14 thg 11, 2017

Nét đẹp trong trang phục truyền thống của người Dao Thanh Phán

Trang phục của người Dao Thanh Phán ở Quảng Ninh rất đẹp bởi được thêu từ những sợi len với đủ các màu sắc và hoa văn, ẩn chứa chiều sâu văn hóa độc đáo.

Theo Nghệ nhân ưu tú Diềng Chống Sếnh (thôn 3, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà), một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Thanh Phán khá cầu kỳ, gồm quần, áo, thắt lưng, mũ đội đầu được thêu tỉ mỉ, tinh tế. Áo dài tay xẻ tà của phụ nữ Dao Thanh Phán,ở bên vạt áo thường được thêu hoa văn sóng nước, hình núi, hình chữ Vạn, hoa hồi 8 cánh, và các đường viền chạy song song, luôn là những cặp màu tương sinh trong thuyết ngũ hành. Áo cắt theo kiểu mở ngực, ống tay dài, gấu áo xẻ hai bên, nẹp cổ to thêu họa tiết trang trí ở phía cổ và trước ngực. Ở phần ngực, gấu áo, tay áo, gấu quần được nối thêm vải màu đỏ, rồi đến một đoạn được khâu bằng các đường chỉ màu trắng. Phần trước ngực được đắp miếng vải thêu những hoạ tiết đặc sắc, bắt mắt. Nội y ở ngực thêu hoạ tiết về mặt trời xen giữa là núi đồi, cỏ cây, hoa lá cách điệu chạy vòng xung quanh.

Nghệ nhân ưu tú Diềng Chống Sếnh, thôn 3, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà (thứ hai, phải sang), hướng dẫn kinh nghiệm may, thêu trang phục dân tộc Dao Thanh Phán. 


Phụ nữ Dao Thanh Phán thường mặc ống ngố hoặc quần lửng, thêu hình chân chó và hình chim gấp. Hình móng chân và chân chó được thêu ở hàng đầu tiên, từ trên xuống của gấu quần. Chân con chó phản ánh tín ngưỡng thờ vật tổ là Bàn Vương (theo truyền thuyết gọi là con long khuyển có mình dài ba thước, lông đen vằn vàng, mướt như nhung, từ trên trời giáng xuống trần đầu thai làm người, sinh hạ được 12 người con chia ra 12 dòng họ khác nhau). Thêu họa tiết này ở gấu quần, người Dao Thanh Phán tin rằng tổ tiên luôn đi theo để phù hộ, tránh được mọi tai ương, bất trắc. Họa tiết đôi chim luôn được thêu các cặp màu tương sinh trong ngũ hành thể hiện mong ước sự sinh sôi.

Mũ xếp đội đầu của phụ nữ Dao Thanh Phán được làm cầu kỳ nhất, tốn nhiều thời gian, công sức nhất. Chiếc mũ có hình vuông, cao khoảng 30cm, mỗi một chiếc mũ được cấu tạo bởi 110-120 tấm vải được thêu viền màu đỏ và xếp chồng lên nhau, xen giữa các tấm vải là lần xốp mềm (thường, phụ nữ trẻ làm mũ cao hơn người già). Lúc đi rừng, mũ được quấn thêm một lần vải hoa đỏ bên ngoài để tránh bụi bẩn. Cô dâu còn đội thêm một chiếc khăn thêu cầu kỳ kín từ ngoài vào trong và có buộc vài sợi chỉ đỏ cùng với hạt cườm.

Học sinh người Dao Thanh Phán, huyện Bình Liêu được khuyến khích mặc trang phục dân tộc vào thứ hai hằng tuần và các ngày lễ. 

Cũng theo Nghệ nhân ưu tú Diềng Chống Sếnh, để thêu được một bộ trang phục của người Dao, đặc biệt là trang phục nữ là không hề đơn giản. Muốn thêu theo kiểu truyền thống phải có những sợi chỉ màu và cây kim thêu to bằng cây tăm, dài chừng 5cm. Khó nhất là thêu những họa tiết hình sông núi, sóng nước… trên áo, đòi hỏi người thêu phải rất tinh tế, công phu. Hơn nữa, nghề thêu đều do “mẹ truyền, con nối”, chứ không có sách vở nào dạy. Kỹ năng thêu là thách thức bắt buộc với người phụ nữ Dao để đánh giá sự trưởng thành.

Mỗi hoạ tiết trên trang phục của người Dao Thanh Phán là cả một câu chuyện mà người thêu muốn gửi gắm. Màu sắc và họa tiết thêu trên trang phục phản ánh tín ngưỡng, quan niệm và đời sống văn hóa của người Dao Thanh Phán. Màu sắc được chọn là các màu xanh, đỏ, vàng, trắng kết hợp thêu trên nền vải màu đen, hội đủ ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa thổ. Đồng bào Dao Thanh Phán tin rằng, khi mặc trên mình bộ áo sặc sỡ thì thú dữ nhìn thấy sẽ tránh đi, không dám đến làm hại. Các họa tiết hoa văn còn phản ánh đời sống văn hóa của người Dao: Chiếc bừa dùng trong canh tác lúa, hoa đậu đũa trên nương, hoa sâm, hoa kiệu, ruộng bậc thang, v.v..

Phụ nữ Dao Thanh Phán và Dao Thanh Y huyện Tiên Yên trong một cuộc thi thêu trang phục dân tộc. 

Nhìn chung, phụ nữ Dao Thanh Phán Quảng Ninh còn bảo tồn nhiều nét trang phục truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, ở mỗi nơi, trang phục của người Dao Thanh Phán lại có chút khác biệt. Ở huyện Tiên Yên, phụ nữ Dao Thanh Phán thường cạo trọc đầu, mũ hình hộp chữ nhật xếp bằng nhiều lớp vải chồng lên. Phụ nữ Dao Thanh Phán ở huyện Hoành Bồ lại để tóc dài và không đội mũ. Áo của họ tương đối ngắn, ít hoa văn, may hơi mở ngực. Người Dao Thanh Phán ở Hoành Bồ thêu thêm chim công ở vạt trước. Dây lưng cũng vậy, nếu ở Tiên Yên được làm bằng vải in hoa thì ở Hoành Bồ lại được làm bằng lụa nhiều màu chập lại...

Huỳnh Đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét