5 thg 11, 2017

Hương thôn Cao

Hương thôn Cao nổi tiếng bởi có mùi thơm đặc trưng mà hương của các nơi khác không có được. Đó là mùi thơm nhẹ mà thanh, lan tỏa từ từ và để lại mùi thơm lâu. Chính vì vậy hương thôn Cao được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng và đến bây giờ sản phẩm đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chúng tôi có mặt tại cơ sở hương trầm Chúc Mai của gia đình anh Mai Văn Chúc vào một ngày nắng đẹp. Ngay từ sáng sớm, những người thợ đã có mặt tại xưởng để khẩn trương cho ra lò những nén hương, vòng hương mới kịp đón tia nắng đầu tiên trong ngày. Thời tiết nắng hanh là thời tiết “vàng” của người làm hương. Hương sau khi se mà phơi “được” nắng thì không chỉ khiến người làm hương đỡ vất vả mà nén hương làm ra cũng có chất lượng tốt hơn. Mặc dù thời tiết rất quan trọng đối với nghề làm hương nhưng quyết định đến chất lượng hương thì ngay từ công đoạn lựa chọn, pha chế nguyên liệu, hương liệu đòi hỏi người chủ phải rất cầu kỳ, tinh tế mới có thể cho ra được sản phẩm vừa có mùi thơm lại vừa bảo đảm độ cháy tốt. Nguyên liệu làm hương chủ yếu là các loại thảo mộc như: trầm, ngâu, huỳnh đàn, hồi, quế, thục, tùng, trắc, nhục đậu... nhưng mỗi cơ sở làm nghề lại có cách sáng tạo riêng để tạo ra mùi hương đặc trưng cho sản phẩm hương của mình. Mỗi mẻ hương làm ra, người chủ phải cẩn thận đốt thử để kiểm tra độ bén lửa, độ cháy và mùi thơm của hương. Anh Mai Văn Chúc, chủ cơ sở sản xuất hương Chúc Mai tâm sự: “Để khẳng định uy tín, chất lượng trong từng sản phẩm của mình, chúng tôi đã không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm và cẩn thận lựa chọn các loại nguyên liệu an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe để sản xuất. Nguyên liệu làm hương được lấy các hương liệu tự nhiên. Ngay cả keo dùng để kết dính nguyên liệu tạo hình cho nén hương, vòng hương cũng được làm từ các nguyên liệu tự nhiên nhằm an toàn cho người sản xuất và người sử dụng”. 

Nghề làm hương ở thôn Cao, xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên) 

Làm hương ở thôn Cao đã có từ nhiều đời nay. Trước đây, hương chủ yếu được làm thủ công nhưng giờ nhiều công đoạn đã được thay thế bằng máy móc. Từ đó nâng cao năng suất và độ đồng đều của sản phẩm. Toàn thôn Cao hiện có trên 100 hộ làm nghề, thu hút trên 500 lao động thường xuyên. Vào dịp giáp tết, sản lượng sản xuất tăng cao đòi hỏi các cơ sở sản xuất phải thuê thêm lao động thời vụ. Số lao động làm việc tại làng nghề vào thời điểm này khoảng 1000 – 1200 lao động. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 4 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân đầu người của thôn hiện nay đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm. 

Năm 2009, Hiệp hội làng nghề thôn Cao được thành lập. Đây là tổ chức tự nguyện được thành lập để thu hút các hộ làm hương trong làng cùng sinh hoạt chung trong một tổ chức, cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất cũng như hỗ trợ nhau về vốn, thị trường. Ông Nguyễn Như Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề thôn Cao cho biết: “Đến nay, hiệp hội đã thu hút được 89 hộ làm nghề sản xuất hương trong thôn tham gia. Những năm qua, hiệp hội đã tích cực, chủ động tổ chức các buổi sinh hoạt chung. Qua đó, các thành viên trong hiệp hội đã có nhiều cơ hội để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cả trong sản xuất và kinh doanh thương mại. Ngoài ra, hiệp hội còn chủ động thông qua các chương trình của các cấp, ngành tổ chức đưa sản phẩm của làng nghề tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm hương của thôn. Từ đó thúc đẩy sản xuất của làng nghề”.
Giáp Tết Nguyên đán là thời điểm sản xuất chính của làng nghề. Ngoài tăng về sản lượng, sản phẩm phục vụ dịp tết cũng đa dạng về mẫu mã. Có những loại hương thơm đặc trưng hầu như chỉ được sản xuất vào dịp này như: các loại hương vòng cỡ lớn, hương trầm cao cấp…
Tranh thủ tiết trời nắng ráo của những ngày áp tết, những mẻ hương cuối cùng đang được khẩn trương hoàn thiện, đóng gói và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Mai Nhung - Phạm Đăng

1 nhận xét:

  1. Mỗi lần qua đây luôn thấy mùi hương với các bác phơi hương

    Trả lờiXóa