27 thg 11, 2017

Lễ mừng nhà mới của người Cơ Tu

Lễ mừng nhà mới là nét văn hóa đặc sắc trong kho tàng văn hóa của đồng bào người Cơ Tu được trao truyền qua nhiều thế hệ. Với các nghi lễ mang đậm những nét đặc trưng, đây là hoạt động sinh hoạt cộng đồng thể hiện tính nhân văn sâu sắc giữa con người với con người cùng chung sống, cùng giúp đỡ chung tay xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp. 

Khi dựng nhà xong, người Cơ Tu tổ chức Lễ mừng nhà mới, trước là để cảm tạ Giàng đã che chở sau là để cảm ơn mọi người trong buôn làng đã góp công, góp của giúp gia chủ dựng được ngôi nhà mới. Với họ thời điểm đẹp nhất để làm lễ là sau ngày rằm 3 ngày. Buổi lễ luôn bắt đầu vào buổi sáng bởi theo quan niệm buổi sáng là dương thể hiện cho sự sinh sôi phát triển của vạn vật.

Các nghi thức chính trong Lễ mừng nhà mới bao gồm: Lễ tế vật sống, Lễ tảy rửa nhà; Cầu phúc, tạo lửa cho nhà mới; Lễ cảm ơn những người thợ, góp công làm giúp nhà mới; Thợ cầu phúc cho chủ nhà; Ăn mừng nhà mới…

Theo quan niệm của người Cơ Tu, cây nêu như là cầu nối giữa Giàng trên trời với dương gian. Trong những nghi lễ bắt buộc mọi người phải dựng cây nêu để mời các vị thần qua cây nêu về trần.

Người Cơ Tu ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tái hiện Lễ mừng nhà mới, hay còn gọi là Lễ Moot DDooong tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Người Cơ Tu chuẩn bị lễ vật cho Lễ mừng nhà mới rất cẩn thận.

Người Cơ Tu làm lễ Cầu bếp lửa với những câu khấn cầu mong bếp luôn đỏ lửa, gia đình được ấm no, sung túc.

Những lễ vật chín được dâng lên cúng cho những vị thần bảo trợ cho người Cơ Tu.

Nghi thức quan trọng nhất trong Lễ mừng nhà mới là khấn cầu xin vào ở được người Cơ Tu gọi tên là Cha Pannee’ch abo’h.

Dân làng mang theo quà đến chung vui cùng gia chủ.

Trong Lễ mừng nhà mới những người thợ dựng nhà cũng mang đồ đến dự và làm lễ tặng quà cho gia đình. 

Việc tế sống vật hiến tế được thực hiện dưới bóng cây nêu ở chân cầu thang ngôi nhà mới. Đây là thủ tục bắt buộc để mời các Giàng về nhà. Thông thường con vật được chọn hiến tế là con lợn và con gà trống. Tiếp theo là nghi lễ tẩy rửa, xua tà ma ẩn trong các vật liệu làm nhà. Chủ nhà và chủ lễ sẽ cầm những đoạn cây dài đi vào trong ngôi nhà. Họ đi vòng quanh, vung cây xua đuổi tà ma cũng là dọn chỗ cho sự tốt lành tới. Sau đó chủ lễ sẽ làm nghi thức cầu phúc, tạo lửa cho nhà mới. Họ sẽ dọn 3 mâm lễ vật ra giữa nhà để chủ lễ sẽ đọc lời khấn. Ba mâm lễ vật này dành cho các vị Giàng trên trời, vị Giàng nhà cửa và 1 mâm dành cho tổ tiên ông bà.

Tiếp đến là nghi thức cảm ơn thợ và những ai đã góp công làm giúp nhà. Chủ nhà sẽ mời mọi người ngồi vào mâm rồi thực hiện nghi lễ trao, nhận lễ vật. Tiếp đến những người thợ làm nhà sẽ làm lễ cầu phúc cho gia chủ. Thông thường họ mang đến 1 con lợn, 1 chum rượu mía, 5 thùng nếp để cầu phúc cho chủ nhà gặp nhiều may mắn, có được ngôi nhà mới bền lâu, mạnh khỏe, no đủ.

Sau những nghi lễ trịnh trọng, người Cơ Tu sẽ múa điệu múa Tung Tung-Za Zá truyền thống ngay trong ngôi nhà mới để mở đầu cho phần ăn mừng. Tất cả các thành viên trong nhà cùng khách mời sẽ liên hoan và múa hát. Hoạt động này thường kéo dài hết một ngày để thể hiện niềm vui của mọi người khi dựng xong ngôi nhà mới to đẹp.

Mọi người cùng nhảy múa quanh cây nêu trước cửa ngôi nhà mới dựng.

Những cô gái trong điệu múa Tung Tung-Za Zá đặc biệt của người Cơ Tu.

Mọi người cùng múa hát trong ngôi nhà mới như là những lời chúc phúc cho gia chủ gặp nhiều may mắn khi vào sống trong ngôi nhà mới.

Thông thường Lễ mừng nhà mới sẽ diễn ra trong một ngày, một đêm. Đây như là dịp để dân bản thắt chặt thêm tình nghĩa láng giềng, cùng chung tay xây dựng bản làng ngày thêm tươi đẹp. 

Vào thời điểm kết thúc Lễ mừng nhà mới, gia chủ sẽ chia quà cho mọi người mang về. Một lần nữa mọi người sẽ cùng tham gia múa điệu múa Tung Tung - Za Zá. Điệu múa thân thuộc với người Cơ Tu này như lời chúc tốt đẹp nhất gửi tới gia chủ cầu mong khi sinh sống trong ngôi nhà mới gia chủ sẽ gặp nhiều may mắn, khấm khá và bình an.

Bài và ảnh: Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét