5 thg 11, 2017

Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu: "Nàng công chúa ngủ quên trong rừng"

Du khách tham quan khu cứu hộ động vật hoang dã tại KBT. 

Có diện tích hơn 100.000 ha, trong đó hơn 50ha dành cho phát triển du lịch với gần 200 loài thực vật đại diện cho hệ sinh thái tự nhiên của toàn khu, nhưng khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu vẫn chưa phát triển được du lịch sinh thái xứng với tiềm năng sẵn có.

Thật không quá khi dùng cách nói ví von trên để nhắc đến Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. Để “đánh thức” nàng, cần lắm một chiến lược bài bản về quy hoạch, định hướng phát triển, đầu tư, kiến trúc xây dựng, bảo tồn hệ động, thực vật…

DỊCH VỤ NGHÈO NÀN

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (gọi tắt là KBT) có diện tích hơn 10.000ha, thuộc huyện Xuyên Mộc. Trong đó, phần diện tích dành cho phát triển du lịch là hơn 50ha với gần 200 loài thực vật đại diện cho hệ sinh thái tự nhiên của toàn khu.

Từ năm 2002, KBT bắt đầu mở cửa đón khách du lịch với một số sản phẩm, dịch vụ cơ bản như: 4 nhà rông với 8 phòng lưu trú; khu cứu hộ động vật hoang dã; phòng sưu tập, định danh và trưng bày tiêu bản gỗ rừng; đường băng rừng…

Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc OSC Việt Nam Travel cho biết, năm 2012, OSC Việt Nam Travel đã đưa KBT vào lịch trình tour bởi nét hoang sơ, lãng mạn của khung cảnh thiên nhiên với quần thể hàng ngàn cây tràm nước đủ mọi hình thù san sát nhau, cùng hàng dương xỉ xanh mướt rủ xuống từ trên cao.

Ban đầu, mỗi năm, DN cũng mời được vài tour cho giáo viên, HS các trường học trên địa bàn tỉnh đến cắm trại qua đêm, hoặc tham quan trong ngày. Tuy nhiên, những đoàn khách số lượng từ 30 người trở lên muốn ở lại qua đêm thì hạ tầng tại KBT không đáp ứng được vì thiếu phòng lưu trú và dịch vụ ăn uống. “3 năm gần đây, khách không còn có nhu cầu tìm hiểu thông tin điểm đến này nữa nên chúng tôi đã loại khỏi lịch trình tour chào bán cho khách”, bà Thương cho hay.

Ngoài dịch vụ thiếu thốn, công tác bảo tồn, nhân giống động vật tự nhiên chưa được chú trọng cũng là nguyên nhân khiến KBT không hấp dẫn du khách. “Đến KBT, tâm lý của du khách là háo hức chờ đón khoảnh khắc bắt gặp thú rừng nhởn nhơ kiếm ăn hoặc dạo chơi trong môi trường tự nhiên.

Thế nhưng, du khách chẳng thấy bất kỳ loài động vật hoang dã nào, ngoài vài chú khỉ, cặp gà rừng và một con trăn gấm đang nuôi nhốt chờ thả về tự nhiên. Chỉ một lần thất vọng, du khách sẽ chán, thậm chí còn đồn thổi tiếng xấu lan xa. Đó là lý do vì sao dù cảnh quan KBT đẹp, thơ mộng nhưng chỉ thỏa mãn mắt nhìn và làm nền chụp ảnh, HS-SV cắm trại, thực hành về nông lâm nghiệp, chứ không hấp dẫn khách du lịch”, giám đốc một DN lữ hành trên địa bàn tỉnh cho biết.

Ông Lê Duy Thu, Trưởng Phòng Giáo dục - Truyền thông môi trường và du lịch sinh thái KBT cũng thừa nhận thực tế trên. “Dịch vụ đơn điệu, chưa chú trọng quảng bá hình ảnh, biến đổi khí hậu làm cảnh quan tự nhiên xấu đi, chưa liên kết với các DN du lịch lân cận để bổ sung chuỗi dịch vụ… là những nguyên nhân khiến KBT kém hấp dẫn”, ông Thu nói.

Thiên nhiên thơ mộng tại KBT được nhiều cặp đôi chọn làm ngoại cảnh chụp ảnh cưới. 

NÊN QUY HOẠCH BÀI BẢN

Ông Thu cho hay, năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí hơn 5 tỷ đồng nâng cấp một số hạng mục ở KBT như: xây mới 4 bungalow với sức chứa 20 khách, căn tin, chòi vọng cảnh, nhà vệ sinh, sân cắm trại, mở rộng đường nội bộ… Tháng 6-2017, các công trình trên đã hoàn thành và được đưa vào đón khách. Bên cạnh đó, KBT cũng đã ký kết hợp tác với KDL Hương Phong - Hồ Cốc đầu tư thêm dịch vụ để khai thác, thu hút du khách.

Ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc KDL Hương Phong - Hồ Cốc, nhận xét: KBT có cảnh quan rừng mát mẻ, trong lành. Cả nước hiếm có KBT nào có bãi cát trắng mịn nối từ rừng ra biển với độ dốc thoai thoải và chiều dài 17km (từ Hồ Cốc đến Bình Châu) có thể phát triển du lịch như vậy. Tuy nhiên, nếu không bỏ tiền ra đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ thì rất khó thu hút khách.

“KDL Hương Phong - Hồ Cốc thường xuyên có nguồn khách là người cao tuổi sử dụng dịch vụ nghỉ dưỡng, trải nghiệm cả không gian rừng - biển trong chuyến du lịch. Việc hợp tác sẽ giúp 2 bên bổ trợ dịch vụ cho nhau và khai thác được thế mạnh về địa hình tự nhiên độc đáo của KBT”, ông Khang nói.

Ông Khang cũng cho biết thêm, để làm phong phú dịch vụ, KDL Hương Phong - Hồ Cốc đang có kế hoạch đầu tư thêm nhà hàng, khu lưu trú dưới tán rừng, các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, xây dựng tour du lịch với các loại hình du lịch leo núi; thể thao bãi biển (bóng chuyền, leo đồi cát); tham quan làng chài, vườn trái cây (nhãn, thanh long, dưa); đi bộ xuyên rừng khám phá thiên nhiên và nghiên cứu… tạo thành chuỗi dịch vụ khép kín cho khách nghỉ dưỡng tại đây”.

Du khách tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. Ảnh: XUÂN HUY. 

Ông Võ Thanh Mỹ, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Vũng Tàu cho rằng, du lịch sinh thái về với tự nhiên đang và sẽ là xu thế tất yếu của du khách khắp thế giới. “Các công trình dịch vụ trong KBT dù mới được đầu tư nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ. Ngoài ra, KBT nếu chỉ đón dòng khách cắm trại, dã ngoại, chụp ảnh như hiện nay là rất lãng phí tài nguyên. Do vậy, song song với các biện pháp phục hồi đa dạng sinh học, bảo vệ và nhân đàn những loài động vật đã từng sinh sống tại đây, KBT cần được quy hoạch tổng thể với các phân khu bài bản, đầu tư theo hướng cao cấp để đón dòng khách chi tiêu cao, ứng xử có văn hóa, trách nhiệm với thiên nhiên”, ông Mỹ nói.

Để phát triển du lịch sinh thái KBT Phòng Giáo dục-Truyền thông môi trường và du lịch sinh thái đề xuất đưa ra giải pháp thành lập Trung tâm du lịch sinh thái trực thuộc Ban quản lý KBT. TT này hoạt động chuyên trách về du lịch sinh thái theo nguyên tắc lấy thu bù chi. Bên cạnh đó cần đầu tư các hạng mục: nhà trung tâm giáo dục truyền thông; xây dựng khu lưu trú và căn tin; trang bị phương tiện đưa đón, vận chuyển khách theo tour; phục hồi hồ nước Bàu Nhám bằng cách nạo vét 6ha lòng hồ với độ sâu 2m, lót bạt chống thấm trên nền để tích nước, trồng hoa sen, súng tạo cảnh quan tự nhiên cho hồ và tràm nước để thu hút chim, thú về trú ngụ; trồng hoa muồng hoàng yến, hoa anh đào, hoa giấy quanh Bàu Nhám; xây dựng và phát triển khu nuôi thú hoang dã; xây 3 chòi để khách tham quan, nghiên cứu sinh hoạt đêm của các loài động vật hoang dã…

Giá một số dịch vụ tại KBTTN Bình Châu-Phước Bửu: vé tham quan: 10.000 đồng/người; cắm trại qua đêm: từ 30.000 đến 40.000 đồng/người/đêm; củi trại: 200.000 đồng/lần; phòng lưu trú: 300.000 đồng/phòng 2 người/đêm; chụp ảnh: 150.000 đồng/xe 15 chỗ; trồng cây lưu niệm (đặt trước 3 ngày) 150.000 đồng/cây

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét