Hiển thị các bài đăng có nhãn * Phạm Hoài Nhân. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn * Phạm Hoài Nhân. Hiển thị tất cả bài đăng

19 thg 4, 2025

Lò Lu ở Tương Bình Hiệp

Lò lu Đại Hưng ở Tương Bình Hiệp

Hình trên là tui, chụp tại lò lu Đại Hưng, trên đường Lò Lu ở Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một - tức là có một làng nghề làm lu ở đây. Vậy mà tìm trên Google hoặc hỏi các AI như ChatGPT, Gemini về các làng nghề ở Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một, Bình Dương, tụi nó lại giới thiệu ngay đến làng sơn mài Tương Bình Hiệp

Thậm chí, khi được hỏi rằng có làng nghề gốm ở Tương Bình Hiệp hay không, Gemini đã trả lời như sau:

Không, Tương Bình Hiệp không nổi tiếng với làng nghề gốm theo nghĩa là một làng nghề quy mô lớn và đặc trưng như sơn mài. Làng nghề truyền thống chủ đạo, nổi tiếng và được biết đến rộng rãi nhất của phường Tương Bình Hiệp (TP. Thủ Dầu Một) là làng nghề sơn mài.

16 thg 4, 2025

Tĩnh mịch đình thần Tương Bình Hiệp

Đình thần Tương Bình Hiệp, tọa lạc tại phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh do UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định công nhận số 2068/QĐ-UBND, ngày 15/8/2023. Đây là một công trình kiến trúc cổ kính, mang đậm nét văn hóa truyền thống Nam Bộ.

15 thg 4, 2025

Chuyện về đình Bến Thế

Đình Tân An - người dân thường gọi là đình Bến Thế - là một ngôi đình nổi tiếng ở Thủ Dầu Một, Bình Dương. Có rất nhiều bài viết về ngôi đình này (tui cũng có viết), bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Xin được nhắc sơ qua chút xíu trước khi nói qua câu chuyện tui muốn kể bữa nay.

Đình Tân An tọa lạc tại phường Tân An, TP Thủ Dầu Một được xây dựng từ năm 1820. Người dân gọi là đình Bến Thế vì gần sông, chợ Bến Thế. Qua hơn hai thế kỷ, đình vẫn giữ được nét kiến trúc cổ truyền Nam bộ và được công nhận Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia năm 2014.

Khuôn viên đình thoáng mát với nhiều cây cổ thụ. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

9 thg 4, 2025

Hữu phủ Quốc công Tống Phước Hiệp ở Long Hồ dinh

Lâu nay tui không biết gì nhiều về Quốc công Tống Phước Hiệp, ngoại trừ việc đọc các tài liệu lịch sử có khi thấy nhắc tới ông là một vị tướng thời chúa Nguyễn. Đọc qua rồi quên luôn cùng với nhiều nhân vật lịch sử thời kỳ ấy. Có khi lang thang trên mạng, đôi ba lần vô website mang tên Tống Phước Hiệp và biết đó là trang (không chỉ một trang) của cựu học sinh trường Tống Phước Hiệp ở Vĩnh Long. Rồi cũng lướt qua, không biết rõ tiểu sử, công trạng của người mang tên Tống Phước Hiệp.

Mới đây, tui lại gặp ngài Tống Phước Hiệp. Lần này không phải trên website hay tài liệu lịch sử, mà ở... trong chùa. Ngôi chùa Phật Ngọc Xá Lợi uy nghi nhất Vĩnh Long có phối thờ ngài Tống Phước hiệp trong chùa, có cả bệ thờ trang trọng.

Quốc công Tống Phước Hiệp được phối thờ trong chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

8 thg 4, 2025

Những ấn tượng ở chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long

Vừa qua khỏi cầu Mỹ Thuận bạn đã thấy thấp thoáng từ xa bên trái là ngôi tháp cao của chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long. Diện tích khuôn viên chùa đến hơn 17.000 m² cùng với kiến trúc bề thế khiến cho một số website du lịch gọi đây giống như một cổ trấn.

Cổng tam quan chùa rất uy nghiêm, bề thế. Hai cột đá rồng lớn ở Cổng Tam Quan được đúc bằng đá granite nguyên khối, cao 9 mét, chiều ngang 1,5 mét, dày 7 tấc. Ảnh: Vĩnh Long Tourist

7 thg 4, 2025

Phật Ngọc Xá Lợi - ngôi chùa ở Vĩnh Long xây dựng suốt nửa thế kỷ

 Cũng đã khá lâu tui mới có dịp ghé vô Vĩnh Long, gần 10 năm. Là ghé vô, chớ còn đi ngang qua thì đi hoài. Lần này đi Vĩnh Long, tui ngạc nhiên thấy nơi đây có một ngôi chùa thật lớn mà trước nay mình chưa hề biết.

Từ Sài Gòn đi Cần Thơ theo cao tốc, qua cầu Mỹ Thuận đi thẳng ta sẽ thẳng tiến Cần Thơ, nhưng nếu quẹo trái (quốc lộ 1) thì vừa quẹo ta sẽ thấy ngay bên tay phải là ngôi chùa Phật Ngọc Xá Lợi với tháp Xá Lơi cao vút.

6 thg 4, 2025

Chùa Hang trên triền núi Sam

Thông thường, hang là một chốn hoang vu, hẻo lánh, ít người lui tới. Bởi vậy, người muốn lánh đời đi tu thường tìm hang núi để ẩn mình. Cái hang nơi tu tập ấy dần dần hình thành nên một cái am, rồi chùa. Những chùa Hang ở khắp nước ta thường được hình thành như vậy.

Khung cảnh chùa Hang (Phước Điền tự) năm 2025. Ảnh: Mai Lĩnh

21 thg 3, 2025

Thống kê trước giờ G

Tại thời điểm tháng 3/2025 này, cả nước đang chuẩn bị cho đợt sáp nhập, thay đổi về mặt hành chánh lớn nhất từ trước đến giờ. Do đó các thay đổi về phường xã, quận huyện trong cả nước tại thời điểm này đều ngưng lại hoàn toàn, chờ đợt tổng sáp nhập.

Làm một cái thống kê tình trạng hành chánh Việt Nam tại thời điểm đóng băng này coi bộ vui, nên tui thử giải trí coi sao.

Hà Nội là thành phố có số quận huyện nhiều nhất Việt Nam, với 30 quận huyện. Ảnh: Cổng TTĐT Hà Nội

19 thg 3, 2025

Về Châu Đốc, biết thêm về gia tộc Lê Công

 

Phủ thờ họ Lê Công ở Châu Đốc. Ảnh: Lâm văn Sơn

Năm 2013, khi ghé thăm chùa Hiệp Minh (Đàn Tiên Cái Khế) anh Lâm văn Sơn có chỉ cho tui xem trong bảng Tiền Vãng Tri Thức Ân ghi nhớ công ơn của các vị tiền bối đã có công trong việc khởi tạo chùa buổi ban đầu, trong đó có ông ngoại của anh: Ông Lê Công Tịnh (cột ngoài cùng bên phải, hàng thứ hai từ dưới lên).

16 thg 3, 2025

Đình thần Châu Phú

Đình thần Châu Phú là ngôi đình lớn nhất, đẹp nhất và xưa nhất ở Châu Đốc. Đây là một trong những ngôi đình lớn và đẹp hàng đầu ở miền Tây Nam bộ, với nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo, đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1988.

Đình nằm ở góc đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn văn Thoại, thuộc phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc, gần chợ Châu Đốc, mặt tiền nhìn ra sông Châu Đốc.

Cổng đình Châu Phú, hướng ra sông Châu Đốc

28 thg 2, 2025

Hồ Xáng Thổi

Mỗi thành phố thường có một hoặc vài hồ nước để tạo cảnh quan thoáng mát, thơ mộng. Các hồ nước này vì có "nghĩa vụ" làm đẹp cho thành phố nên có tên cũng đẹp như hồ Xuân Hương, hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch...

Cần Thơ cũng có hồ như vậy, nhưng người Cần Thơ vốn xuề xòa. dễ dãi nên đặt tên cho cái hồ đẹp ở trung tâm thành phố cái tên hơi... kém mỹ miều: Hồ Xáng Thổi.

12 thg 2, 2025

Qua cầu Thơm Rơm

 Khoảng thập niên 1990, trên sóng truyền thanh, truyền hình thường phát sóng một bài hát mang tên Qua cầu Thơm Rơm qua giọng hát nghệ sĩ Hồng Vân (Hồng Vân người Huế - trước 75, không phải kịch sĩ Hồng Vân sau này):

Khen ai khéo đặt tên cầu, mang tên Thơm Rơm
Người đã đi qua lòng còn quay lại...


Bài hát do nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thơ Lê Giang, và được phát nhiều khiến tui nhớ cái tên ngồ ngộ là Thơm Rơm, nhưng hoàn toàn không biết Thơm Rơm ở đâu.

Mới đây, đi cùng anh Lâm văn Sơn từ Cần Thơ qua Long Xuyên trên QL91, khi đi qua cầu Thơm Rơm anh Sơn giới thiệu về làng nghề đan lưới Thơm Rơm ở đây, khiến tui "Người đã đi qua lòng còn quay lại".

10 thg 2, 2025

Năm con rắn đi thăm Trại rắn Đồng Tâm

 

Rắn lục ở trại rắn Đồng Tâm

Căn cứ Đồng Tâm 

Căn cứ Đồng Tâm - còn gọi là sân bay quân sự Đồng Tâm - là một căn cứ quân sự do quân đội Mỹ thành lập tại Việt Nam năm 1966 nằm trên bờ bắc sông Cửu Long, cách Mỹ Tho 8 km về phía tây nhằm giành toàn quyền kiểm soát khu vực thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long. Tướng Westmoreland tham gia vào việc lựa chọn địa điểm này, và ông chọn cái tên Đồng Tâm có nghĩa là "trái tim và tâm trí thống nhất"  (“united hearts and minds” or “singleness of mind, in thoughts, and actions”, tùy người dịch) trong tiếng Việt (Theo John Darrell Sherwood trong War in the Shallows - U.S. Navy Coastal and Riverine Warfare in Vietnam, 1965–1968).

27 thg 1, 2025

Hai vị vương thời Lý trong ngôi đình cổ phương Nam

Đình Thông Tây Hội ở Gò Vấp là ngôi đình cổ nhất ở TPHCM. Đình được xây dựng từ năm 1679, tức 19 năm trước khi thiết lập nền hành chánh Sài Gòn (Phiên Trấn, 1698). Đọc tới đây lại liên tưởng tới Thất phủ cổ miếu (tức chùa Ông), ngôi miếu của người Hoa cổ nhất ở Biên Hòa được xây dựng năm 1684, tức 14 năm trước khi thiết lập nền hành chánh Biên Hòa (Trấn Biên, 1698). Trước khi triều đình thiết lập sự quản lý hành chánh, người dân đã tự tổ chức lấy cho mình, nơi là người Việt, nơi là người Hoa.

9 thg 1, 2025

Thác Pa Sỹ trong huyền thoại bảy hồ ba thác ở Măng Đen

Do địa hình núi đồi chia cắt, Kon Tum có rất nhiều thác. Thống kê sơ bộ, Kon Tum có đến gần 20 thác đẹp. Riêng thị trấn Măng Đen (1 trong 9 đơn vị hành chánh cấp xã của huyện Kon Plông, và Kon Plông là 1 trong 10 đơn vị hành chánh cấp huyện của Kon Tum) đã có đến 3 thác nước nổi tiếng, được nhắc đến trong truyền thuyết 3 thác 7 hồ của dân tộc Mơ Nâm. 

Theo truyền thuyết này, từ thuở xa xưa Măng Đen rất đẹp nhưng còn hoang vu không người ở. Thấy vậy thần Yang Pling đã đưa 7 người con trai của mình xuống đây để lập làng. 7 người con trai này lập nên 7 làng, tạo nên Măng Đen ngày một ấm no sung túc. Nhưng rồi do vi phạm điều cấm kỵ nên Yang Pling nổi giận làm giông tố nổi lên, biến 7 làng thành 7 hồ nước, 3 cột lửa bắn lên trời thành 3 thác nước. (Ai muốn biết chi tiết hơn về truyền thuyết này xin xem ở đây)

30 thg 12, 2024

Chùa Khánh Lâm ở Măng Đen

Chùa Khánh Lâm ở Măng Đen là một điểm đến hấp dẫn du khách khi đến vùng đất cao nguyên này. Chùa được xây dựng trên một ngọn đồi ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển và có diện tích quy hoạch đến 10 ha. Chính đặc điểm này: đồi cao, gió mát, cây xanh trên vùng đất mênh mang, lại thêm không gian chốn thiền môn trang nghiêm thanh tịnh giúp du khách có cảm giác bình an, thoải mái ngắm cảnh thiên nhiên an lạc.

Tên chùa Khánh Lâm là ghép từ tên chùa Tổ đình Trung Khánh và tên chùa Phước Lâm (thành phố Kon Tum), là nơi đại đức Thích Nhuận Bảo - trụ trì chùa Khánh Lâm, cũng là người đã phát khởi tâm nguyện việc dựng lập chùa - xuất thân và nơi ông trụ trì nhiều năm qua.

28 thg 12, 2024

Chuyện về Măng Đen và Đức Mẹ Măng Đen

Thời chiến tranh, chiến trường vô cùng khốc liệt ở Tây nguyên, nhất là vùng đất mà nay là Pleiku, Kon Tum. Những địa danh Plei Me, Đắk Tô - Tân Cảnh, đồi Charlie... là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt. Đi Pleiku (nơi có Plei Me) đã xa rồi, đến đó phải đi thêm 50 km để tới Kon Tum (nơi diễn ra trận Đắc Tô, đồi Charlie) và từ đó muốn tới Măng Đen phải đi hơn 50 km nữa, mà mỗi km là đồi núi chập chùng, đạn bom rình rập. Mô tả như vậy để thấy thời đó Măng Đen là một tiền đồn heo hút và nguy hiểm đến chừng nào.

Trong điều kiện ngặt nghèo như vậy, những người lính nơi đồn xa rất cần niềm tin để vững lòng. Vì vậy, rất cần có tượng Đức Mẹ nơi đây để cầu nguyện.

Rừng thông Măng Đen

27 thg 12, 2024

Tản mạn Măng Đen

 Măng Đen, 5 giờ sáng.

Tui thức dậy và đi bộ theo thói quen. Đi một vòng trong tiết trời se lạnh và quay về homestay. Mọi người vẫn còn yên giấc. Ở chỗ để xe một anh chàng đang lúi húi tìm cách dắt xe ra. Nhà chật, xe máy của khách để đầy vướng víu lẫn nhau mà anh chàng lại có một mình nên loay hoay mãi mà không lấy xe ra được. Thấy vậy, tui tới phụ một tay.

Anh chàng cám ơn và nhìn quanh. Chỉ có 2 người. Anh chàng nói: Con lấy xe đi uống cà phê. Chú có làm gì không, đi uống cà phê với con cho vui!

Cổng chào Măng Đen. Ảnh: PHN

2 thg 12, 2024

Tụt mood ở bảo tàng Đắk Lắk

Bảo tàng Đắk Lắk được xây dựng trong khuôn viên của nơi mà ngày xưa là Biệt điện Bảo Đại. Khuôn viên này rộng gần 1 ha với nhiều cây xanh, thảm cỏ. Ngôi biệt điện Bảo Đại vẫn còn được giữ lại làm nơi tham quan. Do đó, đến đây ta sẽ tham quan cả 2 điểm luôn (mua vé 2 lần).

Bảo tàng Đắk Lắk. Ảnh: PHN

Bảo tàng Đắk Lắk được thiết kế mô phỏng hình dáng nhà dài của người Ê Đê với chất liệu hiện đại rất độc đáo. Nơi đây còn là một trong 5 Bảo tàng Việt Nam được xây dựng với sự hợp tác của các chuyên gia về bảo tàng học của Cộng hòa Pháp và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong khuôn khổ Dự án phát huy di sản bảo tàng Việt Nam.

Đọc những lời giới thiệu hấp dẫn như vậy, khi bước chân vào nơi trước đây là Biệt điện Bảo Đại, nhìn thấy tòa nhà bảo tàng uy nghi tui thấy phấn khích vô cùng. Tội gì không chụp một tấm hình để check-in!


Bước vô bảo tàng mua vé tham quan, tui hơi ngỡ ngàng vì sảnh ở tầng trệt của bảo tàng trống trải và có một khoảnh bày biện giống một gian hàng nhỏ trong hội chợ, đề là Quầy hàng lưu niệm. Chưa thấy dáng vẻ gì chuyên nghiệp, hiện đại như giới thiệu.

Quầy hàng lưu niệm giống một gian hàng hội chợ. Ảnh: PHN

Một góc khác ở tiền sảnh của bảo tàng. Ảnh: PHN

Vì tụi tui đi chỉ có 2 người, tui và một anh bạn già cùng tuổi, nên cùng tháp tùng một đoàn mua vé trước đó để đi theo người thuyết minh.

Đoàn khách mà tui tháp tùng có lẽ không phải của một công ty du lịch, mà là của một tổ chức ngoài Bắc, căn cứ vào giọng nói và kiểu nói chuyện của họ (nói nhiều, nói lớn tiếng). Và nhất là căn cứ vào phong thái của anh chàng (có lẽ là) trưởng đoàn. Anh chàng này thỉnh thoảng đệm vào giữa lời của cô thuyết minh những câu nói đùa - không, thực chất là những câu ghẹo gái - rất kém duyên, thô tục (đó là nói nhẹ, còn nói cho đúng thì phải gọi là mất dạy), và chẳng có tí gì liên quan đến văn hóa du lịch.

Một số hiện vật trưng bày ở bảo tàng Đắk Lắk. Ảnh: PHN

Về hình thức trưng bày và những hiện vật, hình ảnh trưng bày thì khách quan mà nói tuy không như tui kỳ vọng khi đọc những lời giới thiệu trên mạng nhưng cũng đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu. Về phía người thuyết minh, trình bày trôi chảy, mạch lạc, nhưng... Cái mà cô thiếu là cái hồn, cái chất Tây nguyên. Khi cô giới thiệu về những nét văn hóa, những đồ dùng sinh hoạt, những tập tục... của người Tây nguyên ta nghe như một học sinh thuộc bài đang trả bài chớ không phải một người đang tâm tình cho ta nghe về những nét đẹp của quê hương mình.

Cũng không chê trách cô được, vì như lời tự giới thiệu cô là người Nghệ An, vào Tây nguyên sinh sống chưa lâu chớ không hề là dân bản xứ! Mà thật ra không cần giới thiệu, chỉ nghe giọng nói thôi là biết cô xuất thân từ nơi khác.

Thật tình, cho dù thuyết minh có tốt hơn đi nữa thì cảm xúc của tui cũng đã bay đi tứ tán rồi khi phải đi chung với một đám đông hỗn độn, trò chuyện huyên náo, được điểm tô thêm bằng những câu đùa thiếu hẳn sự có duyên!

Một số hiện vật trưng bày ở bảo tàng Đắk Lắk. Ảnh: PHN

Điểm nhấn đặc biệt của buổi tham quan - theo lời của hướng dẫn viên - là cả đoàn được xem một buổi chiếu phim đặc biệt. Đó là bộ phim về Chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột năm 1975.

Đó là một đoạn phim tài liệu mà có lẽ tôi, bạn đã từng xem đâu đó nhiều lần trong gần 50 năm qua về những tháng ngày bi thảm tháng 3/75 ở Buôn Ma Thuột. Bi thảm của bên thua cuộc, nhưng hùng tráng của bên thắng cuộc. Có khác chăng là trước nay bạn và tui xem ở một khung cảnh khác, còn bây giờ tui và anh bạn mình là 2 kẻ lẻ loi đại diện cho bên thua cuộc đang xem cùng một đám đông của bên thắng cuộc. Khán giả, người tổ chức chiếu phim và cả người làm phim đều là người của bên thắng cuộc.

Cái đám đông ấy hò hét, vỗ tay khi xe tăng của quân giải phóng tiến rầm rộ hay khi đạn pháo của quân giải phóng nổ vang. Và cười to khi màn ảnh chiếu những đoàn người chạy tán loạn...

Cao trào diễn ra ở cuối phim, khi đoàn quân giải phóng chiến thắng tiến vào Buôn Ma Thuột. Nhạc khải hoàn hùng tráng vang lên.

Như đám trẻ con chơi game hò hét khi trên màn hình hiện lên dòng chữ Congratulation! You Win!, đám đông trong trong khán phòng gào rú: Hoan hô! Thắng rồi! Thắng rồi! và vỗ tay ầm ĩ.

Bảo tàng Đắk Lắk. Ảnh: PHN

Anh bạn cùng đi run rẩy nắm tay tôi kéo ra khỏi phòng chiếu phim và lẩm bẩm chửi thề: ĐM! Anh không phải là người phục vụ trong quân đội VNCH, nhưng là người dân Tây nguyên, đã sống ở đây thời gian ấy và có rất nhiều người thân trong đám người thất thểu chạy loạn hồi tháng 3/1975 được thể hiện lại trong phim.

Còn tui, sự hưng phấn khi mới bước vô bảo tàng Đắk Lắk vốn đã giảm sút rất nhiều thì giờ tuột xuống tới tận đáy, đúng với cái từ mà giới trẻ ngày nay hay dùng: tụt mood!
💔💔💔

Tui ra khỏi bảo tàng Đắk Lắk, bước sang Biệt điện Bảo Đại. Bạn tui chắc bị tụt mood nặng quá nên biểu tui vô tham quan một mình đi, ảnh không vô.


Tui và bạn tui ở Biệt điện Bảo Đại. Ảnh: PHN

Người phụ trách thuyết minh ở đây lại cũng là một người Nghệ An. Bài thuyết minh của anh ta nhấn mạnh những thú vui chơi của Bảo Đại ở Đắk Lắk (vua mà) chớ không nói gì đến kiến trúc của biệt điện.

Tâm trạng cũng đã chùng xuống khá nặng nên tui cũng chẳng quan tâm gì, đi rảo qua các phòng để tham quan. Phải nói 2 điều:
  • Một là nếu chỉ tham quan các đồ nội thất trong biệt điện thì thua xa cái dinh khác như Dinh 1, Dinh 2, Dinh 3 ở Đà Lạt. Và tui nghĩ nếu so với biệt phủ của các quan thời nay chắc còn thua xa hơn nữa.
  • Hai là hiện giờ Biệt điện Bảo Đại chỉ là một công trình phụ trong khuôn viên thực sự của mình (công trình chính là Bảo tàng Đắk Lắk) nên không được chăm chút đúng mức.


Một số hiện vật bên trong Biệt điện Bảo Đại. Ảnh: PHN

Vậy là kết thúc chuyến tham quan Bảo tàng Đắk Lắk và Biệt điện Bảo Đại của tui. Bạn thấy thế nào? Vui không?

Phạm Hoài Nhân

23 thg 11, 2024

Người đáng được ngành du lịch Việt vinh danh

Có một người đàn ông rất xứng đáng được ngành du lịch Việt Nam vinh danh. Ông đã tạo nên rất nhiều khu nghỉ dưỡng với cảnh quan tuyệt đẹp, những dinh thự với kiến trúc kiểu Pháp tinh tế, hài hòa cùng khung cảnh thiên nhiên. Những cơ ngơi này đều nằm ở những trung tâm du lịch nổi tiếng cả nước như Đà Lạt, Nha Trang, Hải Phòng, Buôn Ma Thuột... Điều đáng nói là toàn bộ những cơ ngơi ấy ông đã dâng hiến hết cho nhà nước để làm điểm tham quan du lịch, bán vé thu tiền mà về phía mình không đòi hỏi nhận lại một xu teng nào. Ai mà giỏi giang và hào phóng vậy ta? (Hổng phải tui).

Đó chính là cựu hoàng Bảo Đại!