế.

“Hối nhân bất quyện” là chữ của Khổng Tử, dùng để tôn vinh những người cả một đời dạy người không biết mệt mỏi. Ảnh minh họa Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Để trở thành người thầy - theo đúng nghĩa của từ này - thầy Lê Đình Kỵ phải có những nỗ lực vượt bậc, mà chủ yếu là bằng con đường tự học. Nhân 100 năm ngày sinh của GS - Nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ (1923-2023), nhớ thầy để tự răn mình vậy.

Cuộc đời làm quan ngắn ngủi của Trần Quý Cáp

Cuộc đời làm quan của Trần Quý Cáp vỏn vẹn chưa đầy 2 năm, từ 5/7/1906 đến 17/5/1908. Nhiều người nghĩ, giá ngày đó ông từ chối chức vụ Giáo thọ Thăng Bình thì có thể không phải chết thảm vì một bản án oan nghiệt! 

Bản tấu của Bộ Lại đề nghị bổ Trần Quý Cáp làm Giáo thọ Thăng Bình. Ảnh: L.T

24 thg 8, 2023

Vùng đất Thập ngũ tiên sa

Tui có dịp đến huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam và biết được rằng đây là vùng đất Thập Ngũ Tiên Sa, tức là nơi 15 nàng tiên từ thượng giới sa xuống.

Chuyện kể như vầy:

Vùng đất này thuở xa xưa đẹp hơn thượng giới. Vào mùa Xuân nọ, các nàng tiên nữ ngao du hạ giới, tới đây và mê mẩn không chịu về. 15 nàng tiên mỗi nàng chọn một chỗ để ở lại, bất chấp lệnh Ngọc hoàng Thượng đế gọi về.

15 nàng tiên, mỗi nàng một chỗ, giờ là 1 thị trấn Tiên Kỳ và 14 xã: Tiên An, Tiên Cẩm, Tiên Cảnh, Tiên Châu, Tiên Hà, Tiên Hiệp, Tiên Lãnh, Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Mỹ, Tiên Ngọc, Tiên Phong, Tiên Sơn, Tiên Thọ. Còn nguyên vùng đất ấy giờ là huyện Tiên Phước.

Tui đang ngồi trên một bờ đá ở Tiên Cảnh, mộng gặp tiên nữ!

Nàng tiên nào cũng xinh đẹp, tài giỏi, đảm đang nhưng vẫn giữ nét riêng nên các vùng đất cũng có những đặc thù khác biệt.

Ví dụ như tục ngữ có câu "Gái Tiên Hà, gà Tiên Lãnh". Con gái Tiên Hà, nhờ thường xuyên tắm rửa và dùng nước ở đoạn sông Tiên đẹp nhất nên xinh hơn. Gà Tiên Lãnh ngon nhất vì nuôi thả ở vùng đất giàu côn trùng. Tiên Châu là vùng đất thủy tụ, có suối Tiên, thác 7 tầng, các bãi đá đẹp như tranh vẽ. Tiên Cảnh là vùng đất đẹp như... tiên cảnh. Còn dân làng Tiên Thọ thì nghe đồn là sống lâu nhất...

Những bờ tường đá ở Làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh

Những cái tên nghe thiệt là hay, có từ bao đời nay. Tui tò mò tìm hiểu coi bây giờ có còn giữ được như xưa không. Hay quá, giờ vẫn là những Tiên như ngày xưa. Chả bù với thành phố nọ, khi bên thắng cuộc vô rồi bèn vênh váo đổi hết những cái tên thân thương bằng những tính từ kêu rổn rảng: Quyết Thắng, Quang Vinh, Trung Dũng, Thống Nhất... Nếu Tiên Phước mà cũng đổi tên theo kiểu đó thì... see mother Tiên rồi!

Phạm Hoài Nhân

Di ngôn của Phan Châu Trinh

Sau ngày về nước (28/6/1925), Phan Châu Trinh đã có hai buổi diễn thuyết ở Sài Gòn. Hậu thế vẫn xem đây là “di ngôn” cuối cùng ông gửi lại quốc dân đồng bào.


Những ngày tháng cuối cùng của nhà cách mạng

Sau 14 năm trên đất Pháp với rất nhiều hoạt động sôi nổi và cả những “trải nghiệm đắng cay” Phan Châu Trinh không còn mơ hồ về một nước Pháp theo tinh thần “dân quyền” của Montesquieu và J.J Rousseau mà ông đọc được trong Tân thư. Ông quyết về nước tiếp tục con đường tranh đấu của mình.

Cuốn hành Thủy Nguyên - đặc sản ít người biết ở Hải Phòng

Cuốn hành là món ăn đặc sản có công dụng giải ngấy của người dân làng nghề bún truyền thống Trịnh Xá, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Hải Phòng có nhiều món ngon nổi tiếng, trong đó, mỗi địa phương cũng có những đặc sản riêng, gắn bó với nhiều thế hệ. Ngoài bánh chưng Thủy Đường đắt khách mỗi dịp Tết đến, huyện Thủy Nguyên, cách TP Hải Phòng khoảng 10 km, còn có món cuốn hành với công dụng giải ngấy hiệu quả.

Món ăn được người dân làng nghề bún truyền thống Trịnh Xá, xã Thiên Hương, sáng tạo nên, thường được gọi là cuốn bún tôm hay cuốn Thủy Nguyên để phân biệt với món cuốn ở nơi khác.

Cuốn hành là đặc sản của làng Trịnh Xá, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: Quỳnh Mai.

Làng nghề bánh tráng hơn 100 tuổi ở Cần Thơ

Đến làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, du khách được trải nghiệm quy trình làm bánh, di sản văn hóa phi vật thể của xứ Tây Đô.


Bánh tráng là đặc sản của Nam Bộ. Nếu Đông Nam Bộ có bánh tráng Tây Ninh thì Tây Nam Bộ có bánh tráng Thuận Hưng.

Đại diện Phòng Văn hóa Thông tin quận Thốt Nốt cho biết làng nghề Thuận Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) hình thành từ giữa thế kỷ XIX. Nghề làm bánh tráng ở đây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể hồi tháng 5.

23 thg 8, 2023

Người khai khoa cho vùng đất Hội An

Tại xã Cẩm Hà (Hội An), trên một gò đất khá cao nằm cạnh đầm Trà Quế còn di tích ngôi mộ cổ của cử nhân Nguyễn Văn Điển, người được xem là “khai khoa” cho cả vùng Hội An ngày nay.

Lăng mộ Nguyễn Văn Điển tại Cẩm Hà, Hội An. Ảnh: TTBT

Cuộc đời lận đận của ông tiến sĩ làng Long Phước

Tiến sĩ Lê Thiện Trị (1796 - 1872) đã làm rạng danh không những cho làng Long Phước quê ông mà cho cả huyện Duy Xuyên và đất học Quảng Nam với thành tích được vua Minh Mạng ban cờ hiệu có 6 chữ vàng “Tiến sĩ khai khoa lục tỉnh”. Tuy nhiên, ông là người “lận đận” cả trong khoa cử lẫn trong hoạn lộ!

Nhà thờ Lê Thiện Trị ở khối phố Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước. Ảnh: Internet

Ghé thăm An Tất Viên - nơi an nghỉ của cụ Hồ Biểu Chánh

Tọa lạc trên một con hẻm yên tĩnh ở quận Gò Vấp (TP.HCM), An Tất Viên là nơi những người yêu thích các tác phẩm của cụ Hồ Biểu Chánh có thể đến thắp hương và ngồi lại cả ngày để thưởng thức sách của cố nhà văn.

Nơi an nghỉ, nhà trưng bày kỷ vật của nhà văn Hồ Biểu Chánh nằm cuối con hẻm ở quận Gò Vấp - Ảnh: HỮU HẠNH

Khám phá “bức tranh lạ” trên núi Mèo Cào

Từ bến thuyền, phải mất gần 2 giờ đồng hồ bơi thuyền len lỏi giữa lau, lác núi đá người ta mới được mắt chứng kiến bức họa “hình ma, chữ quỷ”.

Lần này chúng tôi vào khám phá núi Mèo Cào, giữa lúc cơn bão đang chuẩn bị đổ bộ vào miền Bắc, nắng mưa xen kẽ, không khí trước bão oi nồng khiến ai nấy đều khó chịu với kiểu thời tiết ấy.

Bức tranh “lạ” hiện nay đã được đưa vào danh mục bức tranh đá tự nhiên độc đáo lớn nhất Việt Nam trên núi đá.

22 thg 8, 2023

Dấu tích Bố chánh sứ Nguyễn Tường Vĩnh ở Hội An

Nguyễn Tường Vĩnh là con trai trưởng của Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được ghi chép trong tư liệu mộc bản triều Nguyễn và nhiều sách khảo cứu. Đặc biệt là những tư liệu về Nguyễn Tường Vĩnh hiện được lưu trữ tại dòng họ Nguyễn Tường ở Hội An như gia phả, hành thuật, văn bằng...

Nhà thờ tộc Nguyễn Tường ở Hội An. Ảnh: Internet

Quan lộ hanh thông

Hành thuật về ông cho biết, Nguyễn Tường Vĩnh tự là Tử Tu, hiệu Cẩm Giang. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), ông được bổ làm ấm sinh trường Quốc tử giám. Năm Minh Mạng 18 (1837), ông thi đỗ Cử nhân thứ 2 khoa Đinh Dậu. Đến kỳ thi hội khoa Mậu Tuất ông đỗ Phó bảng thứ nhất.

Suốt 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Nguyễn Tường Vĩnh được bổ dụng từ các chức quan Tư vụ phủ Tôn nhân, Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ, Tham biện ở Nội các... cho đến Tả Thị lang Bộ Lại, Tuần vũ Định Tường. Năm Tự Đức thứ 13 (1860), ông qua đời trong lúc làm quan (Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An, Di sản Hán Nôm Hội An, tập 2 - Tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường, 2016, tr.42 - 43).

Nguyễn Tường Vĩnh tính tình hiền lành, không tranh giành hơn thiệt với người, đời sống yên tĩnh, giản dị sâu sắc. Cho nên, trong lúc làm quan, ông chọn người hết lòng vì công việc, nhiều lần trọng dụng người tài ở Định Tường.

Với bản tính hiền từ, lương thiện nên ông được con cháu trong gia đình hiếu thuận, yêu thương, được triều đình và nhân dân yêu mến, được bổ nhậm các chức vụ quan trọng dưới thời vua Thiệu Trị và Tự Đức.

Sau khi ông mất, mọi người đều bày tỏ sự thương tiếc, trong điếu văn do các quan văn võ soạn có đoạn: “...Dù thân thể đã mất đi, song tấm gương điển hình chẳng bỏ, tỏ rõ đức hạnh, sách lược và công lao được khảo cứu hết thảy, định tên thụy để đức độ rực rỡ cùng đất nước, người đời không lời dị nghị.

Thân thể đã mất, song tên tuổi vẫn cùng bậc tiên triết mà rạng ngời. Dám mong nâng lấy ngọn cờ hãy tạm dương lên để soi sáng hôm nay. Ôi thôi! Buồn thay!”
(Di sản Hán Nôm Hội An, tập 2 - Tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường, sđd, tr.230).

Dấu tích ở Hội An

Nguyễn Tường Vĩnh để lại nhiều bút tích, dấu tích trên văn bia, hoành phi, văn bản hành chính ở Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. Ngoài các bút tích trên các văn bản được lưu giữ trong gia đình tộc Nguyễn Tường, hiện ở Hội An chúng tôi tìm thấy được bút tích của ông trên hoành phi ở đình Cẩm Phô, Văn Thánh miếu Cẩm Phô, chùa Viên Giác, miếu Thanh Minh của Ngũ Bang.

Bức hoành phi Cẩm Phô đình đang được lưu giữ tại đình Cẩm Phô. Do trải qua thời gian bị tác động bởi nhiều yếu tố, bức hoành đã bị hư hỏng, mối mọt xâm hại, tuy nhiên các hoa văn trang trí, chữ viết trên hoành phi vẫn còn tương đối rõ để nhận diện.

Hoành phi hình chữ nhật, có kích thước 185,6cm x 98,8cm, dày 5,6cm. Hoành phi được chạm trổ tinh xảo, viền được chạm nổi đồ áng trang trí “lưỡng long triều dương” ở phía trên và dưới, hai bên viền chạm nổi đồ áng hình rồng, dây lá, bốn gốc viền là hình hoa cách điệu.

Bức hoành được sơn son thếp vàng, ở giữa chạm nổi 3 đại tự chữ Hán: 鋪 錦 亭 (Cẩm Phô đình), dòng lạc khoản năm lập đã bị mất, chỉ còn lạc khoản khắc tên người cúng (Vĩnh Long Bố chánh sứ Nguyễn phụng cúng). Ngoài ra, hoành phi còn có dấu kiềm hình hột xoài, hình tròn và vuông, chữ bị mờ nên không rõ nội dung.

Bức hoành phi “Thùy giáo vạn thế” đang được treo tại Văn thánh miếu Cẩm Phô. Bức hoành còn tương đối nguyên vẹn, các hoa văn trang trí, chữ viết không bị hư hại.

Viền được chạm nổi đồ áng trang trí “lưỡng long triều dương” ở phía trên và dưới, hai bên viền chạm nổi đồ áng hình rồng, dây lá, bốn gốc viền là hình hoa cách điệu. Bức hoành được sơn son thếp vàng, ở giữa chạm khắc nổi 4 đại tự chữ Hán: 垂 教 萬 世 (Thùy giáo vạn thế). Dòng lạc khoản có nội dung: “Tự Đức tam niên mạnh hạ thượng hoán, Vĩnh Long Bố chánh sứ Nguyễn phụng cúng”.

Chùa Viên Giác tọa lạc tại phường Cẩm Phô. Sau khi ngôi chùa được trùng tu, 4 bia đá trong chính điện đã được di chuyển ra phía sân ngoài bên phải, nằm bên cạnh gác chuông. Trong 4 bia bày, có một bia do Nguyễn Tường Vĩnh đề bút. Bia được làm vào năm Thiệu Trị thứ 2 (1842). Bia có hình chữ nhật, kích thước 134cm x 94cm. Bia được làm bằng cẩm thạch, màu xanh đen.

Về nội dung, có thể tóm lược từ bản dịch (Di sản Hán Nôm Hội An, sđd, tr.100 - 101) như sau: “… Chùa này thiền sư làng ta lập nên... Sau lúc binh qua thiêu đốt chùa bỏ thành hoang rậm, vắng bóng tăng đồ, mái rui hư hại không đứng vững, toàn xã đều nhớ di tích cũ…

Năm qua, tháng 5, kẻ thiện tâm trong xã lúc rỗi rảnh mới lo kinh doanh dỡ chùa này lấy cây gỗ tu lại chính điện, quyên góp tài lực của thập phương xây mới tiền đường. Tịnh xá mát sạch, thể chế thấy thêm mới mẻ. Gác, mái sáng cao bao la cả vạn chúng sinh. Sương chiều giao rèm ngọc, sáng sớm lọt cửa son, gió trăng dọi sáng chốn viện đình, xuân thu cỏ hoa hương sực nức, làm nên chốn quảng cư rộng rãi để yên trí tượng thần.

Trước đó chùa chưa có tên hiệu, nay lấy tên là Viên Giác. Vậy công lao phải ghi vào chung đỉnh mà chạm thành văn. Đức tốt phải khắc vào bia, ghi vào miếu mạo. Nay xin ngụ lời viết chữ son hầu tán tụng Phật chốn sa môn. (Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), vào năm Nhâm Dần tháng 9, buổi sáng ngày tốt khắc. Phó bảng khoa Mậu Tuất, Hàn Lâm viện Thị giảng học sĩ Nguyễn Tường Vĩnh chế)”.

*
* *

Những bức hoành phi, văn bia có dấu tích của Nguyễn Tường Vĩnh tại Hội An được xem là nguồn tư liệu gốc, có tính chân xác cao, góp phần nghiên cứu, bổ khuyết, làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử - văn hóa ở Hội An đang còn tồn nghi. Qua nội dung và hình thức trang trí của các hoành phi, văn bia cung cấp những thông tin quan trọng để nghiên cứu nghệ thuật thư pháp thể hiện, hoa văn trang trí, chất liệu, nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ… ở Hội An dưới thời nhà Nguyễn.

PHẠM PHƯỚC TỊNH

Món ngon trên đường lên núi

Cung đường Tam Kỳ - Nam Trà My, thức quê bày bán ven đường níu chân người qua kẻ lại.

Quán bánh ú nức tiếng dưới chân đèo Liêu.

Sáng sớm, thị trấn Tắk Pỏ (Nam Trà My) còn chút hơi lạnh, mây ngái ngủ trên đỉnh núi. Theo lời hướng dẫn của chị bán bún, tôi thả bộ đến cầu Nước Là chờ người dân gùi măng rau xuống.

Nhóm hai ba người gồm trẻ em và phụ nữ với chiếc gùi nặng oằn lưng, tôi ngó sâu bên trong vài bịch măng rừng, rau lủi, bồ ngót và mấy nải chuối xanh. Mười nghìn đồng một bịch măng, năm nghìn đồng bó rau rừng.

Quà của núi

Bằng tấm lòng thơm thảo, người vùng cao xứ Quảng thường chắt chiu gói ghém đặc sản của núi rừng gửi về làm quà cho người dưới xuôi. Người miền xuôi mỗi bận ngược núi du lịch hay đi công tác cũng thường mua sản vật bản địa để làm quà tặng. Quà có thể chỉ để “lấy thảo” nhưng trĩu nặng ân tình.

Món ngon xứ núi. Ảnh: C.N

Giao thương thuận lợi, giờ ở phố thị hầu như không thiếu món đặc sản nào của núi rừng. Nếu ngại ra chợ hay lười ghé cửa hàng, cũng có thể đặt mua hàng trực tuyến, hàng theo xe về trong ngày và được giao tận nhà. Nhưng nhận được quà tặng từ núi rừng, cảm giác vui khó tả.

Vui vì được tặng những thức quà dân dã, ngon và sạch là một lẽ, mà vui còn vì sản vật miền núi quê mình phong phú, và khấp khởi hy vọng cuộc sống người dân vùng cao sẽ ngày càng thư thả hơn từ những sản vật bản địa được nâng tầm thành sản phẩm hàng hóa, thành “đặc sản”.

Vườn cây có múi thu hút mạnh du khách

Trung bình mỗi tháng có hàng ngàn lượt du khách các tỉnh, thành tìm đến các vườn cây trái ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên tham quan, vui chơi, hít thở bầu không khí trong lành được ví như một Đà Lạt thu nhỏ. Từ đây, hàng tấn trái cây đặc sản của vùng đất này được du khách đặt mua, tạo thu nhập khá lớn cho người nông dân. Mô hình du lịch sinh thái vườn tại đây đang mở ra nhiều cơ hội phát triển, nhưng đòi hỏi người nông dân và chính quyền địa phương phải giải quyết nhiều vấn đề đặt ra.

Du khách chụp hình lưu niệm tại Sol Retreat

21 thg 8, 2023

Bánh tráng kẹp đường non

Cắn miếng bánh tráng nướng kẹp với đường non nghe giòn tan, ngọt lịm, cùng với mùi thơm của gừng, đậu phụng rang hòa quyện lại... là hương vị đặc trưng của món bánh tráng nướng kẹp đường non. Đây là món ăn dân dã của người dân Quảng Ngãi.

Quê tôi ở vùng đất cát Đức Phong (Mộ Đức) với những đồi mía bạt ngàn. Hằng năm, cứ vào độ tháng 4, tháng 5 âm lịch, người dân quê tôi bước vào mùa thu hoạch mía đường. Và cứ mỗi dịp như vậy, mẹ tôi lại tranh thủ chọn những cây mía bắt mắt nhất, mọng nước nhất để làm món đường non cho chị em tôi.

Bánh tráng nướng kẹp với đường non. Ảnh: Thu Sương

Cá cút - món ngon của cư dân miền biển

Về xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), tôi được ngư dân nơi đây giới thiệu về cá cút - một loại cá thân dẹp, có thịt trắng phau như thịt gà, được xem như đặc sản, là món ăn thường dành để đãi khách quý.

Cá cút có thân dẹp giống cá lưỡi trâu, nhưng dáng không thuôn dài như lưỡi trâu, mà có hình bầu dục, nhiều thịt và mềm hơn. Cá cút có màu xám đậm, thường ẩn mình dưới cát, ở vùng biển ven bờ Quảng Ngãi. Vậy nên trong những lần vươn khơi, ngư dân chỉ đánh bắt được cá cút với số lượng hạn chế, chứ khó săn được cả đàn như các loài cá sống ở tầng nước nổi. Thành thử, mỗi khi đánh bắt được cá cút, ngư dân vẫn thường giữ lại để ăn, chứ ít khi mang đi bán.

Cá cút nướng muối ớt. Ảnh: Đông Yên

Khám phá Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ

Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ được hình thành từ những địa điểm gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 898/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Nhân dịp này, xin được giới thiệu đôi nét về quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, một địa điểm có vai trò rất quan trọng với lịch sử Việt Nam thời hiện đại.
Tổng quan về quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ

Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ được hình thành từ những địa điểm gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 như Đồi Him Lam – nơi diễn ra trận đánh mở màn; cầu Mường Thanh – cây cầu chiến lược trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; Đồi A1 – nơi diễn ra trận đánh định đoạt số phận quân Pháp; Hầm tướng De Catries; Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ; đường kéo pháo; trận địa bao vây; các đồi D1, C1…

Cứ điểm đồi D1 (Dominique 2), ngày này là nơi đặt tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ngắm cây cầu gỗ mái lợp lá 700 tuổi độc đáo nhất Việt Nam

Cầu lợp Làng Kênh dài 10 m, rộng 4 m, cao 3 m, toàn bộ cột, xà, sàn cầu được làm bằng gỗ lim, mái lợp lá bổi (ngày nay thay bằng lá cọ), bên trong lòng cầu là hai dãy bục gỗ để người dân nghỉ ngơi.

Vẻ đẹp của cây Cầu lợp Làng Kênh trên con sông nhỏ Hải Ninh. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

20 thg 8, 2023

Khám phá dinh thự đặc biệt gắn với Cách mạng Tháng 8 ở Hà Nội

Nằm ở số 12 phố Ngô Quyền, tòa nhà Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ) không chỉ đặc sắc về kiến trúc mà còn là nơi đã chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng của Thủ đô Hà Nội.

Chứng nhân lịch sử cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945

Bắc Bộ phủ có tiền thân là Dinh thống sứ Bắc Kỳ, được người Pháp xây dựng vào năm 1918 - 1919 để làm cơ quan đầu não của chính quyền thực dân Pháp tại miền Bắc Việt Nam. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), tòa nhà bề thế mang kiến trúc tân cổ điển này được đổi tên thành Phủ Khâm sai Bắc Kỳ do chính phủ Trần Trọng Kim kiểm soát.

Vào ngày 17/8/1945, khi khí thế cách mạng sục sôi ở Hà Nội, Ủy ban Quân sự cách mạng vạch ra kế hoạch khởi nghĩa, xác định Phủ Khâm sai là một trong những vị trí trọng yếu hàng đầu mà ta phải chiếm ngay sáng 19/8/1945 cùng với Toà Thị chính, Trại Bảo an binh, Ty Liêm phóng...

Ngày xưa đậu đỏ…

Có những hương vị thân quen chỉ vừa nghe ra thôi đã khiến người ta như thấy cả một miền thương nhớ. Với tôi, khung trời kỷ niệm dịu dàng của tuổi thơ nơi quê nhà có thể tượng hình ngay trong tâm trí bởi vị bùi thơm của những hạt đậu đỏ ngày xưa… 

Món ngon từ đậu đỏ.

Nhà tôi ở cạnh sông Quế Phương, một trong hai nhánh chính hợp lưu nên con sông Tiên “nước chảy ngược dòng” huyền thoại. Ở nơi ấy, ba mẹ tôi có miếng rẫy liền với nà đất sát cạnh bờ sông. Rẫy ngày xưa trồng sắn, giờ trồng keo. Còn nà đất thì bao nhiêu năm rồi ba mẹ tôi vẫn dành riêng để trồng đậu đỏ.

Cá chai khó phai hương vị

Có dịp về Hội An thưởng thức hải sản còn gì bằng. Mùa nào thức nấy, nhiều món được chế biến từ cá biển ngang đánh bắt vùng biển Cửa Đại mà níu chân du khách. Hè này, ngư dân lại được mùa cá chai, đem nướng, kho tiêu, nấu cháo... ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Thơm lừng món cá chai nướng mộc.

Những ngày giữa hạ, ngư dân làng chài Cửa Đại (TP. Hội An) lại bước vào mùa cá bãi ngang với những chuyến đi biển hàng ngày, chiều bắt đầu ra khơi, sau một đêm giăng lưới, sáng hôm sau đã về rồi. Những chuyến thuyền đầy tôm cá, đặc biệt là cá chai, chế biến món nào cũng ngon.

Chuyện hai lăng hoàng hậu ở Quảng Nam

Đất Quảng không phải là vùng đất đế đô nhưng là vùng đất cứu sống chúa sau lên ngôi vua và thâu tàng thể phách của nhiều nhân vật quan trọng trong gia tộc chúa Nguyễn. Đây là nơi có lăng mộ của Hữu Phủ chưởng phủ sự Nguyễn Phúc Kỳ, con trai trưởng của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và đặc biệt là 2 lăng hoàng hậu Vĩnh Diễn, Vĩnh Diên. 

Vùng đất Chiêm Sơn còn lưu dấu tích hai lăng hoàng hậu. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG