6 thg 11, 2017

Công tử Bạc Liêu, dù sao cũng đáng yêu!

Nào giờ cứ nghe tới danh Công tử Bạc Liêu là người ta nghĩ ngay tới hình tượng công tử nhà giàu chơi ngông, kèm theo chút ác cảm. Chút ác cảm này phần lớn được tạo nên bởi sự dạy dỗ của ai đó rằng hễ là giới địa chủ thì tất nhiên phải tàn ác, bóc lột tá điền, mà cậu Ba Huy - Công tử Bạc Liêu - là công tử nhà giàu, con địa chủ ắt phải là kẻ tệ hại!


Ngôi nhà của Công tử Bạc Liêu ở TP Bạc Liêu, hiện nay là điểm tham quan do ngành văn hóa - du lịch quản lý. Lưu ý rằng ở ngay cạnh ngôi nhà này là khách sạn mang tên Công tử Bạc Liêu thì lại không phải là nhà gia đình ông Trần Trinh Trạch mà là của người khác.

Tui thì tui nghĩ như vầy: gia đình ông Trần Trinh Trạch (ba của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, tức cậu Ba Huy) đúng là giàu quá trời quá đất, nhưng mà so với một số người bây giờ thì chưa chắc ai giàu hơn ai à nghen! Nguồn gốc tài sản của ông khá minh bạch [1] và tài sản thì công khai, không cần phải kê khai tài sản. Công tử Bạc Liêu xài tiền như nước, nhưng nếu hỏi tiền ở đâu có mà xài thì câu trả lời quá rõ ràng: tiền của gia đình, nhờ có ruộng đất nhiều - chớ hông phải như ai đó nói dóc là nhờ làm chổi đót, chạy xe ôm... mà xây nên biệt phủ, hoặc là do bán khăn lụa made in China mà nói made in Vietnam với giá gấp mấy chục lần!


Bàn thờ ông bà Trần Trinh Trạch ở ngôi nhà Công tử Bạc Liêu

Người ta mỉa mai cậu Ba Huy đi du học bên Pháp về chẳng được cái bằng đại học nào, chỉ có cái bằng nhảy đầm và bằng lái máy bay. Ừa, thì đúng vậy đó, vậy chớ bây giờ các thiếu gia đi học nước ngoài đều học hành đàng hoàng hết hay sao? Đó là chưa kể cậu Ba Huy không có bằng đại học thì nói là không có bằng đại học chớ không hề xài bằng giả! 

Không có bằng đại học, nhưng công tử Bạc Liêu cũng biết vận dụng những hiểu biết của mình trong mấy năm ở Pháp cho công việc, tỉ như mua máy bay riêng để đi thăm ruộng (mấy chục năm sau bầu Đức mới làm chuyện tương tự đã được coi như chuyện động trời), quản lý công việc kinh doanh của gia đình, tổ chức hội chợ, tổ chức thi hoa hậu... Và cái điều quan trọng là công tử Bạc Liêu chỉ quản lý gia sản của gia đình mình chớ không hề được bổ nhiệm và thăng tiến thần tốc vào các chức vụ cao cấp để lãnh đạo và quản lý nhân dân!

Những nhân chứng còn sống đều kể lại rằng cậu Ba Huy đối xử tốt với tá điền, nhiều lần xóa nợ cho họ. Những câu chuyện về chơi ngông của ông như đốt tiền để soi sáng, đốt tiền nấu đậu, xài sang đi xe kéo mỗi xe chở một món đồ... sau khi được xác minh đều cho thấy là phóng đại quá mức hoặc dựng chuyện [2][3][4].


Một chiếc bình quý ở nhà Công tử Bạc Liêu. Người đứng bên cạnh chả liên quan gì hết, chỉ đứng ké thôi.

Chuyện chơi bời, cờ bạc, tiêu xài hoang phí của công tử Bạc Liêu là có thiệt và chẳng phải chuyện hay ho gì, nhưng xét cho cùng với những điều kể ở trên, tui thấy ông vẫn còn đáng yêu hơn nhiều người thời nay lắm. Nhiều người là ai hả? Ờ, tui nói vậy thôi, ai cũng biết là ai ấy mà!

Sau ba đời, gia tộc công tử Bạc Liêu đã khánh kiệt, không còn ai giàu có. Người ta vẫn nói về điều này như luật nhân - quả, rằng con cháu cụ Trần Trinh Trạch chỉ biết ăn chơi nên tiêu tán tài sản. Quả là có như vậy một phần, thế hệ con cháu cụ Trạch không có tài năng quản lý, cũng không có chí làm ăn như cụ. Tuy nhiên, có một điều rất cụ thể khiến tài sản ấy không còn mà người ta không nhắc (cô hướng dẫn viên trẻ đẹp ở nhà công tử Bạc Liêu trong hình này cũng không kể)...



Năm 1945 và mấy năm sau, Việt Minh lấy đất chia cho dân cày, gia đình công tử Bạc Liêu mất gần như toàn bộ đất đai, thứ tài sản lớn nhất. Tuy vậy, họ vẫn còn hàng ngàn công đất hương hỏa ở Bạc Liêu cùng nhiều căn phố cho thuê. Ngày 26/3/1970, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu ban hành Luật Người Cày Có Ruộng, luật này cho truất hữu tài sản ruộng đất của gia đình ông Trần Trinh Trạch bằng cách mua lại với một số tiền khổng lồ. Số tiền này được con cháu họ Trần gởi vào ngân hàng để lấy tiền lãi chi dùng. Rủi thay, ngày 30/4/75 đến bất ngờ khi họ chưa kịp rút tiền ra, và rồi chuyện gì xảy ra thì... mọi người tự biết nghen!

Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy mất năm 1973 (theo Nguyên Hùng, trên Wikipedia ghi là mất năm 1974), không có dịp nhìn con cháu mình "đổi đời"!


Phạm Hoài Nhân
___
[1] Theo nhiều tư liệu, ông Trần Trinh Trạch thuở nhỏ nhà nghèo phải đi ở đợ. Nhà chủ có con không muốn cho đi học tiếng Tây nên tráo ông đi học thay. Nhờ đó ông thoát kiếp dốt nát, sau được làm thư ký tỉnh chuyên lo thu thuế điền. Ông bá hộ Phan văn Bì mỗi lần đóng thuế điền gặp Trần Trinh Trạch, có cảm tình nên gả con gái cho. Do biết luật lệ và thủ tục hành chánh, lại được cha vợ cho đất, giúp vốn nên ông Trạch mau chóng phất lên, mua thêm nhiều đất điền. Mặt khác, các con và rể khác của ông Phan văn Bì mê cờ bạc nên lần lượt phải đem ruộng cầm cố cho ông Trạch, nên đất của ông Trạch càng nhiều thêm.

[2] Trong dịp Hội chợ - Đấu xảo ở Bạc Liêu (do cậu Ba Huy chủ xị), khi cậu Ba Huy đi từ Nhà Lớn (nhà của gia đình ông Trần Trinh Trạch) đến hội chợ thì có mấy anh xe kéo đứng chực sẵn. Cậu Ba đang vui vì Hội chợ thành công nên muốn giúp đỡ mấy người này. Nhưng nếu đi xe kéo thì chỉ giúp được một người, mà cho tiền khơi khơi thì có vẻ như bố thí. Cậu bèn đếm, cả thảy 7 người, mướn cả 7. Cậu Ba ngồi một xe, xe thứ hai cho thằng cháu, xe thứ ba cho vệ sĩ. Còn 4 xe chẳng lẽ đi không? Cậu bèn lột cái nón bỏ lên một xe, xe kế bỏ cây can (cây gậy), xe nữa bỏ cái cặp da. Vẫn còn một chiếc! Thấy có con chó Nhật lẽo đẽo theo sau, cậu bắt bỏ lên xe. 7 chiếc xe kéo rồng rắn kéo tới hội chợ. Thiên hạ trông thấy đồn ầm lên là công tử Bạc Liêu chơi ngông, thuê xe kéo để chở nón, gậy, cặp và chó. Thật sự đó là giúp đỡ người nghèo một cách... khá tế nhị!

[3] Về chuyện công tử Bạc Liêu đốt giấy bạc bộ lư (100 đồng) để soi sáng tìm tờ bạc con công (5 đồng), theo lời kể của cậu Ba (ghi lại trong sách của Nguyên Hùng) như sau: Hắc Công tử (cậu Ba Huy) và Bạch Công tử (Lê Công Phước) đi xem phim cùng cô Bảy Hội Điều là một người đẹp thời đó ở rạp Modern đường D'Espagne (Lê Thánh Tôn). Cô Bảy làm rớt tờ con công (5 đồng). Trong rạp tối nên cậu Ba bật quẹt máy để soi tìm, ngay lúc đó cậu Phước đưa ngay tờ bạc con đầm (20 đồng) vô bật lửa đốt để soi. Thấy vậy, cô Bảy kêu lên "Bạch Công tử chơi ngông quá!". Cậu Phước cười giả lả: Tưởng cô Bảy làm rớt tờ Bộ Lư (100 đồng) chớ!"

[4] Về chuyện Hắc Công tử và Bạch Công tử thi nhau nấu chè đậu xanh bằng cách đốt giấy bạc con công (5 đồng) xem ai nấu chín trước. Những người thân của công tử Bạc Liêu - trong đó có con ruột của ông là Trần Trinh Đức - đều khẳng định là không hề có chuyện đó. Ông Đức kể lại rằng cha ông nói: "Bộ khùng sao mà đốt tiền? Để tiền... chơi gái sướng hơn! Chưa kể là đốt tiền còn có thể bị Nhà nước Pháp bắt bỏ tù về tội hủy hoại tài sản!"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét