26 thg 8, 2018

Huyền thoại Bạch Hổ sơn quân

Khác với nhiều dinh, điện thờ bà Thiên Y A Na ở vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, tại di tích văn hóa quốc gia điện Trường Bà, thị trấn Trà Xuân, huyện miền núi Trà Bồng, bên cạnh dinh thờ, còn có tượng và ngôi mộ hổ trắng mà người dân trong vùng kính cẩn gọi là ông Bạch Hổ. Huyền thoại về ông Bạch Hổ biểu hiện niềm mong ước của người dân vùng cao về một cuộc sống yên bình, sung túc...

Đến thăm di tích văn hóa quốc gia điện Trường Bà, khi đi qua cổng điện, du khách thường thẳng hướng vào bên trong, ngắm nhìn khuôn viên ngôi điện với những hàng cột kèo to, thẳng với những nét chạm trỗ tinh xảo. Sau đó, du khách thắp hương cầu nguyện sự an lành dưới bàn thờ bà Thiên Y A Na, bàn thờ đức Quan Thánh và bàn thờ hai vị nhân thần có công mở cõi, yên dân vùng thừa tuyên Quảng Nam xưa là Trấn Quận công Bùi Tá Hán và Quan chiếu vương Mai Đình Dõng cùng các vị tiền hiền có công lớn trong việc lập làng, khai hoang làm nên sự trù phú cho vùng đất quế Trà Bồng.

Ban quản lý điện Trường Bà trong lệ Xuân và lệ Thu đều bày lễ cúng ở tượng Bạch Hổ. 

Sau đó, khách thường ra phía ngoài sân thắp hương tại am thờ ông Bạch Hổ rồi dành thời gian vãng cảnh điện, mục kích cổng điện nhuốm màu thời gian và độc đáo hơn cây đa lá lệch thân cành uốn cong trùm lên cổng và đã được Hội Di sản công nhận là cây di sản "trường thọ" trên 300 năm.

Còn nếu đến điện Trường Bà trong rằm tháng 5 diễn ra lễ hội điện Trường Bà, thì du khách ở lại lâu hơn để hòa mình cùng lễ hội đã được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia như lễ mộc dục, tế lễ ngoại đàn, thả hoa đăng, xem hát bội, múa cà đáo...

Trong khi đó, có một địa điểm gắn liền với di tích điện Trường Bà rất đỗi thú vị, là nơi có tượng và mộ của Bạch Hổ sơn quân thì không nhiều người biết và đặt chân đến.

Khu mộ và tượng Bạch Hổ sơn quân nằm cách điện Trường Bà chỉ hơn 1km đường chim bay thuộc tổ dân phố số 1, khu dân cư số 10, thị trấn Trà Xuân. Du khách sau khi thăm điện Trường Bà đi ngược đường về ngã tư cầu Suối Nan theo con đường bê tông về phía nam chừng 1km là đến.

Nơi đây xưa rừng cây rậm rì, bây giờ là những thửa ruộng bậc thang, những xóm nhà và xa hơn là núi. Tượng Bạch Hổ được xây dựng ngồi trên phiến đá, cạnh đó là lăng mộ của ông Bạch Hổ được xây cất khá đàng hoàng.

Đất Trà Bồng xưa núi rừng trùng điệp. Đồng bào dân tộc Cor trồng quế trên đồi và mùa nối mùa đốt rừng làm nương rẫy. Trên rừng có muôn loài thú. Có năm lúa trên rẫy chín vàng chưa kịp gặt, thì thú hoang về quấy phá.

Am thờ ông Bạch Hổ ở phía ngoài điện Trường Bà. 

Cũng do rừng có nhiều muôn thú, nên đồng bào dân tộc Cor làm nhà theo kiểu hình toa tàu lửa, với nhiều hộ sinh sống. Họ vót chông, làm bẫy đá, làm ná để diệt thú rừng. Tuy nhiên, núi rừng mênh mông chẳng thể nào bảo vệ cho xuể được. Còn đồng bào dân tộc Kinh, Hoa kiều cộng cư với đồng bào dân tộc Cor cũng lo ngại thú dữ. Chính vì vậy, họ mong có sự che chở.

Trong khi đó, "quân" của bà Thiên Y A Na đông lắm, nào voi, nào ong và đắc lực nhất là ông Bạch Hổ. Khi thú rừng về quấy phá xóm làng, nương rẫy của cộng đồng các dân tộc nơi đây, thì bà điều "quân" đánh dẹp, để dân làng được yên ổn. Riêng "ông Bạch Hổ" sau những ngày đánh dẹp thú rừng về quấy phá thường về nằm trong hang ở cạnh đồi Mâm Xôi, nên phiến đá trong hang lâu ngày cũng có hình thù như hình ông nằm.

Điện Trường Bà mỗi năm có lễ tế xuân, thu. Những ngày đó, "ông" thường về nằm thủ phục phía ngoài sân tế lễ cùng dân làng. Lễ bà xong thì ông lững thững đi về phía núi. Dân làng tôn kính nên gọi bằng ông Bạch Hổ là như thế. Khi "ông" mất, dân làng lo ma chay như con người và táng ông ở đồi Mâm Xôi, tạc tượng ông để thờ ở nơi đây và ngoài sân điện Trường Bà.

Đến lệ Xuân và lệ Thu hằng năm, Ban Quản lý điện Trường Bà và dân làng đều bày lễ cúng thất nghiêm cẩn. Nhiều người còn cho rằng, trong những ngày mưa giông, từ phía đồi Mâm Xôi có tiếng hổ gầm. Ấy là tiếng của ông ra oai để diệt thú dữ, bảo vệ cho dân làng bình yên.

Đằng sau huyền thoại dân gian về ông Bạch Hổ là sự gắn kết cộng đồng giữa các dân tộc Kinh, Cor, Hoa kiều trên đất Trà Bồng, cùng mong ước sự yên bình của người dân trong quá trình xây dựng, phát triển. Nếu quan sát những bàn thờ ở phía bên trong điện gồm gian chính thờ bà Thiên Y A Na, thờ đức Quan Thánh, thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán, Mai Đình Dõng, thờ các vị tiền hiền và bên ngoài thờ ông Bạch Hổ cho thấy, bên cạnh yếu tố tín ngưỡng tâm linh, người dân vùng đất Trà Bồng luôn ghi nhớ công lao của những người đi mở đất, những vị tiền hiền góp công sức xây dựng nên vùng đất quế Trà Bồng, cùng khát vọng về cuộc sống yên bình, no đủ của bà con nơi đây.

Bài, ảnh: CẨM THƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét