7 thg 11, 2017

Cát Lình - bức tranh đa sắc của Chiềng Muôn

Đây mới chính là thiên đường của mây, của gió, ôm ấp những thửa ruộng bậc thang như được dát vàng trong sắc nắng thu se lạnh, mời gọi du khách về khám phá, trải nghiệm...

Sóng lúa Cát Lình. 

Cách trung tâm huyện Mường La chưa đầy 20 km, bản Cát Lình của đồng bào Mông nằm bên sườn đỉnh Pu Tha Kềnh (núi múa khèn) cao hơn 2.500m so với mực nước biển. Mùa này, lúa trên những thửa ruộng bậc thang đang chín rộ, nhìn từ xa tựa như bức tranh đa sắc màu, tầng tầng lớp lớp trải dài từ sườn núi này nối sang núi khác, kéo xuống tận thung sâu. Cát Lình - là địa danh phiên âm ra tiếng phổ thông, chứ người dân nơi đây vẫn gọi vùng đất này là Co Linh (nghĩa là khu rừng nhiều khỉ), cũng bởi vùng đất này còn khá hoang sơ, nơi trú ngụ của nhiều loài muông thú, trong đó có loài khỉ. Rừng nguyên sinh còn nhiều, suối nước dồi dào quanh năm, đồng bào dân tộc Mông các vùng Chiềng Ân, Ngọc Chiến đã về đây khai khẩn, lập bản, bám trụ từ những năm 70 của thế kỷ trước. Lên Cát Lình chỉ có một con đường liên bản gập ghềnh sỏi đá, nối trung tâm xã Chiềng Muôn với các bản Hua Đán - Nậm Kìm - Cát Lình.

Trưởng bản Hàng A Ký khá ngạc nhiên khi thấy đoàn khách lạ về bản, vậy nên câu chuyện về nơi này anh Ký tiết lộ khá hạn chế. Chỉ biết bản hiện có 41 hộ, 237 khẩu, 34 ha ruộng 2 vụ, nhưng chỉ làm 1 vụ cũng đủ ăn cả năm, rừng khoanh nuôi bảo vệ còn nhiều, chưa có con số cụ thể. Tuy là vùng đất dốc, núi đá sừng sững chông chênh, nhưng do nguồn nước tự nhiên dồi dào, nên bà con đã chặn khe, ngăn dòng, đào mương, bắc máng dẫn nước khai hoang ruộng bậc thang. Đến năm 2012, bản được đầu tư hệ thống thủy lợi kiên cố dài hơn 2km từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ, bà con mở thêm diện tích ruộng bậc thang, tự cung tự cấp hoàn toàn về lương thực. Hiện tại, ngoài lúa nước, bà con còn được trợ giá nuôi gần 100 con trâu, bò, 250 con dê và nhiều loài gia cầm, nhất là vịt đen bản địa. Đặc biệt, nơi đây có truyền thống nuôi cá ruộng, tạo thêm nguồn thực phẩm sạch, ngon, chất lượng. Tuy là bản vùng ba đặc biệt khó khăn, chưa có điện lưới, nhưng bà con đã tận dụng nguồn nước đặt máy phát điện mini thắp sáng, chạy máy xay xát. Bản hiện có trường học mầm non, tiểu học điểm lẻ cắm bản...

Từ Cát Lình, du khách có thể phóng tầm mắt xuống dưới thung sâu ngắm toàn cảnh cả ba cung bậc thủy điện Nậm Chiến lung linh ánh điện về đêm; mỗi sớm thức dậy được ngắm những biển mây bồng bềnh trắng lùa từ dưới các hồ thủy điện, đẩy dần lên vắt ngang các đỉnh núi như bức tranh thủy mặc. Về Cát Lình, du khách không chỉ được nghe những bản nhạc của suối, mà còn được tắm nước suối trong mát lạnh, hít thở không khí trong lành, hòa mình vào những dãy núi cao trùng điệp và trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Mông thân thiện, giàu lòng mến khách, cùng đi gặt lúa, đuổi gà thả rừng, bắt cá ruộng bậc thang, ngủ trong nhà gỗ pơ mu, thưởng thức rượu ngâm thảo quả cùng những đặc sản khác của núi rừng.

Dẫu còn không ít khó khăn, vất vả, nhưng Cát Lình thực sự là điểm đến lý tưởng để thăm thú, khám phá và trải nghiệm.
 
Anh Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét