20 thg 11, 2017

Diện mạo mới ở ngôi đền thờ Yết Kiêu

Yết Kiêu là một danh tướng tài đức song toàn thời nhà Trần. Sau khi ông mất, nhiều nơi trên đất nước đã lập đền thờ. 

Đền Quát mới 

Tại thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu (Gia Lộc), quê hương của danh tướng có ngôi đền Quát thờ ông. Sau mấy năm trùng tu, tôn tạo, năm nay đền Quát đã mang một diện mạo mới, bề thế và lễ hội cũng được nâng tầm.

Niềm tự hào của quê hương
Danh tướng Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, sinh ngày 13.2 năm Nhâm Dần (1242) trong một gia đình ngư dân nghèo ở vùng sông nước thuộc ấp Hạ Bì, huyện Trường Tân, lộ Hồng (nay là thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, Gia Lộc). Phạm Hữu Thế sinh sống bằng nghề chài lưới nên rất giỏi bơi lặn, thuộc quy luật nước thuỷ triều lên xuống. Lớn lên trong cảnh đất nước lâm nguy, giặc Mông Cổ xâm lược nước Đại Việt, Phạm Hữu Thế tạm biệt mẹ và quê hương lên đường tòng quân.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, ông lập nhiều chiến công và được phong Đô soái thủy quân, được Hưng Đạo Đại Vương đặt cho tên Yết Kiêu - tên một loài cá thần.

Yết Kiêu tạ thế ngày 28 tháng chạp năm Quý Mão (1303). Sau khi ông mất, vua Trần cho dân ấp Hạ Bì lập đền thờ, tôn ông là thành hoàng làng. Đền Quát có địa thế đẹp, trước cửa đền phía tây có con sông Đĩnh Đào uốn khúc như hình rồng cuộn, phía bắc, phía nam, phía đông là 3 hồ lớn. Đền được xây dựng từ thời Trần, đến thời Nguyễn được mở rộng với 7 gian tiền tế, 3 gian hậu cung. Nối với hậu cung là 5 gian ở hai bên, giữa là sân, xây dựng trên khu đất cao ngay trên bến đò trước đây.

Trong kháng chiến chống Pháp, đền Quát bị quân giặc đốt phá chỉ còn lại 3 gian hậu cung xuống cấp. Từ năm 1973 đến nay, nhân dân đã góp công, góp của tu sửa lại đền. Trong đền còn nhiều hiện vật cổ quý như tượng Đức thánh Yết Kiêu, tượng công chúa Triều Nguyên (phu nhân), tượng chín nàng hầu, mõ cá, mõ cáo bằng gỗ có từ thời hậu Lê…

Đền Quát được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1988. Trải qua thời gian với những biến động xã hội và sự tàn phá của tự nhiên, ngôi đền đã xuống cấp. Từ năm 2009 đến nay, đền Quát đã được xây dựng, trùng tu, tôn tạo các hạng mục: hậu cung, trung từ, tiền bái, nhà dải vũ, am hoá mã, cổng nghi môn, các hạng mục phụ trợ... Các hạng mục công trình được xây dựng, trùng tu, tôn tạo to đẹp, khang trang nhưng vẫn giữ nguyên hướng cùng kiểu dáng kiến trúc cũ và các đồ thờ tự. Khuôn viên di tích được mở rộng với diện tích 40.000 m2. Các mặt bắc, đông, nam có 3 hồ nước đủ sức chứa lượng thuyền bè lớn trong các ngày lễ hội. Đến nay, các hạng mục tôn tạo, xây mới cơ bản đã hoàn thành.

Nâng tầm lễ hội truyền thống

Lễ hội đền Quát được nâng tầm 

Nhân dịp kỷ niệm 775 năm ngày sinh của danh tướng Yết Kiêu (1242-2017), huyện Gia Lộc đã tổ chức khánh thành việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Quát và khai hội truyền thống. Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: "Đây là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức ở quy mô cấp huyện, mở rộng hơn so với mọi năm. Nhiều nội dung trong các phần lễ, phần hội được khôi phục, góp phần quảng bá truyền thống văn hóa, quê hương và con người Gia Lộc anh hùng tới đông đảo nhân dân trong cả nước".

Phần lễ bao gồm lễ cáo yết (lễ trình với thần linh về việc nhân dân sẽ tổ chức tế lễ), lễ mộc dục (lễ tắm tượng thánh), lễ dâng hương tưởng niệm danh tướng Yết Kiêu, lễ khánh thành. Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, thể thao như trình diễn màn trống hội, biểu diễn múa lân, rồng, múa rối nước, hát văn, hát quan họ, bơi chải, cờ người, cờ tướng, chọi gà, đi cầu kiều bắt vịt... Ban tổ chức đã mời đội đánh trống hội của đền thờ danh tướng Yết Kiêu ở xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư (Thái Bình) về phục vụ lễ hội. Đội đánh trống có khoảng 50 người với 1 trống cái cao 3 m, 20 trống con và 25 kèn đồng. Sáng 3.10, màn trống khai hội rộn ràng, hào hùng cùng với những tiết mục múa lân, múa rồng đặc sắc đã tạo không khí vui tươi cho lễ hội, khiến đông đảo nhân dân địa phương và du khách rất thích thú.

Ngay sau lễ khai hội là hội thi bơi chải. Theo ông Vũ Xuân Chiến, Tổ trưởng Tổ quản lý di tích đền Quát, tục thi bơi chải ở đây có từ khi xây dựng đền nhằm tôn vinh sự nghiệp của danh tướng Yết Kiêu và nghề chài lưới của người dân thôn Hạ Bì. Năm nay, do trùng với năm tổ chức Đại hội Thể dục thể thao của huyện nên nội dung bơi chải ở lễ hội đền Quát trở thành một trong những nội dung thi đấu của đại hội.

Đặc biệt, lễ hội đền Quát năm nay có sự trở lại của trò chơi dân gian cờ người. Trong không khí tưng bừng của lễ hội, các quân cờ người di chuyển theo các nước đã chỉ định, kèm theo đó là những màn múa võ đẹp mắt. Từ ngày 2 đến hết ngày 5.10, các tiết mục hát văn, hát quan họ, trò chơi dân gian chọi gà, đi cầu kiều bắt vịt... cũng được tổ chức, thu hút hàng nghìn lượt người dân và du khách đến tham gia, cổ vũ.

Anh Vũ Xuân Xô ở thôn Hạ Bì cho biết: "Chúng tôi rất phấn khởi khi lễ hội truyền thống của địa phương được tổ chức hoành tráng, quy củ. Thông qua lễ hội, người dân thêm hiểu biết về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, từ đó càng tự hào về truyền thống anh hùng của quê hương".

Là niềm tự hào của nhân dân Gia Lộc, đền Quát nay đã được tôn tạo khang trang, xứng tầm là di tích văn hóa quốc gia.

VIỆT QUỲNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét