5 thg 11, 2017

Thăng trầm nghề mứt táo Phương Chiểu

Trước đây ngay từ tháng 10, các lò làm mứt táo ở xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên đã bắt đầu “đỏ lửa”. Càng gần đến ngày Tết, không khí làng nghề làm mứt càng nhộn nhịp.Hiện nay, trước sự biến động của thị trường, nghề làm mứt táo Phương Chiểu đang đứng trước nguy cơ mai một.

Làm mứt táo tuy không phải là nghề truyền thống của người dân xã Phương Chiểu nhưng lại là nghề đem lại thu nhập ổn định và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương lúc nông nhàn. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, một số người dân xã Phương Chiểu di chuyển vào miền Nam bán hoa, cây cảnh để kiếm sống và họ học được nghề làm mứt táo. Ban đầu, họ chỉ làm thuê cho các cơ sở chế biến mứt táo tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng thấy nghề này dễ làm mà địa phương mình lại sẵn có nguồn nguyên liệu nên sau thời gian học hỏi tích lũy kinh nghiệm, họ về quê, đầu tư làm “lò” chế biến mứt táo. Mứt táo được chế biến theo mùa vụ, thông thường bắt đầu từ tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán, không khí làng nghề ngày càng nhộn nhịp.

Chế biến mứt táo ở Phương Chiểu 


Nghề làm mứt táo không đòi hỏi quá nhiều sức lực nhưng cần sự tỉ mỉ và khéo léo. Mứt táo có hai loại đó là mứt táo đục hạt và không đục hạt. Khó ai có thể tưởng tượng, để làm ra quả táo sấy thơm giòn cần rất nhiều công đoạn, ở mỗi công đoạn lại yêu cầu một kỹ năng của người làm nghề. 

Theo kinh nghiệm của những người làm táo lâu năm cho biết: “Từ 100 kg táo tươi sẽ cho ra khoảng 65 đến 70 kg táo thành phẩm. Hiện tại 1 kg táo thành phẩm có giá 40 - 50 nghìn đồng thì cũng thu lãi từ 3 đến 5 nghìn đồng/1 kg.
Mặc dù đem lại nguồn thu tương đối cao cho người dân lại tận dụng được lao động nông nhàn ở địa phương nhưng nghề làm mứt táo ở Phương Chiểu lại đứng trước nguy cơ mai một do biến động của thị trường. Ông Bùi Văn Khoa, người đã có thâm niên nhiều năm trong nghề chế biến mứt táo chia sẻ: “Nghề làm mứt táo nếu chăm chỉ thì mỗi vụ cũng có thể thu về 30 -50 triệu đồng. Hiện nay, toàn xã chỉ còn vài hộ sản xuất tìm được đầu ra ổn định. Nhiều hộ có tay nghề nhưng vì gặp khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm nên đã chuyển nghề khác”.. Ông Lê Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Phương Chiểu cho biết: “Từ những năm 1990, có khoảng 85% hộ dân trong xã làm nghề mứt táo phục vụ Tết, trung bình mỗi lò làm mứt táo thu hút từ 5 – 10 lao động. Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường tiêu thụ hạn chế, người sản xuất không tìm được đầu ra cho sản phẩm nên số hộ làm mứt táo ngày càng giảm. Hiện toàn xã chỉ còn hơn 10 hộ sản xuất. Nghề làm mứt táo Phương Chiểu hiện nay cũng còn nhiều bất cập như: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa được đầu tư nhiều về công nghệ dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh thấp. Ngoài ra, gặp khó trong nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, mặt bằng sản xuất chật hẹp xen lẫn với không gian sinh hoạt gia đình, chưa bảo đảm các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chính là nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của nghề
Theo thời gian, nhu cầu người dân thay đổi cùng với sự đa dạng nhiều loại hàng hóa bánh kẹo phục vụ Tết khiến nghề làm mứt táo Phương Chiểu ngày càng co hẹp. Vì vậy muốn nghề này tồn tại và đứng vững trên thị trường, thì người làm mứt cần có kế hoạch phát triển bền vững, hiện đại hóa các trang thiết bị, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Cùng với đó chính quyền địa phương, ngành chức năng cần có sự quan tâm hỗ trợ các hộ sản xuất để họ gắn bó với nghề.

Vũ Huế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét