30 thg 8, 2018

Khám phá Bảo tàng Hải Dương học Nha Trang

Viện Hải dương học là cơ sở nghiên cứu đời sống sinh vật biển ra đời sớm nhất Việt Nam và là cơ sở bảo tàng và nghiên cứu về biển lớn nhất Đông Nam Á.

Viện Hải Dương học nằm tại địa chỉ số 1, Cầu Đá, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được thành lập năm 1922 thời Pháp thuộc
 
Đến thăm Viện, du khách sẽ được tham quan Bảo tàng sinh vật biển với trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loại sinh vật biển đã được sưu tầm, lưu giữ từ nhiều năm

Du khách sẽ chiêm ngưỡng hàng trăm loài sinh vật biển nhiệt đới có vẻ đẹp quyến rũ như cá mao tiên – nàng “công chúa biển” có tua vây lả lướt, được lấy làm biểu tượng của Viện Hải Dương học

Những chú cá nàng đào rực rỡ sắc màu

Cùng vô số loài san hô sống tuyệt đẹp được nuôi giữ trong bể nước mặn

Hải quỳ ống - còn gọi là cây dừa biển. Chúng bắt mồi bằng cách sử dụng các tua râu mảnh mai có chất nhầy để bắt các sinh vật bơi lơ lửng bên trên. Khi gặp nguy hiểm, chúng thu mình vào trong ống để lẩn tránh

Trai tai tượng vảy khổng lồ có lớp vỏ kỳ dị, trông như hằng trăm chiếc lá lớn nhiều màu sắc xếp lớp lên nhau

Cá ngựa có giá trị dược phẩm cao bị khai thác quá mức nên số lượng đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Cá ngựa đực có một túi trước bụng để mang thai và ấp trứng giúp cá ngựa cái

Cá khoang cổ sống cộng sinh với hải quỳ; khi cá tìm được thức ăn thì mang về tổ chia cho hải quỳ, lúc cá gặp nguy hiểm hải quỳ ôm lấy bảo vệ cá hoặc tiết ra chất độc để giết chết kẻ thù của cá

Cá mặt quỷ có hình thức ngụy trang đặc biệt, hòa lẫn vào môi trường khiến kẻ thù khó nhận biết

Tôm hùm gai sống trong các rạn san hô, giao tiếp với nhau bằng cặp râu đầy gai, khi gặp kẻ thù có thể phát ra âm thanh bằng cách chà xát râu vào lớp vỏ để cảnh báo

Con so là loài giáp xác được gọi là cua nhưng có nhiều đặc điểm gần với nhện và bò cạp hơn, chúng được xem như một hóa thạch sống vì hình dạng và kích thước hầu như không thay đổi suốt 400 triệu năm qua

Đặc biệt, bảo tàng đang trưng bày một di vật lịch sử tự nhiên vô cùng quý giá là bộ xương cá voi lưng gù khổng lồ dài gần 18m, cao 3m, nặng 10 tấn đã bị chôn vùi trong lòng đất ở đồng bằng sông Hồng hơn 200 năm

Bò biển (Dugong) còn có tên gọi khác là mỹ nhân ngư - nhân vật chính trong truyền thuyết nàng tiên cá, là loài thú biển quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng


Du khách sẽ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập gồm hàng trăm mẫu vật lớn của các sinh vật biển như rùa da, hải cẩu, cá mập, cá voi... 

Bên cạnh những mẫu vật sống đang được nuôi thả trong bể, khách tham quan còn có cơ hội tìm hiểu bộ sưu tập mẫu sinh vật biển lớn nhất Việt Nam với khoảng 20.000 mẫu thuộc 5.000 loài sinh vật ở biển Đông được sưu tầm, lưu trữ từ năm 1922.

Trong công viên có mô hình một cột mốc chủ quyền trên đảo, nhằm mục tiêu giáo dục cộng đồng về an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

Mô phỏng tái hiện ngọn hải đăng trên đảo Trường Sa.

Đỗ Thành Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét