10 thg 8, 2018

Huyền sử Jơ Rai về sự hình thành “Đôi mắt Pleiku”

Chỉ tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp hoang dại của “đôi mắt Pleiku” mà chưa nghe qua những sự tích truyền miệng về sự hình thành của nó thì giống như mới chỉ biết đến một nửa vẻ đẹp của danh thắng này.



Con heo trắng và tai họa hủy diệt

Nguời Jơ Rai xưa vẫn truyền tai nhau câu chuyện đau buồn về Ia Nueng (Biển Hồ) khi xưa là bến nước uống chung của làng người Jơ Rai, nước ở bến Ia Nueng rất xanh trong, soi rõ mặt người. Một hôm, trên đường đi đến bến Ia Nueng để lấy nước, có hai người dân trong làng là Yă Pôm và Yă Chao phát hiện một con heo trắng rất đẹp. Yă Chao đã bắt con lợn trắng xinh đẹp kia về nuôi ở nhà mình. Hằng ngày, Yă Chao chăm sóc cho lợn trắng đủ thức ăn ngon nhưng chú lợn con không ăn gì cả. Một lần Yă Chao mang những chiếc bầu đi lấy nước ở Ia Nueng về dính những hạt cát trắng thì bỗng nhiên chú lợn con đã liếm hết những hạt cát một cách ngon lành. Sửng sốt trước hiện tượng lạ, sau này Yă Chao cứ đi lấy cát trắng về cho chú lợn ăn và lớn nhanh như thổi. Sau 3 lần trăng tròn, chú lợn trắng lớn bằng con trâu to và khiến cả dân làng ngạc nhiên. 



Khi ấy dân làng làm nhà rông mới và sai người trong làng đi tìm một con lợn thật to để cúng Yàng và làm lễ ăn mừng. Sau khi sai người đi tìm kiếm khắp nơi nhưng không lấy đâu ra con lợn to như già làng mong muốn nên trở về nhà Yă Chao xin bắt con lợn trắng này để làm thịt. Yă Chao kiên quyết từ chối, dù có đổi bao nhiêu tài sản của dân làng cũng không chịu. Nhưng cuối cùng dân làng đã quyết cử 2 người to khỏe đến bắt cho bằng được con lợn trắng về làm thịt cúng Yàng và chia đều thịt cho các gia đình trong làng để ăn mừng. Riêng Yă Chao không nhận thịt và thề rằng: "Nếu tôi ăn thịt này thì đất sẽ động, Ia Nueng sẽ sụt lở". Nhưng đứa cháu của Yă Chao thấy thịt ngon đòi ăn và khóc cả ngày đêm nên bà không cầm được lòng mà phải cho đứa cháu ăn thịt lợn trắng. Bỗng chốc, trời đất, núi rừng rung chuyển, nhà cửa ngả nghiêng, vùi lấp cả dân làng. Hai bà cháu Yă Chao chạy nhưng không kịp nên bị nước nhấn chìm biến thành tượng đá dưới đáy hồ... 

Con đường giữa Biển Hồ. Ảnh: Doãn Vinh 

Biển Hồ mùa hoa gạo. Ảnh: Doãn Vinh 

Ngoài ra, còn có chuyện kể rằng, hồ mang tên Tơ Nưng là tên một làng cổ trong huyền thoại. Chuyện kể về ngôi làng xưa to và đẹp lắm. Dân làng sống yên vui, hòa thuận lâu đời thì bỗng một hôm, ngọn núi lửa ập tới vùi lấp làng. Những người may mắn còn sống sót đã khóc thương cho làng mình, khóc cho người thân không ngớt, khiến nước mắt chảy thành suối, các suối đổ về thành hồ. Hồ mang tên Tơ Nưng là một kỷ niệm chung của làng cổ đó... 


Hoàng hôn ngầu sắc đỏ trên mặt hồ Tơ Nưng. Ảnh: Doãn Vinh 

Chính vì vẻ hoang dại của hồ Tơ Nưng mà trong nhiều thời gian người dân nơi đây vẫn kháo nhau rằng hồ sâu không có đáy và thông ra tận biển Đông. Vào mùa khô, nước cạn, nhiều người làm nghề chai lưới đã vớt được cồng, chiêng và các vật dụng dùng để tế Giàng nên càng tin vào sự linh thiêng, bí ẩn của vùng đất này.

Nỗ lực tôn tạo “biểu tượng” của phố núi 

Tấm ảnh chụp chòi vọng cảnh - Biển Hồ những ngày đầu mới xây dựng. Ảnh: internet 

Người dân Gia Lai và du khách yêu mến “viên ngọc” giữa núi rừng này vốn đã quá quen thuộc hình ảnh Biển Hồ được ghi lại trong những ngày đầu tiên mới xây dựng nhà lục giác (chòi vọng cảnh) trên khu vực tháp đầu rùa vào năm 1990, các gốc thông bên hai triền roi đất mọc chưa quá cao để lộ rõ con đường rải nhựa quanh co dẫn lối vào các bậc tam cấp. Tuy nhiên, trong tháng 5.2018 vừa qua, mái chòi vọng cảnh đã bị tháo dỡ trong sự tiếc nuối của nhiều người để phục vụ việc xây dựng tượng Phật bà Quan âm cao 15m. 

Mô hình phác thảo công trình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tại Biển Hồ. Ảnh: baogiaothong.vn 


Những hình ảnh hiếm hoi được ghi lại tại Biển Hồ vào năm 1971 với chú thích "đồi bên trái có Ngôi Chùa , giữa là Phật Bà , xa bên phải là đồi Đức Mẹ". Ảnh: internet 

Nhiều người dân sống lâu năm tại TP. Pleiku lại cho rằng việc xây mới tượng Phật bà Quan âm là bước phục dựng lại tượng Bồ Tát Quan Thế Âm tôn trí từng được khánh thành vào năm 1971. Đến năm 1988 sau hơn 17 năm đứng giữa nắng gió cao nguyên bức tượng Phật bà bị hư hại nặng và bị dỡ bỏ. 

Tượng Bồ Tát Quan Thế Âm tôn trí tại Biển Hồ, khánh thành năm 197.Ảnh. pgvn.vn 

Hiện khu vực triền đất xung quanh khu di tích lịch sử - văn hóa Biển Hồ đã được xây dựng kiên cố để chống sạt lở và tiện cho du khách ghé thăm.

Dù những “dấu ấn” nhân tạo có đổi khác qua thời gian nhưng ai từng đến đây đều phải lòng vẻ đẹp hoang sơ của bầu nước ngọt mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người Gia Lai.

Phạm Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét