14 thg 11, 2017

Thành Xích Thổ trong hệ thống thương cảng Vân Đồn

Thương cảng Vân Đồn được coi là Thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt hình thành từ thời Lý (vua Lý Anh Tông, năm 1149) có sự liên kết mật thiết không thể tách rời của các khu vực, tiểu vùng trong hệ thống. 

Theo một số nhà nghiên cứu, hệ thống Thương cảng Vân Đồn được chia làm 3 khu vực: Khu vực thứ nhất cũng là khu vực trung tâm, gồm các tiểu vùng Cống Đông - Cống Tây; Cái Làng và vùng đảo Ngọc Vừng. Khu vực thứ hai hình thành tại các vùng cửa sông và đảo ven bờ thuộc thương cảng Vân Đồn gồm các tiểu vùng: Yên Hưng, Cửa Lục - Bãi Cháy (Hạ Long), Cửa Ông (Cẩm Phả), Cái Bầu (Vân Đồn) kéo dài đến vùng địa đầu Tiên Yên - Vạn Ninh (Móng Cái), đóng vai trò cung cấp và luân chuyển hàng hoá từ trung tâm kinh tế đối nội ra khu vực cảng đối ngoại, bảo đảm an ninh cho các cảng biển, trung tâm chính trị, kinh tế trong nội địa, đồng thời đón nhận và tiêu thụ, điều phối hàng hoá của khu vực thứ nhất. Khu vực thứ ba đóng vai trò là vùng kinh tế đối ngoại phía Nam của Đại Việt và cảng trung chuyển của trung tâm kinh tế phía Đông Bắc tức Vân Đồn. 


Một góc tường thành Xích Thổ thuộc xã Thống Nhất, Hoành Bồ vẫn còn tồn tại đến ngày nay. 

Nằm trong khu vực thứ hai, giữa tiểu vùng Cửa Lục - Bãi Cháy, gần Bến Gạo Rang thuộc thôn Xích Thổ, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ có một địa điểm vụng biển đẹp, nước sâu và kín gió thông với Cửa Lục có chiều dài hàng trăm mét. Tại đây đã xuất lộ dày đặc các mảnh sành sứ các loại, với niên đại khác nhau từ thế kỷ XIII-XVII. Ngoài ra, ở đây còn có dấu tích của một toà thành được xây bằng đất, đắp theo địa thế tự nhiên, nhân dân trong vùng thường gọi là thành nhà Mạc (ngày nay thành mang tên gọi theo tên địa danh của thôn gọi là thành Xích Thổ).

Thành Xích Thổ được coi là căn cứ địa, đại bản doanh của quân đội ta lúc bấy giờ. Do địa thế gần kề với Vịnh Cửa Lục nên quân đội nhà Mạc tập trung lúc này là đội quân thuỷ binh tinh nhuệ. Vịnh Cửa Lục không những là cứ điểm an toàn của binh thuyền, mà còn là nơi án ngữ cho cả vùng căn cứ địa Hoành Bồ hiểm trở. Sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn viết: “Thành cổ... ở xã Xích Thổ, huyện Hoành Bồ, đắp bằng đất, bốn mặt đều 25 trượng, cao 1 trượng 1 thước, sâu 2 trượng... Có thuyết nói thành đều do nhà Mạc đắp”. Những hiện vật tìm thấy tại khu vực thành cổ bao gồm: Gạch vồ kích thước 0,27x0,28x0,14m; gạch in hoa nổi hình vuông mỗi cạnh 0,6m; những mảnh bát đĩa sứ trang trí men màu xanh chàm và vô số những mảnh lon sành, hũ sành các cỡ, đều mang đặc điểm của các di vật thời Lê - Mạc, chứng minh niên đại tồn tại và chủ nhân của toà thành đúng như điều sử sách đã chép và nhân dân truyền tụng. Với địa hình là đồi núi gồ ghề, người xưa đã dựa theo thế đất tự nhiên nối các đỉnh gò cao làm tường thành giúp quân lính có thể tuần tra từ trên cao, tận dụng khe núi để mở cửa, đào ngòi thông với vịnh để vừa làm hào ngoài vừa làm đường giao thông đi lại. Cửa chính của thành quay theo hướng Nam, hướng ra Vịnh Cửa Lục. Mặt ngoài tường thành đều được gia cố bằng kè đá, có dùng vôi vữa làm chất kết dính. Đá xây kè là đá tảng đánh từ các núi đá vôi gần đó hoặc là những hòn cuội có sẵn ở ven vịnh. Đây là địa bàn rất thuận lợi của thuỷ quân. Giữ được vịnh cũng có nghĩa là giữ được cả một vùng Quảng Yên rộng lớn phía sau. Thành Xích Thổ chính là một căn cứ rộng lớn, công sự tiền tiêu quan trọng. Dấu tích của Chuồng Voi tại đây cũng chứng minh đơn vị đóng quân ở đây lớn. Sự xuất hiện của gạch trang trí hoa tại di tích chứng minh sự có mặt của một kiến trúc sang trọng trong thành. Người chỉ huy đơn vị đóng trong thành có thể có quan tước không thấp.

Thành nhà Mạc có thể có ở nhiều nơi, song toà thành nhà Mạc xây dựng được như thành Xích Thổ không nhiều. Thành Xích Thổ được coi như một toà thành điển hình về mặt kỹ thuật kiến trúc của quân đội nhà Mạc. Trong giai đoạn phát triển hưng thịnh nhất của Thương cảng Vân Đồn kéo dài từ thời Lý, Trần đến thời Mạc, thành Xích Thổ ít nhiều có tầm ảnh hưởng trong việc bảo vệ an ninh thông thương hàng hoá trước khi vào trung tâm Thương cảng, gắn liền với sự phát triển của Thương cảng.

Mặc dù hiện nay thành Xích Thổ chỉ còn là phế tích, nhưng với những giá trị lịch sử quan trọng vốn có, thì đây là địa điểm cần thiết phải được bảo vệ trong giai đoạn hiện nay, từ đó mới có điều kiện để phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này.

Nguyễn Trung Dũng (BQL các Di tích trọng điểm Quảng Ninh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét