28 thg 11, 2017

Hà Nội và những kỷ lục

Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm đầu não của cả nước về chính trị, kinh tế mà còn kết tinh trong những bề dày văn hiến đậm nét. Trong muôn vàn những kỷ lục của Hà Nội, chúng tôi chọn ra đây những kỷ lục “đẹp”.

Là thủ đô văn hiến, hơn 1.000 năm qua, Hà Nội từng là kinh đô của nhiều triều đại phong kiến. Hà Nội là nơi đã diễn ra hai bản hùng văn, hai bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ. Đó là Bình Ngô đại cáo thế kỷ XV và Tuyên ngôn độc lập năm 1945.

Với bề dày lịch sử, Hà Nội là nơi có nhiều di tích thắng cảnh nhất cả nước. Với hơn 5.000 di tích lớn nhỏ, trong đó có hơn 1.000 di tích đã được xếp hạng, Hà Nội thể hiện sự tinh hoa, một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú. Những di tích danh thắng nổi tiếng của Hà Nội phải kể đến là: Thành Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh thắng Hương Sơn, chùa Thầy, chùa Tây Phương, Hoàng thành Thăng Long, làng cổ Đường Lâm… Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hơn 1.200 làng nghề cùng nhiều lễ hội độc đáo và một nền văn hóa ẩm thực đa dạng, đặc sắc.

Chùa Một cột, Hà Nội. 


Nói về hệ thống bảo tàng, Hà Nội cũng là địa phương có nhiều bảo tàng nhất trong cả nước. Các bảo tàng đa diện và phong phú thể hiện quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước, thể hiện bản sắc văn hóa các vùng miền của cộng đồng các dân tộc anh em. Những bảo tàng trên địa bàn Hà Nội được du khách trong và ngoài nước biết đến rộng rãi như: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học, bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam... Mới đây nhất, Hà Nội khánh thành bảo tàng riêng của mình rất đồ sộ nhân dịp chào mừng 1.000 năm Thăng Long.

Là thành phố tập trung nhiều làng nghề nên Hà Nội có nhiều tên phố được bắt đầu bằng từ “Hàng” nhất. Khu phố cổ, phố cũ là nơi có mật độ phố mang tên “Hàng” lớn nhất. Theo thống kê, Hà Nội xưa có trên 50 tên phố, ngõ được bắt đầu bằng chữ “Hàng”. Mỗi tên phố được gắn với một sản vật mà nơi đó buôn bán hoặc là nghề nghiệp của người dân nơi đó. Tiếc rằng đến nay, nhiều tên phố chỉ còn là tên gợi nhắc chứ người dân đã chuyển sang kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau. 

Hà Nội - Nơi lưu giữ nhiều bia tiến sĩ nhất cả nước. 

Là đế đô của nhiều triều đại phong kiến nên Hà Nội cũng là nơi có nhiều văn bia tiến sĩ nhất của cả nước. Tính từ tấm bia ghi danh tiến sĩ năm 1442 đến 1779 (thời Lê Mạc) thì Văn Miếu có tới 82 tấm bia. 82 tấm bia Tiến sĩ này đã được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới. Cùng với danh hiệu nhiều bia Tiến sĩ nhất thì Hà Nội cũng là nơi dựng bia Tiến sĩ đầu tiên trong cả nước.

Hà Nội không phải là kinh đô đầu tiên của dân tộc, nhưng cho đến nay, Hà Nội còn lưu giữ dấu tích của tòa thành cổ nhất. Đó là thành Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh từ thời vua An Dương Vương. Thành cổ này cũng là nơi vua Ngô Quyền lấy làm kinh đô, trị vì đất nước. Tòa thành có ba vòng đắp bằng đất, gồm thành trong, thành giữa và thành ngoài với diện tích 18 ha.

Hà Nội là thành phố có nhiều hồ đầm nhất. Nhiều nhà buôn phương Tây xưa tới Đông Kinh (tên gọi khác của thành Thăng Long thời Lê) thường gọi Thăng Long là thành phố nửa đất, nửa nước và ví Thăng Long với Venezia của châu Âu. Ngày nay, ao hồ của Thăng Long xưa bị lấp nhiều, nhưng chúng ta vẫn tự hào với những hồ tụ thủy tụ linh thắng địa như: Hồ Tây, Hồ Gươm, Hồ Thiền Quang, Hồ Bảy Mẫu, Hồ Trúc Bạch... Vào thập niên cuối của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu ghi nhận có đến hơn 40 hồ đầm lớn nhỏ ở Hà Nội. Khi sáp nhập thêm Hà Tây vào Hà Nội thì số ao hồ của thủ đô càng nhiều. Một số hồ lớn như: hồ Suối Hai (rộng gấp đôi Hồ Tây), hồ Đồng Mô - Ngải Sơn ở huyện Ba Vì, hồ Đại Lải ở huyện Mê Linh, hoặc hệ thống hồ Quan Sơn từng được xem là “Hạ Long thu nhỏ”.

Độc đáo phố cổ Hà Nội. 

Thủ đô cũng là thành phố có diện tích lớn nhất. Ngày 29/05/2008, kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XII đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính của TP. Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Theo đó, diện tích của TP. Hà Nội mở rộng tăng thêm toàn bộ phần diện tích của tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc cùng 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Hiện nay, TP. Hà Nội có tổng diện tích 3.324,92 km², gồm 10 quận, 1 thị xã, 18 huyện ngoại thành, đứng đầu cả nước về diện tích và nằm trong số 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.

Kỷ lục về trường mỹ thuật đầu tiên của cả nước cũng thuộc về Hà Nội. Đó là trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École supérieure des beaux arts de l’Indochine) khai giảng ngày 17/10/1924. Trường do họa sư Nam Sơn và V. Tardieu đồng sáng lập. Từ ngôi trường này đã hun đúc rèn luyện nên nhiều danh họa của Việt Nam. Hà Nội cũng là nơi thành lập trường Đại học Y đầu tiên của Việt Nam năm 1902. 

Bảo tàng lịch sử quốc gia. 

Ngoài ra, Hà Nội còn đạt các kỷ lục: Là khu vườn duy nhất có nhiều giống cây trái đặc trưng ba miền. Đó là khu vườn nhà Bác Hồ tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - nơi Người ở và làm việc từ ngày 17/05/1958 cho tới khi qua đời; Làng làm nghề ảnh sớm nhất - Làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức; Phố có nhiều cổng làng nhất - Phố Thụy Khuê dài 3,2 km; Cây cầu sắt nhiều tuổi nhất - Cầu Long Biên xây dựng năm1899 đến năm 1902; Di tích có quy mô khai quật lớn nhất - Hoàng thành Thăng Long; Viện nghiên cứu khoa học đầu tiên - Viện Viễn Đông Bác Cổ thành lập năm 1901.

Về kiến trúc, Hà Nội là nơi có tòa nhà cao nhất Việt Nam. Đó là tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower do Tập đoàn Keangnam Enterprise thực hiện tại Hà Nội. Công trình cao 350 m này được khởi công năm 2007, chính thức vận hành năm 2011 với tổng vốn đầu tư lên đến 1,05 tỷ USD.

Cầu Nhật Tân. 

Đặc biệt, là thành phố ven sông Hồng, Hà Nội đã xây dựng cây cầu dây văng liên tục nhiều nhịp nhất, hiện đại nhất và dài nhất nước ta. Cầu Nhật Tân được xác định là một trong những công trình giao thông trọng điểm của thủ đô không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng. Công trình hoàn thành sẽ kết nối trung tâm thành phố với các khu công nghiệp ở phía Bắc như Bắc Thăng Long - Vân Trì, Đông Anh - Cổ Loa, Gia Lâm - Sài Đồng - Yên Viên, đồng thời hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và rút ngắn tuyến đường từ trung tâm Thủ đô đến sân bay Quốc tế Nội Bài. Với quy mô lớn, công nghệ thi công tiên tiến, hiện đại, kết cấu đặc biệt - cầu dây văng 2 mặt phẳng dây, cầu Nhật Tân đã trở thành một điểm nhấn kiến trúc, một biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, bên cạnh những cái nhất đáng tự hào, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với việc băm nát quy hoạch nhất, ùn tắc giao thông và mất an toàn vệ sinh nhất. 

Mạnh Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét