6 thg 11, 2017

Tam giác mạch - Thần chú của cao nguyên đá - Bài 2

“Chiến dịch” tam giác mạch

Trong khi hoa đào nở đón mùa xuân, hoa gạo bập bùng đỏ lửa mùa hạ... thì tam giác mạch lại dám nở để đón mùa đông - mà là mùa đông giá rét trên cao nguyên đá! 


Hai em bé người Mông bên vườn hoa tam giác mạch ở Quản Bạ, Hà Giang ngày 4-11 - Ảnh: Thanh Tùng

Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, anh Hoàng Văn Thịnh, khoát tay chỉ lên tấm bản đồ địa phương trên tường phòng làm việc, rê tay theo tuyến đường 4C - cung đường mang tên “Hạnh Phúc” và bảo:

“Năm 2012 chúng tôi chỉ hỗ trợ dân trồng chừng 10 ha phục vụ du lịch, cho dân bán vé thu tiền chụp ảnh chứ không ngờ sức hút của tam giác mạch với du khách kinh khủng như thế này”.


“Vào trận”

“Đấy các anh xem, chỉ riêng 11 trong số 19 xã, thị trấn của Đồng Văn dọc theo cung đường 4C này chúng tôi đã trồng được 325 ha tam giác mạch theo ba thời điểm, sao cho hoa nở gối nhau từ tháng 9 đến tết - chủ tịch Thịnh hào hứng nói - Trà 1 chúng tôi cho trồng từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 đã nở rộ, trà này chỉ chừng 50 ha để “gây men” cho du khách;

Trà 2 phục vụ chính hội, chúng tôi gieo hơn 200 ha từ giữa tháng 9 và nay đang ra lác đác hàm tiếu, chuẩn bị đến dịp chính lễ sẽ bừng rộ đồng loạt, và trà 3 gieo đầu tháng 10 sẽ cho hoa vào đầu tháng 12 đến Tết dương lịch”.

E rằng những con số về diện tích hoa tam giác mạch ấy sẽ khó cho chúng tôi hình dung về hiệu quả, chủ tịch Thịnh giải thích thêm: Đây không chỉ là chuyện trồng hoa chơi hội, mà là một bài toán lớn của Đồng Văn, rộng ra là cả Hà Giang, không phải trồng ra để chơi hội xong, tàn mùa hoa là đâu lại hoàn đấy.

Cây chiến lược vụ đông hẳn hoi, đưa hẳn vào nghị quyết!

Năm 2013 huyện đã nâng diện tích lên 50 ha tam giác mạch, nhưng đúng là sau khi tàn mùa hoa, tam giác mạch kết hạt thì sản lượng như vậy chưa đủ để sản xuất cái gì ra tấm ra miếng và cũng chưa chọn được đầu ra có tính đặc sản cho loài hoa đặc biệt này.

Mỗi hecta tam giác mạch, tùy trồng sớm hay muộn và thời tiết thuận hay không sẽ cho sản lượng từ 500kg đến 1 tấn hạt. Giá thị trường hiện nay là 20.000 - 22.000 đồng/kg hạt tam giác mạch.

Lấy giá đó nhân với năng suất bình quân, mỗi hecta cũng đã có được 15 triệu đồng/ha, con số thu nhập ấy ở cao nguyên đá này không hề nhỏ!

Mỗi vụ tam giác mạch chỉ cần thời gian hai tháng rưỡi, và quan trọng là thời gian trồng tam giác mạch chính là thời kỳ “đất rỗi”, lâu nay bà con chỉ trồng để lấy ra chăn nuôi, hạt có lấy cũng chỉ để ủ cùng với ngô cho rượu thêm thơm, hoặc xay bột làm bánh ăn chơi chứ chưa tính điều gì xa xôi cả.

Nay trồng hàng trăm hecta như vậy, nếu không cam kết đầu ra với bà con, chắc không ai dám trồng!

Khởi động từ tháng 6-2015, khi Huyện ủy Đồng Văn ra quyết định về việc “Thành lập ban chỉ đạo trồng, tham gia tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch của tỉnh trên địa bàn huyện Đồng Văn năm 2015” kèm theo đó là danh sách các thành viên của “ban tam giác mạch” với đầy đủ các ban ngành.

Việc đầu tiên là đích thân ông chủ tịch huyện cùng các thành viên của ban này về từng xã trong số 11 xã Vần Chải, Phố Cáo, Sủng Là, Thài Phìn Tủng, Lũng Phìn, Lũng Táo, Lũng Cú, Ma Lé, Sủng Trái, Phố Là và thị trấn Đồng Văn mời các hộ dân ký cam kết: huyện sẽ đảm bảo thu mua hết sản lượng hạt sau khi thu hoạch với giá như giá thị trường, ít nhất 20.000 - 22.000 đồng/kg.

Còn trong thời gian trồng hoa, bà con có quyền cho du khách vào ruộng hoa mình chụp ảnh để thu tiền.

Chưa hết, để bà con an tâm hơn, huyện quyết định hỗ trợ bà con mỗi hecta 3 triệu đồng để mua giống, chăm sóc nương hoa. Người Mông trên núi cao chỉ tin vào những gì được nhìn thấy và cam kết.

Thấy cán bộ xã đưa hạt giống, phân bón về, lại có cái dấu đỏ ký dưới tờ giấy cam kết sẽ mua hết hạt thì tin ngay. Và chỉ riêng 11 xã được chỉ đạo trồng, diện tích ban đầu dự kiến 300 ha thì nay bà con trồng lên tới 325 ha.

Bạn trẻ Hà Nội chụp ảnh bên vườn hoa tam giác mạch ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, Hà Giang - Ảnh: T.Tùng

Hoa thắm từng hẻm núi...

Hoàng Minh Đức, vốn là bí thư Huyện đoàn Đồng Văn, nay về làm bí thư xã Sáng Tủng - một xã thuộc “diện 135” (xã nghèo miền núi), nói với chúng tôi:

“Sáng Tủng không được đưa vào diện phát triển tam giác mạch trong chiến dịch này của huyện Đồng Văn nhưng người dân đã thấy lợi từ cây hoa này nên tự giác phát triển diện tích”.

Những năm trước, toàn địa bàn 15 thôn bản của Sáng Tủng chỉ có 5 - 7ha tam giác mạch, nhưng từ năm 2014 khi thấy “xu hướng” phát triển được cây tam giác mạch ở các địa bàn khác trong huyện nên người dân cũng chủ động gieo trồng tăng diện tích.

Và vụ tam giác mạch năm nay dù không phải là một trong các xã được huyện chọn, người dân vẫn mạnh dạn trồng đến 15ha.

Sùng Chúng Hờ, vốn là cán bộ xã, nắm bắt được tương lai của tam giác mạch sớm nhất nên là “người tiên phong” của Sáng Tủng, anh khuyên nhiều hộ ở xã mình phát triển diện tích cây hoa này do “dễ trồng, mau thu hoạch và có tiền ngay” mà không chờ đến quy hoạch phát triển của huyện.

Sùng Chúng Hờ cũng trồng hơn 1ha tam giác mạch, năm ngoái chỉ sau hơn hai tháng làm chơi ăn thật, anh có được 20 triệu đồng từ tam giác mạch, chưa kể tiền cho du khách “phượt” vào đây thuê nương chụp hoa!

“Cây tam giác mạch từ chỗ chỉ trồng giữ đất, lấy hạt nuôi gia súc thì nay đã có đầu ra, hạt bán cho người thu mua về làm bánh, thân cây có thể làm rau ăn, du khách đến tham quan, chụp ảnh cũng đem lại chút thu nhập cho người dân.

Đây chính là lợi ích rõ rệt nhất của việc phát triển tam giác mạch, và đương nhiên việc phát triển này nằm trong quy hoạch, định hướng của xã, của huyện nên người dân sẽ tin tưởng...” - bí thư xã Sáng Tủng Hoàng Minh Đức chia sẻ.

Ngay đêm đầu tiên trở lại Đồng Văn, ngay sau bữa lẩu rau tam giác mạch đặc sản mà chúng tôi đã kể, món tráng miệng là bánh dẻo tam giác mạch được đóng hộp với mẫu bao bì khá bắt mắt, trên hộp bánh là hình ảnh cánh đồng hoa đang nở rộ, tương tự là khai vị với chai rượu tam giác mạch cũng là một trải nghiệm riêng mà du khách nào cũng muốn nếm thử.

Sáng hôm sau, lội bộ quanh khu chợ trung tâm, hóa ra bánh và rượu tam giác mạch - những sản phẩm mới của Đồng Văn - cũng đang khan hàng, một phần do vừa trải qua đợt cuối tuần, khách lên đây ai cũng muốn mang chút quà lạ về xuôi, phần nữa những cơ sở sản xuất phải tích trữ dành cho dịp lễ hội sắp tới.

Bởi cho dù đã có dây chuyền công nghệ sản xuất bánh, sản xuất rượu nhưng công suất còn thấp, cung không đủ cầu, tất cả chỉ mới khởi đầu cho một lối đi từ cây hoa đặc sản bé bỏng này!

Và có lẽ chính những ngày xuôi ngược trên cung đường 4C, trong cái se lạnh của đất trời, trong giá buốt từ hơi đá núi, tôi chợt nhận ra vẻ đẹp kỳ diệu của tam giác mạch.

Trong khi những loài hoa khác như hoa đào với dáng vẻ gân guốc can trường nở đón mùa xuân, hoa gạo bập bùng đỏ lửa đón mùa hạ... thì tam giác mạch là loài hoa dám nở để đón mùa đông, mà lại là mùa đông giá rét trên cao nguyên đá!

Có một ngụ ngôn nào trong câu chuyện của loài hoa này khi nghĩ về tương lai của nó?

Cánh đồng hoa tam giác mạch dưới chân cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Ngọc Quang 

Ảnh: Trần Bảo Hòa

Du khách chụp ảnh bên vườn hoa tam giác mạch. Ảnh: Thanh Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét