21 thg 11, 2017

Phia Oắc, để nhớ một rừng rêu...


Những căn nhà do người Pháp xây dựng từ ngót một trăm năm trước, trong thời gian khai thác quặng quý trên dãy Phia Oắc, giờ đã trở thành những bảo tàng sinh thái phong rêu. Rêu xanh và rêu đỏ. Với Phia Oắc, cảm giác như mỗi thân, cành cây nghều ngào kia đều là tay chân của đàn hoang thú đầy lông lá đang và sẽ còn nhảy nhót.

Kho báu Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng được chia làm ba nhánh chính, một trong những hướng khám phá yêu thích của du khách trong và ngoài nước là miền rừng núi đẹp như ảo mộng của Phia Oắc - Phia Đén và rừng Trần Hưng Đạo...









Khu bảo tồn Phia Oắc - Phia Đén là nóc nhà của toàn vùng Đông Bắc nước ta, là điểm đến hấp dẫn đặc biệt với du khách. (Ảnh: Lãng Quân). 

Nằm cách Hà Nội chừng hơn 350km, cách tỉnh lỵ Cao Bằng khoảng 60km, Phia Oắc đúng là một cõi núi rừng, một vùng tiểu khí hậu ôn đới của “ngàn năm tiên cảnh”. Con đường hơn 10km từ chân lên đỉnh núi cao nhất vùng Đông Bắc này vòng vèo mơ mộng, càng lên cao, sơn kỳ thuỷ tú càng trải ra vút tầm mắt.

Với đỉnh cao 1.931m so với mực nước biển, giống như Sa Pa, Tam Đảo hay Ba Vì, Phia Oắc đang lưu giữ nhiều biệt thự, công trình do người Pháp xây dựng từ ngót một trăm năm trước, giờ đã trở thành những bảo tàng sinh thái phong rêu. Rêu xanh và rêu đỏ. Chúng được bảo tồn nguyên trạng, kể cả những hầm hào địa đạo đào Vonfram thuở trước. 






Những công trình phong rêu, rêu xanh và rêu đỏ của người Pháp để lại trên lưng chừng hệ thống núi Phia Oắc. Đây cũng là các điểm đến của Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng. (Ảnh: Lãng Quân) 

Tôi từng viết trong lần đầu lên với Phia Oắc cách đây hơn chục năm: “Trời đất ban cho Phia Oắc một tiểu vùng khí hậu, hệ động thực vật giống như ở cõi thần tiên nào đó. Chúng tôi đi mướt mải trong những rừng cổ thụ phủ đầy rêu. Có cảm giác như mỗi thân cây là một kho tàng, một cuốn lịch biên niên của mấy trăm năm gió lớn, băng giá, nắng nỏ. Tất cả đã gọt mài vào đó, cảm giác mỗi cây nghều ngào thân cành kia đều là một con thú đầy lông lá đang sắp nhảy nhót. Các nhà khoa học gọi đó là “rừng rêu”, rừng của miền khí hậu ôn đới”.

Và bây giờ, tháng 11 năm 2017, cùng đoàn cán bộ Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng đi kiểm tra và chăm sóc từng chi tiết, từng điểm quan sát cho điểm đến hấp dẫn của Công viên địa chất toàn cầu, lại chợt gặp một mùa rêu mới. Rêu ánh lên, rực sắc, dày xốp và mộng mơ. Rêu trên các thân cổ thụ được ủ trong gió lạnh và sương mù ấy có thể khiến người ta gặp một lần rồi cứ thế mà nao lòng nhớ mãi. 













Chính đoàn cán bộ văn hóa, nhà báo, nghệ sỹ đi khảo sát rừng ôn đới thường xanh Phia Oắc cũng phải ngẩn ngơ vì mùa rêu rực vàng với những cái cây mượt như nhung và nghều ngào như quái thú của năm 2017. (Ảnh: Lãng Quân) 

Lãng Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét