30 thg 10, 2021

Núi ở An Giang - Năm non bảy núi

Xưa kia, khi nghe câu Năm non bảy núi tui cứ nghĩ đó là một câu thành ngữ, tựa như Ba chìm bảy nổi hay Trăm suối ngàn đèo, nghĩa là những con số 5, 7 chẳng phải số lượng gì cụ thể mà chỉ nhằm diễn tả nhiều núi non thôi. Sau này, cùng với Bảy núi đúng là 7 núi, tui mới biết Năm non quả thiệt là 5 non.

Bảy núi chính là Thất Sơn ở An Giang, trong đó núi Cấm là đầu lĩnh. Còn năm non là năm cái chỏm cao của núi Cấm mà dân địa phương gọi là vồ.

Núi Cấm nhìn từ cáp treo. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Người đàn ông hơn 20 năm "gọi" hàng vạn con cò về giữa lòng thành phố

Giữa cánh đồng hoang hóa, ông Hiền đắp đảo trồng tre gọi đàn cò trở về. Sau hàng chục năm, ông đã biến vùng đất hoang đó thành "tổ ấm" của hàng vạn con cò.

Hơn 20 năm qua, người dân tại thành phố Thanh Hóa đã rất đỗi quen thuộc với "đảo cò" của gia đình ông Nguyễn Trọng Hiền (54 tuổi, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Để có được "đảo cò" như ngày hôm nay, ít ai biết rằng suốt hàng chục năm qua ông Hiền đã gắn bó và bảo vệ đàn cò như những đứa con của mình. 

"Đảo cò" tọa lạc tại phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Vẻ thanh tịnh, bình an của núi Đá Chồng ở xứ "nắng như rang"

Núi Đá chồng là địa danh nổi tiếng ở tỉnh Ninh Thuận. Ngọn núi không chỉ có cảnh quan đặc sắc mà còn "sở hữu" 3 ngôi chùa cổ kính có tuổi đời gần nửa thế kỷ, đã thu hút đông đảo du khách tham quan.

Cách trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) chưa tới 5km, núi Đá Chồng không cao nhưng du khách có thể thấy từ rất xa vì ngọn núi nổi bật giữa cánh đồng lúa xanh bao la vây quanh.

Núi Đá Chồng nổi bật giữa cánh đồng bao la với những mái chùa cổ kính kéo dài từ chân núi lên đến đỉnh núi (Ảnh: Trịnh Đình Nghĩa).

Ga Tháp Chàm - điểm check-in mới của giới trẻ Ninh Thuận

Ga Tháp Chàm có khuôn viên khá rộng, kiến trúc ấn tượng nên thu hút nhiều bạn trẻ đến lấy bối cảnh chụp hình check-in.

Ga Tháp Chàm tọa lạc tại phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Ga nằm gần sông Cả, gần bãi biển Ninh Chữ, xung quanh là nhiều điểm du lịch hấp dẫn như khu du lịch Tháp Chàm với tháp Po Klong Garai nổi tiếng, khu Tháp Chàm farm…

Trước đây, ga Tháp Chàm phục vụ cho cả tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt. Hiện nay, tuyến đường sắt lên Đà Lạt đã gỡ bỏ nên ga chỉ phục vụ cho đường sắt Bắc Nam.

Từ trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đến ga Tháp Chàm chỉ khoảng 6 km nên du khách đến Ninh Thuận dễ dàng ghé thăm nơi này bằng xe máy, taxi…

Ga Tháp Chàm đang trở thành điểm check-in yêu thích của giới trẻ Ninh Thuận (Ảnh: Phùng Sỹ Hoàng Sơn).

29 thg 10, 2021

Tĩnh lặng với Bãi Nhất

Khi đến xã Bình Thuận (Bình Sơn), mọi người vẫn thường ghé thăm rừng ngập mặn bàu Cá Cái - khu rừng với tầng tầng lớp lớp cây cóc trắng hơn 50ha mà ít ai biết rằng, nơi đây còn có một bãi biển đẹp mang tên Bãi Nhất. Đây là bãi biển ít người biết, thường chỉ có người dân bản địa lui tới nên còn khá hoang sơ, tĩnh lặng.

Bãi Nhất là một vũng nhỏ ẩn mình bên cạnh mỏm núi Nam Châm nhoài ra phía biển của xóm 4, thôn Thuận Phước. Đường về xóm 4 quanh quanh quẹo quẹo men theo bờ sông Đầm, nên du khách muốn đến Bãi Nhất, phải chịu khó chạy xe máy chứ đi xe ô tô thì chẳng thể đến tận nơi. Sau một hồi chạy xe vòng vèo, đến cuối con đường xóm nhỏ hẹp, mọi người chỉ cần đi bộ thêm mươi mét, qua khỏi lũy tre làng, là thấy bãi Nhất cùng mỏm núi Nam Châm toàn đá là đá hiện ra... vừa xanh rì, mát mắt, vừa hùng vĩ, ấn tượng.

Vùng nước biển ngay dưới chân núi Nam Châm tại Bãi Nhất. Ảnh: ĐÔNG YÊN

Tháng Mười nhớ vịt cỏ kho gừng

Mẹ đội mưa trở về nhà sau buổi chợ, tiếng vịt quàng quạc phát ra từ chiếc giỏ nhựa. Mẹ bảo, tháng Mười vịt cỏ béo mập, ít lông tơ, nên mua về đãi gia đình bữa vịt kho gừng. Vịt kho gừng ăn với cơm nóng là ngon tuyệt.

Mẹ tôi làm vịt rất kỹ lưỡng. Trước tiên, để làm sạch lông, mẹ nấu một nồi nước sôi cho vào ít lá khế. Mẹ bảo, ngày trước người ta hay cho chút vôi, nhưng nay thì ít dùng cách đó. Cho lá khế vào cũng giúp vịt sạch lông hơn. Vịt sau khi cắt tiết thì nhanh tay nhúng ngập nước sôi. Sau đó, dùng tay miết sát da sẽ nhổ sạch lông vịt, không để lại phần lông tơ. Để vịt thơm hơn, mẹ bóp gừng đập dập cùng rượu trắng, chà xát lên vịt vài phút rồi rửa lại với nước sạch. Với các món kho, thịt vịt cần để thật ráo nước trước khi chế biến.

Thời tiết trở lạnh, mâm cơm có thêm món vịt cỏ kho gừng càng thêm hấp dẫn. ẢNH: PV

25 thg 10, 2021

Núi ở An Giang - Bảy Núi là bảy núi nào?

Trước khi tìm hiểu Bảy Núi là 7 núi nào, ta hãy cùng tìm hiểu tình trạng núi non ở An Giang nghen. Tui đọc dùm các bạn trong Địa chí An Giang (2013) như vầy nè.

Đồi núi ở An Giang

Đồi núi ở An Giang gồm nhiều đỉnh có hình dạng, độ cao và độ dốc khác nhau, phân bố theo vành đai cánh cung kéo dài gần 100 km; khởi đầu từ xã Phú Hữu, huyện An Phú, qua xã Vĩnh Tế, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, bao trùm lên gần hết diện tích hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, về tận xã Vọng Thê, thị trấn Óc Eo và Vọng Đông rồi dừng lại ở thị trấn Núi Sập của huyện Thoại Sơn.

Núi Cấm. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Cảnh đẹp làng chài An Hải ở xứ "Hoa vàng trên cỏ xanh"

Làng chài An Hải (xã An Hải, huyện Tuy An, Phú Yên) có cảnh sắc yên ả, thanh bình của thiên nhiên, cùng sự nghĩa tình chân chất thật thà người dân vùng biển.

Cách trung tâm TP Tuy Hòa chừng 25 km đi về hướng Bắc, làng chài An Hải thuộc thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An (Phú Yên).

Trục đường đi làng chài An Hải, du khách có thể ghé thăm nhiều thắng cảnh nổi tiếng khác ở Phú Yên như danh thắng Gành Đá Đĩa (cách khoảng 10km), ngọn đồi đầy thơ mộng trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" tại Bãi Xép (cách khoảng 8 km), nhà thờ cổ Mằng Lăng (cách khoảng 20km) và danh thắng Quốc gia Hòn Yến (cách khoảng 12km).

Làng chài An Hải được thiên nhiên ban tặng một cảnh sắc yên ả, thanh bình, dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Dân trí ghi lại được: 

Dậy từ sáng sớm, du khách có thể ngắm mặt trời mọc tuyệt đẹp ở làng chài An Hải.

Bí mật phong thủy ẩn giấu trong lăng mộ mẹ vua Khải Định

Lăng Vạn Vạn là một lăng mộ hoàng tộc Nguyễn hiếm hoi nằm ở đồng bằng thay vì các vùng đồi núi phía Nam Kinh thành Huế. Vị trí đặc biệt của lăng này liên quan đến một thuyết phong thủy cổ xưa.

Nằm tại phường An Đông của TP Huế, lăng Vạn Vạn hay Tư Thông lăng là nơi an nghỉ của Hựu Thiên Thuần hoàng hậu Dương Thị Thục (1868 – 1944), thường được gọi bà Tiên Cung. Bà là vợ hai của vua Đồng Khánh, mẹ đẻ của vua Khải Định.

Bí mật lịch sử của hệ thống thủy đạo Kinh thành Huế

Hệ thống thủy đạo của Kinh thành Huế không chỉ có tác dụng lớn về an ninh quốc phòng, giao thông vận tải, cấp và thoát nước, đồng thời còn đảm nhận vai trò cân bằng môi trường sinh thái, tạo cảnh quan đẹp cho Cố đô.

Theo TS sử học Phan Thanh Hải (báo Thừa Thiên Huế), một trong những yếu tố quan trọng góp phần khẳng định giá trị di sản của Cố đô Huế là hệ thống thủy đạo Kinh thành được xây dựng thời nhà Nguyễn. Ảnh:Cống Tây Thành Thủy Quan, một công trình thuộc hệ thống thủy đạo Kinh thành Huế.

Loạt công trình bề thế dành riêng cho phụ nữ trong Hoàng thành Huế

Trong các di tích ở Hoàng thành Huế, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh và Khương Ninh các là những công trình kiến trúc độc đáo, được dành riêng cho những người phụ nữ ở chốn cung đình.

1. Nằm ở phía Tây Hoàng thành Huế, cung Diên Thọ là nơi ở của các Hoàng thái hậu hoặc Thái hoàng thái hậu triều Nguyễn. Đây được coi là hệ thống kiến trúc cung điện quy mô nhất còn lại tại Cố đô Huế.

24 thg 10, 2021

Núi ở An Giang - Sao lại là 7 núi?

Nói đến núi ở miền Tây Nam bộ là người ta nghĩ ngay đến núi ở An Giang. Nói đến núi ở An Giang người ta nghĩ ngay đến Thất Sơn, hay Bảy Núi.

Từ đỉnh Núi Cấm nhìn xuống dưới. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên trên Wikipedia

Từ xưa đến nay, vùng Thất Sơn - hay Bảy Núi - được hiểu là vùng đồi núi thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Thật ra trong lịch sử đã từng có một huyện mang tên Bảy Núi ở An Giang. Chuyện như sau:

Ngôi làng như bước ra từ cổ tích giữa núi rừng Đà Lạt

Theo các tư liệu, làng Cù Lần hình thành từ thập niên 1960, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc K'Ho. Xung quanh tên gọi "Cù Lần" có nhiều cách giải thích rất thú vị.

Nằm trong rừng thông dưới chân núi Lang Biang, cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 20 km, làng Cù Lần là một địa danh du lịch rất nổi tiếng của "xứ sở ngàn hoa"

Theo các tư liệu, ngôi làng này hình thành từ thập niên 1960, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc K'Ho. Xung quanh tên gọi "Cù Lần" có nhiều cách giải thích rất thú vị.

Thú vị ba khu “phố Ta”, “phố Tàu”, “phố Tây” ở Cố đô Huế

Ngoài các công trình gắn với Di sản văn hóa thế giới - Quần thể di tích Cố đô Huế, các khu “phố Ta”, “phố Tàu” và “phố Tây” cũng là những địa điểm lý thú rất đáng khám phá ở thành phố Huế.

1. Khu "phố Ta" của Cố đô Huế là phố cổ Bao Vinh, dãy phố chạy dọc theo bờ sông Hương ở phía Bắc của Kinh thành Huế. Trong quá khứ, phố cổ Bao Vinh là một trung tâm thương mại quan trọng ở khu vực, từng có lúc phồn thịnh không kém gì phố cổ Hội An ở Quảng Nam.

Sông Nhật Lệ và câu chuyện về người phụ nữ Việt Nam huyền thoại

Dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, Mẹ Suốt cùng con đò ngang thô sơ đã đưa đón hàng vạn lượt cán bộ, bộ đội, nhân dân qua lại đôi bờ sông Nhật Lệ.

Bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy ra Biển Đông qua cửa Nhật Lệ ở TP Đồng Hới, sông Nhật Lệ vừa là thắng cảnh nổi tiếng, vừa là nơi ghi dấu những trang sử hào hùng của tỉnh Quảng Bình. Dòng sông này gắn liền với tên tuổi Mẹ Suốt, người phụ nữ đã trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. 

Câu chuyện tình buồn thảm trong hang động nổi tiếng vùng Tây Bắc

Cái thế giới bằng đá bình yên vĩnh cửu, ẩn chứa nỗi buồn sâu thẳm từ câu chuyện tình đó không đổi thay cho đến nay. Đó chính là cảnh quan kỳ vĩ mà du khách có thể chứng kiến trong lòng động Pu Sam Cáp.

Nằm ở ngoại vi thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu, động Pu Sam Cáp là một quần thể hang động tuyệt đẹp được cho là sánh ngang với các hang động ở vịnh Hạ Long và Phong Nha - Kẻ Bàng. Hang động này gắn với với một câu chuyện tình bi đát được kể lại trong vùng.

23 thg 10, 2021

Núi ở đồng bằng - Thất Sơn mầu nhiệm

Nói đến núi ở An Giang ắt hẳn phải nói đến Thất Sơn. Đó là cụm núi chính, quan trọng nhất của An Giang - hoặc có thể nói: Thất Sơn chính là tên gọi chung tất cả vùng núi của An Giang.

Toàn cảnh Khu Du lịch Núi Cấm. Núi Cấm là ngọn núi cao nhất An Giang và là núi quan trọng nhất trong Thất Sơn.

Quyển biên khảo đầu tiên về Thất Sơn có lẽ là Thất Sơn mầu nhiệm của học giả Nguyễn văn Hầu, xuất bản năm 1955. Trong sách này ông đề cao vai trò của Thất Sơn, đặc biệt là khía cạnh linh thiêng, huyền bí, một vùng đất địa linh sinh nhân kiệt. Đến 3/4 nội dung sách là nói về Các bậc siêu phàm ở Thất Sơn.

Ngắm Huế từ Vincom Plaza

Lần đầu tiên “trèo lên” tầng lầu cao nhất của tòa nhà Vincom Plaza Huế nhâm nhi ly cà phê cùng bạn bè trong một chiều chan hòa ánh nắng rồi ngắm Huế, tôi đã nhớ tới Vọng Hải Đài ở Bạch Mã sơn và đồi Vọng Cảnh.

Vincom Plaza Huế

Bảo vật quốc gia và mong mỏi ở Tháp Nhạn

Thông tin về câu chuyện phát hiện ra hộp đựng xá lị ở Tháp Nhạn thuộc xã Hồng Long, huyện Nam Đàn đã cuốn hút chúng tôi từ lâu. Hôm nay có dịp đến mảnh đất này mới cảm nhận được ẩn sau vẻ bình dị một làng quê xứ Nghệ bên dòng sông Lam là cả kho tàng lịch sử, văn hóa đồ sộ đáng ngưỡng mộ. Song xen lẫn đó là cảm giác tiếc nuối khi những giá trị đặc sắc này vẫn ngủ quên dưới lớp bụi thời gian.

Chứng tích buổi đầu Phật giáo ở Nghệ An

Tọa lạc trong khuôn viên đền Hồng Long, một di tích lịch sử cấp quốc gia và là địa điểm rất linh thiêng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân địa phương là dấu tích của Tháp Nhạn. Cùng Chủ tịch UBND xã Hồng Long Phạm Hồng Sơn bước đi trên nền đất cổ, trực tiếp chạm tay vào viên gạch đã ố màu theo tháng năm, nghe câu chuyện mà người dân địa phương bao đời truyền nhau về công trình Phật giáo có niên đại cách đây 14 thế kỷ, chúng tôi thực sự bị mê hoặc về những điều bí ẩn quanh ngôi tháp. Bao nhiêu câu hỏi về công trình của tiền nhân còn sót lại dù chỉ là phế tích cứ mãi vương vấn.

Dấu tích móng Tháp Nhạn ở Hồng Long, Nam Đàn được xây giật cấp. Ảnh: Thành Duy

Độc đáo ngôi đình cổ thờ Vua Mai

Tồn tại qua hàng trăm năm, đình Phúc Xá ở xã Ngọc Sơn là ngôi đình cổ duy nhất ở huyện Thanh Chương và hiếm có ở Nghệ An thờ Thành hoàng làng là Mai Hắc Đế.

Theo hồ sơ di tích, đình Phúc Xá ở xóm Lam Hồng xã Ngọc Sơn được xây từ thời Nguyễn gồm có các công trình chính: cổng đình, đại đình, tắc môn. Cổng đình là 2 trụ biểu lớn (cao hơn 5 m, chân trụ có cạnh 1, 4m) đắp nổi hình "tứ linh" bằng chất liệu vôi vữa và những mảnh gốm sứ. Ảnh: Huy Thư

19 thg 10, 2021

Núi ở đồng bằng - Kiên Giang

Nói đến du lịch miền Tây Nam bộ là người ta nghĩ đến sông nước, đồng bằng, không ai nghĩ đến núi non. Đúng vậy thiệt, hầu như toàn bộ diện tích 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều là đồng bằng, sông ngòi. Thế nhưng cá biệt có 2 tỉnh ở miền Tây Nam bộ vẫn có núi, đó là An Giang và Kiên Giang.

Núi ở An Giang là cả một câu chuyện phong phú, ly kỳ và huyền bí nữa, ta để dành nói sau. Bữa nay nói chuyện núi ở Kiên Giang nghe.

Núi ở Kiên Giang chủ yếu không phải ở... Kiên Giang đất liền, mà ở đảo Phú Quốc. Thật ra, xét về địa hình thì Phú Quốc không phải đồng bằng, nhưng về hành chánh thì huyện đảo này thuộc tỉnh Kiên Giang, mà Kiên Giang lại thuộc về đồng bằng sông Cửu Long nên ta kể tên Phú Quốc vào đồng bằng vậy. Truyền thuyết nói rằng hòn đảo này có 99 ngọn núi, tuy nhiên chưa có bản liệt kê tên tuổi nào của 99 ngọn núi này hết. Vụ này giống như Thất Sơn ở An Giang, tức 7 núi, mà cho đến giờ vẫn chưa thống nhất được đó là 7 núi nào. Dù không xác định chính xác là bao nhiêu ngọn núi, nhưng chắc chắn là nhiều, hàng trăm ngọn.

Một ngọn núi ở Phú Quốc

Nhớ thương ốc hút Đà Nẵng cay nồng dịp giao mùa

Chẳng phải quán xá rộng lớn, ốc hút Đà Nẵng chỉ thường bày bán ở các hàng quán vỉa hè nhưng vẫn lôi cuốn biết bao thực khách thập phương bởi hương vị thơm ngon rất riêng...

Ốc từ lâu đã là một nguyên liệu quá đỗi quen thuộc để tạo ra nhiều món ngon làm say đắm biết bao thế hệ người Việt. Món ốc có mặt ở hầu hết khắp mọi nơi trên dải đất hình chữ S. Tuy nhiên, mỗi vùng miền lại có những cách chế biến khác nhau giúp những món ốc mang hương vị đặc biệt và có cái hồn rất riêng.

Chỉ với những con ốc nhỏ nhắn thôi nhưng qua bàn tay chế biến của mỗi người, mỗi vùng miền khác nhau lại mang đến những món ăn vô cùng tuyệt vời. Nếu Hà Nội nổi tiếng với món "ốc luộc", Sài Gòn có món "ốc len xào dừa" trứ danh thì "ốc hút" cũng là niềm tự hào và trở thành biểu tượng ẩm thực của mảnh đất Đà thành. 

"Ốc hút" là một trong những niềm tự hào của ẩm thực Đà Nẵng (Ảnh: Hồng Phương).

Đom đóm trong rừng Cúc Phương

Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Hữu Thông chụp vũ điệu ánh sáng của đàn đom đóm trong màn đêm ở vườn quốc gia Cúc Phương.


Du khách không cần đi quá xa như Trung Quốc, Nhật Bản, Bulgaria, Mexico, New Zealand hay miền đông nước Mỹ để ngắm đom đóm, mà có thể đến VQG Cúc Phương. Vào mùa hè, khi mặt trời dần khuất sau những tán cây rừng và màn đêm buông xuống cũng là lúc đom đóm bắt đầu màn khiêu vũ.

Anh Nguyễn Hữu Thông (sinh năm 1987), quê tại Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang là người chuyên chụp về nhịp sống vùng cao miền Bắc và dành được trên 40 giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước. Ngoài ảnh đời thường, anh còn chụp chân dung và phong cảnh. Trong nhiều bộ ảnh thiên nhiên cá nhân anh ấn tượng với bộ ảnh đom đóm đêm ở Cúc Phương.

Hương cốm Cao Bằng

Những cơn gió heo may ùa về cũng là lúc người Tày, Nùng ở Cao Bằng làm cốm, lan tỏa hương vị đồng quê như níu chân du khách.

Ngày 11/10, Blogger Hà Cương cùng các anh em đến khu nhà sàn trong khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen để quay video "Hương cốm", một sự kiện được khu sinh thái tổ chức để quảng bá du lịch, ẩm thực non nước Cao Bằng.

Tuốt hạt lúa nếp hương bằng tay.

Bún chả ở Sài Gòn

Bún chả Hà Nội là một trong số các món ăn, đặc trưng của người miền Bắc. Ngày nay bún chả đã có mặt ở các thành phố như TP.HCM, là địa điểm thưởng thức món Bắc quen thuộc của người Sài Gòn.

Nguyên liệu làm bún chả bao gồm,thịt ba chỉ thái thành những miếng.Thịt nạc vai đem thái mỏng và băm rối. Hành tím, đầu hành, tỏi đập dập, băm nhuyễn rồi chia thành đôi, cho vào 2 phần thịt lợn.

Thịt, chả nướng và nước mắm là 3 yếu tố quyết định đến phần lớn độ ngon của món bún chả. Thịt và chả nướng phải có hương thơm đậm đà, nước mắm cũng phải có vị chua, cay, mặn, ngọt hài hòa thì món bún chả mới ngon miệng được. Tiếp tục cho vào mỗi phần thịt lợn một thìa canh nước hàng hoặc xì dầu đen, 1 thìa canh dầu hào, 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa canh đường vàng, 1 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh mật ong và 1 chút tiêu xay.

Thịt và chả nướng phải có hương thơm đậm đà, nước mắm cũng phải có vị chua, cay, mặn, ngọt hài hòa.

15 thg 10, 2021

Mùa thị chín

Chúng tôi vô cùng thú vị khi về thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) được nghe các vị cao niên kể chuyện về cây thị di sản hơn 200 năm tuổi tọa lạc trong khuôn viên nhà thờ Lê Hiệp Tự. Trong không gian yên tĩnh của làng quê, thi thoảng hương thị thơm dìu dịu hòa lẫn trong luồng gió mát làm cho lòng người nhẹ nhàng và càng thêm yêu mến chốn làng quê mộc mạc, yên bình.

Người dân thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) tự hào khi được lớn lên dưới bóng mát của “Cây thị di sản”. Ảnh: Đăng Sương

Rau lồng đèn, dư vị khó quên

Quê tôi nằm dọc bãi bồi ven sông Trà Khúc, nên các loại rau tập tàng mọc nhiều vô kể, song với tôi, món rau lồng đèn (rọ heo) luôn để lại những dư vị khó quên.

Lồng đèn có nhiều tên gọi khác nhau: Cây chùm bao, nhãn lồng rừng, rọ heo. Còn ở miền Trung, người dân thường gọi với cái tên mỹ miều là cây lạc tiên. Là loại dây leo thân mềm, thường ra hoa, kết trái vào tháng bảy, tháng Tám, hoa lồng đèn có màu tím, bên trong nhị màu vàng nhạt. Quả lồng đèn có hình tròn, nho nhỏ như trứng cút, khi chín có màu vàng nhạt, bên trong có hạt nhỏ li ti. Nếu ai đó đã một lần thưởng thức quả lồng đèn thì khó quên lắm, cái vị chua chua, ngọt ngọt.

Rau lồng đèn luộc chấm với mắm nêm, giản dị mà nhớ mãi.

Nhọc nhằn nghề khai thác mủ thông

Băng rừng, vượt núi, nay đây mai đó, ăn nghỉ ngay tại rừng là việc hằng ngày của những người thợ khai thác nhựa thông. Họ đi từ cánh rừng này sang cánh rừng khác, dù khó khăn, vất vả, nhọc nhằn, thu nhập cũng không cao nhưng không còn cách nào khác, họ vẫn phải cố gắng bám trụ với nghề vì cuộc sống.

Trong chuyến công tác tại huyện Đăk Tô, tôi tình cờ bắt gặp một số người tay xách, nách mang dụng cụ đi trên xe máy ngược về những cánh rừng thông ngút ngàn. Họ là những người làm nghề khai thác mủ thông thuê để kiếm sống. Hiện nay, dưới cánh rừng thông bạt ngàn ở khu vực xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) có hàng chục túp lều bạt dựng tạm nằm ngay dưới những gốc thông. Mỗi khoảnh rừng thông, thấp thoáng dưới những gốc thông có những chiếc lều tạm phủ bạt nằm ẩn nấp phía dưới. Đây là nơi ăn, chốn ở của hàng chục con người làm nghề khai thác, cạo mủ thông thuê.

“Cà xạt” trên đồng ruộng người Giẻ Triêng

“Cà xạt” hay “xẻng” là cách gọi của người Giẻ Triêng ở xã Đăk Plô để chỉ một vật dụng tạo nên hệ thống âm thanh từ sức nước. Đối với bà con nơi đây, vật dụng này rất đỗi thân thuộc và được sử dụng để xua đuổi các loài chim, chuột, khỉ… không đến phá hoại cây lúa.

Để tìm hiểu việc làm “cà xạt”, tôi gặp già làng A Cho, làng Bung Tôn, xã Đăk Plô. Đang miệt mài đục đẽo những thanh gỗ làm chiếc “cà xạt” mới thay thế cho cái cũ bị hỏng, nghe tiếng chào hỏi, già A Cho ngẩng lên nhìn tôi cười hiền và ân cần cho biết: Những nơi khác, người ta thường làm bù nhìn hoặc treo những vật có màu sắc sặc sỡ trên cánh đồng để đuổi chim chóc, thú rừng, người Giẻ Triêng lại dùng tiếng động phát ra từ những chiếc “cà xạt”.

14 thg 10, 2021

Chùa Tổ Đỉa

Ở ấp 4, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương có một ngôi chùa mà người dân vẫn quen gọi là chùa Tổ Đỉa.

Đỉa - dấu hỏi - là con đỉa rồi, còn tổ là gì? Cái tổ hay ông tổ?

Dù là nghĩa nào cũng hơi kỳ kỳ. Chẳng lẽ ngôi chùa này là cái tổ của bầy đỉa hay đây là nơi thờ ông tổ của loài đỉa?

Không, không phải nghĩa nào trong 2 nghĩa đó hết.

Quang cảnh chùa Tổ Đỉa trước năm 2000. Ảnh: Võ văn Tường

Nguyễn Dữ và tác phẩm bất hủ Truyền kỳ mạn lục

Nguyễn Dữ là con trai Nguyễn Tường Phiên, đỗ tiến sĩ năm Hồng Đức thứ27 đời Lê Thánh Tông (1496), làm quan tới chức Thừa chánh sứ, sau khi mất, được phong chức Thượng thư và được phong làm Phúc thần.

Nguyễn Dữ, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân xưa, nay là thôn Đỗ Lâm, xã Phạm Kha (Thanh Miện). Chưa rõ ông sinh và mất năm nào. Nhưng căn cứ vào tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của ông và bài tựa của Hà Thiện Hán viết năm Vĩnh Định thứ nhất đời Mạc Phúc Nguyên (1574) cùng những ghi chép của Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, ta có thể khẳng định, Nguyễn Dữ là người cùng thời với Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585).

Ký ức hội Giằng

“Hội Dâu, hội Gióng không bằng cái bóng hội Giằng”. Không biết từ bao giờ câu ca trên đã đi vào đời sống văn hóa, tâm linh của người dân làng Giằng xưa, tức thôn Bình Phiên, xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) ngày nay.

Đình Bình Phiên (làng Giằng) sau khi được xây dựng là nơi tổ chức các nghi lễ cúng tế các vị thần và là nơi bàn các việc quan trọng, điểm tựa tâm linh của người dân trong làng

Bất ngờ với Đông Lâm

Bất ngờ bên cạnh những cảnh đẹp tự nhiên nổi tiếng sông Hương, núi Ngự, biển Thuận An, phá Hà Trung… là sự góp mặt của rừng Đông Lâm. Ông vua nổi tiếng văn hay và chữ tốt Thiệu Trị là người đã xếp Đông Lâm vào một trong số 20 thắng cảnh nổi tiếng của Huế (Thần kinh nhị thập cảnh). Cũng đã hàng trăm năm qua đi mà câu thơ “Trong rừng ẩn hiện đàn chim về hội tụ/ Dưới khe nối nhau bầy chim nghịch thả mình bơi qua” trong bài “Đông Lâm dực điểu” của vua Thiệu Trị vẫn khiến lòng người xốn xang, mong muốn và khát khao được khám phá.

Đình làng Chánh Đông. Ảnh: thuathienhue.gov.vn

11 thg 10, 2021

Thiền sư Đại Điên

Hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng tui có đọc mấy tập truyện tranh về Tế Điên hòa thượng, - một ông hòa thượng ăn thịt, uống rượu say bét nhèm, nửa điên nửa tỉnh nhưng phép thuật kinh hồn - tui cứ nghĩ đây là một nhân vật tưởng tượng được viết ra cho con nít (như tui) đọc. Sau này tui mới biết đó là một nhân vật có thiệt, được người đời sau thêu dệt nhiều chi tiết huyền hoặc.

Nhiều năm sau này, tìm hiểu các tích truyện Việt Nam, tui phát hiện ở nước Việt xưa cũng có một vị sư tên Đại Điên. Đại Điên không nổi tiếng như Tế Điên hòa thượng và cũng không tài phép như ông ta, nhưng cũng có pháp thuật cao cường. Câu chuyện về nhà sư Đại Điên có liên quan đến một vị sư lừng lẫy trong lịch sử nước nhà, đã từng được phong làm quốc sư thời nhà Lý, đó là Từ Đạo Hạnh - thế danh là Từ Lộ. Nói cho đầy đủ, đây là câu chuyện về bộ ba Đại Điên - Từ Vinh - Từ Lộ, trong đó Từ Vinh là thân phụ của Từ Lộ.

Chùa Thầy Hà Nội. nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh,

Đồi núi ở An Giang

Đồi núi ở An Giang gồm nhiều đỉnh có hình dạng, độ cao và độ dốc khác nhau, phân bố theo vành đai cánh cung kéo dài gần 100km; khởi đầu từ xã Phú Hữu, huyện An Phú, qua xã Vĩnh Tế, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, bao trùm lên gần hết diện tích hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, về tận xã Vọng Thê, thị trấn Óc Eo và Vọng Đông rồi dừng lại ở thị trấn Núi Sập của huyện Thoại Sơn.

Núi Cấm. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

9 thg 10, 2021

Nguyễn Bá Trác - Một blogger du lịch bậc thầy!

Bạn nghe tên Nguyễn Bá Trác quen quen hả? Cứ như là Nguyễn Bá Trác nổi tiếng với bản dịch bài Hồ trường vậy á.

Thì đúng rồi, ổng chớ ai!

Bỏ qua tiểu sử cần nhiều điều bàn luận và cả cái chết uẩn ức của Nguyễn Bá Trác, bữa nay tui chỉ muốn nói về điều khiến tui gọi ông là một blogger bậc thầy, dù rằng vào thời của ông người ta chưa biết blog là cái gì.

Cách đây hơn 100 năm đã có một blogger Việt Nam du lịch Nhật Bản và viết blog hết xẩy!

Làng bích hoạ Cảnh Dương

Nằm bên núi Phượng, sông Loan thơ mộng, làng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) như một chiếc thuyền neo bình yên bên bờ biển biếc. Ngôi làng cũng là một trong “bát danh hương”, tức 8 làng cổ có danh tiếng lâu đời của vùng đất Quảng Bình bỗng thơ mộng thu hút du khách bởi những bức bích họa độc đáo tuyệt đẹp.

Làng bích họa Cảnh Dương là thành quả của dự án “Bích họa tương lai” của nhóm bạn trẻ, xuất phát từ mong muốn hỗ trợ người dân có cơ hội phát triển du lịch cũng như tạo nên những giá trị nghệ thuật. Họa sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Việt Dũng (SN 1984), là người phụ trách nhóm họa sĩ trẻ thực hiện dự án “Bích họa tương lai” chia sẻ: “Phần lớn các bức họa ở Cảnh Dương do chúng tôi tìm kiếm tư liệu từ Nhà truyền thống làng Cảnh Dương, ảnh của một số nhiếp ảnh gia và sưu tầm, sau đó được thiết kế đổ 3D để các vẽ”.

Ngỡ ngàng vẻ đẹp rừng ngập mặn bàu Cá Cái

Những cây cóc trắng phủ xanh bàu Cá Cái vào mùa xuân, chuyển mình thay lá vào mùa thu tạo nên cảnh đẹp đến ngỡ ngàng.

Rừng ngập mặn bàu Cá Cái nằm ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Khu rừng nằm cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 40 km về phía đông bắc.

Bàu Cá Cái rộng khoảng 80 ha đang dần được phủ xanh bởi cây cóc trắng.

Cách đây 5 năm, dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" được triển khai thực hiện tại đây. Dự án này đã biến bàu Cá Cái thành khu rừng ngập mặn xanh mướt.

Bánh canh ngọt như chè ở miền Tây

Cách kết hợp của bún tươi, bột mì, đường thốt nốt và nước cốt dừa làm nên món ăn béo, ngọt thanh, phảng phất hương thơm nhẹ.

Bánh canh là món ăn có hơn chục loại với đủ kiểu hương vị mặn ngọt khắp ba miền. Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với bánh canh Bến Có ở Trà Vinh có nước lèo nấu từ thịt, xương, sợi bánh làm bằng bột gạo, đồ ăn kèm gồm tim, cật, lòng heo và thịt. Ở Bến Tre, Tiền Giang có bánh canh vịt, sợi bánh nấu với thịt vịt xiêm băm tẩm ướp gia vị, cho thêm nước cốt dừa, hành, tiêu ăn rất thơm và béo ngậy. Còn ở Đồng Tháp, đó là món bánh canh ngọt, món bánh canh ăn như chè dùng để tráng miệng hoặc lót dạ khi đói, ăn dặm vào buổi sáng hay đầu giờ chiều.

Món bánh canh gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Ngày nhỏ, mỗi năm tới tháng 4 Âm lịch là nhiều người cùng nhau vượt hàng trăm cây số bằng ghe trên sông để đến Châu Đốc vía Bà Chúa xứ. Chuyến đi dài cả ngày lẫn đêm, ông bà đem gạo và bếp để nấu cơm trên ghe. Khi về, cả nhà không quên mua đặc sản An Giang về dùng trong gia đình hoặc làm quà tặng bà con lối xóm, trong đó có món đường thốt nốt đem đi nấu chè, làm bánh, kho cá đều ngon. Má tôi chuyên nấu xôi, chè đem bán ở chợ nên món ăn vặt ngày nhỏ cũng gắn liền với những món má nấu, nhất là bánh canh ngọt.

Công đoạn nạo dừa làm nước cốt nấu chè bánh canh. Ảnh: Lê Hữu Tường

6 thg 10, 2021

Đi máy bay... một trăm năm trước

 Kể từ khi có vé máy bay giá rẻ, số người có dịp đi máy bay ở nước ta đã tăng lên rất nhiều nhưng chắc là số người cả đời chưa bao giờ đi máy bay cũng không phải ít. Trước đây nữa, đi máy bay được coi là phương tiện di chuyển chỉ dành riêng cho giới quý tộc, giàu sang.


Vậy... 100 năm trước thì sao? Chắc chắn là hồi đó hầu hết mọi người đều chỉ có thể thấy máy bay chớ không hề biết cái cảm giác ngồi trong máy bay bay giữa chín tầng mây nó ra làm sao.



Thật thú vị, năm 1919 (cách đây 102 năm) trên Nam Phong tạp chí, ông Phan Tất Tạo - một trong những phi công đầu tiên của Việt Nam - đã đăng bài Đi tàu bay để tả cho đồng bào mình nghe cái cảm giác đi máy bay nó ra làm sao. Ta cùng đọc lại bài này để coi cái cảm giác ấy của 100 năm trước có gì khác không nhé.

Những thông tin ít ỏi về ông Phan Tất Tạo còn sót lại cho biết: Phan Tất Tạo thuộc lớp phi công đầu tiên của Việt Nam được huấn luyện tại Pháp, cùng thời với Đỗ Hữu Vị (con trai Tổng đốc Phương). Ông sinh ngày 15/03/1882 tại Sơn Tây (Bắc Kỳ). Ông tình nguyện gia nhập đội ngũ phi công quân sự ngày 24/4/1915 thuộc Trung đoàn 1. Ngày 19/10/1915 ông là phi công thử nghiệm cho loại máy bay Caudron, một phát minh mới của ngành hàng không Pháp lúc bấy giờ.

Hình ảnh trong bài viết được tui sưu tầm và thêm vào cho nó... màu mè một chút!

Phạm Hoài Nhân

ĐI TÀU BAY

PHAN TẤT TẠO

Bản quán mới tiếp được bài sau này của ông đội tàu bay (sergent aviateur) PHAN TẤT TẠO mới ở bên Pháp về, hiện tòng sự ở sở Tàu bay Đông Dương. Bài này là bài tả thực, kể cái cảm giác vừa sợ vừa vui, vừa lo, vừa mừng, vừa bàng hoàng bối rối, vừa khoan khoái nhẹ nhàng của người mới đi tàu bay lần thứ nhất, thật là một lối văn chương lạ của một tay nhà nghề giỏi, xin giới thiệu cho các bạn đọc báo. Ông Phan có hứa sẽ soạn mấy bài nữa về lịch sử và máy móc của tàu bay, bản báo sẽ lần lượt đăng dần.

PH.Q.

Chiếc máy bay Caudron G.3 của Pháp được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ I, có lẽ phi công Phan Tất Tạo đã từng lái loại máy bay này khi làm việc tại Pháp. Ảnh: Wikipedia

Nhờ ơn từ khi Quan Toàn quyền Albert Sarraut cai trị và khai sáng cõi Đông Dương, nhiều các ông bà người Nam ta đã trông thấy tàu bay, bay lượn ở trên thanh không các xứ ta. Thường có nhiều người hỏi chẳng biết những người ngồi ở trong tàu bay đi ở trên cao thì thấy những sự gì? Nhân cũng biết cầm máy tàu bay được ít nhiều, vậy tôi xin nhờ báo Nam Phong để mời các ông bà cùng với tôi bay bổng một vài phút đồng hồ.

Ai nấy cũng biết rằng càng lên cao bao nhiêu, càng rét bấy nhiêu, càng đi nhanh bao nhiêu, gió thổi vào mặt bấy nhiêu. Vậy trước khi lên tàu xin các ông bà đội mũ (casque pour aviateur), đeo kính, quàng khăn cổ, mặc quần áo dạ hay quần áo lông, đi bít tất tay, đi giầy da hay ủng mà trong có lông. Sắm sửa xong, xin mời vào ngồi trong tàu và xin các ông bà nhớ quấn vào mình cái thắt lưng treo ở chỗ ngồi để cho tàu giữ chặt lấy thân thể.

Ở trên trời xanh tốt, gió thổi hiu hiu, xin các ông bà ngồi cho ngay và vững để cho tôi cho quay máy (moteur) chạy. Máy chạy thì cánh quạt (hélice) quay ngay, rồi tàu bắt đầu chạy ở trên mặt đất độ hai trăm thước. Mới đi tàu lần này là lần thứ nhất, mà còn đi ở dưới đất, lúc này là các ông bà chỉ thấy gió thổi vào mặt rất mạnh, tàu đi rất nhanh cho đến nỗi trông xuống không nhìn rõ một cây cỏ, trông hai bên tả hữu thấy cây cối cùng nhà cửa tựa hồ như chạy đến hai bên mình rất mau. Vốn xưa nay chưa đi thứ xe chi, thứ tàu gì nhanh như thế, hóa ra trong người thấy hơi khó chịu, sự thở hơi khó một chút, song cố gượng rồi cũng quen dần, coi như thường.

Đỗ Hữu Vị - người được coi là phi công đầu tiên của Việt Nam - trên máy bay Caudron G.3

Đi được một hồi - trong mình thấy đã dễ chịu và đã hơi quen gió, bỗng thấy như có người nâng lên trên cao rồi thân thể lại nôn nao khó chịu như trước, như có ý muốn vươn dài ra để lên cho chóng. Lúc đó là tàu bổng lên đó.

Khi còn đang lên thì ít người dám trông xuống vì rằng đi chưa quen và sợ rơi xuống đất. Tuy rằng lúc đó còn lo sợ, song chắc rằng các ông bà đã thấy trong người khoan khoái dần lên, như nhẹ nhàng mát mẻ...

Bấy giờ trông đồng hồ thì tàu đã lên được hơn một nghìn thước, vậy xin vặn máy cho tàu đi ngang để các ông bà vững lòng và trông xuống dưới đất cho rõ. Lúc này tuy rằng tàu đã đi ngang rồi như lần thứ nhất cũng có nhiều ông bà chưa dám trông xuống ngay. Chỉ thử hơi liếc mắt xuống một tí, song thấy gió thổi vào mặt như táp, lại vội vàng cúi đầu vào đàng sau mui tàu ngay. Nhìn thử một đội lần rồi đánh bạo mới nhìn thẳng xuống cõi trần, thấy chỗ thì xanh, chỗ thì trắng, chỗ thì đỏ, chẳng thiếu thứ mùi gì; mà nhà cửa cây cối, vườn ruộng, sông núi nhỏ hơn trước nhiều (ở trên cao một nghìn thước thì thấy nhà, cây, vân vân, nhỏ đi độ mất một nửa). Xem ra tựa hồ như đất chạy chứ không phải là tàu bay ở trên.

Đương khi các ông bà còn đang ngắm phong cảnh, nhìn chỗ này, nhận chỗ kia; bỗng thấy tàu chềnh bên này, rồi lại chềnh bên kia như là cái chi thật mạnh mà kéo hai bên tàu một cách rất dữ dội và rất nhanh. Lúc bấy giờ có lẽ nhiều ông bà giật mình và lo, rồi vội vàng nắm chặt lấy hai bên tàu? Tưởng rằng dễ tàu sắp đổ? Tàu mà bị chềnh đi thế là tại đi vào chỗ gió thổi cuộn. Sự đó không hiểm nghèo gì vì là trong tàu đã có máy vặn cho tàu lại đi bằng phẳng ngay được.


Cũng có lúc đang đi thấy tàu, hoặc nhẩy thẳng ngay lên độ một trăm thước, hoặc thụt ngay xuống độ một trăm thước thì lại thêm bối rối lo sợ hơn sự tàu nghiêng lệch, vì là tưởng rằng tàu lộn nhào hay là ngả nghiêng ra mà có thể nguy! Nhưng mà được may rằng tàu nhẩy lên hay thụt xuống nhanh như chớp mắt, mà khi đã lên hay xuống rồi thì tàu lại đi ngang ngay như cũ. Tàu đi phải những lúc như vậy là tại đi vào chỗ gió thổi xoáy lên hay xoáy xuống.

Tuy rằng trên trời rộng mênh mông thế mà nhiều khi đi gặp một đám mây mù mà không thể nào tránh được. Phải chịu liều đi vào trong đó đến bao giờ hết mây thì thôi! Tàu bay ở trong mây bị mây cán không thể đi nhanh như trước được. Cái cánh quạt quay tan mây ra xung quanh làm thành ra khói mù cho đến nỗi các ông bà ngồi trong tàu chỉ hơi trông thấy trắng mờ mờ thôi. Mây chạm vào cánh tàu kêu sồn sột nghe như tiếng sỏi ở trên cao đổ xuống một miếng vải căng vậy. Bay ở trong mây rất là phiền vì không biết tàu mình bay ở chỗ nào, xứ nào? Đi tàu bay phải nhiều khi nghiêng lệch, lên cao xuống thấp thế mà các ông bà không chóng mặt váng đầu, không say sóng, như khi trèo lên một cái nhà cao, hay như khi đi tàu ở ngoài biển có sóng gió! Được như thế bởi vì một là: khi bay thì tàu với quả đất lìa hẳn nhau; hai là hễ khi nào chênh lệch thì tôi vặn máy cho tàu bằng phẳng lại ngay; hóa ra những sự nghiêng lệch không kịp làm cho các ông bà ngồi trong tàu say được. Chỉ có khi nào mà phải đi lúc gió to quá mà đi hai ba giờ đồng hồ thì mới váng vất say một chút mà thôi.

Từ nẫy đến giờ tàu đi vào phải những nơi gió sóng không được yên, may bây giờ được lúc này tàu đi bằng phẳng mà lại qua một cái tỉnh lỵ, xin các ông bà nhìn xuống đất để xem ra làm sao? Hẳn các ông bà thấy các lâu đài cao đẹp, các phố phường ngang dọc, các nóc nhà đen đỏ, các hồ xanh biếc, các vườn xanh rì, các xe lửa, xe điện, xe hơi cùng xe ngựa chạy nhanh tăm tắp tới chỗ nọ, nơi kia; các người ta kẻ đi chơi thong thả, kẻ vội đi nhanh, xem ra đều là nhỏ cả chẳng khác gì một bản đồ mà ở trong có múa rối.


Khi bay trên một cánh đồng thì thấy cỏ cây xanh rì, chỗ này mấy cái nhà, chỗ kia mấy cây cao chót vót; một vài cái lạch nước con con chảy vào các vườn ruộng; thỉnh thoảng thấy năm ba người be bé đi thăm đồng. Còn như đất thì thấy chỗ nào cũng bằng nhau cả chỉ trừ ra những gò đống nào cao lắm thì mới có thể phân biệt được.

Khi đi trên núi các đỉnh đá xanh lỗ chỗ, thường ở xung qua quanh hay có một vài đám mây trắng ám, trên các đám mây đó cũng có nhiều đỉnh nhỏ khác chẳng khác gì một đám núi con vậy. Có nhiều lúc mây bốc khói lên, trông xuống như núi cháy, nhất là khi có mặt trời chiếu vào trông lại càng rực rỡ lắm.

Khi đi qua sông, nếu mà có đi thấp thì mới thấy nước chảy, không thì chỉ thấy một dòng nước nhỏ con con, lóng lánh mà chỗ nọ thẳng chỗ kia cong queo, hình như một con rắn bạc nằm phơi nắng ở bên cây cỏ.

Bây giờ các ông bà đã đi qua tỉnh, qua đồng, qua núi, qua sông chắc là các ông bà tin tàu bay được nhiều phần mà trong bụng chỉ mong làm sao cho máy cứ bền vững mà đi được rõ lâu để xem mãi những phong cảnh ấy. Còn bao nhiêu sự lo nghĩ ở dưới trần ai thì quên sạch. Chỉ trừ ra những lúc nào có sự khó khăn hiểm nghèo thì người ngồi trong tàu bay mới nghĩ đến các việc ở dưới đất.

Đi từ nãy đến giờ cũng đã lâu vả chăng tàu cũng đi gần đến chỗ đất đậu, tôi xin phép các ông bà cho hãm máy để xuống. Máy chạy từ từ (ralenti) rồi tàu chúc đầu xuống, lúc đó các ông bà ngã gục về đàng trước mà nghe máy chạy rất êm không có những tiếng vù vù nữa. Trong mình lại bàng hoàng hơn lúc lên, lại thêm gió thổi vào mặt mạnh hơn lúc đi ngang. Trông xuống đất thấy nhà cửa cây cối lại dần dần lớn như cũ; thấy một sự rất hãi là tựa hồ như đất chạy đâm vào tàu mình rất nhanh. Tưởng rằng có lẽ tàu đâm vào đất ngay chắc? Bỗng một chớp mắt đã thấy tàu ngẩng đầu lên mà hai cái bánh xe tàu đã chạy ở dưới đất độ một trăm thước, rồi tàu đứng lại; lúc đó mới tỉnh ra rằng mình đã xuống đến đất rồi! Khi các ông bà bước chân xuống đất thì chắc hẳn mơ mơ màng màng vừa mừng vừa lo...

Hà Nội 15 Avril 1919
P.T.T.
Nam Phong tạp chí, số 22, tháng Tư 1919

Hang Kiều ở Quảng Bình

Hang Kiều có thạch nhũ với hình thù đa dạng, mang lại cho du khách những trải nghiệm không lặp lại trên từng bước chân.


Hang Kiều là hang động khá lớn nằm ở ngọn núi An Bờ của huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Hang vừa đưa vào khai thác du lịch đầu năm 2021, nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên phải đóng cửa nhiều tháng qua.

Mới đây, tỉnh Quảng Bình cho phép các doanh nghiệp du lịch được phép đón du khách trở lại, với điều kiện có thẻ xanh, thẻ vàng, và tham gia trong các tour khép kín.

Anh hùng dân tộc Trương Định: Sống mãi trong lòng dân

Vào dịp tưởng nhớ 157 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864 - 20/8/2021), trong mỗi người dân lại bùi ngùi xúc động nhớ về ông với niềm tôn kính vô bờ. Anh hùng dân tộc Trương Định đã khơi dậy mạnh mẽ trong nhân dân lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất.

Vị nguyên soái của lòng dân

Vào dịp lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định, nhiều người dân đến đền thờ ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), để thắp nén hương bày tỏ lòng thành kính tri ân. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lễ tưởng niệm được Sở VH-TT&DL, Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ tổ chức đơn giản nhưng vẫn đảm bảo trang nghiêm. Gia đình ông Trương Thanh, ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, cháu họ của Anh hùng dân tộc Trương Định, thì năm nào cũng đều làm giỗ vọng. Thắp hương tưởng nhớ vị Anh hùng của dân tộc, ông Thanh tự hào chia sẻ, Bình Tây đại nguyên soái Trương Định là niềm tự hào đối với nhân dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung. Ông là tấm gương sáng về lòng yêu nước, kiên trung để thế hệ con cháu noi theo.

Học sinh tham gia chào cờ, hát Quốc ca trước Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). (ảnh chụp trước ngày 26/6/2021). ẢNH: Kim Ngân

Nhớ bánh ống gạo ngày xưa

Những ngày đầu tháng Bảy âm lịch vừa qua, chiều nào cũng có mưa. Những cơn mưa ngâu không dầm dề mà chỉ ào qua chốc lát rồi thôi. Những buổi chiều mưa đó, hòa vào nhịp điệu tí tách của giọt mưa là tiếng máy đùng bánh ống gạo chạy xình xịch, mùi gạo thơm lừng lan trong không khí, những bịch bánh ống gạo thuôn dài, đều tăm tắp treo lủng lẳng khắp quán chờ người đến mang về...

Ai ở lứa tuổi 8X, 9X hẳn không thể không biết đến chiếc bánh ống gạo, một trong những món ăn vặt yêu thích của đám trẻ con ngày ấy. Thời bấy giờ, nếu mang theo nguyên liệu thì khá nặng và cồng kềnh, nên những người làm bánh chỉ mang theo chiếc máy là chính, còn nguyên liệu là do người dân tự chuẩn bị lấy. Do đó, chiếc bánh được làm ra của nhà này hoàn toàn không giống với nhà khác. Bởi nguyên liệu chính là gạo trắng, nhưng tùy khẩu vị từng nhà mà có người cho thêm gạo lứt, bắp, đường, đậu xanh, đậu đỏ... để tạo vị khác lạ.

Bánh ống gạo. Ảnh: PV

Thơm lừng gà re nướng

Trong những ngày dịch Covid-19 kéo dài, ở vùng quê nhiều nhà trữ con gà để nấu cháo, để kho sả. Những món này dân dã mà ngon. Nhưng ngon nhất có lẽ là món gà re nướng ở miền núi mà thực khách thưởng thức rồi thì mấy ai quên.

Nhiều lần về vùng cao Ba Tơ, nhất là xã Ba Vinh, chúng tôi nhìn thấy những đàn gà của đồng bào dân tộc nuôi đã nhiều năm. Đồng bào cho rằng con gà có sắc lông đen là quý nhất, nuôi để cúng Giàng trong mùa lúa mới và để cúng thần linh cầu mong sự phù hộ độ trì trong năm mới. Còn gà có sắc lông trắng nuôi để dành đem giết thịt luộc cúng xả xui khi nhà có người bị bệnh. Chỉ con gà có lông đen trắng chen lẫn hay con gà có lông màu sẩm thì nuôi để ăn thịt hoặc để đãi khách.

Món gà re nướng chấm muối ớt. Ảnh: Cẩm Thư

4 thg 10, 2021

Cá bò nấu cà chua

Thân thô cứng nên trông cá bò rất “xấu mã”. Nhưng bù lại, thịt cá bò trắng nõn, dai và không tanh nên có thể chế biến được nhiều món ngon. Trong đó, món cá bò nấu chua được ưa thích nhất vì cách chế biến đơn giản, nhưng giữ được trọn vẹn vị ngọt thơm của cá.

Theo kinh nghiệm của những ngư dân, vào mùa mưa bão, khi ngoài khơi có sóng to gió lớn thì “họ cá bò” rủ nhau kéo về khu vực cửa biển, cửa sông để vừa trú ẩn, vừa tìm mồi. Thế nên mùa mưa, thịt cá bò thường thơm ngon hơn, dai và ngọt hơn. Cá bò có nhiều loại, như: Cá bò giáp (da dày mình xám), cá bò giấy (mình trắng nhẵn bóng), cá bò hòm (mình vuông xám sẫm)... Mỗi loại có một cách chế biến riêng. Nếu như cá bò giáp, cá bò hòm thường được “nướng trui”, kiểu nướng để y con nguyên da dưới than củi và ăn kèm muối ớt, thì cá bò giấy lại hợp với nấu chua.

Cá bò giấy nấu chua được xem là "món ngon nhớ lâu" của người dân xứ biển mỗi khi đến mùa gió chướng. Ảnh: TH.PHONG

Rượu sim Bùi Hui

Cánh rừng sim Bùi Hui ở xã Ba Trang (Ba Tơ) trở nên quý giá với đồng bào dân tộc Hrê, khi họ đang được chính quyền hỗ trợ để từ những mùa sim sau, sẽ mang ra thị trường giới thiệu một sản phẩm rượu sim gắn với tên làng: Rượu sim Bùi Hui...

Với khoảng 20ha, năm nay, đồi sim Bùi Hui ở xã Ba Trang lần đầu tiên đã giúp cho đồng bào Hrê có thêm thu nhập. Mùa sim chín vừa qua, mỗi ngày bình quân mỗi nhà trong ngôi làng có thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng từ việc hái sim chín bán cho thương lái.

Một phần trong số sim thu hoạch được người làng đưa vào làm rượu sim dưới sự hướng dẫn kỹ thuật chế biến của Hội LHPN huyện Ba Tơ. Những quả sim chín mọng sau khi rửa sạch, có nhà thì bóp nhuyễn sim, có người thì để nguyên quả cho vào hũ, rồi cho đường ngâm thành rượu sim.

Đồng bào Hrê ở Bùi Hui, xã Ba Trang (Ba Tơ) đã biết cách làm rượu sim.

Sim rừng mùa Covid-19

Khi dịch Covid-19 “tái xuất”, cả tỉnh tập trung chống dịch. Bạn gọi điện bảo tôi: “Dịch giã thế này thì đành lỗi hẹn một mùa hái sim rừng Bùi Hui” . Ừ, thì đành lỗi hẹn, nhưng trong ký ức lại bừng lên một màu tím hoa sim.

Đây rồi, thảo nguyên Bùi Hui với cánh đồng cỏ bạt ngàn. Sau những cơn mưa giông, giã từ chiếc áo bạc màu, cỏ khoác lên mình một màu xanh thẳm. Còn một bên núi rừng sim bạt ngàn, mưa giông về trái chuyển dần sang màu tím, rồi chín thẫm. Bầy chim chào mào, chim quành quạch đến hẹn lại về trên thảo nguyên ăn trái, tiếng kêu vang vọng. Những cô gái Hrê trong trang phục dân tộc, cõng chiếc gùi sau lưng cùng lên đồi hái sim. Tiếng nói cười vang vọng cả núi đồi.

Các cô gái dân tộc Hrê hái sim trên thảo nguyên Bùi Hui. ẢNH: CẨM THƯ