20 thg 11, 2017

Những người nối đôi bờ Sê Pôn

Không biết từ bao giờ, hàng chục chiếc đò ngang trên suốt dọc dòng sông Sê Pôn chảy qua các xã vùng Lìa cứ ngày đêm đưa, đón hành khách cùng nông sản sang sông. Chính những chuyến đò ấy đang góp phần thắt chặt hơn mối tình hữu nghị Việt Nam – Lào đằm thắm, keo sơn…

Hành khách của Chuôi Thông là các em nhỏ đang vượt dốc để đến bản 7 (xã Thuận) 

Đêm qua, vùng Lìa trời mưa nặng hạt. Con đường uốn quanh đoạn dốc từ bản 7, xã Thuận, huyện Hướng Hóa xuống bến đò trở nên trơn trượt… vẫn không ngăn được bước chân của Chuôi Thông (60 tuổi), Trưởng bản 7 xuống bến đưa khách sang sông. Đang cuối mùa khô nên sông Sê Pôn không ăm ắp nước, vậy mà lưu tốc dòng sông vẫn cuồn cuộn chảy khiến chiếc đò máy của Chuôi Thông bị trôi chếch một đoạn sông dài gần 30-40 m mới cập được bờ bên kia.

Bờ bên kia là bản Cheng (Tà Xeng Keng Cốc, huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet, Lào) với gần 40 hộ dân hầu như bị “tách biệt” bởi giao thông cách trở, đường đến trung tâm huyện Sê Pôn khó khăn nên người dân phải thường xuyên quá cảnh sang Việt Nam để mua bán nông sản cũng như vật dụng, thực phẩm thiết yếu phục vụ cho cuộc sống thường nhật...Hành khách Lào với xe máy, xe đạp cùng nhiều loại nông sản như sắn, chuối…lên đò máy (được chế thêm sàn gỗ rộng khoảng 4 m2 ) để sang sông. Chuôi Thông nhanh chóng điều khiển đò máy quay về Việt Nam. Đò cập bến, Chuôi Thông giúp hành khách đưa nông sản lên bờ.

Ông Chuôi Thông giữ thăng bằng chiếc đò máy để khách lên bờ an toàn 

Nhanh nhẹn buộc chiếc đò máy vào gốc cây, Chuôi Thông lên bờ trò chuyện cùng tôi. “Vậy là miềng làm nghề đưa đò ở sông Sê Pôn đến bây giờ đã tròn 3 năm (năm 2015 đến nay). Lý do để miềng đến với nghề đưa đò cũng bởi thương bà con bản miềng và bản Cheng bên kia sông. Trước đây, người bản miềng muốn qua sông thuê đất trồng chuối phải qua các bản khác đi đò vượt sông Sê Pôn và ngược lại. Giữa năm 2015, miềng quyết định làm đoạn đường dài gần 100 m vượt qua đoạn dốc xuống bờ sông Sê Pôn.

Công cho trai bản xẻ dốc tạo thành đường hết gần 40 triệu đồng. Riêng chiếc đò máy miềng đóng mới với số tiền 60 triệu đồng. Bây giờ thì bà con bản 7 và bản Cheng qua lại mua bán nông sản, thăm nhau dễ dàng, thuận tiện…Học theo miềng, anh A Hinh, Trưởng bản Cheng cũng đầu tư đóng mới thêm một đò máy để đưa người dân bản Cheng sang sông. Miềng với A Hinh thống nhất với nhau là cứ luân phiên nhau mỗi người 3 ngày trong tuần đưa khách sang sông. Tiền đò thì hành khách cứ tùy tâm mà trả chứ không có mức giá cụ thể bởi bà con hai bên sông còn nghèo khó, miềng lấy tiền công cao sao được…”, Chuôi Thông nói.

Hành khách của Chuôi Thông là các em nhỏ đang vượt dốc để đến bản 7 (xã Thuận) 

Quãng thời gian 3 năm làm nghề đưa đò trên sông Sê Pôn, Chuôi Thông luôn tranh thủ để sang thăm hỏi, trò chuyện với người dân bản Cheng. Cũng chính trong những dịp hàn huyên ấy, Chuôi Thông hiểu hơn đời sống vẫn còn vất vả, gian khổ của người dân bản Cheng. Chuôi Thông cho biết, bà con bản Cheng hiện tại còn nghèo khó lắm…Nhiều người ốm đau, bệnh tật đến bây giờ vẫn mời thầy mo về cúng chứ chưa đến trạm y tế để được bác sĩ cho thuốc, khám bệnh như bên bản 7.

Hiểu và thông cảm với bà con bản Cheng nên lần nào bản 7 được huyện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi…, Chuôi Thông đều vận động bà con bản 7 san sẻ cho bà con bản Cheng gọi là “của ít, lòng nhiều”. Không chỉ san sẻ giống cây trồng, vật nuôi, cách đây khoảng chục năm khi thấy người dân bản 7 khá lên nhờ trồng sắn, nhiều người dân bản Cheng muốn học hỏi để làm theo. Nhưng trồng sắn trên đất bản Cheng thì công vận chuyển rồi nhiều chi phí khác sẽ tăng cao, nên một số người dân bản Cheng sang gặp Chuôi Thông để nhờ ông vận động bà con bản 7 cho bà con bản Cheng thuê đất trồng sắn. Chuôi Thông lặng lẽ tìm đến nhiều gia đình để vận động, thuyết phục…

Đến nay, bản 7 cho bản Cheng thuê trên 6 ha đất để trồng sắn. Riêng với các tập tục lạc hậu, Chuôi Thông luôn tìm cách bàn bạc, vận động trưởng bản Cheng để chính trưởng bản đi vận động bà con dân bản loại bỏ dần… Tôi đến bản Ra Man, xã Xy, huyện Hướng Hóa khi trời chập choạng tối. Trưởng bản Ra Man là Hồ Ray (79 tuổi) dọn cơm tối mời tôi. Bên mâm cơm đạm bạc với cá suối, rau rừng, Hồ Ray say sưa kể lại quãng thời gian 7 năm (từ năm 2010 đến nay) làm nghề đưa đò trên sông Sê Pôn. “Nhiều người vẫn gọi chiếc đò của miềng là “đò hữu nghị” từ khi sắm mới cho đến ngày “về hưu” (đầu năm 2016) đã chở hàng nghìn lượt khách, hàng trăm tấn nông sản…từ bản Xi Ổi, Cà Típ (huyện Mường Nòng, tỉnh Savannakhet) sang sông Sê Pôn và ngược lại. Cũng chính chiếc đò nhôm ấy, miềng đã cứu sống nhiều người dân bản Xi Ổi, Cà Típ khi họ ốm đau, bệnh tật…

Ví như trường hợp của Pỉ Xa Lỳ ở bản Xi Ổi. Khoảng giữa năm 2014, khi miềng đưa khách sang sông, nghe bà con dân bản kháo nhau là sản phụ Pỉ Xa Lỳ sinh khó và gia đình sản phụ mời thầy mo về cúng. Miềng neo đò tại bến rồi vội vàng lên nhà của sản phụ. Thấy thầy mo đang cúng, còn sản phụ thì đang vật vã đau đớn, quằn quại trên chiếc giường tre, miềng khuyên can thì gia đình sản phụ không nghe nên đến tìm trưởng bản để nói rõ mức độ nguy hiểm mà sản phụ gặp phải nếu tiếp tục cúng giàng, cúng ma. Sau đó, miềng cùng với trưởng bản Xi Ổi đến vận động gia đình sản phụ mang sản phụ sang sông Sê Pôn để đưa đến Trạm Y tế xã Xy.

Thuyết phục mãi, gia đình sản phụ mới đồng ý. Lập tức, miềng cùng với gia đình cáng sản phụ trong chiếc võng đưa xuống sông rồi chèo đò vượt sông đưa sản phụ đến Trạm Y tế xã Xy. Cũng may, sản phụ vượt cạn an toàn…Rồi nhiều trường hợp như Pỉ Cả, Pỉ Ka Nươm ở bản Xi Ổi bị ốm nặng; Pỉ Lạch ở bản Cà Típ sinh khó…được miềng đưa sang Việt Nam cứu chữa kịp thời mới an toàn tính mạng. Đến cuối năm 2016, miềng đầu tư 30 triệu đồng mua lại chiếc đò máy cũ để tiếp tục làm nghề đưa đò trên sông Sê Pôn”, Trưởng bản Ra Man Hồ Ray nhớ lại.
Chuôi Thông, Hồ Ray chỉ là một trong số hàng chục chủ đò đang hàng ngày đưa đò trên dòng Sê Pôn. Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực nhưng thắm tình hữu nghị Việt Nam – Lào, họ đang góp phần nối gần hơn đôi bờ Sê Pôn.

Hoàng Tiến Sỹ

1 nhận xét: