14 thg 11, 2017

Thành cổ Ngọc Vừng

Xã đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) là vùng đất có bề dày lịch sử, còn lưu giữ nhiều dấu tích của thương cảng Vân Đồn cổ, thành cổ Ngọc Vừng. Tuy nhiên, di tích thành cổ Ngọc Vừng dường như đã bị quên lãng, chưa được đưa vào khai thác giá trị văn hoá, lịch sử để phục vụ du lịch. 

Thành cổ Ngọc Vừng nằm ở thôn Bình Ngọc nay đã bị bào mòn khá nhiều vì mưa nắng. 

Di tích thành cổ Ngọc Vừng nằm ở ven bãi biển Trường Chinh thuộc thôn Bình Ngọc, xã Ngọc Vừng, cách thị trấn Cái Rồng 29km, cách TP Hạ Long 34km. Theo hồ sơ lý lịch di tích "Thành cổ Ngọc Vừng" do Bảo tàng Quảng Ninh lập tháng 10-2011, Thành cổ được xây từ thời nhà Mạc (thế kỷ XVI) nên nhân dân quen gọi là thành nhà Mạc. Đến thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) thành được xây lại và được đặt tên là Bảo Tĩnh Hải. Theo sách "Đại Nam nhất thống chí" thành có chu vi 134 trượng 8 thước, cao 5 thước, được bố trí 1 quản vệ, 150 binh sĩ và có 3 thuyền chiến lớn. Quy đổi ra đơn vị tính ngày nay, thành có hình vuông, mỗi cạnh dài 130m, cao khoảng 2m, chiều rộng mặt thành khoảng 4m.

Về kiến trúc xây dựng, thành cổ Ngọc Vừng điển hình cho loại kiến trúc quân sự ngoài trời, theo kiểu thành hình vuông, thường gặp trong kiểu kiến trúc thành nhà Hồ, nhà Lê, nhà Mạc và nhà Nguyễn. Năm 1973, đoàn khảo cổ Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) đã phát hiện thành được đắp đất bên trong, kè đá bên ngoài, đá được gắn kết với nhau bằng vữa vôi. Chỗ tường thành bình thường xây 1 lớp, riêng góc thành xây 2 lớp, mỗi lớp dày khoảng nửa mét. Thành có 2 cửa được bố trí ở khoảng giữa tường thành, mỗi cửa rộng 3m. Cửa phía Bắc để làm nơi xuất binh hoặc đánh chặn đối phương từ hướng sông Cổng Đồn lên. Cửa phía Nam quay ra biển làm nơi tác chiến chính để đón đánh đối phương tiến công từ phía biển vào thành. Đây là kiến trúc thành cổ quân sự trên biển duy nhất còn tương đối nguyên vẹn ở duyên hải phía Bắc. Nghiên cứu di tích này cho chúng ta hiểu thêm về chiến lược, sách lược phòng thủ trên biển của dân tộc.

Thành Ngọc Vừng có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ biên giới trên biển vùng Đông Bắc Việt Nam, có vai trò bảo vệ cho thương cảng Vân Đồn, khống chế con đường biển đi qua đảo Ngọc Vừng hoặc đi vào phía Tây của Quan Lạn. Bởi vậy, thành Ngọc Vừng được các triều đại phong kiến hết sức coi trọng. Tháng 4 năm 1839, Tổng đốc Nguyễn Công Trứ đã dâng tấu lên vua Minh Mệnh cho gia cố thành và xin thêm binh sĩ, xây nhà quan, nhà quân và xin 2 khẩu thần công. Như vậy, thành cổ Ngọc Vừng có liên quan trực tiếp đến 2 nhân vật lịch sử là vua Minh Mệnh và Tổng đốc Nguyễn Công Trứ.

Rất tiếc do tác động của thiên nhiên và con người, thành cổ Ngọc Vừng đã không còn giữ nguyên được hiện trạng. Bà Nguyễn Thị Hồng Thư, Bí thư Đảng uỷ xã Ngọc Vừng, cho biết, trước kia thành cao xây bằng đá. Trong giai đoạn chiến tranh, bà con lấy đá đi cộng với sự bào mòn của mưa nắng thành cổ Ngọc Vừng đã thấp xuống như vậy. Đến giờ người ta đã tìm thấy các di vật trong di tích này gồm: Mảnh bát đĩa, chén gốm sứ, mảnh bình, lọ, đĩa chén nhỏ, mảnh trôn bát v.v.. có niên đại trong khoảng từ thế kỷ XVI đến XIX. Hiện nay, thành cổ Ngọc Vừng đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhân dân trên đảo vẫn giữ thành cổ, đồng thời cũng rất mong cơ quan chức năng có giải pháp bảo tồn, trùng tu di tích để sau này khai thác phục vụ du lịch.

Hội VNDG tỉnh cũng vừa có văn bản đề xuất với UBND huyện Vân Đồn nội dung khảo sát, lập quy hoạch phát triển du lịch ở xã đảo Ngọc Vừng, trong đó ưu tiên đầu tư tôn tạo, bảo tồn di tích thành cổ Ngọc Vừng. "Đây sẽ là mô hình du lịch kết hợp được nhiều nội dung như du lịch sinh thái gắn với các hoạt động văn hoá dân gian, du lịch văn hoá lịch sử, tâm linh và góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo vệ chủ quyền biển đảo gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá văn nghệ dân gian" - ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội VNDG Quảng Ninh, nhận định về ý tưởng này.

Tác giả Đỗ Văn Ninh trong sách "Huyện đảo Vân Đồn" (Sở Văn hoá - Thông tin Quảng Ninh xuất bản năm 1997) đã viết: "Trong tương lai không xa, khi Ngọc Vừng được chọn làm điểm thể thao du lịch thì đồn Tĩnh Hải sẽ trở thành đối tượng tham quan giá trị. Những cái xưa của Ngọc Vừng sẽ là những vật vô giá tô điểm cho cái nay và mai của hòn đảo tiền tiêu tươi đẹp".

Huỳnh Đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét