21 thg 11, 2017

Bảo vật triều Nguyễn trong cung Nam Phương Hoàng hậu

Công chúng yêu lịch sử đất nước không khỏi trầm trồ trước những nét thẩm mỹ, tinh tế mang nhiều giá trị văn hóa độc đáo của các hiện vật trong Triển lãm Bảo vật cung đình triều Nguyễn. Càng ý nghĩa hơn khi triển lãm được trưng bày trong không gian di tích kiến trúc - văn hóa Dinh Nguyễn Hữu Hào (còn gọi là Cung Nam Phương Hoàng hậu) thuộc Bảo tàng Lâm Đồng, nhạc phụ của Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. 

Các món bảo vật có niên đại từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 do các nghệ nhân trong cung Nguyễn chế tác tinh xảo đã được gia đình vua Bảo Đại mang từ Huế vào Đà Lạt từ sau 1945. Thời gian này, vua Bảo Đại sau khi thoái vị được người Pháp trao quyền quản lý vùng cao nguyên Trung phần (địa bàn Tây Nguyên hiện nay - PV) với xứ Thượng Nam Đông Dương.

Bảo tàng Lâm Đồng đã tiếp nhận 124 hiện vật của triều Nguyễn từ Kho bạc Nhà nước do Sở Tài chính Lâm Đồng bàn giao và đã được các chuyên gia giám định cổ vật thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thẩm định, xác minh thông tin về niên đại, chất liệu chế tác, ý nghĩa giá trị lịch sử, văn hóa và lập hồ sơ khoa học cho từng hiện vật.

Dinh Nguyễn Hữu Hào (còn gọi là Cung Nam Phương Hoàng hậu) thuộc Bảo tàng Lâm Đồng là nơi trưng bày Triển lãm Bảo vật cung đình triều Nguyễn.


Khách tham quan tìm hiểu lịch sử triều Nguyễn qua hình ảnh tư liệu về các vị vua triều Nguyễn.

Triển lãm Bảo vật cung đình triều Nguyễn gồm 36 hiện vật tiêu biểu cùng với không gian trưng bày hình ảnh tư liệu về triều Nguyễn. 

Cung Nam Phương Hoàng hậu nằm yên ả trên một ngọn đồi thấp phía sau Bảo tàng Lâm Đồng, cũng như cuộc đời thầm lặng của bà hoàng hậu có vẻ đẹp phúc hậu, khả ái phảng phất nét duyên của phụ nữ Nam Bộ. Không gian trưng bày trong Cung Nam Phương Hoàng hậu càng trở nên lắng đọng với các hiện vật mà những thành viên của hoàng tộc đã sử dụng trong đời sống hàng ngày, hoặc các hiện vật gắn liền với nhiều sự kiện liên quan đến triều Nguyễn.

36 hiện vật được chọn để trưng bày tại Triển lãm Bảo vật cung đình triều Nguyễn là chừng ấy dấu ấn văn hóa của cả một triều đại phong kiến vốn đã chứng kiến biết bao biến thiên trong lịch sử dân tộc theo quy luật vận động của lịch sử. Theo ông Phạm Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, nhiều hiện vật trưng bày tại Triển lãm được xếp vào nhóm độc bản, duy nhất có ở Bảo tàng Lâm Đồng, được chế tác thủ công đẹp mắt, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.

Anh Nguyễn Bá Đại, du khách đến từ Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Triều Nguyễn là triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam và đã có công lao trong công cuộc mở cõi của dân tộc. Những bảo vật quý giá cùng những tư liệu lịch sử trong cuộc triển lãm giúp tôi hiểu sâu hơn về triều Nguyễn khi nhiều giá trị văn hóa trong mỗi bảo vật còn vẹn nguyên đến tận ngày hôm nay. Tôi cảm phục những nghệ nhân cách đây hàng thế kỷ với trình độ chế tác tinh xảo, đạt đến độ duy mỹ và hơn cả là thể hiện đậm nét dấu ấn của một triều đại”.

Ngoài những hiện vật mang giá trị văn hóa dân tộc trong triều đại nhà Nguyễn, Triển lãm Bảo vật cung đình triều Nguyễn còn trưng bày các hiện vật mang tính chất “ngoại giao” rất độc đáo, thuộc các đời vua nhà Thanh (Trung Quốc), như: bát ngọc, lọ ngọc, bình ngọc; hay một số hiện vật xuất xứ từ châu Âu, như bộ nấu ăn bằng đồng, bình rượu ngọc, đĩa ngọc…

Triển lãm Bảo vật cung đình triều Nguyễn được giới thiệu đến công chúng đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thưởng lãm tại Bảo tàng Lâm Đồng trong các dịp lễ lớn như Quốc khánh 2/9, Festival Hoa Đà Lạt....Đây là cơ hội tìm hiểu về triều Nguyễn thông qua các hiện vật lịch sử độc đáo.

Thẻ bài ngọc do vua Khải Định ban cho Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy, mặt trước khắc nổi 4 chữ Hán” “Khải Định trân bảo”, mặt sau khắc nổi 5 chữ Hán: “Đông cung Hoàng Thái tử”.

Đài sen do ngự xưởng chế tác được dùng trang trí thư phòng của cung đình triều Nguyễn.


Đỉnh ngọc có tính thẩm mỹ rất cao.

Cù lao dùng để nấu nước.

Lọ ngọc, một hiện vật mang tính chất “ngoại giao” độc đáo xuất xứ từ thời nhà Thanh (Trung Quốc).

Tượng Kỳ Lân.

Tượng Ngựa mẹ con.

Tượng Voi.

Tượng Hươu.

Bát ngọc do ngự xưởng chế tác dùng trong bữa ăn của cung đình triều Nguyễn.

Bát ngọc có màu xanh ngọc bích rất đẹp.

Muỗng do ngự xưởng chế tác sử dụng trong các buổi yến tiệc cung đình triều Nguyễn.

Ly ngọc bọc vàng.

Nghiên mực bằng ngọc.

Đồ gia dụng sử dụng trong cung đình triều Nguyễn, xuất xứ châu Âu, quà tặng ngoại giao với triều Nguyễn. 


Triển lãm Bảo vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng gồm 36 hiện vật tiêu biểu cùng với không gian trưng bày hình ảnh tư liệu về kiến trúc cung đình Huế, các vị vua triều Nguyễn trong các buổi thiết triều, 13 đời vua triều Nguyễn. Các hiện vật được trưng bày theo từng nhóm chủ đề như: Đồ trưng bày, tế lễ (lư hương, linh vật, bình phong); Đồ vật thuộc “văn phòng tứ bảo” (bút, nghiên, giấy, mực); Đồ dùng trong nhà bếp (chén, bát, tô); Vật dụng trang trí (lọ hoa, bình hoa, ly)…

Bài và ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét