24 thg 2, 2014

Tòa giám mục Kontum

Giáo phận Kontum là giáo phận ra đời sớm nhất ở Tây nguyên, địa giới của giáo phận tương ứng chủ yếu với 2 tỉnh Gia Lai và Kontum. Tòa Giám mục và nhà thờ Chính tòa của giáo phận nằm ở thành phố Kontum. Nhà thờ chính tòa giáo phận Kontum chính là nhà thờ Gỗ nổi tiếng, cách đó không xa là Tòa Giám mục Kontum.

Tòa Giám mục Kontum có tên gọi chính thức là Chủng viện Thừa sai Kontum, được xây dựng từ năm 1935 và hoàn thành năm 1938. Mặt tiền của tòa Giám mục nhìn ra đường Trần Hưng Đạo, TP Kontum.

Giống như nhà thờ Gỗ Kontum, tòa Giám mục được xây dựng chủ yếu bằng những cây gỗ quý của núi rừng Tây nguyên và kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và kiến trúc dân tộc Tây nguyên.

Lối vào tòa Giám mục là 2 hàng hoa sứ già che bóng mát và tỏa hương thơm ngào ngạt. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Bánh tằm Bạc Liêu

Nói tới bánh tằm, các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ có một kiểu là bánh tằm bì chan nước cốt dừa. Chỉ duy Bạc Liêu là có loại bánh tằm tàu hủ ky gói xíu mại. Dĩa bánh bưng ra tỏa hơi nóng nghi ngút trên nền nước cốt dừa và những sợi bánh tằm trắng tinh như e thẹn trong nền rau xanh ngắt, mấy cọng giá sống trắng tươi và đậu phộng rang đâm sơ.

Bánh tằm Bạc Liêu. 

Nhưng “nhân vật” quan trọng là xíu mại gói trong tấm tàu hủ ky hình vuông nổi bật trên dĩa bánh. Xíu mại được làm từ thịt nạc băm với củ sắn, ướp gia vị vừa ăn trước khi gói vào tàu hủ ky thành miếng hình chữ nhật dẹp. Trộn đều bánh, chan nước mắm giấm ớt pha đường, cho vô miệng, gắp miếng xíu mại tàu hủ ky, cắn, nhai. Vị ngọt của thịt và củ sắn hòa trong nhiều hương vị đã ướp tan hòa chân răng trong cái dai dai xừn xựt với hương vị lạ của miếng tàu hủ ky hăng hắc mùi khói bếp. Rồi vị ngọt mặn và béo của nước cốt dừa làm tăng độ khoái khẩu. Cứ vậy mà ăn giúp bữa điểm tâm sáng thêm sảng khoái.

Viếng đền bà chúa Kho

Đền Bà chúa Kho tọa lạc tại làng Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đền được người dân dựng lên để tôn thờ, ngưỡng vọng vị nhân thần là bà chúa Kho - một người phụ nữ nhan sắc đảm đang, tài giỏi.

Bà chúa Kho đã có công chiêu dân, lập dựng làng xóm vùng Quả Cảm, Cổ Mễ, Thượng Đồng…giúp mọi người làm ăn, đem lại mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ. Bà trở thành Hoàng Phi triều Lý, giúp vua trong việc kinh bang đất nước, giữ gìn kho lương của triều đình ở vùng núi Kho, làng Cổ Mễ. Sau đó, bà đã anh dũng hy sinh vào ngày 12 tháng giêng âm lịch, năm Đinh Tỵ. Nhà vua thương tiếc phong bà là phúc thần. Nhân dân nhớ công ơn bà, lập đền thờ trên núi Kho, nơi đặt kho lương xưa và tôn kính gọi là bà chúa Kho.

Đền Bà chúa Kho ban đầu là một ngôi miếu nhỏ, sau được mở rộng và xây dựng quy mô vào thời Lê - Nguyễn, gồm nhiều công trình như: Đền Trình, cổng Tam Quan, sân Giải Vũ, tòa Tiền Tế, cung Đệ Nhị, hậu Cung. Tất cả làm thành một quần thể cổ kính trên núi Kho, bên dòng sông Cầu thơ mộng của làng quê quan họ. 

Mọi người chen chân vào đền ngay từ bên ngoài đường dẫn lên đền 

Đờn ca tài tử - dấu ấn đất phương Nam

Từ lâu, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã ăn sâu vào đời sống văn hóa và tinh thần của người dân đất phương Nam. Ngày 5/12/2013, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và đây cũng là lần đầu tiên, một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống ở Nam Bộ được công nhận là di sản thế giới. 

«
    

         Nghệ thuật đờn ca tài tử đạt đủ các tiêu chí để trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UNESCO đề ra, đó là: Tầm ảnh hưởng văn hóa rộng lớn, giá trị nghệ thuật độc đáo, không nhầm lẫn với bất cứ loại hình âm nhạc nào khác và quan trọng nhất là nó có sức sống mãnh liệt, hiện vẫn đang phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh thành Nam Bộ.

»
Khám phá điệu dân ca đất phương Nam

Nhắc đến đờn ca tài tử, người ta thường nghĩ ngay đến loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, được xem như một thứ “đặc sản” riêng có của người Nam Bộ. Người dân đất phương Nam có thể chơi đờn ca tài tử ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ thời điểm nào và đặc biệt là ai cũng có thể chơi, không phân biệt giàu sang, gái trai hay già trẻ. Chính vì vậy đờn ca tài tử có thể xuất hiện trong những bữa trà dư tửu hậu, trong những đêm trăng thanh gió mát ở các miệt vườn, trên những con thuyền trôi lững lờ dưới dòng kênh xanh, hay những dịp cúng tế, cưới hỏi, ma chay, gỗ chạp…

Theo các nhà nghiên cứu, đờn ca tài tử xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, có nguồn gốc từ Nhã nhạc cung đình Huế, và sớm trở thành loại hình âm nhạc dân gian truyền thống mang đậm sắc thái âm nhạc bình dân của miền sông nước Nam Bộ.


23 thg 2, 2014

Chưa đi chưa biết đền Trần

Tôi sống ở miền Nam, nghe nói đến đền Trần nhiều nhất là dịp khai ấn. Năm nào cũng vậy, đến dịp khai ấn đền Trần vào đầu năm là báo chi đua nhau đưa tin người người chen lấn, dẫm đạp để dự lễ. 

Chen lấn trong lễ hội khai ấn đền Trần năm 2014. Ảnh: báo Thanh niên online

Với những hình ảnh như thế này, cộng với kinh nghiệm thực tế của mình ở các lễ hội miền Nam, tôi dễ dàng hình dung đền Trần giống như miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, hay chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương.

Thế nhưng đến Nam Định viếng đền Trần, mới thấy mình hiểu sai nhiều quá!

Lạc ở rừng thiêng của người Stiêng

Cũng như nhiều người ưa du lịch khám phá, rừng quốc gia Nam Cát Tiên với chúng tôi không phải là cái tên xa lạ, thậm chí hết sức quen thuộc. 

Nhưng mỗi khi có dịp, chúng tôi lại khoác balô lên đường đến rừng quốc gia Nam Cát Tiên để khám phá.

Du khách trong đoàn du lịch khám phá tại rừng quốc gia Nam Cát Tiên - Ảnh: Anh Phạm

Đến Tà Lài Longhouse - bên cạnh rừng quốc gia Nam Cát Tiên - vào buổi chiều muộn, khi hoàng hôn gần tắt. Đập vào mắt chúng tôi là dãy nhà sàn nằm trên đỉnh ngọn đồi thoai thoải, cực kỳ yên tĩnh và bài trí đơn giản, tự nhiên.

Náo nức Hội phết Hiền Quan

Hội phết Hiền Quan là lễ hội dân gian được tổ chức hai ngày 12 và 13 tháng giêng tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ, cách thành phố Việt Trì 26km).

Trống dong cùng tham ra rước quả phết

Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của nữ tướng Thiều Hoa công chúa - Đức Thánh Mẫu Đại Vương, người giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước.

Lễ hội phết cùng với cụm di tích Song Quan đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 12-12-1994.

Lẩu riêu cua đồng miệt đồng

Không còn mộc mạc quê mùa, các món ăn làm từ cua đồng giờ đã đường hoàng đi vào nhà hàng, quán ăn, góp phần làm phong phú danh mục ẩm thực. Đáng kể trong đó là món lẩu riêu cua đồng miệt đồng.

Lẩu cua đồng ăn với rau và hải sản - Ảnh: H.Vũ

Người miền Tây có câu Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng/ Về sông ăn cá về đồng ăn cua ca ngợi vùng đất trù phú, cá tôm hào sảng, nhất là cua. Cua đồng xưa nhiều vô số kể, nhiều đến nổi người ta bắt đem phơi khô bán cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc với giá rẻ như bèo. Thế nhưng, từ vài ba năm trở lại đây con cua bé nhỏ nầy lại lên ngôi, nhất là mùa nắng.

Tân Thành, điểm du xuân thú vị

Năm nay, Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang) là điểm du xuân được nhiều người quan tâm, với nhiều điểm tham quan thú vị.

Thời gian đi xe máy/ô tô từ TP.HCM đến biển Tân Thành khoảng hai giờ. Khởi đầu từ Cầu Nhị Thiên Đường (Quận 8), băng qua đại lộ Nguyễn Văn Linh rồi theo quốc lộ 50, đi qua hai xã Phong Phú, Quy Đức (huyện Bình Chánh), qua hai huyện Cần Giuộc, Cần Đước (Tỉnh Long An) tới bờ Bắc sông Soài Rạp đi phà Mỹ Lợi là tới đất Gò Công. 

Nhiều bạn trẻ đến chơi tại chiếc cầu vươn ra biển Tân Thành 

Từ phà Mỹ Lợi, mất thêm 10 phút di chuyển, bạn có thể ghé thăm làng nghề đóng tủ thờ truyền thống của đất Gò Công, tại ấp Ông Non, xã Tân Trung, Thị Xã Gò Công. Đây là nơi khai sinh nghề đóng tủ thờ cẩn xà cừ mà không dùng bất kỳ cây đinh nào của ông Nguyễn Văn Non. Sau hơn 110 năm tồn tại, nghề đóng tủ thờ giờ đã có hơn 500 hộ sống được, sống vui và có ích bằng nghề cưa, bào, đục, đẽo.

Nhà thờ Gỗ Kon Tum

Nhà thờ Gỗ (Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) là một di tích cổ, mang kiến trúc độc đáo và tính thẩm mỹ cao với tuổi đời gần trăm năm. Trên nền trời Tây Nguyên trong vắt giữa mùa khô, nhà thờ Gỗ nổi lên bởi màu nâu bóng của điêu khắc gỗ mang dáng dấp của văn hóa bản địa.

«
          Nhà thờ gỗ là tên gọi của người Kon Tum cho nhà thờ Chánh tòa, tọa lạc ngay trung tâm Thành phố. Cái tên ấy xuất phát từ vật liệu chính làm nên nhà thờ. Hiện diện trên mọi chi tiết kiến trúc của nhà thờ là màu gỗ nâu đen.
                                          »
Thành phố Kon Tum vốn nằm trên một đồng bằng nhỏ, trước đây từng là trung tâm hành chính cũ của người Pháp ở Tây Nguyên nên các cố đạo truyền giáo đến đây từ rất sớm. Nhà thờ Gỗ được một linh mục người Pháp tên là Décrouille thiết kế và trực tiếp điều hành xây dựng từ năm 1913 đến năm 1918. Nhà thờ có diện tích sử dụng trên 700m2 với vật liệu trang trí nội thất hoàn toàn bằng các loại gỗ quý. Riêng tháp chuông nhà thờ mang phong cách kiến trúc Gothic có chiều cao hơn 20m lại luôn thanh thoát mà vẫn không kém vẻ hoành tráng. Sàn nhà thờ được đặt cao hơn 1m so với mặt đất và hành lang chạy dọc, bao quanh giáo đường đã mang đúng sắc thái của nhà sàn Tây Nguyên. Có thể nói, công trình nhà thờ Gỗ chính là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc Roman và kiểu nhà sàn gỗ của người Ba-Na, một sự giao thoa đặc biệt giữa văn hóa Tây Nguyên và văn hóa châu Âu.

Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum, còn có tên là nhà thờ Gỗ, một công trình kiến trúc độc đáo và là niềm tự hào của người dân Kon Tum.

21 thg 2, 2014

Qua bến đò ngang

Tôi sinh ra và lớn lên ở Long Khánh, nơi không có sông, chỉ có suối. Mà không có đò qua suối. Bởi vậy nghe bài Đò chiều của Trúc Phương thì thấy hay lắm, nhưng chưa thấm được cái cảnh đò chiều ra sao.

Một chiều nào trên bến cô liêu
Xóm bên sông tiêu điều
Buồn hắt hiu mây chiều

cũng chẳng hình dung ra được Cô lái đò của Nguyễn Bính

Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng trong
Cô lái đò kia đi lấy chồng
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông

Sau này, đi miền Tây, tận mắt tới bến đò, qua bến đò ngang mới thấy thế nào là bến cô liêu, xóm bên sông tiêu điều...

Có một Nghệ An khác

Đến Nghệ An không thể không vào Nam Đàn tham quan làng Kim Liên và Hoàng Trù (quê ngoại và nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh), viếng mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh, hoặc lên núi Dũng Quyết viếng đền thờ Quang Trung và ngắm dòng sông Lam, chứng nhân lịch sử của cả vùng địa linh nhân kiệt. Tiếp đến khách sẽ thư giãn trên bãi biển Cửa Lò. Ít du khách biết, có một Nghệ An khác, độc đáo, tự nhiên và quyến rũ.

Nghi Lộc có vườn thị cổ tích gồm năm đại thụ gần 700 tuổi. Chẳng rõ do ai trồng hay mọc tự nhiên nhưng xếp hình như sao bắc đẩu. Thị bố, dòng thị hồng, chu vi gốc 14m. Thị mẹ, dòng thị họ, chu vi gốc 11m. Các thị con, dòng thị bần, gốc to 8 - 9m. Thị bần không hạt, quả bé như quít; còn thị hồng, thị họ quả gần bằng bưởi, nặng hơn 500g. Vườn thị còn có hàng chục cháu, chắt, chít… hơn trăm tuổi.

Tương truyền, đầu thế kỷ XV, Lê Văn Hoan là tướng công phò Lê Lợi đuổi giặc Minh, dẹp Chiêm Thành; từng đi qua rừng thị, dừng chân nghỉ đêm. Hôm sau, quân sĩ và ngựa voi đều phấn chấn, đánh thắng giòn giã. Cho là vùng đất thiêng, sau chiến tranh, ông đưa cả dòng họ Lê từ Thanh Hóa vào lập nghiệp. Ông Lê Minh Thưởng, 76 tuổi nhưng rất tráng kiện, trưởng tộc Lê có thể kể cả ngày chuyện kỳ thú về những cây thị thần bí ẩn và thân thiết. Tháng Tư, thị ra búp, tháng Năm nở hoa và kết trái vào tháng Sáu - Bảy. Vào mùa, thị rụng vàng rực sân, lủng lẳng trên cành như trăng sà xuống đùa nghịch, thơm điếc mũi. Tha hồ hái lượm, có thể ăn hoặc mang về làm quà tùy thích. 

Đại thụ gần 700 tuổi 

Gáo Giồng giữa đồng nước nổi

Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Ở giữa Đồng Tháp Mười mênh mang nước lũ, có khu du lịch sinh thái Gáo Giồng nằm cận giữa vùng “rốn” của Đồng Tháp Mười, trong khu vực rừng tràm thuộc ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cách trung tâm thành phố Cao Lãnh chừng khoảng 17km. Hai bên đường đến Gáo Giồng là đồng ruộng, xen kẽ những cụm vườn nhỏ với nhà cửa thưa thớt nằm dọc theo những dòng kênh nước đục ngầu phù sa.

Đến Gáo Giồng, du khách mua vé vào cửa 10.000 đồng/người. Khách sẽ được mời uống trà tim sen, ăn hột sen rang, xem video giới thiệu tổng quan và chi tiết về khu du lịch. Trước khi vào thăm vườn chim, hướng dẫn viên sẽ mời khách lên đài quan sát cao 18 mét và cho bạn mượn ống nhòm. Từ đây, du khách có thể quan sát gần như toàn bộ vườn chim với những cánh rừng tràm bạt ngàn xanh thẳm.

Về Nhơn Lý xem lễ cầu ngư

Vào ngày mùng 9 -10 tháng Giêng hàng năm (tức ngày 8 -9/2), ngư dân xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, Bình Định) lại tổ chức lễ hội “Khai sơn cầu ngư”, mong một năm mưa thuận gió hòa.

Lễ hội cầu ngư xã Nhơn Lý tổ chức tại Lăng Ông Nam Hải, Vạn Đầm Xương Lý, thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn. Lê cầu ngư ở Nhơn Lý diễn ra long trọng gồm hai phần lễ và hội. Phần lễ gồm Lễ Cung Nghinh Thủy Lục, Lễ Tĩnh Sinh, Lễ Tế Thần. Phần Lễ Cung Nghinh Thủy Lục diễn ra từ chiều ngày mùng 9, phần lễ cầu ngư chính diễn ra trong ngày mùng 10.

Phần hội đặc sắc không thể thiếu trong lễ cầu ngư là phần vui hội, hát tuồng đầu xuân diễn ra từ đêm mùng 10 đến 13. Đây là dịp bà con xã biển Nhơn Lý vui xuân. Lễ hội cầu ngư Nhơn Lý là nét văn hóa đặc sắc lâu đời của người dân Nhơn Lý nói riêng và dân biển Bình Định nói chung. 

Các bậc cao niên trong xã làm Lễ Cung Nghinh Thủy Lục trên Vạn Đầm Xương Lý, thôn Lý Chánh 

Khai hội đền Huyền Trân

Những ngày đầu xuân, hàng nghìn lượt khách nô nức đến Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (núi Ngũ Phong, phường An Tây, TP, Huế) tham dự Đại lễ cầu nguyện Quốc thái dân an và chiêm bái.

Từ sáng sớm ngày 8 và 9 tháng Giêng, trên những nẻo đường dẫn về Đền Huyền Trân, rất đông người trong trang phục chỉnh tề cùng nhau đi trẩy hội. Từ vài năm nay, Trung tâm văn hóa Huyền Trân trở thành một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách. 

Du xuân ở đền Huyền Trân 

Bất kể quy mô lễ hội được tổ chức lớn hay nhỏ, cứ đến ngày 8 đến 9 tháng Giêng, đông đảo quan khách, tăng ni, phật tử, nhân dân cùng du khách thập phương đến đây dâng hương và chiêm bái để tưởng nhớ, tri ân Công chúa Huyền Trân - người có công mở cõi vùng đất Thuận Hóa cách đây hơn 700 năm.

Hội Cổ Nhơn - thú chơi tao nhã ngày xuân

Vùng đất võ Bình Định luôn rộn ràng mỗi dịp xuân về, bởi nơi đây còn lưu giữ rất nhiều lễ hội truyền thống mừng xuân, như hội chợ Gò (Tuy Phước), hội đua thuyền, bài chòi, hội Đống Đa (Tây Sơn)… Trong đó, trò chơi dân gian, độc đáo Cổ Nhơn là thú vui tao nhã của người dân Bình Định dịp đầu xuân năm mới.

Gốc tích thú chơi Cổ Nhơn

Chưa có tài liệu sử sách nào ghi lại nguồn gốc xuất xứ của trò chơi Cổ Nhơn, những người chơi hội Cổ Nhơn đều nói trò chơi này đã có từ lâu, truyền qua nhiều đời. Theo nhà nghiên cứu Đặng Quý Dịch, trò chơi Cổ Nhơn xuất phát từ thời nhà Nguyễn, du nhập vào Bình Định. Qua thời gian, Cổ Nhơn ở Bình Định có nhiều thay đổi, phát triển và thành món ăn tinh thần của người dân nhiều vùng ở địa phương này. Trò chơi có một ban tổ chức, gọi là Hội xổ Cổ Nhơn. Hội này chịu trách nhiệm ra đề, thu tịch và sẽ chung tiền cho những người giải đáp chính xác. Tỷ lệ chiến thắng 1 đồng nhận 25 đồng. 

Ghi Cổ Nhơn 

20 thg 2, 2014

Nơi tu tiên ở Cần Thơ

Đạo Cao Đài được thành lập năm 1926, nhưng trước đó vào năm 1920 trong một lần cầu cơ ông Ngô văn Chiêu đã gặp Cao Đài tiên ông. Từ thời điểm đó, ông Ngô văn Chiêu và nhóm bạn đã hình thành nhóm tu, dù chưa hình thành tư tưởng tôn giáo chính thức.

Thật bất ngờ, 13 năm trước khi ông Ngô văn Chiêu cầu cơ gặp Đức Cao Đài Tiên Ông, năm 1907 bên rạch Cái Khế, Cần Thơ đã có một đàn cơ cầu Tiên Phật. Phật dạy nghi thức thờ cúng, cho pháp danh các đạo hữu và từ đó lập nên chùa Quang Xuân. 4 năm sau, ngày 25 tháng 10 năm Tân Hợi 1911, đàn cơ đầu tiên lập nên phái Tiên Đàn được tổ chức tại chùa Quang Xuân, thần cơ giáng đàn đã ban kinh Phật làm nền tảng tu tiên cho phái.

Như vậy, phái Đàn Tiên Cái Khế đã tổ chức đàn cơ cầu tiên (gọi là đàn tiên) trước cả đạo Cao Đài. Thế nhưng thay vì phát triển thành một tôn giáo riêng như Cao Đài thì Đàn Tiên Cái Khế vẫn là một ngôi chùa theo Phật giáo, cho đến tận ngày nay.

Củ nghệ, củ gừng

Có một món ăn ngày Tết - là món mít non nấu nghệ - mà hình như ở quê tôi mới có, vì thế nó theo tôi suốt đời, đến mức giờ đây tôi còn nhớ cách chế biến của mẹ.


Phi mỡ heo với hành thật thơm rồi cho nước củ nghệ tươi đậm đặc cùng mít non thái vuông khoảng 4cm mỗi cạnh, đã chiên sẵn, thêm nấm đông cô, đậu hũ, gia vị rồi đổ ngập nước dừa (có thể thay nước dừa tươi bằng nước rau củ quả), đun nhỏ lửa cho thấm đều, nêm lá lốt, ăn với cơm, hoặc ăn vã. Sự độc đáo của món ăn này là do hương vị rất lạ của nghệ thấm đẫm trong miếng mít non, dậy một màu vàng sánh, rất bắt mắt.

Đến Phú Quốc mà ăn hải sản

Huyện đảo Phú Quốc của Việt Nam với những bãi Sao, bãi Dài từng được xếp vào danh sách những bãi biển đẹp nhất hành tinh (theo bình chọn của trang mạng du lịch Concierge.com) từ lâu đã là điểm đến của du khách năm châu; tuy nhiên sức hút của du lịch Phú Quốc còn ở các món ăn ngon, nhất là hải sản hết sức phong phú.

Đã trở thành một địa chỉ du lịch rất được ưa chuộng nên Phú Quốc đáp ứng được mọi nhu cầu vềẩm thực của du khách trong và ngoài nước. Các món ăn thông dụng như phở, bún bò, bánh xèo… có trong thực đơn nhiều nhà hàng, quán ăn.

Cũng không thiếu những món ăn Âu Mỹ quen thuộc như pizza, spaghetti… hoặc các thứ fastfood. Có điều đã ra đến đảo, tốt nhất là bạn hãy thưởng thức các đặc sản của người dân bản xứ.

Bánh canh Phú Quốc và các sản vật “danh trấn giang hồ”

Buổi sớm mai, sau giấc ngủ ngon lấy lại sức khỏe vì suốt ngày hôm trước đã ngụp lặn dưới làn nước xanh ngắt màu ngọc bích của những bãi biển nhiệt đới tuyệt diệu, món điểm tâm thích hợp nhất ở Phú Quốc là một tô bánh canh nóng hổi.

Tô bánh canh Phú Quốc

Mùa xuân đi hội chùa Keo

Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo. Ngày mồng 4 Tết âm lịch hàng năm, chùa Keo khai hội mùa xuân để đón khách thập phương về tham quan và dâng hương nhân dịp năm mới.

Chùa Keo là di tích lịch sử văn hóa với 2 cụm kiến trúc: chùa là nơi thờ Phật và Đền thờ đức thánh Dương Không Lộ (Không Lộ Thiền sư) - vị đại sư thời nhà Lý có công dựng chùa.

Từ bên ngoài, đi qua một sân lát đá, khách sẽ đến tam quan ngoại, hồ sen, tam quan nội với bộ cánh cửa cao 2 m, rộng 2,6 m, chạm rồng mẹ và rồng con chầu nguyệt. Văn bia và địa bạ chùa Keo còn ghi lại diện tích toàn khuôn viên chùa rộng khoảng 58.000 m², gồm nhiều ngôi nhà làm thành những cụm kiến trúc khác nhau. Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 18 công trình, gồm 133 gian xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Đó là các công trình kiến trúc tiêu biểu như: Tam quan, chùa Phật, điện Thánh, gác chuông, hành lang, khu tăng xá… Toàn bộ công trình đều làm bằng gỗ lim và là nơi được các nghệ nhân điêu khắc thời nhà Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo. 

Chùa Keo từ bên ngoài đi vào khu Tam Quan 

Thăm làng chiếu Định Yên

Định Yên là làng nghề có trên trăm năm tuổi bên bờ sông Hậu của tỉnh Đồng Tháp. Với người dân vùng ĐBSCL, chiếu Định Yên là sản phẩm văn hoá thiêng liêng, chất lượng cao và độc đáo bởi chợ chiếu Định Yên chỉ nhóm họp vào ban đêm.

Do chợ chiếu Định Yên nhóm họp với thời gian, không gian và phương thức mua-bán hết sức ngẫu hứng… nên còn được gọi là “chợ ma”. Chiếu “chợ ma” có khi nhóm trên sông, có khi trên bờ, rồi lúc sớm-khi muộn ứng theo con nước lớn nước ròng của sông Hậu, nhưng nhóm họp nhiều nhất tại khu vực cổng sân chùa An Phước (An Phước cổ tự, xã Định Yên).

Làng nghề thu hút trên 4.000 lao động ở hai xã Định An và Định Yên tham gia các công đoạn nhuộm, phơi lác, dệt, vận chuyển…Hiện, chiếu Định Yên được tiêu thụ khắp mọi miền đất nước và xuất khẩu sang nhiều quốc gia trong khu vực và châu Âu với tổng sản lượng trên 2 triệu chiếc/năm, doanh số trên 150 tỷ đồng.

Nhiều khả năng doanh số cũng như thị phần này sẽ tiếp tục tăng nhanh sau sự kiện Làng nghề dệt chiếu Định Yên được công nhận là “Di sản văn hoá Phi vật thể" cấp quốc gia. 

Lát, loài cỏ thân 3 cạnh là nguyên liệu chính làm ra chiếu Định Yên 

Chợ hoa bên sông Tiền

Chợ hoa xuân Vĩnh Long thường nhóm họp từ 23 Tết, là một trong những chợ hoa xuân quy mô, điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài nước đánh giá là đẹp và đặc biệt nhất trong các chợ hoa xuân ở miền Tây Nam bộ.

19 thg 2, 2014

Giàn Gừa: cây mênh mông nhất!

Có một loài cây mà nghe tên cứ tưởng chừng như sai chính tả, đó là cây GỪA.

Gừa (tên khoa học là Ficus Microcarpa) là một loài cây mọc hoang dọc bờ sông, suối, kênh rạch ở các tỉnh phía Nam (nhiều nơi có địa danh rạch Gừa, như ở Cần Thơ, Bến Tre, Bạc Liêu...). Đây là loài có thân gỗ, cao 15-20 m, có rễ phụ mọc ra từ thân và các cành trên cao. Các rễ này mọc dài ra, đâm xuống đất để hút nước và chất dinh dưỡng nuôi cây. Sau khi tiếp đất, các rễ phụ ngày càng to ra, trông như các khúc thân chống xuống đất làm cho cây thêm vững chắc.


Có một cây gừa vừa được phong cây di sản quốc gia vào tháng 6/2013 (cây di sản quốc gia đầu tiên ở miền Nam). Đó là cây gừa ở ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.


Rộn ràng bến xuân kênh Tẻ

Năm nào cũng vậy, từ 25 Tết, dọc theo kênh Tẻ đường Trần Xuân Soạn, đoạn từ cầu Rạch Ông kéo dài đến gần cầu Tân Thuận (Q.7, TP.HCM), những ghe hoa từ miệt vườn bắt đầu tấp bến, tụ thành chợ hoa xuân ven sông.

Tấp nập, đông vui và màu sắc nhất vẫn là bến hoa gần cầu Rạch Ông. Ghe hoa, trái cây từ Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Long An …chen nhau san sát, rộn ràng một bến sông. Người ta mang về chợ xuân lề đường mỗi năm chỉ có vài ngày đủ loại hoa, trái cây, gà, sản vật miệt vườn phục vụ nhu cầu sửa soạn Tết của người dân thành phố. 


Bánh canh hẹ ở Phú Yên

Miền Trung là nơi có nhiều loại bánh canh ngon nổi tiếng cả nước. Ở Huế có bánh canh cá tràu ngon nức tiếng, ở Bình Định có bánh canh chả cá đã được nhiều người biết và vào đến Phú Yên thì có món bánh canh hẹ gần như đã “nằm lòng” với mọi người gần xa. Du khách đến Phú Yên, một lần được thưởng thức bánh canh hẹ, dù trên các quán ở đường phố Tuy Hòa hay trong gia đình người thân đều tấm tắc khen ngon.

Bánh canh hẹ nấu sườn non. Ảnh: Tuyết Thắng 

Nhớ tôm chua Huế

Tôm chua Huế có cái gì đó riêng lắm, riêng đến nỗi nếu ai lần đầu được ăn cũng cảm thấy ngai ngái khó chịu nhưng nếu đã là người gắn bó lâu năm với Huế, được ăn thường xuyên thì đều xem nó như món “ruột”. Cái hương vị cay cay nồng nồng của con tôm “âm tính” này sẽ làm cho những người xa Huế lâu năm nhớ quay nhớ quắt, nhất là những ngày mưa dai dẳng.

Ăn tôm chua Huế không thể thiếu thịt ba chỉ luộc và rau sống. Ảnh: Tuyết Thắng 

Theo một số người có kinh nghiệm thì cách làm tôm chua Huế không cầu kỳ nhưng kỹ. Điều quan trọng là tôm phải tươi sống, nếu chọn được con tôm sống ở vùng phá Tam Giang hay đầm Cầu Hai thì món ăn càng ngon hơn. Tất cả các bước thực hiện phải theo thứ tự đúng công thức. Các gia vị đi kèm để biến con tôm thành món tôm chua đúng điệu phải có đủ bộ như riềng, gạo nếp, muối, tỏi, đường đều phải đúng liều lượng cần thiết.

Chùa Hưng Thiện ở Bạc Liêu

Chùa Hưng Thiện tọa lạc tại ấp Phú Tòng, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, cách trung tâm thị xã khoảng 8km về hướng đông. Đầu năm 2008, chùa đã khởi công dựng tượng Quán Thế Âm Bồ tát có tổng chiều cao 43,5 mét. Đến cuối năm 2013, việc dựng tượng đã hoàn thành. Đây có thể được xem là pho tượng Quán Thế Âm lớn nhất Bạc Liêu hiện nay.

Tượng Quán Thế Âm Bồ tát một tay cầm bình cam lồ, một tay bắt ấn niệm kinh chú, đứng trên tòa sen với những cánh sen màu hồng nhạt.

Lễ hội Lăng Ông Dung Ngọc Hầu

"Nhớ về thăm lại Trà Ôn, tháng Giêng mùng 4 giỗ Ông Ngọc Hầu!” là lời nhắn nhủ mọi người dân khu vực nầy nhớ đến tham dự lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn tại thị trấn Trà Ôn tỉnh Trà Vinh. Đây là lễ hội đầu năm duy nhất diễn ra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ao sen trước sân lăng Ông. 

Lễ hội diễn ra liên tục trong ba ngày ba đêm, bắt đầu từ sáng mồng 2 tết Nguyên đán hằng năm. Phần lễ trang trọng với nghi thức cổ truyền. Phần hội rôm rả với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân gian, nổi bật nhất là cuộc thi gói bánh tét - đặc sản đặc sắc của đồng bào lưu vực sông Cửu Long. Ngày tết Nguyên đán, dù thiếu vật thực nào cũng được người dân nơi đây bỏ qua, nhưng nhất thiết phải có những đòn bánh tét cúng rước ông bà đón xuân mới. Ngày hội gói bánh tét có sự tham gia của đông đảo bà con địa phương, đều là những người giỏi tay nghề, biễu diễn nghệ thuật ẩm thực cổ truyền của gia đình mình trước sự dự khán của khán giả mộ điệu.

18 thg 2, 2014

Thành phố hoa miền sông nước

Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) vốn được mệnh danh là “vương quốc hoa” ở đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 14-10-2013, Sa Đéc chính thức “lên” thành phố, tỉnh Đồng Tháp ngay lập tức triển khai kế hoạch xây dựng Sa Đéc trở thành một thành phố du lịch với sản phẩm chủ đạo là hoa.

Trồng hoa trên nước lũ - Ảnh: Hữu Tiến

Người dân ở vùng đất 300 năm tuổi này đang rạo rực chờ đón một thành phố ngập tràn hoa từ đường phố ra ruộng lúa hòa quyện với sông nước hữu tình. Một thành phố hoa lãng mạn nằm giữa đôi dòng sông Tiền, sông Hậu và ở giữa có sông Sa Đéc nối TP.HCM và Kiên Giang đi xuyên qua chắc chắn sẽ hình thành trong tương lai rất gần.

Ngày Xuân gặp người lưu giữ hồn Huế

Ngày xuân, mời các bạn đi tham quan "bảo tàng nhà rường tại gia" của nghệ nhân Nguyễn Màn, một lão nông vẫn ngày đêm say mê sưu tập và tìm cách phục chế nhà rường, góp phần lưu giữ “hồn Huế” trên đất cố đô.

Gian nan học nghề

Bước vào tuổi 82, nghệ nhân Nguyễn Màn (thôn Thạch Căn, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) đã có 50 năm trong nghề phục chế nhà rường. Buổi đầu ông chỉ là một người thợ mộc, vì kế mưu sinh mà phải tha phương cầu thực khắp nơi. Những bước chân không mỏi trên đường mưu sinh qua mỗi miền đất, đã giúp ông thấy rõ không chỉ những ngôi nhà rường cổ kính ở Huế mà cả ở Hội An (Quảng Nam) đang mai một từng ngày. Ông tâm sự: “Những năm sau giải phóng, tui thấy ở phố Bao Vinh (Huế) nhiều ngôi nhà rường người ta dỡ bỏ không thương tiếc. Nhiều vì kèo tui tìm thấy trong... lò đốt bánh mì mà xót lắm!” 

Chơi suối Đá Giăng

Suối Đá Giăng nằm cách trung tâm TP. Nha Trang (Khánh Hòa) 35 km về phía tây nam, kề bên đường lên đỉnh Hòn Bà, một di tích của bác sĩ Yersin thuộc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Từ Cam Ranh ra hoặc Nha Trang vào đến Suối Dầu rẽ về hướng tây và đi men theo dòng suối bên trái khoảng 15 km thì đến, đường rộng, ô tô hoặc xe máy đều đến tận nơi.

Dòng suối này xuất phát từ vùng núi Hòn Bà; ở độ cao 300 mét (so với mực nước biển) hai dòng suối Đá Hàn và suối Cá nhập lại đổ ra hướng đông. Cũng dòng suối đó, đoạn lòng suối trải rộng với những bãi đá nằm giăng ngang, trải dọc này được gọi là suối Đá Giăng, đoạn dưới hẹp, hai bờ phủ đầy lau lách được gọi tên suối Lau và đoạn cuối ra gần quốc lộ 1 thì mang tên suối Dầu. Càng đi ngược lên thượng nguồn, dòng nước càng chảy xiết, nhiều đoạn tạo thành những thác nước nhỏ, trắng xóa.

Chùa Đất Sét

Thành phố Sóc Trăng có hai ngôi chùa Khmer nổi tiếng là chùa Dơi và chùa Chén Kiểu. Nhưng du khách đến địa phương nầy ai cũng háo hức tìm đến một ngôi chùa Việt cũng nổi tiếng không kém: đó là chùa Đất Sét, di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Sóc Trăng.

Tam quan chùa Đất Sét. 

Chùa Đất Sét, tên chữ là Bửu Sơn Tự, tọa lạc tại số 286 đường Tôn Đức Thắng, khóm 1, phường 5, thành phố Sóc Trăng. Người dân địa phương gọi tên chùa Đất Sét không phải vì nó được xây dựng hoàn toàn bằng đất sét, mà chính vì vật kiến trúc, thờ tự trong chùa được hoàn thành bằng loại vật liệu rẻ tiền, đơn giản là đất sét. Đó mới là điều tài tình và kỳ công của nghệ nhân làm ra nó.

Kỳ thú ghềnh đá Bàn Than

Huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) có hai địa danh mà bất cứ du khách nào đến đây đều rất thích là biển Rạng (xã Tam Quang) và ghềnh đá Bàn Than (xã Tam Hải). Cả hai địa danh này cách nhau chưa đầy 6km và đều nằm ở phía đông thị trấn Núi Thành khoảng 10km.

«
          Cách thành phố Tam Kỳ chừng 40km về hướng đông nam, ghềnh đá Bàn Than nằm ven theo đường bờ biển Thuận An, nơi con sông Trường Giang đổ ra cửa biển Tam Hải.
                  »
Vậy là một hành trình bụi ngẫu hứng ngoài dự kiến dẫn chúng tôi đến Núi Thành. 5h sáng, chúng tôi bắt đầu xuất phát từ thị trấn Núi Thành. Dọc theo con đường Quốc lộ 1, qua đoạn đường nối 619 đi xã Tam Quang, sau 10 phút đi xe máy, chúng tôi đã có mặt ở Biển Rạng.

Không giống những nơi khác, Biển Rạng không đông đúc, không ồn ào, nó bình lặng, thơ mộng, huyền ảo như một nàng công chúa vẫn còn đang ngái ngủ, đưa nhẹ cánh tay vén tấm rèm trắng đón những tia nắng mặt trời long lanh đầu tiên trong ngày. Yếu ớt, nhẹ nhàng nhưng lại lung linh đến mê hồn như chính cái tên của nó. Biển Rạng có nghĩa là một khung cảnh đẹp đẽ nhất, tuyệt vời nhất, rạng rỡ nhất trước những tia nắng bình minh đầu tiên rọi xuống thế gian. Hình ảnh đôi tình nhân cùng dắt tay nhau đi trên ghềnh đá, cùng tắm biển vui đùa thỏa thích trong một không gian chỉ có 2 người và trời đất khiến chúng tôi không thể không nghĩ Biển Rạng như một món quà thiên nhiên vô giá được đặt tại đó để làm sinh sôi, nảy nở cho những mối tình cảm đẹp đẽ của con người.

Thú vị lễ hội ‘ngoại tình hợp pháp’ ở Việt Nam

Ngày 16 (âm lịch) hằng năm, đồng bào Ma Coong ở Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) lại tổ chức đêm hội đập trống cầu mưa thuận gió hoà, ngô lúa tốt tươi, người người khỏe mạnh. Đặc biệt dịp này mọi người có thể hẹn hò, tình tự “hợp pháp” với nhau.

Lễ hội đặc biệt

Đúng dịp cuối tuần, đường xá thông suốt nên lễ hội năm nay đón lượng khách đổ về nhiều hơn mọi năm. Không chỉ có dân các bản ở xã Thượng Trạch, Tân Trạch mà các bạn Lào và người Kinh ở các nơi cũng đến tham gia lễ hội với dân bản.

Lễ hội quan trọng nhất của người Ma Coong diễn ra theo những quy định rất nghiêm ngặt và chặt chẽ, thường có hai phần là phần Lễ và phần Hội.

Chuẩn bị chiếc trống cho đêm lễ hội

9 thg 2, 2014

Những chiếc cầu ở miền Tây

Hai Ẩu làm hướng dẫn viên cho du khách nước ngoài tham quan miền Tây Nam bộ. Chỉ những chiếc cầu tre lắc lẻo, Hai Ẩu nói:

Cầu tre là nét đặc trưng của miền Tây Nam bộ. Đó là những thân tre được bắc qua kinh, qua rạch để làm cầu. Hình ảnh chiếc cầu tre thân thương đã đi vào ca dao, lời ru của má, như:


Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi

Cầu tre còn đi vào lời ca, như

Làng tôi, nghe đu đưa mấy nhịp cầu tre
Làng bên, băng qua kinh nối tình miền quê.


Tình rừng

Đối với người Việt, rừng không chỉ là vàng, mà còn được ví như lá phổi xanh của đất nước. Để tìm hiểu vai trò, ý nghĩa đặc biệt của những cánh rừng trong các khu vườn quốc gia đối với cuộc sống hôm nay và ngày mai, chúng tôi đã thực hiện một chuyến xuyên rừng quốc gia Xuân Sơn (thuộc huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Chuyến đi tới những điểm đến mới lạ đã mang lại cho chúng tôi khá nhiều cảm xúc.

Qua rừng cọ, đồi chè

Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ, đồi chè đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát…

Những đồi chè Thanh Sơn như chạy tới tận chân trời

Đặc sắc Lễ hội Gầu tào

Lễ hội Gầu tào của đồng bào Mông ở thôn Gì Thàng, xã Thải Giàng phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai diễn ra từ ngày mùng 3 đến 6 Tết.


Tết Giáp Ngọ 2014 là năm thứ ba Lễ hội Gầu tào, còn gọi là Lễ hội Say sán được tổ chức, cũng là năm cuối theo chu kỳ tổ chức lễ hội của đồng bào Mông ở địa phương.
Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Mông, với những nghi thức, hoạt động văn hóa - văn nghệ dân gian, thể dục - thể thao dân tộc đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc, nguyên sơ, độc đáo, đặc sắc.

8 thg 2, 2014

Khám phá cảnh đẹp Bình Lập

Cách Nha Trang khoảng 90km và cách trung tâm thành phố Cam Ranh khoảng 30km, Bình Lập, một thôn nhỏ của xã Cam Lập đang được giới du lịch chú ý bởi nơi đây có hai bãi biển rất đẹp và một làng chài nằm dưới chân núi khá nên thơ.


Ngày trước, muốn đến Bình Lập phải đi ghe mất hai tiếng từ Cảng Ba Ngòi bởi thôn này nằm biệt lập với đất liền, sau lưng là núi bao bọc, trước mặt là biển khơi mênh mông. Dân cư sống rải rác trên ba khu vực là Bãi Ngang, Bãi Lao và Tàu Bể.

Từ năm 2007, con đường dài hơn mười cây số nối liền từ xã Cam Lập vào tận làng Tàu Bể, điểm cuối cùng của Bình Lập mới được xây dựng. Con đường này còn có một nhánh rẽ đi vào tỉnh Ninh Thuận dọc theo biển.

Hoa trong món ăn Việt

Ngày xuân xin kể hầu bạn đọc vài thứ hoa trên bàn ăn người Việt, từ món vua ngự cao sang ở cung đình đến mâm cơm dân dã thơm mùi gạo mới.

Đầu tiên là hoa thiên lý Xuân - Hè ba miền đều có. Hoa thiên lý dùng nấu canh, là món ăn dân dã mà sang trọng. “Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh thiên lý, nấu chè hạt sen”, nghĩa là hoa thiên lý nằm trong các món bổ, tráng dương.

Hoa thiên lý còn dùng xào với thịt bò, làm rau sống nhúng lẩu. Hoa thiên lý phải hái lúc sáng sớm, màu hoa còn xanh mướt, lúc đó vị hoa sẽ ngọt hơn. Canh thiên lý chỉ nấu một nhúm hoa thôi, hương đã tỏa thơm ngát, đã khiến người thưởng thức hứng khởi lạ thường. Thịt heo nạc băm nhỏ, hay tôm tươi lột nõn, điểm thêm ít măng vòi, bắp non, rau tập tàng, nêm tiêu, hành, mắm ruốc cho vừa ăn, xào thịt hay tôm xong mới bỏ hoa thiên lý vào.


Món Tết của người Sài Gòn

Những món ăn trong dịp Tết của người Sài Gòn gồm thịt kho hột vịt ăn kèm dưa giá, canh khổ qua hay củ kiệu ăn với với tôm khô. Và tất nhiên, không thể thiếu món bánh tét cùng các loại mứt đặc trưng ở xứ này.

Miếng thịt kho nước dừa cho vào miệng đã tan mềm, có vị mặn và ngòn ngọt này rất thích hợp với dưa giá muối chua cùng lá hẹ và cà rốt sau một đêm 

Người Sài Gòn không có khái niệm “cỗ tết” như người Hà Nội. Do vậy, vào dịp này, người ta thường làm những món ăn đơn giản hơn ngoài Bắc, để được lâu vì còn dành thời gian “chơi Tết”.

7 thg 2, 2014

Ngôi đền thờ Ông Bà Chủ Chợ

Tam quan của ngôi đền thờ Ông Bà Chủ Chợ. 

Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên vì sao ông bà chủ một cái chợ lại được lập đền thờ. Ấy vậy mà ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) có một ngôi đền như thế. Đó là đền thờ ông bà Đỗ Công Tường hay còn gọi ông bà chủ chợ Cao Lãnh. Ngôi đền rất cổ kính, trang nghiêm, nằm ngay khu trung tâm, trên đường Lê Lợi thuộc phường 2, thành phố Cao Lãnh.

Ông Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh. Người sinh quán ở miền Trung đến lập nghiệp tại làng Mỹ Trà dưới triều Gia Long vào năm Đinh Sửu (1817). Với đức tính cần cù, chịu khó, ông bà đã khai khẩn đất hoang, trồng được một vườn quít khá lớn, cây trái sum suê.

Xe ngựa - dấu ấn văn hóa vùng Bảy Núi

Cũng như con trâu và chiếc xuồng với người đồng bằng sông nước, từ xa xưa, bà con người dân tộc vùng Bảy Núi - An Giang đã gắn bó với con bò và ngựa. Và không biết tự bao giờ, những chiếc xe ngựa đã trở thành hồn và sức sống của vùng đất này.

Những chiếc xe ngựa kiểu dáng thô sơ trên vùng Bảy Núi - Ảnh: H.Vũ

Bảy Núi - An Giang là một vùng bán sơn địa. Từ xa xưa, nơi đây toàn là rừng rậm âm u, núi rừng hiểm trở. Ngày nay, Bảy Núi gồm hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn đã trở thành đô thị miền núi văn minh và lịch sự và là điểm đến của nhiều tour du lịch sinh thái tuyệt vời nhờ có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều di tích lịch sử và một nền văn hóa đậm đà bản sắc dận tộc, nổi bật là lễ hội đua bò và hoạt động của loại hình xe ngựa trên vùng Bảy Núi.

Làm bánh nhúng ăn tết

Không biết bánh nhúng có tự bao giờ, xuất xứ từ đâu, nhưng đối với người dân miền sông nước Cửu Long, đây là loại bánh truyền thống không thể thiếu trong dịp giỗ chạp hay ngày tết.

Những chiếc bánh nhúng vàng ươm, giòn, ngọt thơm đầy hấp dẫn - Ảnh: T.Tâm

Không cầu kỳ hoa mỹ, đúng như tên gọi chân quê của người dân miền Tây, chỉ cần nhúng bột vào khuôn và cho vào chảo dầu đang sôi chín vàng là đã có được chiếc bánh mang tên bánh nhúng.

Làm bánh nhúng rất dễ dàng và nhanh gọn. Chỉ cần có các nguyên liệu giản đơn, dễ tìm như trứng gà, đường cát, bột mì, bột gạo, nước cốt dừa, mè rang và một ít muối là đủ. Nói thế nhưng để có chiếc bánh đẹp, giòn ngon, hợp khẩu vị cũng cần phải có những bí quyết riêng.

6 thg 2, 2014

Hoang dã lễ pơ thi miền biên viễn

Dưới những tán cây bằng lăng cổ thụ quanh nhà mồ, tiếng cồng chiêng trầm hùng ngân vang hòa lẫn tiếng khóc than ai oán, tiếng người í ới mời gọi nhau uống rượu cần, tiếng thở phì phò của trâu bò đang bị cột để chuẩn bị cho bữa tiệc lớn của buôn làng… 

Đó là khung cảnh đầy màu sắc, hoang dã trong ngày lễ pơ thi (lễ bỏ mả) của đồng bào Jrai ở làng Pi, xã Ia O, huyện biên giới Ia Grai (Gia Lai) mà tôi được chứng kiến. 

Người làng Pi cùng uống những ché rượu cần trong lễ pơ thi - Ảnh: Tiến Thành


Đêm tất niên trên đỉnh Mã Pì Lèng

“Em muốn uống trà mật ong Quản Bạ, ăn bát phở gà Tráng Kìm, cà phê trên thảm cỏ xanh Yên Minh, ngắm hoa hồng Phó Bảng, ăn xôi gà trên dốc Sủng Là, tất bật với Đồng Văn…”, đọc Facebook của bạn ngày cuối năm, đêm tất niên trên đỉnh Mã Pì Lèng lại xốn xang trở về... 

Bạn đồng hành trên đỉnh Mã Pì Lèng - Ảnh: Đức Hùng

Đã bao nhiêu lần đi qua Mã Pì Lèng (Hà Giang), tôi không đếm nữa. Con đèo mà người bạn Tày so sánh độ hiểm nguy như "một con chuột béo chạy qua mũi một con mèo đói". Một hình ảnh so sánh khiến tôi bật cười, quên đi cái nôn nao trong dạ bởi sự xoắn xuýt của cung đường.

Lễ hội nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Lễ hội nàng Hai hay còn gọi là nàng Trăng là một trong những lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở Cao Bằng. Lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân, gắn với tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ, với ước mong về mùa màng tươi tốt, con người sinh sôi nảy nở. Hiện lễ hội này vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn tại xã Tiên Thành (huyện Phục Hòa) và xã Kim Đồng (huyện Thạch An).

Mới đây, trong khuôn khổ của Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc – di sản văn hóa Việt Nam” diễn ra tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), lễ hội Nàng Hai của đồng bào dân tộc Tày ở Cao Bằng đã được tái hiện sinh động, thu hút đông đảo người xem.

Theo tín ngưỡng dân gian người Tày, trên cung Trăng có Mẹ Trăng và 12 nàng tiên là con các Mẹ Trăng, hàng năm chăm lo, bảo vệ mùa màng và cuộc sống cho dân chúng ở trần gian. Lễ hội Nàng Hai là cuộc hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống vui hội trần gian, giúp dân việc đồng áng, mùa màng bội thu, muôn nhà hạnh phúc.

Trai bản đưa lễ vật ra cúng tại miếu thổ công để mời Mẹ Trăng xuống trần cầu mùa, cầu phúc.

5 thg 2, 2014

Bánh tổ

Người dân Quảng Nam dù có tha phương sống ở bất cứ nơi đâu, đến ngày tết cổ truyền dân tộc vẫn không quên món bánh tổ.

Chưa có ai biết chính xác nguồn gốc của bánh tổ có từ đâu, người Quảng Nam thì bảo đây là loại bánh làm ra để cúng tổ tiên, ông bà trong ngày đầu năm mới nên gọi là bánh tổ. Cũng có truyền thuyết cho rằng bánh tổ do mẹ Âu Cơ làm ra phân phối cho đàn con thay lương khô mang theo để ăn khi lên rừng, xuống biển.

Bánh tổ xuất hiện ở Hội An (Quảng Nam) vào giữa thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17 cùng thời với sự hình thành các khu phố cổ và nhanh chóng lan rộng trong cộng đồng người dân Quảng.


Những di tích cổ xưa ở Quảng Yên

Được bao bọc bởi Hải Phòng, Hạ Long, Uông Bí, thị xã Quảng Yên dường như có chút “lép vế” vì mọi sự chú ý của du khách đã bị hút về ba thành phố náo nhiệt kia. Thế nhưng nếu có một ngày thong thả ở đô thị hai trăm năm tuổi này, người ta sẽ tìm thấy những khoảnh khắc đẹp và thật yên bình.

Hai cây lim giếng Rừng, chứng tích còn lại của khu rừng cung cấp gỗ vót cọc cắm trên sông Bạch Đằng xưa

Hơn hai thế kỷ trước, trấn lỵ Quảng Yên bên dòng sông Chanh đã được nhà Nguyễn lập nên. Nền nông nghiệp trù phú và giao thương thuận lợi mang lại cho vùng đất này sự giàu có về cả di tích vật thể lẫn phi vật thể.

Đặc sắc lễ hội chùa Minh Khánh

Nằm ở trung tâm thị trấn Thanh Hà, chùa Minh Khánh là một trong những kiến trúc cổ đẹp nhất Hải Dương. Đặc biệt, công trình gần ngàn năm tuổi này gắn liền với những dấu ấn về vua Trần Nhân Tông, vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm. Bảo vật quý nhất của chùa là chín hạt xá lợi, tương truyền là xá lợi của chính đức Phật hoàng.

Bước qua tam quan ba tầng mái độc đáo, du khách thấy mình tách biệt hẳn cuộc sống phố thị để bước vào một không gian cổ kính, thanh tịnh. Khuôn viên chùa khá rộng. Sân chùa có một con đường đá dài thẳng đến tiền đường và điện tổ, nơi có tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được tạc khắc công phu. 

Chùa Minh Khánh có quy mô to lớn, gồm tam quan ba tầng, mái chồng diêm, tiền đường, tam bảo, điện Phật, nhà tổ, giải vũ, nhà tăng, nhà khách… tất cả là 84 gian trên mặt bằng 14 ngàn mét vuông.

Phía sau còn có hai dãy hành lang nối thẳng vào điện thờ Phật. Ngoài ra còn là các kiến trúc khác như nhà tăng, nhà khách, vườn hoa.

Tam quan chùa cổ kính

4 thg 2, 2014

Chùa Prés on Prés Buôl Prés Phék

Chùa Prés on Prés Buôl Prés Phék hay còn được gọi là chùa Bốn Mặt, tọa lạc tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 7km theo hướng Quốc lộ 1A đến ngã 3 An Trạch, rẽ phải đi về huyện Kế Sách.

Tượng Phật Bốn mặt 

Theo một số tư liệu lưu lại, chùa được xây dựng vào năm 1537, có diện tích 65.000 m². Tổng thể kiến trúc ngôi chùa bao gồm: chánh điện, sala, đường nội bộ, sân, thư viện, trại để ghe ngo, nhà ở cho các vị sư, tháp để tro cốt người chết và lò hỏa táng,... Hơn 470 năm hình thành và phát triển, Chùa Bốn Mặt đã trải qua 20 đời trụ trì và hiện nay trụ trì chùa là Thượng tọa Thạch Boene.

Âm thanh của tre nứa còn mãi với thời gian

Anh vào rừng sâu tìm những ống lồ ô.  Anh chọn ống to căng no gió núi. Anh lựa ống nhỏ chứa tròn tiếng suối.  Về làm đàn Ting gling. Anh treo thành dàn trên rẫy.  Anh giăng thành dãy trên nương. Nước suối kéo cần đung đưa ống đàn.  Cho những âm thanh vui rừng ấm núi ....

Đấy là những ca từ mở đầu của ca khúc Ting gling - Đàn suối khá nổi tiếng của Nhạc sỹ A Đủh phổ thơ của Tạ Văn Sỹ. Ca khúc này đã được Đoàn nghệ thuật dân tộc Kon Tum dàn dựng đi tham gia và giành được Huy chương vàng tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Ting gling - là tên gọi theo tiếng đồng bào Ba Na về một loại đàn nước (thủy cầm), ngoài Ting gling, ở Kon Tum còn có Klong put của người Xơ Đăng, Đing Tut của người Giẻ-Triêng - ba loại nhạc cụ dân gian truyền thống được làm từ những ống lồ ô, ống nứa đơn giản, khiêm nhường, mọc hoang dã tự nhiên ở các cánh rừng, với ba cách sử dụng khác nhau là gõ, vỗ và thổi tạo ra những âm thanh vô cùng quyến rũ làm nên bản sắc độc đáo của các tộc người bản địa ở Kon Tum - những tiếng vọng trường tồn của thời gian từ đại ngàn hùng vĩ.

Vỗ đàn Klong put

Bảo vật quốc gia - Trống đồng đền Hùng khẳng định vị thế tổ tiên

Trong gần 1.000 trống đồng Đông Sơn được tìm thấy, trống đồng đền Hùng nổi bật lên vì ngoài kỹ thuật luyện kim đúc đồng và chế tác tinh xảo thì vị trí tìm được trống đặt ra nhiều câu hỏi thú vị cho giới nghiên cứu.

Trống đồng đền Hùng được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ - Ảnh: Hoàng Long 

Trong suốt thời kỳ đô hộ, người phương bắc không bao giờ ngừng nghỉ mục tiêu làm người Việt quên đi nguồn gốc của tổ tiên để dễ bề đồng hóa, thôn tính. Tuy nhiên, theo TS Trần Văn Đạt, người dành rất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu trống đồng Đông Sơn, “sự hiện diện của các cổ vật có niên đại thời kỳ Đông Sơn, trong đó tiêu biểu là trống đồng Đông Sơn đã xác minh những bằng chứng không thể chối cãi về nguồn gốc và nền văn minh cổ xưa của người Lạc Việt mà phương bắc cố tình che đậy, ngụy tạo”.

Bảo vật quốc gia - Bia Sùng Khánh và chuông Bình Lâm

Bia đá chùa Sùng Khánh cũng như chuông chùa Bình Lâm đã thoát sự phá hoại của thời gian và giặc Minh, nay được gọi theo tên các di tích gốc của chúng. Cả hai ngôi chùa có bảo vật quốc gia này đều là những di tích nhà Trần hiếm hoi còn lại ở vùng biên cương Tổ quốc.

Chuông chùa Bình Lâm 

Chùa Sùng Khánh hiện ở H.Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, được xếp hạng di tích quốc gia năm 1993. Địa thế của ngôi chùa rất đẹp, phía sau lưng dựa vào núi, mặt quay về hướng đông. Chùa Sùng Khánh được xây dựng năm 1356. Người có công lao to lớn đã gây dựng và để lại cho muôn đời sau một di sản văn hóa vô cùng quý báu đó chính là một vị tướng thời vua Trần Dụ Tông, đời vua thứ 7 của nhà Trần, trị vì từ năm 1341 đến 1369.

Bảo vật quốc gia - Tấm bia tôn vinh Phật pháp thời Lý

Bia Sùng Thiện Diên Linh là bức tranh chữ đồ sộ nhất tôn vinh Phật pháp thời Lý. Nó cũng phản ánh khá đầy đủ về đời sống xã hội no ấm của vương triều này.

Bia Sùng Thiện Diên Linh tại chùa Long Đọi Sơn, xã Đọi Sơn, H.Duy Tiên, Hà Nam - Ảnh: Hoàng Long 

Lý Nhân Tông lệnh tạo tác và ngự đề

Truyền thuyết của vùng Đọi Sơn cho biết đây là đất phát tích đế vương với câu phương ngôn Đầu gối núi Đọi. Chân dọi Tuần Vường. Phát tích Đế vương. Lưu truyền vạn đại. Vua Lý Nhân Tông trên đường kinh lý nhìn thế núi, thế đất đã cho xây dựng chùa và tháp Sùng Thiện Diên Linh cao 13 tầng trên đỉnh núi.

Bảo vật quốc gia - Tấm bia quý thời Lý

Tấm bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (Tuyên Quang) cho thấy chính sách dân tộc của nước ta xưa kia.

Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc - Ảnh: Lý Thịnh 

Những năm 1980, khu vực chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, còn gọi là chùa Khuân Khoai, thật khó đến do dốc lên dựng ngược, cây cối rậm rạp che khuất, toàn bộ nền chùa bị che phủ... Vì thế, người dân địa phương rất ít lên đó. Nhưng họ vẫn truyền miệng cho nhau nghe về một tấm bia đá ở khu vực phía nam đồi Khuân Khoai. “Sau đó, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đã mở một cuộc điều tra. Họ tìm được tấm bia bằng đá xanh xám mịn. Bia cao 1,45 m; rộng 0,8 m; được đặt trên lưng một con rùa. Chính giữa trán bia khắc 6 chữ: Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi”, TS Trần Anh Dũng, Viện Khảo cổ nhớ lại.