6 thg 11, 2017

Tam giác mạch - Thần chú của cao nguyên đá - Bài 1

Bản “lý lịch” của nàng Lọ Lem


Những ngày này, lên cao nguyên đá Hà Giang cứ có cảm giác gợi nhớ một câu thần chú trong truyện cổ. 

Hoa tam giác mạch - Ảnh: Trần Bảo Hòa

Có điều không phải “Vừng ơi...” mà là “Tam giác mạch ơi, mở ra!”. Kho báu ấy đang hiển hiện trên chập chùng đồi nương, sắc hoa trắng hồng ánh lên kiêu hãnh giữa xám đen đá núi...

Gần năm năm trước, chúng tôi lên Hà Giang làm phim tết cho Truyền hình Tuổi Trẻ về loài hoa này.

Khi nhờ Khang, cán bộ Tỉnh đoàn Hà Giang, vốn là dân bản địa thông thuộc địa bàn, dẫn đường đến những vùng dân trồng nhiều tam giác mạch, Khang hỏi lại: “Hoa tam giác mạch là gì anh? Bọn em chưa thấy!”.

Nhắc lại câu chuyện cũ này bởi mấy hôm trước khi chúng tôi từ Cao Bằng chuẩn bị qua Hà Giang, cũng chính Khang thông báo cho chúng tôi: “Đồng Văn đang tắc đường, các anh khoan sang vội”. “Sao tắc đường thế chú?”. “Thì tại... hoa tam giác mạch đó!”.

Thật không thể hình dung vẻ đẹp kiều mị của loài hoa này giờ đây lại quyến rũ thiên hạ đến thế, nói theo cách của những bạn trẻ là “sốt xình xịch cùng tam giác mạch”.

Những đứa trẻ trên cánh đồng tam giác mạch - Ảnh: Trần Bảo Hòa

Từ loài rau trồng để nuôi lợn...

8g tối của ngày đầu tuần, sau khi vượt cung đường hiểm trở từ Cao Bằng xuyên qua Bảo Lạc, Bảo Lâm, Mèo Vạc, qua đèo Mã Pí Lèng, thị trấn Đồng Văn đón chúng tôi bằng cái lạnh cố hữu về đêm của mình.

Đang là thứ hai đầu tuần, đã tránh “giờ cao điểm” cuối tuần nhưng những khách sạn của Đồng Văn vẫn kín phòng.

Đêm lạnh cao nguyên không gì thú vị bằng một nồi lẩu gà Mông và vài chén rượu ngô. Thụ, chủ quán ăn Âu Việt ở trung tâm thị trấn, nhận ra chúng tôi là khách quen, vội nói: “Có món độc để cho các anh thưởng thức đấy!”.

Nói rồi đích thân chủ quán vào bếp mang ra một rổ rau đặt cạnh nồi lẩu đang sôi sùng sục, mỉm cười: “Lần đầu các anh được ăn rau này, em chắc luôn!”.

Nhìn những chồi rau mơn mởn, tôi buột miệng: “Tưởng gì, rau diếp cá này dưới xuôi thiếu gì!”. “Diếp cá nào? Anh cứ thử xem có tanh không?”. Tôi nhặt cọng rau tươi nhấm nhấm, hơi chua, ngai ngái vị rừng núi.

Thụ cười: “Đã bảo các anh chưa ăn rau này bao giờ mà! Rau tam giác mạch đó!”. Ôi trời! Đúng là lần đầu chúng tôi ăn món lẩu với rau tam giác mạch.

Nhưng từ năm năm trước, câu chuyện về cây tam giác mạch với anh chàng người Mông tên Mùa Nọ Hờ ở bản Lủng Cẩm Trên của xã Sủng Là đâu có đặc biệt và trang trọng, như cách mà chàng chủ quán lẩu đang dành cho những vị khách quen của anh.

Năm năm trước, khi dừng chân bên ruộng tam giác mạch ở Sủng Là, xuýt xoa vì vẻ đẹp lộng lẫy của hoa, Hờ cười cười nhìn mấy thằng dưới xuôi chúng tôi rồi nói rất thật: “Ơ, cái hoa này tao trồng để nuôi lợn thôi mà, mùa không có gì cho lợn ăn thì trồng cây “chez” này thôi”.

“Chez” chính là tên gọi của cây tam giác mạch trong tiếng Mông. Và công dụng của nó thì đơn giản như anh Mùa Nọ Hờ vừa nói: chỉ dùng để nuôi lợn!

Sau mùa thu hoạch lúa nương hoặc ngô vào tháng 7, tháng 8, thay vì đợi đến mùa gieo trồng năm sau, dân trên cao nguyên đá đã trồng tam giác mạch để lấy rau chăn nuôi.

Gieo hoa dày kín rồi cứ thế tỉa rau thưa dần trong đám ruộng, những cây tam giác mạch còn lại trên nương khi ấy thân đã già, không thể dùng làm rau được sẽ bắt đầu trổ hoa.

Một bông hoa bé li ti với những cánh hoa màu hồng, phớt tím hay phớt trắng có hình tam giác chụm lại như chóp nón, ôm ấp giữa tim hoa một hạt mạch. Nhưng cả triệu cành hoa như thế kết lại thành những thảm hoa rập rờn trước gió.

Những bạn trẻ đi phượt bên ruộng hoa tam giác mạch ở Thạch Sơn Thần (xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ) - Ảnh: Ngọc Quang

... Đến vẻ đẹp “công chúa” lên ngôi

Câu chuyện bên nồi lẩu rau tam giác mạch cứ thế trôi ngược về với bản lý lịch cơ hàn của nàng lọ lem những ngày chúng tôi đi làm phim từ mấy năm trước. Đâu có ngờ một ngày từ “huyền thoại đạm bạc” ấy, cây tam giác mạch của nồi rau nuôi lợn được tôn vinh như nàng “công chúa”.

Loài rau nuôi lợn ấy nay khiến du khách ngóng vọng mùa hoa. Rồi sau mùa hoa, những hạt mạch ấy sẽ thành bánh, thành rượu, thành trà... mà những sản phẩm ấy sẽ được giới thiệu trong lễ hội hoa tam giác mạch ở cao nguyên đá Hà Giang từ ngày 13 đến 15-11 tới đây.

Cho đến nay ở nước ta chỉ có Đà Lạt mới tổ chức lễ hội hoa, và lễ hội hoa Đà Lạt là nơi khoe sắc của muôn vàn loài hoa trăm hồng ngàn tía, còn trên biên ải mây mù giá rét này, có lẽ đây là lễ hội chỉ dành cho một sắc hoa duy nhất: hoa tam giác mạch.

Điểm tổ chức lễ hội hoa chính diễn ra ở thị trấn Đồng Văn, nhưng vệ tinh của lễ hội thì miên man hàng chục điểm khác theo cung đường Hạnh Phúc chạy từ cổng trời Quản Bạ, qua Yên Minh đến Đồng Văn, xuyên đèo Mã Pí Lèng sang tận Mèo Vạc với diện tích 325ha hoa.

Ở dưới xuôi, 1ha diện tích đất ruộng có thể không khiến người ta phải nghĩ ngợi nhiều, nhưng ở Hà Giang, nơi đất được gùi cõng lên để đổ vào từng hốc đá trồng tỉa, con số diện tích ấy mang một sức nặng khủng khiếp.

Và cơn sốt đi chiêm ngưỡng hoa tam giác mạch đã khiến Đồng Văn lâm vào cảnh... tắc đường như đã nói ở trên.

Vẻ đẹp hùng vĩ của cung đường uốn lượn qua chập chùng đá núi từ TP Hà Giang vào tận Đồng Văn, Mèo Vạc và đặc biệt là điểm cực Bắc đất nước: cột cờ Lũng Cú luôn mời gọi những bước chân du khách lên với Hà Giang quanh năm.

Nhưng sức hấp dẫn của cao nguyên đá phải vào chính vụ hoa tam giác mạch nở tầm từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 12. Mọi năm, đông khách đến mấy thì cũng chỉ 5.000 - 6.000 khách đến trong ba ngày cuối tuần.

Còn ba ngày cuối tuần 23, 24, 25-10 vừa rồi, Đồng Văn đón đến gần 13.000 du khách. Những tuyến đường vốn đã hẹp, lại luồn lách một bên núi dựng, một bên vực sâu khó có chỗ cho hai ôtô tránh nhau trước mật độ người và xe như thế, tắc đường là chuyện tất nhiên.

Nhưng mà câu chuyện tắc đường nơi biên ải dường như mang lại nhiều niềm vui hơn là nỗi lo. Sao lại không vui được khi có hàng vạn người lên với nơi phên giậu đất nước xa xôi thăm thẳm này?

Anh Phạm Ngọc Tám, tài xế của UBND huyện Đồng Văn, bảo: “Tôi lái xe mấy chục năm ở đây chưa bao giờ thấy cảnh tắc đường như vậy, cũng chưa bao giờ đi ôtô từ cột cờ Lũng Cú ra thị trấn Đồng Văn chưa tới 30km lại phải đi mất ba giờ!”.

Kể lể “hoàn cảnh” như vậy nhưng trong giọng nói của anh tài xế vùng cao này lại ra chiều hồ hởi.

Cũng như những người dân nơi đây, câu chuyện hàng vạn du khách “sốt xình xịch cùng tam giác mạch” tìm lên cao nguyên đá đang mở ra rất nhiều cơ hội. Không chỉ để ngắm một mùa hoa đẹp, không chỉ được đặt chân lên một điểm cực thiêng liêng của Tổ quốc...

Gần một năm nay, “chiến dịch tam giác mạch” đã mang lại một sinh khí mới trên rẻo cao miền đá Đồng Văn.

Xem toàn bộ loạt bài:

  1. Bản “lý lịch” của nàng Lọ Lem
  2. “Chiến dịch” tam giác mạch
  3. Bánh, rượu, trà... và câu chuyện tương lai!
  4. Thức dậy những mùa hoa...
  5. Giấc mơ hoa trên miền phên giậu...
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét